Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

"BÊN BỜ HỒ"

‘Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : "Anh có muốn khỏi bệnh không ?" Bệnh nhân đáp : "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !"’(Ga: 5, 5-7)

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay tôi chợt nhớ đến anh Phát, một người không những bị mù mà còn bị bại liệt nữa, anh nằm đó đã bao năm... chẳng biết có mấy người quan tâm... Trước đây, tôi thỉnh thoảng ghé thăm anh, chuyện trò với anh cho anh cảm thấy được sự quan tâm của bè bạn. Song, việc đi lại của tôi hơi bất tiện, tôi đã giới thiệu với anh một người bạn khuyết tật vận động có sử dụng xe ba bánh, để anh này thường xuyên quan tâm giúp đỡ anh. Thế rồi, tôi chỉ còn đến thăm anh vào mỗi dịp Tết hoặc lễ Giáng sinh, những bận bịu trong cuộc sống đã cuốn tôi đi rất xa, chẳng còn nhớ gì tới những nỗi cô đơn khắc khoải của anh Phát...
Như tôi đã nói, sau khi bàn giao anh Phát cho người bạn khuyết tật vận động xong, tôi ít đi thăm anh Phát lắm. Thỉnh thoảng có dịp gặp anh bạn KT, tôi hỏi thăm anh về tình hình của anh Phát, và cũng để mừng cho anh Phát đã có được một người bạn tốt như anh bạn KT của tôi.
Những người khuyết tật chúng tôi được trợ cấp hàng tháng, một khoản tiền tuy nhỏ cũng giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống. Mỗi năm chúng tôi còn được cấp phát một thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được lãnh một khoản tiền Tết, đó là theo nghị định chung của chính phủ. Tôi đã được hưởng trợ cấp kể từ đầu năm 2012 một cách chẳng hề vất vả, và tôi cứ ngỡ rằng người khuyết tật nặng như anh Phát đương nhiên là sẽ được hưởng. Thế nhưng, cho đến cuối năm 2013, qua cuộc trò chuyện với anh bạn KT của tôi, tôi mới biết rằng anh Phát chưa được hưởng gì cả. Lý do thật đơn giản là vì anh Phát không thể tự đến bệnh viện để được giới chuyên môn xác định dạng khuyết tật. Anh bạn KT kể rằng, anh đã bỏ tiền ra thuê một chiếc taxi, nhờ 2 tình nguyện viên đến nhà khiêng anh Phát đến bệnh viện đa khoa của quận để được giám định y khoa. Anh ta cho rằng chỉ ít lâu nữa anh Phát sẽ được hưởng trợ cấp. Cũng trong buổi trò chuyện hôm đó, anh bạn KT cho biết, anh sắp sửa đi định cư ở nước ngoài, nghe tin này tôi cảm thấy thương anh Phát vì từ nay anh sẽ mất đi một người bạn để có thể chia sẻ tâm tư...
Ngày tháng trôi nhanh, mùa thu 2014, anh bạn KT gọi điện cho tôi từ nhà của anh Phát, tôi mới biết anh đã về lại Việt Nam để tránh cái lạnh của xứ người. Và tôi mừng là anh ta đã không quên anh Phát. Rồi anh bạn KT cũng đến thăm tôi, trong lúc tỉ tê chuyện trò, tôi mới biết chuyện anh Phát vẫn chưa được lãnh tiền trợ cấp, trong khi người tật nhẹ như tôi lại đã được hưởng trợ cấp của chính phủ gần 4 năm. Anh bạn KT tỏ ý phẫn nộ trước kiểu làm việc lề mề của cán bộ nhà nước, anh có ý định đi đăng chuyện này lên báo Tuổi Trẻ. Tôi đã ngăn anh lại và nói, anh chưa tìm hiểu kỹ sự việc ở địa phương mà đòi đăng báo, người ta chẳng giải quyết chuyện gì cho anh cả. Thế là tôi nhờ người nói chuyện với vị chủ tịch Hội người mù nơi tôi và anh Phát có tên trong danh sách thành viên, yêu cầu bà liên hệ với cán bộ địa phương nơi anh Phát sinh sống, để phần nào có một tác động đến cách làm việc của họ. Sau đó tôi nhận được phản hồi từ bà chủ tịch Hội người mù rằng, cán bộ phường ở đó người ta nói thân nhân của anh Phát không có yêu cầu gì họ cả, nên họ không giải quyết. Nghe vậy, tôi đã hiểu ra sự việc, tôi đốc thúc vợ anh Phát đến gạp bà chủ tịch Hội người mù, và nói rõ cho bà ta biết sự việc, rằng chị đã nhiều lần liên hệ với cán bộ, nhưng lần nào câu trả lời của họ cũng chỉ là một lời hứa suông. Biết vợ anh Phát là người hiền lành nhút nhát, nên tôi phải hết lòng chỉ vẽ và giải thích cho chị hiểu, lý do tại sao tôi khuyên chị đến gặp chủ tịch Hội người mù nhờ bà can thiệp... Và rồi, kể từ ngày 1/1/2015, anh Phát bắt đầu được hưởng tiền trợ cấp, điều mà lý ra anh đã phải nhận được từ đầu năm 2012. Thật là một sự việc quá trễ tràng, nhưng dù sao bây giờ có cũng còn hơn không. Kết quả của sự việc đã khiến tôi phải xem xét lại chính mình. Đôi khi, chỉ vì sự thiếu quan tâm của tôi mà người anh em tôi cứ phải nằm chờ đợi “bên bờ hồ” một cách đáng tiếc. Đôi khi, chỉ cần tôi cố gắng một chút, thì nỗi khó khăn nào đó của người anh em tôi sẽ được giải quyết một cách hiệu quả... Vậy mà tôi đã chẳng mấy cố gắng, thật là đáng trách cho tôi!

Lạy Chúa! Hôm nay Chúa nhắc nhở con về sự thiếu quan tâm của con đối với những người anh em còn đang phải nằm đấy trong nỗi bất hạnh. Những người anh em đó phải nằm chờ đợi “bên bờ hồ” vì sự thiếu quan tâm của con, xin cho con luôn biết quan tâm và sẵn sàng tiếp sức cho họ, để họ có thể di dời khỏi tình trạng phải chờ đợi và có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ, Chúa nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét