Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng.
Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.”
(Isaia: 53, 5-8)

Những lời trên đây của ngôn sứ Isaia cho thấy rằng: “Chúa Giêsu đã biết trước những gì sẽ xảy đến với mình trong ngày thứ Sáu năm ấy. Thế mà Người vẫn dấn bước vào cuộc khổ nạn đó! Người đã quyết tâm chịu đau khổ, với ý muốn cứu chuộc loài người chúng ta và với ý muốn làm đẹp lòng Chúa Cha trên trời.”
Con đường vác thập giá, cái chết gục đầu và sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa Cha, con đường này đã mở ra cho chúng ta niềm hy vọng rạng ngời. Quả thật, từ khi biết chiêm ngắm vẻ đẹp tình yêu Thiên Chúa qua cái chết của Đức Kitô trên hập giá, có thể nói rằng tôi đã được sống lại cùng với Đức Kitô, bạn ạ!
Thế nhưng, tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tôi mới có dịp suy ngẫm thật lâu về những đớn đau sỉ nhục mà Chúa đã phải gánh chịu. Nếu tôi bớp đi phần nào tội lỗi, nếu tôi bớt làm thương tổn đến người chung quanh, thì có lẽ Chúa Giêsu đã bớt đi được phần nào đớn đau trên thân thể!
Vâng, tôi nghĩ đến tấm lòng của một người mẹ. Người mẹ yêu các con mình, đứa nào bà cũng yêu một cách thiết tha; vì thế, nếu trong đám con của bà có cãi vã đánh nhau, sinh ra cảnh thù ghét tương tàn, bà rất đau lòng. Người mẹ đau lòng vì đứa con bị oan ức thiệt thòi, bà thương cho nó khi nhìn thấy nó cứ ngồi khóc tức tưởi mà chẳng thể làm gì, vì các anh em của nó chẳng thương nó. Người mẹ cũng đau lòng vì những đứa con đang vênh vao trong thắng lợi kia, chúng đang làm những điều sai trái và đang dấn bước vào sự dữ mà chúng không biết. Bà đau lòng vì thấy những đứa con bà đã mang nặng đẻ đau kia chẳng còn những nét đáng yêu như khi bà mới sinh ra nó, những đứa con giờ đây đã trở nên ngang tàng bướng bỉnh... Và rồi, đối với những đứa con thành đạt học hành giỏi giang, bà cũng đau lòng vì biết nó đang có những tính toan trong đầu làm sao để có thể leo cao hơn nữa trên bước đường danh vọng tiền tài... Ngồi nghĩ lan man như thế, tôi quay trở lại cảnh tượng Chúa Giêsu đang bị đóng đinh trên thập giá. Ánh mắt đau đớn nhẫn nhịn của Chúa đang nhìn tôi, tôi thấy mình giống như một trong những đứa con của bà mẹ kia, và thấy Chúa đang mang nỗi đau của người mẹ có cả mấy tỷ đứa con trên mặt đất này... Những nỗi đau như những cái gai nhọn xiết trên đầu, như những lằn roi đang quất vào da thịt... Người đau đớn khi còn biết bao thân phận con người đang bị sỉ vả coi khinh ở khắp nơi trên Trái đất này, nơi mà nhiều người cứ tưởng rằng họ đang ở giữa một thế giới văn minh hiện đại... và nỗi đau đớn cứ thế ghim trên da thịt Người, như những cái đinh nhọn hoắt đang vô tình đóng chân tay Người vào thập giá: “Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.”
Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại ơn cứu độ của Thiên Chúa Cha. Qua con đường thập giá và cái chết đau thương trên núi Sọ, Người đã được giương cao lên như con rắn xưa ông Môsê đã giương cao trong sa mạc, để những ai nhìn lên con rắn thì khỏi phải chết, mỗi người chúng ta nhìn lên Chúa Kitô trên thập giá cũng sẽ khỏi phải chết. Vâng, nhìn lên thập giá, ta sẽ hiểu ta phải làm sao để thoát khỏi sự chết, Chúa Giêsu đã chiến thắng tội lỗi của nhân loại bằng cách chết đi trong tội lỗi của nó, và Người đã sống lại cho chúng ta cùng được sống với Người.
“người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an”: Chúng ta có chịu sửa trị để được bình an, hay là đã bưng tai bịt mắt trước những lời sửa trị?
“đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”: Chúng ta có chấp nhận mang lấy những thương tích như mang lấy những khổ đau trong cuộc đời để được chữa lành,hay là đã tìm cách chạy trốn khỏi nó?
“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca”: Bị ngược đãi, ta có cam chịu nhục hay là đã mở miệng kêu ca than trách?
“như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông”: Tôi có chịu câm nín mỗi khi bị ai đó nói đụng chạm tới mình, hay là đã giận dữ phản kháng lại để rồi chuốc lấy bực tức, cãi vã, giận hờn, đau đầu nhức óc?...

Lạy Chúa Giêsu! Chiều nay, chúng con tưởng niệm lại toàn bộ cuộc thương khó Chúa đã chịu năm xưa để cứu chuộc nhân loại chúng con, xin cho con được ơn thống hối, biết đóng đinh tội lỗi mình vào thập giá của con, để mỗi ngày con sẽ không còn đóng đinh Chúa vào thập giá nữa, Chúa ơi!

CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA JESUS



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét