Và
CẢM NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI THỢ THỦ CÔNG
30/6/2011
Trước khi buổi lễ trao giải thưởng cho những người đoạt giải cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời diễn ra, tôi cứ nghĩ, buổi lễ này rồi sẽ tương tự như bao nhiêu buổi lễ khác. Nghĩa là, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các thành phần tham dự, tổng kết lại cuộc thi, rồi mời những người đoạt giải lên lãnh giải thưởng... xen kẽ sẽ là những bài phát biểu cảm tưởng, vài tiết mục văn nghệ, rồi chia tay nhau trong vui vẻ. Thế nhưng, lời phát biểu của các bậc tiền bối trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật Công Giáo Việt Nam, những người đặc biệt dành tâm huyết cho thơ văn Công giáo đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ.
Dù không thể hiện diện, nhưng sự chuẩn thuận và khích lệ của Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, đã cho tôi cảm giác người cầm bút Công Giáo có một vị chủ chăn hẳn hòi , những lời nhắn gởi của hai nhà thơ linh mục Xuân Ly Băng và Trăng Thập Tự như gói trọn tâm huyết dành cho văn học công giáo. Còn nữa, những lời nhận xét, những tâm sự của các vị tiền bối, cho tôi thấy Chúa có cách làm việc mà con người ta không thể ngờ. Qua phát biểu của các vị, tôi cảm nhận được rằng, Chúa không để cho những người có xu hướng làm nghệ thuật công giáo phải chống chỏi đơn phương. Các vị ấy đang nỗ lực bảo vệ và nhắm tới phát triển nền thi ca Công giáo của Việt Nam. Nhà thơ Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm chuyên trang Đồng Xanh Thơ, đã thay mặt Ban tổ chức tổng kết toàn bộ cuộc thi. Bản tổng kết dành phần lớn để nói về những việc làm của Cố Linh mục An-rê Trần Cao Tường, người đã cổ võ và đóng góp rất nhiều cho cuộc thi này cả về tinh thần lẫn vật chất. Linh mục Trần Cao Tường đã qua đời vì bạo bệnh, khi cuộc thi vừa được tiến hành hơn 3 tháng. Chính vị Linh mục này đã sáng lập ra Mạng Lưới Dũng Lạc, đã quy tụ được nhiều thành phần cho nền văn hóa nghệ thuật Công Giáo Việt Nam. Mặc dù đã sống lâu năm ở Mỹ, nhưng Cha An-rê vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ, Cha đã để lại cho người Công giáo nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt. Từ điểm này, nhà thơ Cao Huy Hoàng đã giúp mọi người trong khán phòng nhớ lại sự ra đời của chữ quốc ngữ, khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam. Rõ ràng, mục đích hàng đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ là để phục vụ sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người dân Việt. Tôi thiết nghĩ, chữ quốc ngữ ra đời trong một hoàn cảnh như thế không thể không có bàn tay của Thiên Chúa quan phòng. Tôi thoáng nhớ lại những kinh nguyện và hạnh tích các thánh được truyền khẩu mà tôi từng nghe và đọc khi còn rất nhỏ, những bài thơ lục bát... Như vậy, có thể nói thơ ca cũng đã góp phần vào công cuộc truyền giáo ở Việt Nam.
Nhà thơ Lê Đình Bảng, một cây đại thụ trong làng thơ Công giáo, đã điểm qua vài nét về một số thi đàn từng xuất hiện ở Việt Nam trước đây. Ông đã đưa ra sự so sánh giữa thi đàn của Công giáo với thi đàn của vài tôn giáo khác. Nhận xét của ông tuy có hơi buồn, song tôi cho rằng theo con đường của Chúa là vậy, luôn có thách thức và trở ngại. Chẳng phải xưa kia Chúa đã từng đơn phương chống chỏi với biết bao sự chỉ trích của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục trên đường rao giảng về Nước Trời sao? Tâm sự của vị tiền bối này khiến tôi cảm thấy mình có phần chưa tròn trách nhiệm trước Chúa.
Một tấm gương nữa cho tôi nhìn vào là nhà thơ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ đã viết lên những bài thơ thần sầu, vì đã có những trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời. Tôi giả sử rằng, nếu Hàn Mặc Tử không rơi vào những tình huống cô đơn, bi thống như ngày ấy, thì chắc hẳn thi ca Công Giáo Việt Nam đã không có được những vần thơ tuyệt mỹ của ông.
Cha Giu-se Tiến Lộc thì nói rằng “Hiện nay đã có cả hàng chục nghìn ca viên, hàng ngàn nhạc sĩ... có lớp dạy đóng kịch và có người đóng kịch..., nhưng truyện ngắn và kịch bản thì rất hiếm hoi...”. Cha mong muốn sẽ có nhiều kịch bản chất lượng giúp chuyển tải Lời Chúa đến cho các Ki-tô hữu qua lãnh vực kịch nghệ. Điều mong mỏi của Cha chắc hẳn cũng là điều mong mỏi của nhiều vị hữu trách Công giáo khác.
Phần mình, tôi cảm thấy những bài hát, những vần thơ, những tranh ảnh và nhiều tác phẩm khác trong lãnh vực nghệ thuật giúp tôi nâng tâm hồn lên gần với Thiên Chúa hơn. Phân tích những điều trên, tôi nhận ra được vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong đời sống người Ki-tô hữu. Nó giúp các Ki-tô hữu có thể thấy được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, và từ đó giúp biến đổi đời sống tâm linh của họ theo một chiều hướng tích cực. Với những suy nghĩ ấy, tôi cảm thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bằng chút khả năng kém cỏi của mình, tôi sẽ viết lên những điều Chúa linh hứng. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự trong vũ trụ, mọi ý tưởng tốt đẹp xuất hiện trong đầu ta cũng là do Thiên Chúa sai Thần Khí của Ngài đến làm việc trong ta, ta chỉ làm mỗi một việc là đưa những ý tưởng ấy thành những sản phẩm... Những dòng suy nghĩ này khiến tôi rất vững tâm, vì những gì tôi viết thì đã có Chúa chủ trương rồi. Tôi sung sướng biết bao, khi mình đang được làm một người thợ thủ công của Thiên Chúa!
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như một khí cụ bình an của Ngài!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét