Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

DẤU CHỈ GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Nhật ký đời tôi những ngày vừa qua đã ghi lại rất nhiều tình tiết, khiến tôi nhận ra ơn Chúa đầy tràn, cho dù bệnh tật truân chuyên có Chúa dẫn đường tôi chẳng còn phải ngại chi! Quả vậy, hôm nay đọc Lời Chúa:

“Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.”(Lc: 1, 62-64)

 Đó là câu chuyện về ông Giacaria, cha của Gioan tiền hô, kể từ ngày ông được thiên sứ báo tin vợ ông sẽ mang thai mà ông không chịu tin, nên ông đã bị câm... Và rồi, khi ông đặt tên cho con trai mình là Gioan theo lời thiên sứ đã truyền thì ông lại nói được. Ông Giacaria đã tin và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa. Tôi cũng thế, tôi đã tin và giờ đây tôi vô cùng cảm tạ, chúc tụng Chúa về những gì Chúa đã làm cho tôi. Mấy ngày trước tôi rất đau đầu, đến nỗi chỉ nằm im chịu trận, chẳng đọc kinh nổi nữa...

 

  Ngày 22/12/2020

5h00 sáng tôi thức dậy và nói với Chúa: Chúa cho con hôm nay khỏe để con đi thăm viếng người khuyết tật huyện Bình Chánh, đêm qua con ngủ ít quá, lát nữa đau thì không biết làm thế nào! Cầu nguyện một lát, tôi nằm trên giường tập thể dục, chuẩn bị một ngày sẽ phải đi nhiều đứng nhiều và ngồi nhiều trong tình trạng 2 chân đơ không cảm giác, cổ và vai cứng ngắc chẳng biết có ngồi được lâu?

6h00 tôi mở computer, tập hát karaoke bài ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG, để lát nữa sẽ hát cho bà con nghe, mong giới thiệu chút ít về Chúa Giáng sinh tới những người ngoại đạo...

6h30 tôi nhờ em gái đo đường huyết và chích thuốc, rồi chuẩn bị ra khỏi nhà.

7h15 tôi đã có mặt ở bệnh viện Bưu Điện, những ngày qua tôi nhập viện để điều trị theo một phác đồ kháng sinh, nhưng đã nói nhỏ với điều dưỡng trưởng cho phép tôi về nhà vì không có người chăm sóc ở bệnh viện, hôm nay cũng lại nhờ cô ấy tôi được chích thuốc sớm hơn mọi khi. Tôi rời khỏi bệnh viện vào lúc 7h30, và đi ăn sáng.

8h54 tôi có mặt ở quán Hương Đồng(Bình Chánh) trò chuyện với mọi người, ca hát và phát quà Noel cho một số người khuyết tật đã đợi tôi ở đó từ lúc 7h30...

10h20 tôi rời quán Hương Đồng để đến thăm những người khuyết tật nặng: anh Toàn, 52 tuổi, đã bị thoát vị 7 đốt đĩa đệm từ 4 năm qua, chúng tôi đến tự mở cửa đi vào nhà, tiếng chó sủa râm ran khắp ngõ đuổi tới sau lưng, anh Toàn đã chờ chúng tôi tự bao giờ, trò chuyện một lát thì vợ anh và mấy đứa cháu ngoại mới về, cảnh nhà thật xúc động...;sau đó, chúng tôi tới thăm bà cụ Láng, tôi đã tới nhà cụ lần này là lần thứ 6, không khí thân thương của một gia đình Nam bộ chất phác khiến tôi chẳng thể nào quên, bà cụ bị mù đã hơn 30 năm ở cùng với một người con gái bị chứng tâm thần, nên mỗi lần biết có khách tới cô con gái lớn đều trở về nhà để giúp mẹ tiếp khách... tôi rời khỏi nhà cụ Láng với lời nói của cụ: Năm sau cô lại đến nữa heng!

11h30 chúng tôi ghé tiệm ăn trưa. Tội nghiệp ông già Noel và bà chúa tuyết cứ phải đóng bộ đồ nhung dầy cộp...

12h00 chúng tôi xuất phát lên đường đi tới khu vực Phạm Văn Hai. 12h50 chúng tôi tới nhà dì Thích và đậu xe ở đó.

Một nhà trẻ đối diện với nhà dì Thích có 40 em nhỏ đang đợi chúng tôi. Hồi Noel năm ngoái, các em thấy chúng tôi thì gọi ông già Noel í ới, chúng tôi đã ghé vào cùng các em ca hát bài Jingle Bells, ông già Noel phát kẹo, các em vui lắm, các em chưa bao giờ được thấy ông già Noel... cô giáo nói với chúng tôi: Năm sau các anh chị ghé đây nữa cho các em vui!Nhớ tới lời của cô giáo, năm nay chúng tôi chuẩn bị thêm nhiều bánh kẹo, có em nhỏ đứng cạnh tôi nói: Hôm nay là ngày của bánh kẹo! Tôi cười: Today is the day of sweets, OK? Em nhỏ cũng OK... Cô giáo mở đĩa nhạc, chúng tôi cùng nhau hát “We wish you a merry Christmas” và “Feliz Navidad”, các em cũng hát bằng tiếng Anh những câu nào các em biết...

13h15 rời nhà trẻ, chúng tôi sang thăm dì Thích, tôi hỏi: Dì Thích có tên thánh là Lucia, đúng không? Dì cười: Sao mà cô nhớ hay dzậy? Tôi trả lời dì: ?Dì có tên thánh giống con mà!... Dì Thích có chồng bị mù, chồng dì đã chết, dì có 5 đứa con nhưng đã chết hết 3 đứa, dì sống đơn độc một mình... Tuổi già, chân bị tật, áp huyết cao, dì than thở: Người ta hết người này tới người nọ hỏi tôi sao không đi nhà thờ?... Tôi tủi thân lắm, tôi cũng muốn mặc áo dài nheo nhẻo đi tới nhà thờ như người ta chớ, nhưng cô coi, tôi ăn xong đem chén đĩa xuống nhà sau rửa, run rẩy chỉ sợ té bể đồ, hôm nọ tôi bị té đập đầu vô cái tủ giờ còn đau... mấy người đó họ nói tôi lười biếng... Tôi chẳng biết nói gì, ngồi nghe bà chúa tuyết an ủi dì ấy...

13h45 chúng tôi tới nhà dì Sương, dì đón tôi ở cửa, ôm chầm lấy tôi, hết hôn má bên này lại hôn má bên kia, thời buổi Covid ai mà cầm tay tôi đã hoảng, thế nhưng tôi chẳng e ngại gì cái hôn của bà vì bà đã quá đau khổ. Bị mù, chồng bà bỏ mặc bà với con gái, con gái chán bà bỏ đi hoang, lần lượt mang về cho bà nuôi 5 đứa cháu ngoại không cha, bà đi bán vé số bán nhang cùm cụm nuôi cháu... Bà giận chồng giận luôn cả Chúa, thế nhưng khi quá đau khổ bà vẫn kêu tên Giêsu, chỉ có điều bà chờ ngày nào mẹ bà chết bà mới đi nhà thờ, tôi không hiểu vì lý do gì, nhưng vẫn cầu nguyện cho bà... Tôi hỏi: Cháu dì được về chưa? Bà khóc mà đáp: Nó được về rồi con, giờ nó ngoan nó không đi đánh lộn với người ta nữa! Tội nghiệp thằng bé 15 tuổi, bị ức hiếp cãi nhau rồi hăng lên chém người ta, nhưng nhà người ta có tiền con người ta không sao mà cháu bà phải vô trại giáo dưỡng, hồi năm ngoái tôi nghe tin này đã âm thầm cầu nguyện cho cháu nó... Chia tay với dì Sương lại thêm một chuỗi ôm hôn, chúng tôi rời khỏi nhà dì lúc 14h05...

15h00 cả đoàn tới mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, nơi đây các sơ nuôi dạy khoảng 40 em nhỏ khiếm thị. Nắm lấy những bàn tay nhỏ bé, tôi cảm thấy như nắm lấy tay Chúa Hài Đồng, các em càng vô tư bao nhiêu tôi càng thương các em bấy nhiêu vì dù sao tôi hạnh phúc đã có 28 năm nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Các em vô tư hát và hát rất dễ thương những bài ca mừng Giáng Sinh. Tôi chia tay với các sơ mà nói: Con sức khỏe yếu, chẳng làm được như các sơ, con cùng anh chị em khuyết tật mỗi ngày vẫn cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ, xin Chúa ban cho các sơ sức mạnh và ơn khôn ngoan để các sơ có sức khỏe phục vụ tha nhân...

15h30 chia tay với mọi người, tôi nhẩm tính trong đầu và nhớ tới lời hứa hôm nọ, tôi đi tiếp đến nhà một người bạn để nhờ chuyển một số tiền lên buôn Hằng, gọi là một chút để giúp thầy Kiện tổ chức mừng Noel cho đồng bào thiểu số ở trên đó, nơi mà cơm trắng ăn với tí muối Tây Ninh cũng đã là món ăn sang...

16h05 tới nhà Phú, lâu ngày không gặp, vừa mới trò chuyện vài câu, tôi nhận được phone của Đồng Xanh Thơ Sàigòn gọi đi viếng đám tang nhà thơ Bùi Nghiệp, một nhà thơ tôi nể phục; nhớ lần gặp gỡ đầu tiên giữa tôi và anh, là hồi anh đi nhận giải thưởng của cuộc thi SEN GIỮA LẦY, tôi gặp anh ở một chiếu nghỉ của cầu thang và nghe anh hỏi: “Vũ Thủy phải không?” tôi ngớ ra một lúc rồi nhận ra: “Anh là Bùi Nghiệp?” Anh cười: “Hay quá vậy, sao cô biết tên tôi?” Tôi đáp: “Em nhận ra giọng nói của anh lúc nãy phát biểu trên bục trao giải đó” Và tôi chớp thời cơ xin địa chỉ email của anh để sau này liên lạc, anh gởi cho tôi một số tài liệu về thơ cổ và khuyến khích tôi làm thơ cổ, tôi biết mình chẳng đủ sức theo đuổi lãnh vực này nên đã giới thiệu cho anh làm quen với Cao Bồi Già... Nhớ tới những kỷ niệm đó, lòng tôi man mác buồn vì nền thơ ca Việt Nam từ nay mất đi một người tài hoa... Tôi trở về nhà chuẩn bị đi viếng tang. Tranh thủ tập thể dục 15 phút cho 2 chân đỡ phù, gởi email báo ai tín cho Cao Bồi Già, ăn qua loa chút bánh rồi lại ra đi...

Xuất phát lúc 18h15 tôi và người bạn độc nhãn loay hoay mãi mới tìm được con đường gần nhà anh Bùi Nghiệp. Trời lất phất mưa, tôi bỏ quên điện thoại chẳng có số để liên lạc với Đồng Xanh Thơ, chúng tôi chìm trong tăm tối với những dãy nhà ngang dọc đánh số lung tung, may sao bạn tôi có số phone của Cha linh hướng, sau đó cũng gặp và theo xe của Cha đi tiếp tới nhà tang vào lúc 19h35... Sau khi cầu nguyện cho người quá cố, tôi tham gia cuộc họp dã chiến của ĐXT Sàigòn. Cuộc họp còn đang dang dở nhưng tài xế của tôi sốt ruột chuyện nhà nên giục tôi về, khi đó cũng đã 21h25. Về tới nhà lúc 22h10, em gái nóng lòng đứng sẵn ở cửa ngóng tôi...

Tôi vẫn còn một việc hôm nay chưa làm, đó là chúc mừng sinh nhật của một chị bạn trong nhóm Viết Cho Nhau, một công việc mà cả nhà VCN thường gọi tôi là mõ làng, nghĩa là nhắc cho cả nhà nhớ đến sinh nhật của một thành viên. Mấy tháng nay phần mềm gởi email của tôi bị lỗi rất khó xài, tuy vậy tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ vì đây cũng là nghĩa cử tôi nên làm trước một người chị đã luôn hy sinh tận tụy vì người khác...

23h10 tôi lên giường ngủ, nằm suy nghĩ miên man, một bạn thơ qua đời, một người mù tôi tới tặng quà thì lại gặp người con báo tin cha đã mất... tôi nhớ lần đầu tiên tặng quà cho 43 người mù ở Bình Chánh, năm sau có thêm 4 người khuyết tật vận động , nay chỉ còn lại 33 người cả thảy, trừ người mù vừa mất đó thì còn vỏn vẹn 32... cuộc sống sao quá vô thường!

Tôi viết những dòng này trong cơn đau đầu đau cổ và đau chân tựa như mấy ngày trước, mà lòng vẫn rất vui vì chợt nhận ra rằng: Chúa đang tỏ lộ cho tôi thấy lời cầu nguyện vào sáng sớm hôm qua của tôi đã được Chúa thực hiện, vì ngày hôm qua tôi đã hoạt động với một tần suất dày đặc đối với một người đang mang nhiều chứng bệnh nặng nề... tôi đã đi tổng cộng hơn 100 cây số, đến với nhiều người và chia sẻ niềm cảm thông với nhiều số phận... Một lần nữa, tôi vô vàn cảm tạ và chúc tụng Chúa như xưa ông Giacaria đã mở miệng lưỡi chúc tụng Chúa vậy. Amen! 

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

CHO VÀ NHẬN

  Những ngày tháng vừa qua đã có nhiều biến cố xảy ra trên toàn cầu, khiến con người cảm thấy điêu đứng và hoang mang sợ hãi, chẳng biết nhân loại sẽ đi về đâu? Đại dịch CoVid-19 lan tràn khắp nơi trên thế giới, lấy đi bao nhiêu sinh mạng con người; và làm cho nền kinh tế toàn cầu trì trện dẫn tới nhiều người phải sống trong lo âu cô độc...  Đã vậy, liên tiếp những cơn mưa lũ và sụt lở núi đồi làm thiệt mạng biết bao người; nhiều gia đình bị tiêu tán tài sản, khắp dải đất miền trung Việt Nam trở nên tang thương thảm sầu không sao kể xiết!

  Một năm nhiều truân chuyên dần trôi, tháng 12 đã đến, mang lại cho tôi niềm hy vọng, dẫu rằng những chuyện tang thương và những nỗi đau buồn vẫn còn đang âm ỷ; nhưng, qua những biến cố đó, bạn và tôi chắc hẳn ít nhiều cũng đã nhận ra được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã quan phòng cho mỗi chúng ta? Phần tôi, tại căn phòng bé nhỏ của mình, mỗi ngày tôi đều theo dõi tin tức đó đây, thấy rằng trong cơn đại dịch, Chúa đã tỏ lộ tình thương của Chúa qua những con người trần thế: những tình nguyện viên và những y, bác sĩ sả thân tận tụy phục vụ bệnh nhân, dẫu biết rằng sự lây lan rình rập đầy nguy hiểm ở quanh họ; những người không có nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch thì chia sẻ vật chất cũng như thời gian của họ, qua những suất cơm hoặc những phần gạo thùng mì, hoặc những chiếc khẩu trang tự chế đem phân phát cho dân nghèo; tôi chẳng làm được gì thì ngồi nhà âm thầm cầu nguyện cho mọi người... Rồi khi nghe đồng bào miền trung bị lũ lụt vây bủa, lại có biết bao tấm lòng chạy tới tận nơi để cứu trợ... Tôi cũng đã trở thành một chiếc cầu nối nho nhỏ cho một vài người trong việc cứu trợ này mà cảm thấy sáng lên những tia hy vọng! Nhiều người cho rằng, suy thoái kinh tế bởi CoVid dẫn đến thu nhập thấp, sẽ càng khó có thể chia sẻ cho nhau về vật chất... trái lại, thấy đồng loại quanh mình thiếu thốn, nhiều người vẫn trao ra, cho đi những khoản tiền tiết kiệm, tiền trợ cấp của họ, một cách rộng mở hơn cả trước khi có nạn dịch! Trong tháng 12 này chúng ta chờ đón ngày trọng đại nhất của người Kitô hữu, đó là ngày lễ Giáng Sinh, có lẽ trong lòng mỗi người đều mang niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cho người thân bạn hữu. Tháng 12 còn có Ngày Quốc tế Người khuyết tật, là niềm vui cho tôi và các bạn KT; ít nhất, ngày này cũng nhắc nhớ mọi người biết được đôi điều về chúng tôi. Nhắm tới ngày này, một trong những người rất quan tâm tới Huynh đoàn Khuyết tật Kitô Vua là Bảo Dung, cô đã mời gọi tôi cùng hợp tác trong việc tạo một sân chơi, với hy vọng qua đó có thể giúp mọi người hiểu biết thêm chút ít về người khuyết tật. Bảo Dung nói với tôi: “Em mong rằng qua những cuộc chơi này, phía tình nguyện viên sau khi phục vụ các anh chị KT, hiểu ra rằng họ cũng nhận lại được về cho mình một điều gì đó chứ không chỉ là cho đi như họ nghĩ!” Ý tưởng đó từ lâu đã nhen nhúm trong tôi; vì thế, tôi đã cùng với Bảo Dung chuẩn bị một vài hoạt động nho nhỏ, trong đó có một hoạt động cô ấy gọi là “MÌNH CÙNG XEM PHIM”. Chúng tôi gồm 60 người: trong đó có 15 người khiếm thị và 25 người khuyết tật vận động sẽ được 20 tình nguyện viên dắt dìu bồng bế vào Galasy Nguyễn Du xem phim. Chúng tôi lẽ ra sẽ cùng nhau tới Galasy Nguyễn Du vào sáng ngày 2/12; tiếc thay, buổi xem phim đã bị hủy bỏ, vì CoVid lại bùng lên một cách bất ngờ vào chiều ngày 30/11/2020.

  Xem phim là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là để cả hai phía chúng tôi: người khuyết tật được phục vụ là người nhận được niềm hạnh phúc, cũng đồng thời là người mang lại cho các tình nguyện viên niềm vui của sự hy sinh phục vụ! Hạnh phúc đó tôi đã nhiều lần trải nghiệm, sự cho đi có khi còn hạnh phúc gấp bội so với nhận, niềm vui ấy mênh mang và lưu dấu mãi trong tim óc... Vì vậy, tôi viết lại những dòng chữ này, như một sự chia sẻ yêu thương cho các bạn KT, khi cho đi tất cả những gì ta đang có thì sẽ luôn nhận được những niềm vui mà ta không thể đong, đo, cân đếm!

Theo cha PX Nguyễn Phước Bảo Lộc thì KT là sự viết tắt của chữ: KiTô, Khuyết Tật, Khiếm Thị, Khiếm Thính...