Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI

Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”
(Gioan: 1, 11)

Nhờ có Người,
trái đất này, vũ trụ này mới được tạo dựng.
Thế nhưng, nhân loại đã làm cho công trình của Cha bị hoen ố!

Lòng dạ con người có những lỗ “đen”,
Cuộc đời lắm bon chen khiến con người đâm ra tội lỗi...

Cha đâu thể làm ngơ trước những nỗi đau của nhân loại!
Cha đã sai Con Một xuống thế trần, gánh lấy mọi oan khiên!
Cha muốn Con đem lại bình yên cho mặt đất, cho mái nhà của hết thảy mọi người!

Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.”
Người vẫn tận tụy dâng hiến trọn tình yêu!

Ai đã nghe tiếng kêu của Người hy sinh trên thập giá
Ai là người đã thấu hiểu trái tim Cha
Có ai chăng, có ai đã từng là bụi gai nở hoa giữa dặm trường thiên lý?

Ôi, lạy Chúa! Xin cho con lý trí
Để con biết nhận ra thiên ý của người Cha
Mà nở hoa từ bụi gai giữa lầm than sương gió!
Xin Cha ban một bó đuốc soi đường
Để đời thường dẫu dặm trường khốn khó
Con sẽ luôn biết đón nhận Gió thần linh
Và để tình Cha chẳng phải xót xa vì nỗi đau của Người hy sinh trên thập giá!!!

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

NÓI VỀ ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

“Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.”
(Luca: 2, 36-38)

Mới nghe qua lý lịch trích ngang của bà Anna, ta tưởng chừng như có một cảm giác rằng, cuộc đời của bà Anna dài đăng đẳng với một lối sống nhiệm nhặt khắc khổ. Nếu cuộc sống kéo dài như cung cách của bà Anna, và ai ai cũng sống như thế, thì có lẽ cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán quá chăng? Có lẽ các bạn trẻ sẽ nói: Mấy cụ già gần đất xa trời thì sống như thế, chứ tụi cháu làm sao có thể sống mãi cuộc sống như vậy được!”
Thú thật với các bạn, trước đây tôi cũng đã từng có lối suy nghĩ như trên, bây giờ tôi hoàn toàn không còn một chút suy nghĩ nào như thế nữa! Chẳng phải tại bởi tôi đã gần đất xa trời, mà tại bởi vì hơn bao giờ hết, tôi đang sống với một sức sống tràn trề và đầy linh diệu, bạn ạ!

Tuổi đời của tôi đâu còn trẻ, chỉ mấy ngày nữa thôi, tôi sẽ bước vào ngưỡng cửa của tuổi 50, nhưng tôi đang sống lại những ngày của thời còn là một sinh viên trẻ khỏe. Điều gì đã khiến cho tôi trở nên như vậy, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, tôi là một người đầy những bệnh là bệnh, lại toàn những bệnh nan y mãn tính nữa chứ! Nào là những bệnh về tuyến nội tiết, nào là thoái hóa cột sống, nào là rối loạn hệ thần kinh sinh dưỡng... đứng thì không vững, ngồi cũng chẳng xong! nói chung tôi là kẻ bất trị trước các bác sĩ mất rồi. Thế nhưng, tôi vẫn có thể sống vui sống khỏe và sống trẻ như các bạn, là bởi vì đời tôi có Chúa, một vị Chúa của tình yêu. Và, tôi rất muốn nói cho các bạn nghe về vị Chúa ấy, cũng như bà Anna đã từng làm như thế vào ngày Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng Hài nhi Giêsu vào Đền thánh: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.” Tôi tin rằng bà Anna cũng giống như tôi, khi bà cảm tạ Thiên Chúa và say mê nói về Chúa cho người khác nghe, chính là lúc bà nhận được sức sống tràn đầy từ Chúa Thánh Linh.

Bạn sẽ hỏi tôi: Chúa cứu độ “you” bằng cách nào? Đơn giản lắm! Tôi kể cho bạn nghe một ví dụ nho nhỏ như thế này. Một lần nọ, tôi sơ ý xô nhẹ vào một người đi đường, người đó bực bội mắng vào mặt tôi rằng: “Bộ đui sao mà đi không tránh người ta?”, rồi bà ta còn định xô lại tôi cho bõ ghét. Như những ngày xa xưa thì tôi đã mắng lại bả rồi. Tôi đã bị mù, đứng còn không vững, bả còn muốn xô cho tôi té nữa, không tức sao được! Nhưng tôi chợt nhớ lại ánh mắt nhẫn chịu của Chúa Giêsu khi đang bị treo thân trên thập giá, tôi không còn chút nào của sự tức tối, mà nhẹ nhàng nói: “Xin lỗi chị, tôi bị mù!”, người phụ nữ kia khựng lại... rồi đột nhiên ôm lấy tôi, bà xin lỗi với một giọng nói như có chứa nước mắt. Lúc đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, bạn ạ! Bởi vì, lúc đó giữa chúng tôi có Chúa. Bạn nghĩ xem, có phải là tôi và người phụ nữ kia đã được Chúa cứu độ cho thoát khỏi cuộc cãi vã nảy lửa đó rồi không? Cuộc đời còn lắm chuyện phức tạp hơn thế nhiều, nếu bạn và tôi luôn giữ được Chúa ở trong lòng thì sướng nhỉ?

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu! Chúa biết con quá rõ! Nhiều khi con đã bỏ quên Chúa nằm chơ vơ trong máng cỏ lạnh lẽo, mải mê theo lối sống thế gian để rồi buông lỏng cho hỷ, nộ, ái, ố của mình làm phương hại đến người khác. Xin cho con luôn biết kiểm soát bản thân, để con có thể giữ cho tâm hồn mình nên như một máng cỏ ấm nồng nơi Chúa ngự, và để con có thể mạnh dạn nói về ơn cứu độ của Chúa cho những người sống chung quanh con, Chúa nhé!

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Ở LẠI TRONG ÁNH SÁNG

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,
và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.
Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối
và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,
vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.”
(Gioan I: 2, 10-11)

Khi ta giận hờn với một ai đó, những suy nghĩ của ta cứ bị vướng víu lẩn quẩn mắc vào nỗi bực tức, lòng ta khó mà thanh thản bình an. Rồi cái sự bực mình, cái cục tức giận cứ lớn dần lên, nó làm cho ta trở nên cau có một cách vô lối. Lời thánh Gioan thật chí lý:
“Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.”
Trong cuộc sống của ta, có lắm lúc phát sinh ra những nỗi giận hờn ghen ghét bởi những hiểu lầm, bởi những tranh giành hơn thua được mất, bởi những đố kỵ âm ỷ... Hậu quả gần nhất của ghen ghét giận hờn sẽ tạo nên một bộ mặt cau có tức giận. Ta lại trút cái bực mình tức giận đó lên đầu những người thân của ta, những người đồng nghiệp của ta. Những người mà ta tiếp xúc, họ bỗng dưng phải chịu đựng nỗi cáu giận của ta một cách vô lý! Chưa kể đến nỗi cáu giận có thể dẫn ta đến những hành động sai lầm một cách nghiêm trọng hơn, không dễ gì cứu vãn. Nếu như ta biết kiềm chế nỗi cáu giận, thay vào đó là sự xem xét lại hành vi cử chỉ của mình, ta có thể hóa giải được nỗi giận hờn đó mà tự giải thoát mình. Như vậy là ta đã tìm lại được sự bình an cho chính ta. Còn nếu ta nuôi cái giận hờn, thì bực mình nhỏ sẽ trở thành nỗi cau có lớn, chính là ta tự chuốc khổ vào thân! Vì, có khi cái kẻ mà ta ghét kia lại đang rung đùi thanh thản, chẳng biết gì đến nỗi bực tức của ta. Khổ thế, chi bằng ta đừng nuôi chí giận hờn với hắn! Nếu không làm vậy, thì ta chẳng được lợi lộc gì; trái lại, ta đang dấn bước vào con đường đầy bóng tối, và mắt ta sẽ trở nên mù quáng. Giận hờn hắn có khác nào ta tự chuốc khổ vào thân!

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.” Quả thật, “yêu nhau chín bỏ làm mười”, đã yêu ai rồi thì dễ dàng bỏ qua những hơn thua được mất với người ấy. Trong lòng chất chứa yêu thương thì đâu còn chỗ đứng cho tính ghen tuông đố kỵ!

Con đi theo Chúa, Chúa bảo con bỏ mình vác thập giá mà theo Chúa!
Lạy Chúa! Xin cho con luôn biết kiểm soát mọi hành vi cử chỉ của mình, để đôi mắt của con không trở nên mù quáng.
Chúa là ánh sáng đời con, Chúa đã dạy con mến Chúa yêu người, xin cho con luôn biết yêu thương anh chị em của con, để con mãi được ở lại trong ánh sáng, để con không phải bước đi trong bóng tối của hận thù ghen ghét, Chúa nhé!

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

BÍ QUYẾT CỦA THÁNH GIA THẤT

“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”
(Luca: 2, 39-40)

Hôm nay mừng kính lễ Thánh gia thất, trong lòng tôi ngổn ngang rất nhiều suy tư và trăn trở. Biết bao thực trạng đau lòng đang xảy ra trong các gia đình, biết bao bi kịch và hậu quả của nó, tất cả đều do xung đột vì những quan điểm vị kỷ của các thành viên trong gia đình. Ly dị ngày càng gia tăng, cha mẹ mải làm ăn hơn là quan tâm đến con cái, con cái coi những lời dạy bảo của cha mẹ là lỗi thời... khiến nhiều gia đình không còn là tổ ấm cho mọi thành viên của nó nữa! Vậy, một gia đình Công giáo phải dựa vào đâu để có thể đứng vững trước những khủng hoảng ngấm ngầm của xã hội như thế?

Nhìn vào gia đình mẫu “Thánh gia thất” năm xưa, tôi thấy thánh Giuse, Mẹ Maria và bé Giêsu cũng không phải là ít khó khăn. Mẹ Maria muốn giữ mình đồng trinh, đứng trước sự kiện Truyền Tin, Mẹ đã phải bỏ ý riêng mình, can đảm nói lên hai tiếng “Xin Vâng”... Trước khi thành hôn, ông thánh Giuse cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh bế tắc, đến nỗi suýt lặng lẽ bỏ Mẹ Maria mà đi, vì chưa hiểu được thánh ý của Thiên Chúa... Mẹ Maria và thánh Giuse đã phải vất vả biết bao khi trốn sang Ai cập, để bảo toàn tính mạng cho con trẻ... Nhờ đâu mà các ngài đã vượt qua được những cơn sóng dữ ấy? Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi thấy, Thánh Giuse và Mẹ Maria đã luôn sống tuân theo luật lệ của Thiên Chúa: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê.” Có lẽ vì đã làm mọi việc đúng theo luật Chúa truyền, mà hai ông bà cảm thấy thanh thản bình an!
Còn bé Giêsu thì sao? Mặc dù là Con Thiên Chúa, song Chúa Giêsu đã sống như một lê dân bình thường! Suốt ba mươi năm được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình lao động, Chúa Giêsu cũng đã sống một cách tuân phục,Ngài đã sống trọn vai trò của một người con thảo hiếu với cha mẹ...
Tôi nhận ra rằng, bí quyết thành công của ba thành viên trong Thánh Gia Thất chính là cách sống vâng phục theo thánh ý Chúa Cha trên trời. Thánh Gia Thất đã nêu một tấm gương sáng cho mọi gia đình noi theo, đó là các ngài đã luôn tuân giữ theo đúng luật của Thiên Chúa, luôn làm theo những chỉ dẫn của luật lệ Chúa. Tin Mừng không nhắc đến một điểm gì nổi bật khả dĩ nói lên được gia đình của thánh Giuse là một gia đình đặc biệt. Thời đó, đối với những người dân sống trong vùng, gia đình của thánh Giuse đơn thuần chỉ là gia đình của một bác thợ mộc mà thôi. Gia đình này đã trở nên “Thánh Gia Thất” chính là vì cả ba người họ đã sống nên thánh bằng sự khiêm nhường và tuân phục theo thánh ý của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu! Xin cho mọi người trong gia đình chúng con biết sống theo gương “Thánh Gia Thất”, để mỗi người trong chúng con có thể đóng trọn vai trò của mình đã được Chúa Cha giao phó. Xin ban cho mỗi gia đình một ngọn lửa ấm áp của tình yêu và một niềm tin trọn bề phó thác, để mỗi gia đình của chúng con sẽ trở nên tổ ấm của mọi thành viên trong đó luôn mãi, Chúa nhé!

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU THƯƠNG MẾN

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.”
(Gioan: 20, 1-8)

Đoạn Tin Mừng trên đây tường thuật lại cảnh “ngôi mộ trống”, kết thúc ở câu “Ông đã thấy và đã tin.” Vậy, ông đã thấy những gì và đã tin điều gì?
Thánh sử Gioan đã mấy lần gọi “người môn đệ Đức Giêsu thương mến” là “người môn đệ kia”, có lẽ vì ông muốn tránh nhắc đến tên mình chăng? Tôi thấy, lòng yêu mến của ông dành cho Đức Giêsu thể hiện ở chỗ: “môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô”. Gioan quả không uổng công Chúa đã thương mến ông nhiều, ông đã đáp lại mối tình của Giêsu bằng một lòng yêu mến nhiệt thành và một tâm hồn lắng nghe tha thiết! Bởi sự nhiệt thành và tinh thần lắng nghe tha thiết ấy, ông đã chạy thật nhanh để được chứng kiến tận mắt ngôi mộ trống; và bởi tinh thần lắng nghe tha thiết đã khiến ông ghi nhớ được tất cả những gì Chúa Giê-su tiên báo trước kia. Nhờ vậy mà ông đã trở nên một chứng nhân hùng hồn cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. “Ông đã thấy và ông đã tin.”, niềm tin của Gioan là một niềm tin xác thực, niềm tin vào “ngôi mộ trống”. Khi vừa nhìn thấy những gì xảy ra trong “ngôi mộ trống”, Gioan đã kịp sắp xếp lại mọi dữ kiện trong đầu... để rồi khẳng định rằng “Ông đã thấy và đã tin”. Chúa Giêsu đã từng nhiều lần báo trước cho các môn đệ rằng, Ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại. Khi Ngài còn ở với các ông, có thể thánh sử Gioan còn mơ hồ về những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng khi nhìn thấy “ngôi mộ trống” và những khăn liệm được xếp lại ngay ngắm, một câu hỏi có thể đã bật ra trong suy nghĩ của Gioan: “Kẻ trộm xác có thì giờ đâu mà ngồi xếp khăn liệm cho ngay ngắn, và xếp ngay ngắn lại để làm gì?”. Chưa hết, nếu Chúa Giêsu không thực sự sống lại, thì đâu là nguồn động lực cho Gioan ngồi viết lại những chuyện như trong đoạn Tin Mừng hôm nay? Nếu tôi là người được chứng kiến cảnh tượng ngôi mộ trống trong sáng sớm ấy, tôi sẽ suy luận theo chuỗi logic đó, và tôi cũng sẽ khẳng định một điều giống như Gioan vậy.
Tôi không phải là người được Đức Giêsu thương mến hay sao? Trong cuộc đời mình, đã biết bao lần tôi được cùng Người chia sớt niềm vui và nỗi buồn? Vậy, tôi đã thực sự lắng nghe và ghi nhớ những gì Chúa nói với tôi qua Tin Mừng hay chưa? Tôi đã hăng hái khẳng định niềm tin của mình cho những người sống chung quanh chưa?

Hỡi “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến”!
Con tin ngài chính là vị thánh sử Gioan khiêm nhường! Xin ngài cầu bầu cùng Chúa cho con có được niềm tin vững mạnh và đức tính khiêm nhường như ngài đã thể hiện năm xưa!
Lạy Chúa! Xin cho con luôn sống xứng đáng làmột “môn đệ Đức Giêsu thương mến” như thánh Gioan xưa đã hết lòng lắng nghe và đã vững tin vào Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men!

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

NÊN THÁNH NHƯ STÊPHANÔ

‘’Họ ném đá ông STêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng : "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con." Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng : "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.’’
(Tông đồ Công vụ: 7, 59-60)

Thánh STêphanô trong thời kỳ tiên khởi của Hội thánh là tấm gương mẫu mực cho tôi noi theo. Ngài đã chứng tỏ mình là một đồ đệ xuất sắc của Chúa Giêsu, khi ngài nói "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Tôi nghĩ, chỉ cần một câu nói này thôi, cũng đủ để người môn đệ của Chúa Giêsu, ông Stêphanô, được tôn lên là một vị thánh rồi.
Vào thời điểm mà ông STêphanô thốt lên câu nói đó, ông đã khắc họa lại hình ảnh Chúa Giêsu nói lời tha thứ cho những kẻ hành hạ mình, trong những giây phút cuối cùng của Người trên đỉnh đồi Canvê chiều xưa. Hình ảnh ấy, lời nói ấy dẫu rằng quá não nùng và bi thống; song, chính hình ảnh ấy và lời nói ấy đã là đỉnh điểm của sự tha thứ mà Chúa đòi hỏi ở các môn đệ Người.
Nhìn lại cuộc sống thường nhật của mình, tôi thấy mình đã từng chấp nhặt sân si đủ điều với những người chung quanh, chính vì vậy mà đôi lúc sự bình an trong tôi đã bị khuấy động. Đôi khi trước những sự việc nghiêm trọng, người ta có thể bình tĩnh để mà nhường nhịn nhau. Nhưng có những sự việc tưởng chừng chẳng đáng gì, lại khiến người ta khó chịu bực mình. Và rồi, nó chờ đợi một sự bùng nổ! Đó là khi bản tính nhỏ nhen trong tôi có cơ hội lớn lên. Cuộc sống này không dễ để cho con người ta nên thánh là vì vậy.

Thánh STêphanô kính mến!
Con tự hỏi, “Tại sao, mới hôm qua đây thôi, mọi người hân hoan cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh, hôm nay Giáo Hội lại để cho lòng mọi người phải chùng xuống vì câu chuyện ngài bị chống đối và bị ném đá một cách oan nghiệt như thế?” Và con đã tìm được câu trả lời. Chúng con được nhắc nhở phải noi theo gương ngài, ngài đã sống đúng theo những gì thầy Giêsu chỉ dạy. Chúng con được nhắc nhở rằng, Chúa giáng trần và chịu kiếp nghèo hèn đau khổ để cứu độ chúng ta, Chúa đã trung trinh vác thập giá vì chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta bước đi theo Chúa để được lãnh nhận ơn cứu độ. Đó mới là mục đích chính của việc Chúa giáng trần!
Hôm nay mừng lễ thánh của ngài, xin ngài hãy cầu bầu cùng Chúa cho con được ơn biết tha thứ như ngài đã từng tha thứ cho những kẻ ném đá mình. Xin cho con biết sống nhẫn nhịn như Chúa Giê-su xưa, nhẫn nhịn như Chúa thứ tha cho những người lính đã hành hạ và đánh đập Người trên con đường Thập Giá.
Lạy Chúa! Xin ban cho con tấm lòng chịu đựng như thánh STêphanô xưa đã kiên tâm chịu đựng vì danh Chúa, để con cũng được trở nên một chứng nhân cho Chúa như vị thánh đã từng nêu gương cho chúng con vậy, Chúa nhé!

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

ÁNH SÁNG CHO NHÂN LOẠI

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.”
(Gio-an: 1, 3-5)

Giữa tăm tối đời tôi
Chúa chính là sự sống,
Người là ánh sáng của tôi!
Chúa tạo nên tôi
giữa muôn trùng nhân loại
Có lẽ nào, Chúa lại bỏ mặc tôi:
cho bóng tối hoành hành;
cho đời tôi tàn lụi?

Cả địa cầu đang dập dụi trong bóng tối
Tình thương bị chối từ,
nhiều người đã quên, mình là con Thiên Chúa.

Ôi! Đức Chúa từ bi nhân hậu:
Ngài đâu bỏ mặc tôi cho bóng tối hoành hành!
Ngài đã không ngoảnh mặt làm ngơ, trước bóng tối của lòng người hoang mạc.

Một Đấng Cứu Thế được sinh ra
Đấng ấy chính là ánh sáng,
là sự sống của chúng ta,
cho chúng ta được hưởng ơn cứu rỗi!
Mỗi lời Người là mỗi trung trinh:
Lời ban phát tình yêu sâu thẳm,
Lời trao ban sự sống vĩnh hằng,
Lời tỏa ánh sáng như bình minh rực chiếu!

Hôm nay, thiếu nữ Si-on hò reo hớn hở
Vì Thiên Chúa chúng ta đang ở giữa loài người
Người là ánh sáng của tôi
Người dắt tôi đi, qua miền thung lũng tối
Những ngày u ám đã qua rồi!
Tôi ngồi đây chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng
Ôi! Ánh sáng của buổi hồng hoang đang trẻ lại!!!!!

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

SƯỞI ẤM CHÚA HÀI ĐỒNG

“Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang.”
(Ti-tô: 2, 11-13)

Mỗi năm, gần đến ngày lễ Giáng Sinh, không khí lễ hội khiến trẻ con thì háo hức và người lớn thì chộn rộn, người ta đi mua sắm quần áo đẹp để chưng diện và những đồ trang trí cây Noel sao cho thật đẹp mắt... Các cửa hiệu ở những khu trung tâm thành phố bày la liệt những món quà Giáng Sinh, những cửa hiệu sáng choang ánh đèn điện, tiếng nhạc Noel vang vang đó đây khiến cho lòng người cảm thấy rộn rã. Đặc biệt, ở những khu phố có nhiều người Công giáo sinh sống, không khí Noel tràn ngập từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những cây Noel rực rỡ và những hang đá làm theo đủ kiểu, tân thời hiện đại có, bình dân cổ kính cũng có. Chen vào những háo hức mừng vui đón lễ hội ấy, là những nỗi lo buồn, những nét đăm chiêu trên khuôn mặt của những đứa trẻ, của những cha mẹ nhà nghèo, vì sự cách biệt sang hèn quá rõ rệt trong xã hội... Có bao nhiêu người giàu biết nghĩ đến những người đang trong cảnh “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”? Có bao nhiêu người biết chia sẻ những niềm vui mình đang sở hữu cho những người bất hạnh hơn mình? Nhiều người đã quên mất tiêu rằng, Chúa Hài Đồng sinh ra trong một hang đá ngoài cánh đồng hoang vắng, và Chúa Hài Đồng đã nằm trong một máng cỏ tanh hôi. Người ta tiêu tốn rất nhiều tiền vào việc làm những hang đá, và còn đua nhau làm sao cho hang đá của mình là độc đáo và hiện đại nhất với những ông già Noel được điều khiển bằng remote... Người ta đón chờ Chúa đến để làm gì? Chẳng phải là để được Chúa cứu thoát mình ra khỏi tối tăm mù mịt hay sao? Tôi đã chuẩn bị để đón Chúa, hay chỉ là đón chờ một lễ hội? Đặt ra những câu hỏi này, tôi thấy mình nhiều khi đã đón chờ lễ Giáng Sinh với một tâm hồn cũng hời hợt như thế!
Lời thánh Phao-lô hôm nay nhắc nhở tôi: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.” Niềm vui Giáng Sinh sẽ chẳng vẹn tròn, nếu tâm hồn tôi chưa sẵn lòng đón ánh sáng của ân sủng Chúa. Niềm vui Giáng Sinh sẽ chẳng ở lại với tôi, nếu tôi chưa biết từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ chẳng thể ở lại với tôi, nếu tôi chưa hết lòng làm cho vinh quang của Người được tỏa sáng chung quanh nơi tôi sống!

Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su! Chúa đã từ bỏ địa vị cao sang nơi thiên quốc, mà mặc lấy xác phàm để trở thành Ngôi Hai nhập thể, sống giữa những con người thấp hèn như chúng con. Xin cho con biết từ bỏ “cái tôi” của chính mình, một lòng tìm đến với những người anh em nghèo khổ bất hạnh, mang tình yêu của Chúa đến trao cho họ. Xin cho chúng con luôn biết mở lòng ra đón nhận và sưởi ấm cho những ai đang lạnh lẽo thiếu thốn, như máng cỏ năm xưa đã đón nhận và sưởi ấm Hài Nhi Giáng Sinh vậy, Chúa nhé!

TUYẾT TRẮNG LUNG LINH
Nhạc : Nguyễn Văn Hiển-Thơ : Vũ Thủy

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

TIN & LÀM THEO NHỮNG ĐIỀU MÌNH TIN

“Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." Họ bảo bà : "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.”
(Lu-ca: 1, 59-64)

Ông Gia-ca-ri-a vì không chịu tin lời thiên sứ nói: Đức Chúa sẽ ban cho ông một người con, nên ông đã bị câm. Chắc hẳn trong những ngày bị câm đó, việc tịnh khẩu đã giúp ông nhận ra quyền phép của Thiên Chúa, và nhờ đó ông đã tin. Tuy nhiên, cho đến sau khi bà Gia-ca-ri-a nở nhụy khai hoa, đến ngày đặt tên cho đứa trẻ, rồi khi ông ra hiệu cho mọi người hiểu rằng ông sẽ đặt tên cho con trai mình là Gio-an; lúc ấy, ông mới được trở lại tình trạng nói năng như bình thường. Đoạn Tin Mừng trên đây cho thấy, chỉ tin thôi thì chưa đủ, mà cần phải hành động theo những gì mình đã tin nữa!

Nhìn lại bản thân, tôi thấy mình đã rất nhiều khi nói tin, nhưng tôi đã chẳng làm đúng theo những gì mình tin. Những khi ấy, đường đời tôi nhiều trắc trở, tâm hồn tôi chẳng bình an. Trái lại, mỗi khi tôi khăng khăng làm đúng như những gì mình tin vào Lời Chúa, trước mắt người đời lúc ấy người ta cho rằng tôi sẽ gặp thiệt thòi mất mát... Nhưng rồi, sau đó đường đời tôi trải ra những điều vô cùng thuận lợi tốt đẹp.
Nhớ lại những ngày tôi còn đi dạy học, có nhiều đồng nghiệp thấy tôi cứ vơ vào người những việc khó khăn, họ thường bảo tôi: “Sao em dại thế, nhận việc ấy làm chi cho khổ!” Đại loại họ có những câu nói như vậy, tưởng chừng họ thương hại cho tôi. Tôi chỉ cười: “Thôi thì em dại cho người khác khôn, chứ ai cũng khôn hết thì lấy ai dại bây giờ!” Tôi chỉ biết nhủ thầm với lòng rằng: “Mình phải chấp nhận như thế để được trở thành một công dân tốt, một người con ngoan của Nước Trời. Chứ mình biết làm gì hơn để rao giảng Nước Trời? Mình đâu có biết rao giảng Phúc Âm như mấy ngài linh mục!”... Tôi biết, ngay cả khi tôi đấu tranh quyền lợi cho học trò của tôi, cho phụ huynh của học trò tôi, người ta cũng nghĩ thầm cho tôi là dại, bởi vì họ vốn sợ ban giám hiệu “đì”. Tôi chẳng biết sợ “đì” là gì, thế nên tôi cứ nói ra những gì tôi thấy là bất công là sai trái. Sau này không còn đi dạy học nữa, những khi ngồi ôn lại kỷ niệm, tôi mới có dịp nhận ra rằng “gái có công chồng không phụ”! Tôi chỉ dạy học được có 6 năm thì phải giã từ “vũ khí” vì bệnh tật; nhưng 6 năm đó, tôi thấy mình đã không chịu thấp hèn cúi đầu làm theo những gì lương tâm tôi cho là không đúng, 6 năm đó tôi đã là một giáo viên hết lòng với tất cả những học trò của mình. Tôi chẳng có điều gì phải hối tiếc về những ngày tháng ấy, bạn ạ!

Lạy Chúa! Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, xin cho con luôn giữ vững niềm tin vào Lời Chúa, và vững tâm làm theo những gì con đã tin. Xin cho những người thân yêu của con luôn hiểu rằng làm đúng theo những gì Chúa nói, họ sẽ không phải thiệt thòi mất mát gì, mà sẽ là cách thức để tìm được bình an và ân sủng của Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men!

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

TINH THẦN HIẾN DÂNG

“Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho ĐỨC CHÚA. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho ĐỨC CHÚA." Và ở đó, họ thờ lạy ĐỨC CHÚA.”
(Samuel I: 27-28)

Bà Anna đã hết lòng cầu xin Đức Chúa ban cho bà một đứa con; cuối cùng, Đức Chúa đã nhận lời bà cầu xin, và Đức Chúa đã cho bà được toại nguyện. Rồi thì đứa con cưng, đứa con duy nhất mà bà có được, bà cũng lại đem dâng cho Chúa. Bà Anna dâng con mình cho Chúa với một thái độ thật là dứt khoát: “Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho ĐỨC CHÚA."

Tôi tự hỏi: mình đã có được những suy nghĩ tích cực như bà Anna hay chưa? Tôi đã cầu nguyện với Chúa để xin Chúa ban cho tôi rất nhiều thứ, nào là: sức khỏe, nghị lực... và tôi đã được Chúa ban cho, nhưng tôi đã dùng hết tất cả những gì Chúa ban, mà toàn tâm phụng sự Chúa chưa? Hay, tôi chỉ làm những gì tôi thích, không phải là những gì Chúa muốn?

Lạy Chúa! Tấm gương của người xưa đã để lại cho chúng con nhiều suy nghĩ. Người mẹ chỉ có một đứa con duy nhất, nhưng người mẹ đó đã dám hy sinh trọn vẹn đứa con của mình, để đem dâng lên Đức Chúa, là Đấng mà bà hằng tôn thờ. Còn con đây, con có nhiều thứ để chọn lựa, có nhiều thứ để có thể đem dâng cho Chúa, nhưng con đã không dâng cho Chúa một cách trọn vẹn. Những việc con đang làm, những gì con muốn dâng cho Chúa, thì con chỉ mới làm một cách qua loa và cũng chỉ dâng cho Chúa một cách nửa vời. Trong tâm tình của những ngày cuối mùa Vọng này, con xin dâng lên Chúa trọn vẹn con người của con, một tấm thân nặng nề với nhiều bệnh tật, một tâm hồn còn lem nhem tăm tối, xin Chúa hãy đón nhận con như đón nhận một con chiên lạc muốn tìm về với Chúa, để được Chúa chữa lành. Xin ban cho con ánh sáng của một mùa Vọng tràn ngập hồng ân Chúa Giáng sinh, để nhờ đó tâm hồn và thể xác con được trở nên tươi sáng hơn, và để nhờ đó con biết hiến dâng cho Chúa một cách tròn đầy hơn, Chúa nhé!

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

NIỀM VUI BÊN MÁNG CỎ

Tôi cùng với một tình nguyện viên nữa, là hai kẻ cuối cùng rời khỏi ngôi nhà của mái ấm tình thương Tê-rê-sa Can-cút-ta. Chúng tôi vẫy tay tạm biệt về phía những giọng nói ríu rít như chim sẻ của trẻ con, và giọng nói trẻ trung của những thanh niên trai gái, họ đang đứng đầy ngoài sân tiễn biệt đoàn chúng tôi ra về. Ra đến ngoài ngõ, một giọng nói rụt rè chợt vang lên bên tai tôi:
-Chị ơi, người mà chị nói có tên giống như ca sĩ Thanh Sử đang đứng đây đợi chị nè!
Tôi cười:
-Đâu? Sử đâu? Bắt tay chị một cái nào!
Một bàn tay con trai mà mềm mại, chìa ra cho tôi, tôi nắm lấy bàn tay ấy, hẹn hò:
-Cố gắng lên em nhé! Em có giọng hát hay lắm! Hy vọng chị em mình sẽ gặp lại nhau!

Hoàn cảnh đứa con trai đứng tận đầu ngõ để chào tạm biệt, đã theo tôi trên suốt chặng đường về. Tôi hy vọng những lời khích lệ của mình, cũng như cuộc viếng thăm của một số anh chị em khuyết tật Ki-tô Vua chiều nay, sẽ để lại trong tim người thanh niên ấy những rung động, và những rung động này sẽ trở thành một phần nghị lực giúp cho anh quyết tâm rời bỏ quá khứ buồn đau của mình.
Vâng! Có lẽ không riêng gì tôi, mà toàn thể những người có mặt trong chuyến viếng thăm hôm nay của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua đến mái ấm tình thương mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta, tất cả đều xúc động vì những gì diễn ra trước mắt. Người ta mô tả cho tôi hình ảnh một người đàn ông trung niên có dáng người hơi đậm, đang bế trên tay một đứa trẻ bé tẹo, đon đả chạy ra đón chúng tôi, tôi đoán đó là cha Mỹ. Người bạn độc nhãn của tôi vội chạy lại gần để nhìn cho rõ, rồi quay ra nói nhỏ vào tai tôi rằng: “Đúng là cha Mỹ rồi chị ạ!” Cha Mỹ là người thành lập ra mái ấm, và cũng là người lo toan, chạy chữa, chăm sóc nuôi dưỡng cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, những trẻ mồ côi và những người nghiện ngập, những người nhiễm HIV mà Cha đã lượm lặt từ gầm cầu đường phố mang về trong những hoàn cảnh não nề và kiệt quệ.

Hôm nay chúng tôi đến thăm Cha cùng các con và những người phụ việc của Cha, với ước nguyện được chia sẻ và tặng quà Giáng sinh cho họ. Anh chị em chúng tôi lỉnh kỉnh mang theo bánh và nước ngọt, một ít đồ lặt vặt và một số nhạc cụ để cùng ăn và cùng hát cho nhau nghe. Cùng đi với chúng tôi có thầy đồng hành Giu-se “Đinh Văn Hán và một thầy Sáu dòng Đa-minh. Tất cả chúng tôi, những người khuyết tật Ki-tô Vua và các con của cha Mỹ ngồi quây quần bên nhau thành một vòng tròn ngay trước sân nhà. Cha giới thiệu với chúng tôi về từng hoàn cảnh của mười đứa trẻ đang sống trong mái ấm Tình Cha, về những cô gái lỡ lầm với những bào thai trong bụng rồi sẽ trở thành “cháu ngoại” của Cha. Cha cũng nói về những khó khăn và thách đố mà những bạn trẻ cai nghiện, nhiễm HIV đang phải đương đầu. Người tình nguyện viên của tôi kể lại lời tâm sự của một phụ nữ đang cai nghiện rằng: “Ở đây buồn lắm em ơi! Có các em đến chị vui lắm! Cha Mỹ tốt với chị lắm! Trong những ngày chị cắt cơn, ói mửa tùm lum, ai cũng sợ hãi tránh xa, chính Cha đã dọn rửa, đút cho chị ăn từng muỗng sữa và cho chị uống thuốc”.

Thật là một sự kết hợp kỳ lạ giữa chúng tôi, những người mù người què ngồi đàn hát cho những thanh niên trẻ tuổi nghe; và rồi, những con người tật nguyền yếu đuối tưởng đã xế chiều là chúng tôi, bỗng cảm thấy như mình phải có trách nhiệm nâng đỡ các bạn trẻ ấy! Tiếng đàn của những nghệ sĩ Ki-tô Vua(đó là cách gọi của cha Mỹ) đã khiến cho các bạn trẻ ở mái ấm tình thương bớt e dè, họ cũng cầm mic. hát sôi nổi không kém gì chúng tôi. Cứ một tiết mục của Ki-tô Vua, lại đến một tiết mục của nhóm Xi-măng( đó là cách cha Mỹ gọi người nhà của Cha). Sau mỗi tiết mục văn nghệ, Cha đều có những lời khích lệ rất dí dỏm, rất khôi hài, Cha đặc biệt khen ngợi những thành viên mà Cha quen gọi là các con. Tôi hiểu nỗi lòng của Cha. Ngay khi thấy đoàn người khuyết tật chúng tôi xuống xe, bế ẵm dắt díu nhau vào, Cha cứ lăng xăng, trên tay bế em bé, miệng thì điều khiển các con đón tiếp khách. Cha nói: “Cha chưa bao giờ xúc động như hôm nay, vì thấy anh chị em khuyết tật đến thăm mái ấm. các anh chị đi lại đã khó khăn, không những đã đến thăm mà còn chia sẻ vật chất với Cha...!” Tuy nhiên, Cha nói tiếp, dù sao các anh chị vẫn còn có gia đình người thân vòng tay thương yêu. Những người trong mái ấm của Cha phải đương đầu với rất nhiều nghịch cảnh, họ bị chính người nhà của họ bỏ rơi, họ bị phân biệt đối xử. Những đứa trẻ nhiễm HIV không được đi học, vì bị bạn bè xa lánh; những người lớn thì gặp phải những khó khăn khi đi xin việc làm, phải chịu áp lực dưới những ánh nhìn xa lánh của cộng đồng xã hội. Các anh chị là những người hạnh phúc, hãy cầu nguyện cho họ. Những người đang sống ở đây với Cha đa phần không phải là người Công giáo, nhưng Cha dạy cho họ biết chạy đến với
Chúa và biết cầu nguyện.

Tôi hiểu nỗi lòng của Cha, và chính các anh chị em khuyết tật cũng ghé vào tai tôi nói nhỏ: Đến đây mới biết còn có nhiều người khổ hơn mình. Anh chị em khuyết tật của tôi thường ngày nhút nhát mặc cảm, nay lại trở nên mạnh dạn quay sang hò reo cổ võ cho các bạn trẻ Xi-măng. Tôi chợt chú ý đến giọng hát người con trai đang hát solo bài “Bài Thánh ca buồn”, giọng hát trầm ấm khá truyền cảm, rồi giọng hát ấy chìm khuất vào âm thanh của tập thể(bài nào họ cũng hát tập thể). Nhưng rồi tất cả lại im lặng làm nổi bật lên giọng ca trầm buồn sâu lắng. Khi nốt nhạc cuối cùng của Bài Thánh ca buồn vừa dứt, với nhiệm vụ của một M.C. cho nhóm Ki-tô Vua, tôi phỏng vấn cha Mỹ:
-Thưa Cha, thí sinh vừa hát solo trong “Bài Thánh ca buồn” vừa rồi, tên là gì vậy?
Cha dắt chàng thanh niên lại gần tôi, nói:
-Chị cứ hỏi trực tiếp anh này!
Tôi hỏi chàng thanh niên vừa đến trước mặt:
-Bạn tên là gì?
-Em tên Sử!
-Ồ tên bạn giống tên của ca sĩ Thanh Sử, người đã từng đạt giải nhất Tiếng hát truyền hình. Bạn có giọng hát ấm và truyền cảm lắm! Chúng ta đang ở trong một cuộc thi IDO, theo sự đánh giá của ban giám khảo thì bạn rất xứng đáng với điểm 10, bạn là người hát hay nhất đêm nay. Tôi chúc bạn sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp!

Tiếng vỗ tay nổi lên râm ran như cổ võ tinh thần cho chàng ca sĩ tương lai. Trời đã bắt đầu lạnh, dẫu còn nhiều nghệ sĩ xung phong lên hát, nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc. Tôi đề nghị với cha Mỹ rằng tất cả mọi người cùng hát bài Hang bê-lem để chúc mừng Chúa Giáng Sinh sớm, và đây cũng sẽ là bài hát chia tay... Cha Mỹ yêu cầu tất cả chúng tôi hướng về Hang đá, đến bây giờ tôi mới biết rằng ngay trước mặt tôi là một Hang đá với một ngôi sao lớn. Tôi được người ta xoay cho mặt hướng về máng cỏ Chúa Hài đồng. Và tất cả chúng tôi cất cao giọng hát, tôi có cảm giác như mình đang tham dự lễ Giáng sinh trong nhà thờ vậy. Lòng tôi tràn ngập niềm vui như trong một đêm Giáng sinh, nhưng rồi bỗng chùng xuống vì nhớ đến nhiệm vụ của mình là phải đứng ra nói lời chia tay với mái ấm tình thương này.
Thế nhưng, sau bài hát Hang Bê-lem lại xuất hiện một ca sĩ hát vọng cổ, chúng tôi vỗ tay hoan nghênh khích lệ tinh thần cho cô gái bước ra sân khấu. Một giọng ca ngọt ngào không thua gì các nghệ sĩ chuyên nghiệp, đến nửa bài hát, tiết mục đơn ca bỗng trở thành song ca, một giọng ca nam trổi lên cùng hát với đồng đội của mình... Rồi tôi nghe tiếng cười ồ vui vẻ, thì ra Thầy đồng hành của chúng tôi cũng tham gia vào tiết mục. Thầy và nữ ca sĩ vừa hát vừa múa. Cha Mỹ lấy một cành bông trong bình cài lên tóc của Thầy. Các bạn trẻ thấy vậy cũng đua nhau cài hoa lên tóc của hai nghệ sĩ múa... Cả chúng tôi lẫn các bạn trẻ đó có lẽ chưa bao giờ vui như thế, một tình yêu thương như tỏa ấm cả khu nhà. Cảnh chia tay thật là bịn rịn, những cô gái trẻ dắt mấy chị khuyết tật ra xe, luôn miệng nói:
-Các chị xuống chơi với chúng em nữa nhé! Ở đây, buồn lắm, chị ạ! Noel xuống chơi với chúng em nhé!...
Nghe vậy, lòng tôi cảm thấy man mác buồn. Ước chi tôi có thể biến những ước mơ của các bạn trẻ ở đây thành sự thật. Tôi chỉ biết thì thầm với Chúa Hài Đồng trong máng cỏ:
-“Chúa Hài đồng Giê-su ơi! Chúa hãy đến với họ trong đêm Giáng sinh này và ở lại với họ luôn mãi, Chúa nhé!”
LỜI NGUYỆN BÊN MÁNG CỎ

CON LÀ NỮ TỲ CỦA CHÚA

“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."
(Lu-ca: 1, 37-38)

Tưởng tượng lại khung cảnh năm xưa, lúc sứ thần Gabriel truyền tin cho cô Mary: Cô sẽ có thai... Lúc ấy, Mary chỉ là một thiếu nữ chẳng mấy ai biết đến, sống trong một ngôi làng nhỏ bé, cô mới đính hôn với một chàng trai trong vùng... chưa kể, Mary có ý định giữ mình đồng trinh, vậy việc có thai và sinh con trai xảy ra thế nào được! Song, vốn là một thiếu nữ sống rất mực đoan trang, lại hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, nên nàng đã tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần mà nói lời “Xin vâng!”. Kể từ giây phút ấy, cung lòng của Mary có Thiên Chúa ở cùng.
“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”!
Vâng, Mẹ ơi! Nhìn lại những chặng đường Mẹ đã qua, con thấy Mẹ thường suy đi nghĩ lại những gì đã xảy ra trong đời Mẹ, để rồi Mẹ sống phó thác và tin tưởng vào thánh ý của Chúa. Chắc hẳn Mẹ đã từng gặp rắc rối vì mang thai trong thời kỳ đính hôn, và đã từng vất vả vì bé Giê-su năm xưa. Nhưng, cũng chắc chắn rằng, Mẹ đã vô cùng hạnh phúc vì luôn có Chúa ở cùng! Mẹ luôn có Chúa ở cùng vì Mẹ luôn dõi theo từng bước đi của Chúa Giê-su, con của Mẹ, từ làng Nazareth đến đồi Golgotha...
Con chưa theo học Mẹ được bao nhiêu, vì con vẫn còn thích huyên náo ồn ào, ít dành thời gian chiêm niệm... Tuy nhiên, nhìn lại những chặng đường con đã qua, có nhiều việc Chúa làm cho con một cách kỳ diệu, nhiều người ngạc nhiên về những mẩu chuyện đời con. Những mẩu chuyện về cuộc đời con là những chuyện đời thường, song có nhiều nét biến hóa về tâm linh, chỉ bản thân con mới cảm nghiệm được rõ ràng sự hiện diện của Chúa qua những biến cố đó.
Con xin dẫn chứng bằng một chuyện này thôi, đó là việc con tiếp cận với Thánh kinh, thật sự là con đã miễn cưỡng đọc Kinh thánh chỉ vì con không có sách nào khác hơn để tập đọc. Ngay cả việc đọc sách chữ nổi của con, con cũng đã gặp nhiều thử thách hơn các bạn khiếm thị khác, vì cảm giác của mười đầu ngón tay con rất kém. Con chỉ còn một ngón trỏ trái để con có thể rờ được chữ nổi, nhưng rất chậm. Việc ngồi đọc sách cũng gây cho con những cảm giác khó chịu và đau đớn, vì chứng bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở con quá nặng. Thế nhưng, Chúa lại đã ban cho con bản tính ham học hỏi, chính bản tính này đã giúp con kiên trì vượt qua những thử thách... Rồi những ngày con nghe lời khuyến khích của quý cha,mà miễn cưỡng tham gia việc viết blog chia sẻ Lời Chúa. Những đòi hỏi trong quá trình viết blog khiến con có nhu cầu tìm hiểu về Kinh thánh... Mới đầu chỉ là miễn cưỡng, giờ đây con cảm thấy rất hứng thú trong việc học này. Mới đầu con đã dội ngược với những khó khăn của ‘the course : “OLD TESTAMENT of POETRY and PROPHECY” of Hadley School for the Blind’, con đã nhủ thầm với lòng: “học hết course này mình sẽ good-bye nó!”... Nhưng bây giờ con đã mê nó, con còn hy vọng mình sẽ học mấy “courses” còn lại, nếu như Chúa cho con còn sống với một cái đầu minh mẫn... những triệu chứng lú lẫn vì bệnh Basedow của con vẫn chưa ảnh hưởng tới việc học, là một dấu chỉ cho con biết Chúa muốn con làm một “ngòi bút nhỏ” cho Ngài sử dụng... Nhớ lại hoàn cảnh của con cách đây 20 năm về trước, con và những người thân của con chẳng thể nào ngờ được. Bây giờ con sống năng động hơn cả khi con còn là một sinh viên hoạt bát của những năm 80s!

Dù đã nếm trải được niềm hạnh phúc lớn lao ấy, song con lại hay bỏ mặc Chúa cô đơn trong trái tim lạnh lẽo của mình, như Chúa đã từng phải ở lại trong hang đá Bê-lem lạnh lẽo năm xưa. Con thật là tệ bạc với Chúa, phải không Mẹ?
Mẹ ơi! Mẹ đã xin vâng để Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu, Mẹ xin vâng để được thông phần vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Xin Mẹ dạy con biết “xin vâng” như Mẹ! “Xin vâng” trong những việc nhỏ mọn hằng ngày của con thôi, cũng đủ cho con trở nên thông phần với Chúa, phải không Mẹ?
Mẹ Maria ơi! Mẹ đã luôn sống đời chiêm niệm và cầu nguyện, xin Mẹ dạy con biết cầu nguyện và gẫm suy những màu nhiệm về Nước Chúa cũng như Mẹ đã từng sống như thế. Mẹ đã được Thiên Chúa dọn sẵn cung lòng để chuẩn bị đón Chúa, kể từ lúc Mẹ còn nằm trong bụng của bà ngoại Anna, xin Mẹ hãy giúp con chuẩn bị cung lòng của mình, để tâm hồn con xứng đáng là hang đá ấm nồng cho Chúa Hài Đồng ở đó, Mẹ nhé!

Lạy Chúa! Con là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho con theo như những điều Chúa muốn!

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

ĐỂ THÁNH Ý CHÚA ĐƯỢC THỂ HIỆN

‘Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng : "Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh." Vua A-khát trả lời : "Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."’
(I-sai-a: 7, 10-12)

Đọc đoạn Thánh Kinh trên đây của ngôn sứ I-sai-a, con cảm thấy câu trả lời của vua A-khát sao mà giống của con thế!
Nhớ lại cách đây ba mươi mấy năm về trước, khi biết mình mắc bệnh tiểu đường type I, con đã chấp nhận nó như một bản án chung thân, và chỉ còn biết cầu xin Chúa cho mình có đủ sức chịu đựng. Lúc đó, có nhiều người đến nói với con một cách mạnh mẽ lắm: “Cứ xin đi thì sẽ được! Cứ cầu nguyện đi rồi thì Chúa sẽ ban cho khỏi bệnh!” Những lúc ấy, con cũng nghe ong ong trong tai tiếng nói “Cứ xin thì sẽ được! Cứ tìm thì sẽ thấy! Cứ gõ cửa thì sẽ mở cho!” Nhưng thực tế những gì xảy ra trong cuộc sống quanh con, lúc đó, đã khiến con chẳng dám tin rằng Chúa sẽ chữa cho con khỏi bệnh. Con nghĩ mình không đủ đức tin để cầu xin với Chúa điều lớn lao ấy. Con nghĩ mình là con người xấu xa chẳng đáng được hưởng phép lạ như thế!
Thật ra, con cũng đã cầu xin cho mình được khỏi bệnh như người ta xúi, song chẳng thấy Chúa nhậm lời, con lại nghĩ “Chắc tại đức tin mình yếu nên Chúa chẳng ban cho!” Và rồi con không xin cho mình được khỏi bệnh nữa, con chỉ dám xin cho mình có đủ sức chịu đựng mà thôi! Ngày tháng cứ thế trôi qua, và biết bao nhiêu khó khăn cũng như những hệ lụy của căn bệnh, con đã vượt qua, giúp cho con ngày càng trở nên quen dần với khổ đau. Cho đến khi con bị mù hoàn toàn, con thấy mình như một con ngựa sau một cuộc chạy đua đường trường, đã mệt lả vì kiệt sức, không còn sức chiến đấu, không còn ham muốn để mà ngắm nghía cảnh vật hai bên đường, con đành cúi đầu chấp nhận thánh ý Chúa. Chính vào thời điểm đó, người ta lại đến nói với con: “Cứ xin thì sẽ được! Cứ gõ cửa thì sẽ mở cho!”... Con đã thực sự thanh thản mà trả lời với họ rằng:
"Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA."
Con cũng thực sự vui vẻ mà nói: “Tôi xin vâng theo thánh ý Chúa, chứ mỗi ngày đọc kinh “Lạy Cha” mà không chịu vâng theo thánh ý Chúa, thì làm sao ý Chúa được thể hiện?”

Lạy Chúa! Hôm nay con nhận ra rằng, chính khi con biết cúi đầu chấp nhận thánh ý của Chúa, là lúc ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời, và kể từ khi biết cúi đầu chấp nhận, cuộc đời con đã được biến đổi hoàn toàn tốt đẹp! Đối với con bây giờ, việc chấp nhận thánh giá không còn nặng nề nữa. Vì con luôn có Chúa cùng mang vác, nên thánh giá của con đã trở nên nhẹ nhàng và êm ái. Xin cho những người thân yêu của con luôn biết đón nhận thánh ý Chúa một cách vui vẻ, để thánh giá của họ cũng được trở nên nhẹ nhàng và êm ái như lời Chúa đã hứa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men!

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

NGUỒN HY VỌNG CỦA TÔI

“Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ : "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời."
(Lu-ca: 1, 21-25)

Chuyện một vị tư tế phục vụ trong cung thánh, rồi khi trở ra mà bị câm, tất nhiên không phải là chuyện nhỏ! Tôi tưởng tượng ra khung cảnh ngày xưa tại đền thờ, chắc khi đó dân chúng xôn xao bàn tán , đoán già đoán non ghê lắm. Và chuyện bà vợ ông Gia-ca-ri-a có thai trong lúc tuổi xế chiều cũng chẳng phải là một chuyện nhỏ.
Ông Gia-ca-ri-a vì đã không tin lời sứ thần nói, nên ông đã bị câm. Đó chỉ là một trong những hậu quả, khi con người không tin tưởng vào lời nói của sứ thần Chúa, hay nói cách khác là con người ấy đã không tin tưởng vào Thiên Chúa.
Bà Ê-li-sa-bét đã tự nhủ: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời." Có lẽ bà đã hết dám hy vọng rằng mình sẽ có một mụn con, nhưng giờ đây niềm hy vọng đó lại bừng sáng vì bà đang cưu mang đứa con trong bụng. Bà đã mang thai, và bà tin rằng việc bà có thai là bởi quyền năng của Thiên Chúa. Và như thế, sau bao năm thử thách, bà thật diễm phúc khi được làm mẹ trong lúc tuổi đã xế chiều, khi mà cả hai vợ chồng bà đã gần như chẳng còn chút hy vọng nào về đường con cái.
Giống như bà Ê-li-sa-bét đã khổ sở bao năm vì hiếm muộn, tôi đã trải qua những năm tháng khổ sở vì bệnh tật. Nhiều lúc, tôi tưởng chừng như mình chẳng còn chút hy vọng nào. Cho đến ngày lễ Giáng sinh năm 2001, khi tôi được nghe một cô gái mù đọc thánh thư ở nhà thờ Đức Bà, tôi đã tìm hiểu và biết cô gái đó học ở mái ấm Thiên Ân, tôi lập tức tìm đến mái ấm đó xin học. Và, cuộc đời tôi đã được Chúa dẫn dắt một cách thần kỳ. Tôi đã có cảm nhận được Chúa dắt tôi qua vùng thung lũng tối, và sau cùng Người đã đưa tôi đến cánh đồng cỏ xanh tươi, như tôi đang được sống bây giờ.
Khi tôi đặt trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa, thì cũng chính là lúc quyền năng của Chúa được thể hiện nơi tôi một cách rõ rệt nhất. Nhiều căn bệnh trong tôi dần biến đi đâu mất, mặc dù các bác sĩ đã khẳng định rằng, bệnh của tôi không có thuốc chữa. Ngay lúc này đây, tôi có thể nói: "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi đớn đau tôi đã bao năm chịu đựng."
Tuy nhiên, không phải lúc nào niềm tin của tôi cũng đặt trọn vào Chúa. Tôi cũng đã từng trải qua những phút giây nghi ngại như ông Gia-ca-ri-a năm xưa. Những lúc ấy, tôi thường có những quyết định sai lầm, để rồi phải gánh lấy những hậu quả nghiêm trọng cho chính mình.

Lạy Chúa! Chúa chính là nguồn hy vọng của con! Xin cho con luôn biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, biết kiên tâm chịu đựng, chấp nhận những thử thách giữa cuộc đời, để con luôn biết trung thành bước đi theo Chúa trên mọi nẻo đường đời. Xin cho những ai còn đang sống trong cảnh tối tăm thiếu vắng niềm tin, tìm được niềm hy vọng chứa chan là chính Chúa, để họ cũng được Chúa dẫn đưa tới đồng cỏ xanh tươi như Chúa đang dẫn đưa con vậy, Chúa nhé!

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

ĐỪNG NGẠI!

“bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.”
(Mát-thêu: 1, 18-20)

Nếu là tôi, tôi có dám tin vào những lời báo mộng như trên đây hay không?
Ngày xưa, ông Thánh Giu-se đã tin và làm theo như lời báo mộng. Và tất cả những gì diễn ra sau đó, đã góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Tôi cũng được Thiên Chúa mời gọi hợp tác vào chương trình cứu độ của Ngài, nhưng tôi đã hợp tác với Ngài bằng một thái độ như thế nào, tích cực hay thụ động?
Những khi gặp gian lao thử thách, tôi có lắng nghe lời mách bảo và làm theo những lời mách bảo đó không? Hay là tôi đã ngại ngần thoái thác?
Đến đây, tôi chợt nhớ lại khá nhiều chuyện đã xảy ra trong đời sống thường nhật của mình. Những chuỗi sự việc liên tiếp xảy ra theo sau một quyết định nào đó của tôi đã cho tôi thấy dấu chỉ của Chúa, Chúa muốn tôi làm như thế, bạn ạ!

Một buổi sáng, tôi nhận được email của anh N. , anh hỏi thăm sức khỏe của tôi, và đề nghị giúp đỡ tôi nếu như tôi đang cần sự giúp đỡ. Đây đã là lần thứ hai anh gởi email đề nghị giúp đỡ, vì anh thấy tôi đã mù lòa lại còn đa mang quá nhiều bệnh. Cũng như lần trước, tôi định viết thư trả lời anh rằng tôi rất cảm ơn tấm lòng quảng đại của anh, và tâm sự với anh rằng gia đình tôi đã lo cho tôi mọi thứ quần áo, ăn uống và thuốc men. Tôi mong anh giúp người khác... Định bụng là thế, nhưng như có lời mách bảo, xui khiến, tôi tự nhủ: Thôi, để lát nữa hãy trả lời email, bây giờ mình đọc mấy tài liệu này cái đã! Mải miết đọc cho đến khi tôi nghe tiếng mẹ tôi gọi xuống ăn cơm, tôi lại nghe như có lời mách bảo: “Ăn cơm đã, lát nữa ăn xong hẵng trả lời email cũng không muộn!” Chưa kịp bưng tô cơm lên, đã có người điện thoại kiếm tôi, đó là một chị bạn người khiếm thị tôi quen biết đã lâu. Chị kể cho tôi nghe hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị L. và đề nghị tôi xin học bổng cho con gái chị L., cháu đang học lớp 12 mà hai vợ chồng chị L. không chạy nổi tiền đóng học phí cho con... Tôi nói: Chị ơi, gì chứ chuyện này khó quá, em chẳng dám can thiệp đâu. Em không quen biết nhiều, vả lại vấn đề học bổng phải là một kế hoạch lâu dài, đâu phải chỉ một lần là xong! Nhưng chị bạn lại tiếp tục kể ra một lô một lốc nỗi khó khăn của chị L. khiến tôi phải hứa hẹn, và ngay trong đầu tôi lúc đó đã lóe lên ý tưởng viết email, xin anh N. giúp đỡ. Suốt ngày hôm đó cho đến trưa hôm sau, tôi cứ đắn đo mãi về chuyện của chị L., không giúp thì áy náy, mà giúp thì ngại quá, lỡ anh N. không tin mình thì xấu hổ lắm. Nhưng rồi tôi nghĩ, mình chưa đến nỗi phải máu đổ đầu rơi, mình chưa đến nỗi bị lăng trì tùng xẻo, cùng lắm là bị người ta coi thường... Cuối cùng, tôi cũng viết thư cho anh N. và đề nghị anh giúp đỡ gia đình chị L. Ngày hôm sau nữa, tôi nhận được email của anh N., trong lòng hồi hộp lo sợ, không biết anh nghĩ về tôi thế nào. Anh N. rất lịch sự, không tra hỏi tôi một câu, chỉ nói: Cảm ơn Thủy đã tạo cơ hội cho anh được giúp đỡ bạn của Thủy, đó là việc anh phải làm. Anh hỏi xin tôi số điện thoại và địa chỉ của tôi để anh gởi tiền về giúp. Và anh đã giúp cho con chị L. tiền đóng học phí trong suốt sáu tháng, cho tới khi cháu thi tốt nghiệp lớp 12... Hôm nay, đọc lời Chúa: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại...”, tôi hiểu rằng trong đời tôi, tôi cũng đã bao lần nghe được lời mách bảo của thiên thần Chúa.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn biết lắng nghe Lời Chúa giữa cuộc đời đầy ô trọc này, và sẵn sàng làm theo những gì Thần Khí Chúa mách bảo, Chúa nhé!

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

LỜI CHÚC PHÚC THUỞ XA XƯA

“Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa,
gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó,
cho tới khi người làm chủ vương trượng đến,
người mà muôn dân phải vâng phục.”
(Sáng thế: 49, 10)

Lời chúc phúc từ bao nhiêu năm trước
Nay quả nhiên đã ứng nghiệm rồi!
Ôi, Đức Chúa! Đấng quan phòng tuyệt đối
Đường lối Ngài con thán phục vô cùng
Ngài dựng nên trong vũ trụ bao la
Một ngôi báu, một vương quyền rộng khắp!

Gió chắp cánh bay
Cả đất trời lay động
Bởi Ngôi Hai đã mặc xác phàm
Giữa cung lòng trinh nữ Mary
Và Hài nhi đã sinh ra trong máng cỏ
Tình Đức Chúa được tỏ bày!
Từ bấy đến nay,
Vị Hoàng tử con trời
Cùng chia sẻ với con người nỗi thống khổ nhân gian.
Người từng sống lầm than
Đôi bàn chân bôn ba trên vạn nẻo đường.
Ôi, Hoàng tử khiêm nhường, nhân hậu
Dẫu người đời chê bai khích bác
Dẫu kẻ ác ngấm ngầm mưu hại
Người vẫn quyết toại nguyện lòng Cha!

Ôi, Đấng Ki-tô đã xuống thế làm người
Ôi, Hoàng tử con trời nhân hậu
Con thành tâm cúi đầu cảm tạ!
Ôi, lời chúc phúc thuở xa xưa
Ôi, cơn mưa hồng ân chan chứa
Với con, hôm nay trời sáng lạ
Vì người làm chủ vương trượng đã đến gặp con rồi!

CON KỂ CHÚA NGHE


Mấy ngày qua có biết bao sự việc xảy ra, thời gian vùn vụt chạy đi, mãi đến bây giờ con mới có được một khoảng lặng để ngồi viết cho Chúa những dòng cảm xúc đang tràn ứ trong con.
Mỗi năm là một vòng tròn
Để con chia sẻ đời con với Ngài
Bốn mùa xin tỏa nắng mai
Cho tim rộn rã tình Ngài yêu con!
Vâng, Chúa ơi! Con biết lấy gì để đền đáp Chúa đây, khi con đã nhận được biết bao hồng ân của Chúa. Chúa đã cho con sống trên cõi đời này tròn 49 năm, tuy đầy sóng gió nhưng thật ngọt ngào hạnh phúc. Chiều hôm nay, khi con cùng một số anh chị em Ki-tô Vua ngồi quây quần bên nhau tập hát mừng lễ Giáng sinh, con thật bất ngờ với chiếc bánh kem có con số 50, Chúa ạ! Vì ngày hôm qua con đã có một cái bánh kem với những cây nến mang hình con số 49 rồi, đấy mới là tuổi thật của con, nhưng ngày sinh ghi trên bánh kem: 15/12 lại là ngày giả. Chiếc bánh kem hôm nay có ghi ngày sinh là 16/12, con chắc Chúa phải rối beng cái đầu vì vụ bánh kem này quá. Rắc rối ở chỗ, giấy khai sinh của con ghi ngày sinh sớm hơn một ngày, khiến mỗi lần đi thi ngồi viết tên tuổi tim con cứ đập thình thịch vì phân vân chẳng nhớ nổi ngày nào là ngày ghi trong giấy khai sanh, lỡ ra viết lộn thì có mà thi rớt! Còn tại sao bánh kem chiều hôm nay lại có những cây nến mang hình con số 50 là vì bạn con tính theo tuổi “ta”, Chúa ạ! Ở Trung Đông ngày xưa người ta có tính tuổi “ta” giống như ở đất nước của con không Chúa nhỉ?

Không vui sao được, khi từ đêm ngày 12/12 con đã nhận được những lời chúc mừng lễ Thánh bổn mạng của con là thánh nữ Tử đạo Lucia, và những lời chúc mừng sinh nhật từ Nhật bản, Canada, Đức, Mỹ qua email, và những lời chúc của bạn bè nhóm khuyết tật qua điện thoại... tất cả, ai cũng cầu chúc con khỏe mạnh... con biết đó chính là tình yêu Chúa dành cho con qua những con người trần thế.

Sáng ngày 13/12 con cùng các anh chị em Ki-tô Vua được đón tiếp những người bạn đến thăm từ
Ai-cập, nơi mà Chúa đã cùng Đức Mẹ và Thánh Giu-se đã sống những ngày lưu vong để tránh tai mắt của vua Hê-rô-đê, Chúa còn nhớ không? Những người bạn Ai-cập đã tặng cho Huynh đoàn Ki-tô Vua một cây thánh giá rất độc đáo. Đó là cây Thánh giá ghép thành từ những miếng gỗ mỏng được nối lại với nhau bằng những cái khoen kim loại. Trên các mảnh gỗ nhỏ đó có những dòng chữ màu xanh viết bằng tiếng Anh, đó là bản kinh Lạy Cha, Chúa ạ! Những người mù như chúng con chiêm ngưỡng món quà này bằng cách rờ rẫm, đã khiến cho những người bạn Ai-cập phải ồ lên ngạc nhiên, vì có lẽ đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến cảnh tượng đó. Riêng con cảm thấy thật thú vị!
Chiều 13/12, trong lúc đọc kinh Lòng Chúa thương xót qua đường dây điện thoại, anh chị em thuộc nhóm cũng đã cầu nguyện và chúc mừng bổn mạng cho con, con tin chắc những lời cầu nguyện đó đã lọt vào tai Chúa và Mẹ Maria rồi! Con cảm động nhất khi nghe họ nói rằng con đã nâng đỡ họ, trong khi con lại cho rằng mình là người bệnh hoạn yếu đuối đang nhận sự nâng đỡ của họ.
Ngày 14/12, con về lại mái ấm Thiên Ân để cùng thầy Phong và các bạn khiếm thị của con mừng kỷ niệm 15 năm thành lập mái ấm. Chẳng hiểu sao con đã khóc trong thánh lễ tạ ơn, khi nghe bố Điện điểm lại những ngày tháng thăng trầm của mái ấm, có lẽ vì những lời nói của bố Điện nhắc nhớ cho con về biết bao ơn trời mà con đã lãnh nhận. Hôm ấy gặp lại thầy cô cũ, bạn bè cũ thật là vui. Nhưng vui nhất là con đã gặp lại Dad Quân, một người mà con rất quý mến. Sự hiện diện của Dad quân là món quà đặc biệt cho con trong hôm đó, vì Dad Quân đã vượt qua nửa vòng trái đất về thăm mái ấm. Dù chỉ vỏn vẹn có 24 giờ rưỡi ở VN, Dad Quân phải chia tay với mái ấm ngay sau khi tiệc tàn để trở về Hoa Kỳ, điều đó đã nói lên tấm lòng thương yêu lớn lao của Dad Quân dành cho những người khiếm thị chúng con, phải không Chúa?

Ngày 15/12, con đã cùng Cộng đoàn Mai-cát quây quần bên nhau, họ mừng lễ bổn mạng và sinh nhật của con. Người bạn độc nhãn của con nói: Những tấm hình chụp tiệc sinh nhật của chị sẽ rất độc đáo, kèm theo một cái cười sảng khoái. Con hỏi, vì sao độc đáo? Anh ta đã trả lời: Bởi vì người ta sẽ nhìn thấy cảnh tượng mọi người ngồi ăn dưới đất với những chiếc bàn thấp, kể cả cha BL. Một mình chị ngồi ăn trước hai cái bàn được chồng lên nhau. Con nói: Ơ, tại chị bị đau cổ không cúi thấp được, mọi người đều biết và thông cảm cho chị mà! Anh ta nói: Đó chính là nét độc đáo của những bức hình đó. Nghe vậy, con lại cảm thấy rộn lên trong lòng một cảm xúc mênh mang, vâng, con hiểu rằng cả cha BL lẫn các bạn đều thương con mà chấp nhận con như thế, Chúa ạ! Khi mọi người đề nghị con cầu nguyện và thổi nến, con đã cầu nguyện những gì, Chúa còn nhớ không? Con biết, Chúa sẽ ban cho con điều con cầu xin, vì trong lúc ấy con đã xin cho tất cả bạn bè khuyết tật cũng được hạnh phúc như con, Chúa đâu thể nào mà không nhận một lời cầu xin như thế.

Và chiều nay, 16/12, con cùng một số anh chị em tập văn nghệ mừng lễ Giáng sinh của Huynh đoàn Ki-tô sẽ mừng sớm vào ngày Chủ nhật 21. Chúng con cũng tập hát những bài hát Giáng sinh, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm mái ấm tình thương Tê-rê-sa Can-cút-ta. Khi nghe con thông báo về chuyến đi này, anh chị em phấn khởi lắm, mấy người kẹt chuyện gia đình không đi được tỏ vẻ rất tiếc. Con hỏi họ có sợ đi thăm người bị nhiễm HIV không, tất cả đều nói “Không!” Kể chuyện này cho Chúa nghe, con tin rằng Chúa sẽ ban cho con sức khỏe để có thể hoàn thành chuyến đi đó. Mấy ngày nay con đau họng quá, giọng hát khàn như vịt kêu, mà con vẫn phải cố gắng vì anh chị em của con nhút nhát quá, không dám hát to. Nhân tiện đây, con xin Chúa ban cho con một giọng hát trong trẻo để phục vụ anh em ở mái ấm tình thương vào hôm ấy, Chúa nhé!
Buổi tối, trở về nhà con rất ngạc nhiên khi nghe mọi người nói có một bạn khuyết tật gởi cho con một túi quà. Mở ra xem, con thấy lòng chùng xuống vì đã không kịp về gặp người bạn ấy. Nỗi niềm hạnh phúc trong con cứ kéo dài như thế suốt mấy ngày nay. Những tấm lòng bạn bè dành cho con, khiến con cảm thấy con mắc nợ Chúa nhiều. Con biết, mình phải cố gắng rất nhiều để đền đáp phần nào mối tình lớn lao Chúa dành cho con, qua những gì con đã lãnh nhận. Con cảm thấy sức khỏe con không đủ, song con tin Chúa đã có cả một kế hoạch quan phòng cho con rồi, và tâm hồn con rất bình an, Chúa ạ!

Đêm đã qua từ lâu, một ngày mới bắt đầu, tiếng gà gáy eo óc ngoài sân. Hôm nay con có nhiều việc phải làm lắm, Chúa ơi! Hẹn Chúa một dịp khác, Chúa nhé!

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

GIÓ THỔI TÌNH TRỜI

“Các ông nghĩ sao :Người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho’. Nó đáp: ‘Con không muốn đâu!’ Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: ‘Thưa Ngài, con đây!’ Nhưng rồi lại không đi.”
(Mát-thêu: 21, 28-30)

Câu chuyện trên đây rất thường hay xảy ra trong cuộc sống của tôi. Tôi đã bao lần nói: “Không đi!”, “Không làm!”, “Không muốn! Với cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo. Song, nhiều lần tôi lại hối hận? Tôi đã bao lần nói: “Dạ vâng! Con sẽ làm!”. . . rồi lại không làm? Đã bao lần tôi bỏ qua, không thực thi những điều Chúa dạy, sống hưởng thụ và ích kỷ lạnh lùng trước cảnh khổ cực của người đồng loại?
Tôi tin Chúa đã đến, và dạy tôi theo đường lối của Cha Ngài. Nhưng tôi vẫn yếu đuối chưa quyết tâm theo Ngài, như thánh Phao-lô đã nói: “Điều tôi muốn làm, tôi đã không làm; điều tôi không muốn làm, nhưng tôi lại làm!”
Ôi, lạy Chúa! Con như một cành hồng đầy thương tích, vì chính những gai nhọn sắc của mình. Xin hãy thổi vào hồn con một cơn gió của tình yêu, để con lại trổ hương sắc. Con chỉ là một kẻ yếu đuối và tội lỗi, xin Chúa ban cho con được ơn hối cải. Xin đừng bao giờ để con trở thành kẻ cứng lòng tin trước những nghịch cảnh của cuộc đời!

Chúa ơi, con phận sinh linh mỏng
Như cánh bèo trôi giữa biển đời
Chẳng dám buông mình cho bão tố
Sóng xô ghềnh đá dập dềnh trôi

Bàng bạc mây trôi chiều gượng nắng
Đóa hồng những tưởng đã tàn phai
Cành gai sắc nhọn gây thương tích
Còn gượng được chăng đón nắng mai

Cánh hồng loang máu xuyên gai nhọn
Gục ngã bên đài chết tái tê
Thập giá dựng lên vì thế sự
Một buổi chiều nao gió vỗ về!

Nhẹ nhàng cơn gió chiều như mới
Tiếng lá lao xao lá xốn xang
Vườn hoang cỏ dại thôi xơ xác
Người đến trong tôi rất khẽ khàng. . .

Ấy là cơn gió buổi chiều thu!
Có lúc gió bùng lên dữ dội! !
Gió thổi tình trời phiêu lãng ru. . .
Cánh hồng đỏ rực thêm hương sắc...!

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

TRÁNH SỰ THẬT THÌ SẼ MẮC SAI LẦM!



 ‘Đức Giê-su đáp : "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.   Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?" Họ mới nghĩ thầm : "Nếu mình nói : "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại : "Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?" Còn nếu mình nói : "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ." Họ mới trả lời Đức Giê-su : "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ : "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
(Mát-thêu: 21, 24-27)

Mấy ông này nói chuyện với Chúa Giê-su thật là lươn lẹo. Rõ ràng biết, mà lại nói là không biết. Tìm đến hỏi người ta, muốn người ta trả lời mình một cách cặn kẽ thì mình phải thành thật mà ăn nói, chứ có đâu lại trả lời kiểu lấp lửng như thế! Mấy ông này chắc mẩm là họ có thể vặn vẹo Chúa được, cuối cùng “trớt quớt”, Chúa đâu có thèm trả lời!
Chúa Giê-su đã từng nói “Ta là đường, là sự thật...”, sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật! Chính mấy ổng cũng đã nghĩ thầm: "Nếu mình nói : "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại : "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?". Mà nói do con người thì cũng không xong, bởi số đông dân chúng đã tin rằng ông Gio-an là một vị ngôn sứ. Họ đang rần rần kéo nhau tới xin ông Gio-an làm phép rửa cho họ, nói rằng phép rửa của ông Gio-an do con người, thì có khác gì đối đầu với đám đông ấy! Đã lươn thì phải lẹo, tránh sự thật thì sẽ mắc sai lầm, muốn không bị sai lầm thôi thì chắc cú cứ nói không biết cho xong. Mục đích ban đầu của mấy ổng là đến vặn vẹo để làm giảm bớt uy tín của Chúa Giê-su, cuối cùng vặn vẹo đã không được lại còn bị Chúa Giê-su chất vấn cho đến nỗi không biết đàng nào mà trả lời, để rồi phải lủi thủi bỏ về tay không. Thật là tức cười cho mấy ổng, lươn lẹo mà chi!
Cười người lại ngẫm đến ta. Tôi có chắc là mình đã chưa từng, vặn vẹo ai đó, để rồi bẻ cong sự thật, để rồi nói dối quanh co với những mục đích làm giảm uy tín của người khác? Tôi có chắc rằng mình chưa từng, chối bỏ sự thật, nói không biết để khỏi phải phiền lụy, để rồi Chúa cũng lại nói không biết đối với mình, để rồi tôi quay ra trách Chúa là đã chẳng lắng nghe lời mình? Con người như vậy, chẳng lẽ không phải là lươn lẹo hay sao? Thế mà tôi vẫn tưởng mình là người ngay thẳng, rồi đi chê bai người này người nọ gian dối! Tôi thật là đắc tội với Chúa và với người.

    Lạy Chúa! Xin cho con luôn biết nói đúng sự thật, để con không phải vấp ngã trước những gì gồ ghề khúc khuỷu trong cuộc đời, và để con có thể trở thành con đường cho những người sống chung quanh con dễ dàng tìm đến với Chúa, Chúa nhé!  

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

CÁC BẠN ƠI, HÃY VUI LÊN!

“Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.”
(I-sai-a: 61, 11)

Đọc những lời tiên tri trên đây của ngôn sứ I-sai-a, tôi hiểu nỗi vui sướng của Mẹ Maria khi Mẹ hát lên bài ca “Manificat”. Thiên Chúa đã làm cho Mẹ biết bao điều kỳ diệu, để Mẹ trở nên Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ được đồng công cứu chuộc loài người... Phần tôi đây, một kẻ mù lòa, cuộc đời tưởng như bóng đêm sẽ bao trùm vĩnh viễn, nhưng:
“Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm...”
Thiên Chúa cũng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu, Ngài đã biến đổi tôi từ một cô gái mù lòa trở nên một trong những nhân chứng sống động về tình yêu bao la của Chúa, một nhân chứng của ánh sáng từ trời cao.
Để đất đai đâm chồi nảy lộc, người nông dân phải thức khuya dậy sớm, ra đồng cày sâu cuốc bẫm, rồi gieo giống, rồi tưới bón. Và chính là Thiên Chúa, chứ không phải ai khác, sẽ ban cho họ những thành quả lao động trổ sinh từ những giọt mồ hôi của họ tưới đẫm cánh đồng. Thiên Chúa đã làm cho tôi nhận ra tình yêu của Người qua những chặng đường gian nan, qua vùng thung lũng tối mà Người đã cùng tôi song bước. Chính trong những gian lao thử thách, tôi mới nhìn thấy ánh sáng từ thập giá Đức Ki-tô. Khi đã trải qua biết bao đau khổ của đời mình, tôi mới hiểu ra rằng: chỉ có Chúa mới là nơi tôi có thể cậy trông tuyệt đối và có thể hoàn toàn tín thác. Bây giờ, tôi đã tìm được bến bờ vững chắc cho mình, đó chính là Núi Chúa.
Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu, tuy không thể sánh ví cùng Mẹ Maria; song, đối với tôi, bài ca “Manificat” của Mẹ là lời kinh tôi thích nhất và thường dùng như lời kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Giờ đây, tôi vui sướng hân hoan cất cao lời chúc tụng Thiên Chúa. Các bạn ơi! Hãy vui lên, vì chúng ta có Thiên Chúa là nguồn ơn cứu rỗi, là nguồn mạch sự sống và là nguồn cậy trông tuyệt đối của chúng ta. Ta sẽ không phải sợ hãi trước bất cứ một thế lực nào! Quả thế, tin vào Thiên Chúa, tôi không còn sợ hãi bóng tối, tôi không còn phải lo cho ngày mai sẽ ăn gì mặc gì...

Mỗi sáng thức dậy, tôi thì thầm với Chúa: “Ngày hôm nay Chúa dẫn con đi đâu? Chúa muốn con làm gì?” “Ngày hôm nay Chúa sẽ gởi đến cho con điều thú vị gì? Dĩ nhiên, con biết sẽ có cả niềm vui và có thể là có những nỗi buồn, nhưng Chúa ơi, hãy cùng phiêu lưu với con mỗi ngày, Chúa nhé!”

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

ĐÔI MẮT CỦA LUCIA



  Dù đã hơn 30 năm kể từ khi tôi được rước lễ lần đầu vào mùa hè năm 1973, tôi vẫn hình dung ra đôi mắt ấy. Vâng, đấy chính là đôi mắt của nữ thánh tử đạo Lucia, không phải là đôi mắt trên khuôn mặt của chị mà là một đôi mắt được đặt trong chiếc đĩa trên tay chị.
  Tôi còn nhớ như in cái ngày tôi rước lễ lần đầu, mẹ tôi tặng cho tôi một quyển sách kinh nhỏ, lúc ấy tôi chỉ là một đứa bé vui mừng vì được tặng quà, tôi lật mở ra xem thì thấy hình thánh nữ Lucia, đó là thánh bổn mạng của tôi. Trong lúc tôi ngắm nghía vị nữ thánh tuyệt đẹp ấy, mẹ tôi thủ thỉ kể cho tôi về gương đạo đức của chị, tôi hiểu bà muốn tôisẽ trở thành một thiếu nữ đẹp cả về tâm hồn lẫn thể xác như chị. Tôi đã thắc mắc tại sao trong tấm hình ấy có tới hai đôi mắt, đặc biệt là đôi mắt đặt trên chiếc đĩa trong tay Lucia có ý nghĩa gì? Sau này lớn lên, tôi hiểu rằng đó là một biểu trưng cho đôi mắt đức tin của Lucia, ngay cả cái tên của chị Lucia cũng mang một ý nghĩa sâu sắc về bản thân chị: “Ánh Sáng”! Vì thế mà có nhiều người mắc bệnh về mắt thường cầu xin vị thánh này cầu bầu cho mình khỏi bệnh. Mặc dù vậy tôi cũng chưa hề bao giờ có ý định cầu xin điều đó với chị. Vì gương tử đạo của chị là chấp nhận đau khổ và chết vì đạo Chúa. . .
  Thật là may mắn cho tôi, tuy đôi mắt của tôi không còn đẹp và không mở ra linh lợi như trước đây; song, Chúa đã mở toang cánh cửa sổ của tâm hồn tôi để tôi thấy được nhiều sự kỳ diệu trong cuộc đời mình. Tôi nhìn thấy Chúa đã chọn tôi đóng một vai trò đầy kịch tính trong bộ phim của Người. Chúa đã dắt tôi đi trên những nẻo đường ngoằn ngoèo và bí hiểm. Rất nhiều khi Chúa đã đẩy tôi vào gian truân, Người mặc tôi đa đoan với cuộc đời. . . rồi lại túm lấy tôi khi tôi sắp chìm nghỉm. Khi tôi tưởng mình như hóa đá trong bốn bức tường đen tối, Người lại thổi vào hồn tôi đầy hứng thơ yêu đời.
  Sáng nay, vừa thức giấc, còn nằm trên giường, tôi đã cầu xin thánh nữ Lucia cho tôi được sống những ngày đẹp lòng Chúa. Dòng tư tưởng của tôi trôi miên man ra khỏi căn phòng chật hẹp. Tôi nghĩ về sự phức tạp của con người, nghĩ về những thách thức mà con người trong thời đại này đang phải đương đầu một cách gần như bế tắc. . . Tôi chợt có một so sánh thật là kỳ lạ:
trong khi tôi và một số bạn bè khuyết tật thường chia sẻ với nhau về niềm tin yêu phó thác một cách lạc quan, thì, những người bạn khỏe mạnh của tôi lại hay than thở với tôi về một cuộc sống đầy bi quan và thiếu tin tưởng. Thật là một nghịch lý!
Những người tưởng chừng đã mất hết tất cả, chỉ là con số 0 nhỏ nhoi giữa cuộc đời này như chúng tôi cảm thấy lòng thanh thản vì chẳng phải bận tâm tới chuyện xây nhà kiểu gì. . . Chúng tôi chẳng sốt ruột vì thấy người ta cho con du học nước ngoài, chẳng buồn bực vì chiếc điện thoại di động của mình chỉ là thứ “cùi bắp”. . . Tôi thật sự lo lắng cho những kẻ đang sống trong đầy đủ vật chất nhưng lại vô cùng nghèo nàn về mặt tinh thần vì họ không có cái nhìn như đôi mắt của chị Lucia.
  Tôi nghĩ đến đôi mắt màu xanh ngọc tuyệt đẹp của thánh nữ Lucia, đôi mắt trong trẻo và dịu ngọt làm sao! Vậy mà đôi mắt ấy đã từng nhìn xuyên qua ngọn lửa của những kẻ định thiêu đốt mình, nhìn vào những con lừa định kéo đổ lòng tin của mình một cách mạnh mẽ. Cũng là một cuộc đời này, nhưng con người ta lại có thể có cái nhìn theo hai chiều hướng thật là trái ngược nhau!
Lucia, nữ thánh có đôi mắt tỏa sáng niềm tin, xin chị hãy cầu bầu cho tất cả chúng tôi có một đôi mắt như của chị. Một đôi mắt của niềm tin vào Thiên Chúa. Một đôi mắt biết tiếp nhận và tỏa ra ánh sáng của chân lý và tình yêu. Tôi chắc một điều, nếu cứ nhìn đời bằng đôi mắt như của Lucia, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không còn những đám mây xám  xịt che phủ; trái lại, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn ngập ánh sáng. Ngoài kia, chim hót!
                        Viết trong ngày lễ thánh tử đạo Lucia 13/12/2009 

Bài hát SANTA LUCIA