Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

KHI ĐÃ CHẠNH LÒNG

“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc: 6, 34)

Không hiểu sao, đọc đoạn Tin Mừng hôm nay tôi lại nhớ đến thầy Châu, người đã mở ra một mái ấm để cưu mang chăm sóc những người bại não, những con người đã bị bỏ mặc cho số phận.
Tôi không biết nhiều về thầy Châu, chỉ biết rằng, thầy cũng có gia đình vợ con, nhưng vì thương những người bại liệt neo đơn cô lẻ, bị bỏ rơi, hoặc không có người thân chăm sóc, thầy đã đem về nhà mình nuôi dưỡng một cách tự nhiên như đó là bổn phận của thầy vậy. Tôi nghe người ta kể, trong những năm tháng khởi đầu, kinh phí để mái ấm này tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào công việc chăn nuôi. Thầy Châu mỗi chiều đẩy chiếc xe cà tàng với lủng củng những cái thùng, đi xin cơm thừa canh cặn ở những hàng quán, đem về nuôi heo... Sau đó, số người bại não trong nhà tăng lên, thầy dành hết thời giờ vào việc chăm sóc họ, nên không còn thời giờ cho việc chăn nuôi, thầy xin cơm thừa và rau quả ở các hàng quán về bán cho những người chăn nuôi để lấy tiền lo cho mái ấm. Cũng theo lời người kể, thì thầy Châu trước đây từng là tu sĩ trong dòng Gioan Thiên Chúa, điều này cho thấy, tinh thần của thánh Gioan Thiên Chúa đã thấm nhuần vào đời sống của thầy Châu. Khi tôi gặp thầy Châu lần đầu tiên, người bạn độc nhãn đồng hành với tôi, đã mô tả về ông thầy này như sau: thầy Châu quần ống thấp ống cao, dắt em này đi tiểu, đút cơm cho em kia... Trong số những người đi theo thầy Châu, có những thanh niên cao lớn nhưng cái đầu oặt sang một bên, miệng nói ú ớ, có những người phải ngồi xe lăn và thắt dây lưng an toàn kẻo té ngã... Tôi hỏi: “Thầy có nhiều người phụ việc để chăm sóc cho những người bại não không?” Thầy nói chỉ có vài ba người, nhiều người đến đây rồi không chịu nổi phải bỏ về...
Đọc câu Thánh Kinh: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Tôi nhớ đến thầy Châu, vì thầy đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy những cảnh đời nghiệt ngã của những người bại não mà không có lấy một người thân thích. Không chỉ chạnh lòng thương, thầy đã đưa họ về mà chăm lo cho họ, như Chúa Giêsu xưa đã từng chạnh lòng thương bầy chiên không người chăn dắt nên đã dạy dỗ họ nhiều điều, và đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để giúp họ vượt qua cơn đói. Tôi đã từng gọi điện thoại cho nhiều mái ấm, để xin họ nhận chăm sóc giúp cho một người bại liệt bị bỏ rơi, nhưng câu trả lời tôi nhận được đại loại là: “Ở đây đông lắm, không nhận thêm người nữa. Lúc tôi gọi điện đến mái ấm Phan Sinh ở Trị An xin giúp đỡ, lòng tôi chẳng mấy hy vọng, vì trước đó tôi đã biết mái ấm này đã lên tới gần một trăm người; thế nhưng, thầy Châu đã chẳng chút do dự khi trả lời tôi rằng thầy rất sẵn sàng.
Cách đây một tuần, người bại liệt mà tôi đưa vào mái ấm Phan Sinh là người thứ 94. Tôi hỏi, với số người đông như thế làm sao thầy lo xuể? Thầy Châu nói, thầy cũng cảm thấy rất kỳ lạ về điều này, nhưng thầy tin rằng mọi sự đều do Chúa quan phòng. Đã 17 năm trôi qua, bây giờ, thầy Châu vẫn duy trì công việc đi xin cơm thừa canh cặn và giao cho một người phụ trách. Nhưng, chuyện đó chẳng thể thấm vào đâu so với số đông người trong mái ấm. Thầy Châu tin rằng Chúa đã dẫn dắt những tấm lòng nhân ái đến với mái ấm, họ đã đem đến cho thầy những sự giúp đỡ một cách quảng đại. Và thầy cũng nói rõ rằng, trong số những ân nhân của mái ấm, thành phần Công giáo chỉ chiếm 20%, phần đông là người Phật giáo... Về công việc chăm sóc, cũng là sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, thầy Châu nói: “Có đến hơn chục người bị kích động về thần kinh, họ không đi đứng được, thế nhưng lại cứ bò lê bò lết ra đường, thậm chí còn moi rách cả bọc tã của họ ra mà ăn, vì thế phải cột tay chân họ lại, và phải để họ ở trong một phòng khóa chặt. Không làm thế, họ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong phòng đó, lại có một ông mù, ông này lại chăm sóc thu dọn vệ sinh cho họ mỗi sáng, và đút cơm cho họ rất gọn ghẽ. Hay vậy đấy!”

Lạy Chúa! Phép lạ Chúa vẫn làm hằng ngày, qua những tấm lòng và qua những con người mà Chúa sử dụng một cách có vẻ rất bình thường. Xin cho chúng con luôn biết mở lòng ra, với tình yêu của Lòng Chúa thương xót, mà đến với những ai khốn khó bất hạnh giữa cuộc đời này. Và xin cho hết thảy mọi người trong chúng con luôn cảm nhận được tình yêu của Lòng Chúa thương xót một cách tràn đầy ân sủng, Chúa nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét