Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG CHA MÙ




Trong một lần nói chuyện với bác Xuân Phúc, một người quen biết của tôi,  tôi đã thấy bác ấy gọi Cha Phao-lô Nguyễn Thực bằng cụm từ “ông cha mù”. Lúc ấy, tôi đã khựng lại, hỏi bác: “Sao bác lại gọi Cha là ông cha mù?”. Bác cười hiền lành: “Chả là Cha Thực chuyên môn giúp đỡ cho người mù mà lỵ!”. Hỏi nữa thì bác cũng chỉ biết rằng hàng tháng Cha Thực cùng giáo dân Hà Đông phát gạo cho cả ngàn người mù,  bác không biết gì nhiều hơn về “ông cha mù” này.

Chẳng phải Cha có vấn đề gì về mắt, sau khi tới giáo xứ Hà Đông để tìm hiểu tôi đi đến kết luận, người ta gọi Cha như thếlà vì lòng yêu mến và cảm phục Cha đấy thôi. Khi tôi hỏi nguyên cớ nào khiến Cha đeo đuổi thương giúp người mù nhiều đến như vậy, Cha Phao-lô như trở lại thời còn là một cậu bé cắp sách đến trường, Cha kể:
  -“Hồi tôi còn bé, mẹ tôi thường cho năm cắc, một đồng để đem đi học có cần thì uống nước. Nhưng cụ lại dặn: ‘Con phải biết thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ, nhất là người mù đấy!’ Tôi thường uống nước ở nhà, rồi dùng số tiền mẹ cho để giup những người mù ngồi ăn xin ở gần trường học. Cứ như thế nó thành một thói quen, từ khi tôi học tiểu học, rồi lên trung học, lời dạy của mẹ tôi đã in sâu vào tâm trí. Sau này lớn lên, tôi nhận thấy trong Tin Mừng Chúa Giê-su yêu thương những người nghèo khổ, đặc biệt Chúa thương người mù. Hình ảnh anh chàng mù vứt áo choàng để chạy đến với Chúa Giê-su thể hiện một niềm tin mạnh mẽ vào Chúa. Tất cả những  điều đó đã khiến tôi quyết tâm làm theo lời Chúa dạy là thương giúp người nghèo, đặc biệt tôi thương những người mù chị ạ!”

Tôi hỏi: “Thưa Cha, con được biết mỗi tháng Cha phát gạo và mì cho hàng ngàn người trong các Hội người mù ở thành phố này, vậy Cha đã khởi đầu công việc như thế nào?” Cha cười vui vẻ:
  -“Việc Chúa làm kỳ diệu lắm chị ạ! Vào năm 1999, Cha đang phụ trách xứ Bình An Thượng ở quận Tám, một buổi sáng Cha nghe tiếng người huyên náo ngoài đường, ra xem thì mới biết có một người mù đi bán vé số bị hai thằng sì-ke lừa lấy mất 200 tờ vé số. Ông ta tên là Tiên, thuộc Hội người mù quận Tám. Thấy tình cảnh đó, Cha cho ông ta 100.000đồng rồi kêu gọi mấy người chung quanh nữa giúp ông ta cho đủ số tiền 200 tấm vé số, coi như hùn nhau mua vé số giúp ông ta vậy. Trong vòng một tháng sau đó, hầu như ngày nào cũng có vài ba người mù đến gặp Cha, kêu than bị lừa mất vé số và xin Cha giúp đỡ. Cha nghĩ, cứ một mình Cha thì không thể làm xuể, mà không giúp họ thì thật là khổ cho họ. Thế là Cha kêu gọi giáo dân trong xứ mỗi người góp một chút... Ông Tiên, người bị mất vé số Cha gặp hôm trước đã nói sao đó, nên ông hội trưởng Hội người mù quận Tám mời Cha đến thăm Hội người mù. Cha đến thăm và biết Hội có hơn 80 hội viên. Cha nhẩm tính mình và giáo dân góp nhau vào mỗi tháng phát cho họ 10kg gạo để ít nhất họ không bị đói. Cha đã tìm hiểu và biết hầu như người mù chỉ có hai nghề là bán vé số  và ăn xin... Ăn xin mà có khi có mấy đồng trong nón, đứa nào đi ngang qua lấy mất thì cũng đói... Rồi đến lượt Hội người mù quận Tân Bình, quận 10, quận 11... người ta kháo nhau đến xin Cha phát gạo.”

Qua lời kể của Cha Phao-lô, tôi được biết Cha rời giáo xứ Bình An Thượng về nhậm chức tại giáo xứ Hà Đông vào năm 2001. Khi còn ở giáo xứ Bình An Thượng, số người mù được Cha và giáo dân tại đó cấp phát gạo là 730 người. Cha về giáo xứ Hà Đông thì công cuộc từ thiện này cũng theo Cha về với giáo xứ mới của Cha. Hiện nay, số người mù nhận quà của Cha và giáo dân Hà Đông lên tới 2.600 người, mỗi tháng một người được 10kg gạo và 10 gói mì trị giá khoảng 110.000đồng, tổng chi phí mỗi tháng lên tới hơn 270.000.000đồng. Con số khiến tôi giật mình, mỗi tháng phải chi với ngân sách hơn 270.000.000đồng, địa danh Hà Đông (Gò vấp) không phải là khu dân cư giàu có của Thành phố. Cũng theo lời Cha nói, sở dĩ công việc từ thiện này phát triển là vì Cha đã khơi dậy nguồn nội lực từ hàng ngàn giáo dân và hướng họ vào việc thực thi Lời Chúa Giê-su đã dạy. Tôi hỏi “Cha làm sao có thể quyên góp được nhiều như vậy?”. Cha bảo Cha chỉ kêu gọi mỗi hộ gia đình giúp nuôi một người mù, và mọi giáo dân đều được biết rõ từng bước đi của công việc từ thiện này. Cha còn nói với tôi rằng, là một linh mục Cha có vị thế để làm những chuyện này. Khi giáo dân được kêu gọi làm theo Lời Chúa một cách thiết thực, thì họ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ. Dĩ nhiên là giáo xứ Hà Đông cũng có người nghèo, những gia đình nghèo không thể đóng góp thì đã có gia đình khá hơn bù qua xớt lại. Cũng có những gia đình tuy nghèo nhưng lại đóng góp với tinh thần “Lá rách đùm lá nát”. Tôi cũng được biết, tất cả hầu bao của Cha, từ tiền lễ đến tiền bạn bè và người thân của Cha tặng, Cha đều bỏ vào quỹ dự phòng. Quỹ này thường xuyên phải dùng đến, khi giáo dân chưa quyên góp đủ để đi mua gạo và mì cho người mù.

Trên bàn làm việc của Cha có một tấm lịch công tác từ thiện, Cha vừa chỉ cho tôi vừa đọc lên các địa danh nơi có Hội người mù và mái ấm nhận quà của Cha. Các Hội người mù thuộc Sài Gòn, trừ Quận hội quận 1 và quận 2 là không có. Tỉnh Đồng Nai thì có Hội người mù ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Trảng Bơm, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa . Tỉnh Long An thì Cha giúp cho Hội người mù Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức và Phước Thạnh. Tỉnh Bình Phước thì Cha chỉ mới giúp được Hội người mù ở Bù Đốp. Ngoài ra, còn có các mái ấm nuôi dạy trẻ mù như: Nhật Hồng, Thiên Ân, Thành Đạt, Như Nghĩa, Suối Mơ, Đà lạt; và đặc biệt có một mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi là Truyền tin. Cha phân chia công tác cho các Đoàn thể trong giáo xứ, mỗi đoàn thể phụ trách phát gạo ở vài ba nơi. Cứ đến tháng đến ngày, những người chịu trách nhiệm tới gặp Cha nhận tiền để chi trả.  Cha bảo, những người đi công tác về thường chia sẻ những cảm xúc khi được phục vụ người mù, họ rất hạnh phúc.
Chúng tôi đang nói chuyện thì có một người đàn ông trung niên bước vào, anh ta xin Cha giúp tiền để mua thuốc cho vợ đang bị bệnh. Cha bảo mua thuốc nhiều tiền như vậy thì Cha không có, Cha khuyên anh ra Trạm y tế Phường xin, miệng nói thế nhưng Cha cũng móc túi lấy tiền giúi vào tay anh ta. Quay vào với tôi, Cha nói, một ngày trung bình có khoảng 20 người đến đây như vậy.
Tôi tỏ vẻ thông cảm với Cha: “Thưa Cha, trong suốt mười mấy năm thực hiện việc này, đã có bao giờ Cha phải khốn đốn vì không đủ tiền mua gạo cho người mù chưa?” Cha bảo đã có một lần Cha phải bán xe Honda mới có tiền, đó là giai đoạn Cha vừa thôi chức ở Bình An Thượng nhưng chưa nhậm chức tại Hà Đông. Lúc khốn đốn ấy, vừa may có một người em của Cha tặng cho Cha chiếc xe Honda, Cha bán được 8 triệu để mua gạo. Cha nói thêm: “Việc Chúa làm chị ạ!”

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Cha, quả là việc Chúa làm, nhưng vẫn thắc mắc: “Cha có nghĩ đến một ngày nào đó  Cha không có tiền để mua gạo và mì cho từng ấy người mù không, và nếu điều đó xảy ra thì Cha làm thế nào?” Cha bảo lúc đó Cha sẽ tuyên bố là Cha ngưng nghỉ công việc. Nhưng Cha hy vọng sẽ có những linh mục, hoặc là có ai đó làm tiếp công việc này.” Ngừng một lát, Cha lại nói tiếp: “Chỉ thương cho những người mù, họ rất khó khăn trong cuộc sống, họ là những người không may mắn! Cha làm việc này vì thương họ, Cha vui vì biết rằng mỗi tháng họ có dịp gặp nhau ở trụ sở của họ để lãnh gạo, để có thể chia sẻ với nhau về cuộc sống.” Rồi giọng Cha trầm xuống: “Hội người mù  ở Bù Đăng tỉnh Bình Phước và Hội người mù Buôn Hồ tỉnh Đắc Lắc đã đến xin Cha giúp cho hội viên của họ, nhưng Cha chưa dám nhận vì sợ quá sức của giáo dân. Cha cũng muốn giúp họ lắm nhưng chưa dám!”

Mặc dù đồng cảm với những trăn trở của vị linh mục, song tôi vẫn vừa cười vừa hỏi: “Cha chỉ giúp người mù thôi sao? Còn những người nghèo khổ thì thế nào?” Lúc này Cha mới nói cho tôi biết, Cha có tổ chức một mái ấm tình thương cho con em thuộc gia đình khó khăn trong giáo xứ Hà Đông. Một lần nữa, Cha lại nói về nội lực, sức mạnh của giáo dân. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu năm hồi Tết năm Hợi vừa rồi, Cha đã quyên góp từ giáo dân được 500.000.000đồng để xây dựng mái ấm này. Mái ấm dành cho khoảng 40 em có hoàn cảnh khó khăn, vì phải phụ giúp cha mẹ kiếm ăn, việc học trễ nải, hoặc không có điều kiện để ăn học. Mỗi sáng, các em tụ họp tại sân nhà thờ, Cha thuê xe lam chở các em này tới trường. Trưa đến, xe lam lại đón các em về  mái ấm. Tại đây có hai souer phụ trách việc học tập và ăn uống cho các em. Tối đến, các em trở về nhà sống với cha mẹ.

Cha Phao-lô còn cho biết, đã mấy kỳ hè liên tiếp, các phòng học giáo lý và hội họp của giáo xứ được trưng dụng vào cuộc “Tiếp sức mùa thi” cho những em thí sinh nghèo. Được biết, mỗi vòng thi vào Cao đẳng và Đại học diễn ra, ở đây có thể chứa khoảng 80 thí sinh nghèo từ tỉnh lỵ lên thành phố dự thi.
Các hội đoàn của giáo xứ được chia công tác giúp đỡ các em thí sinh này, họ thay phiên nhau nhận trách nhiệm lo cho các em được ăn ở miễn phí trong suốt mấy ngày thi. Nghe đến đây, tôi tự nhủ làm sao Cha có thể quán xuyến nhiều công việc đến thế? Những công việc không những đòi hỏi phải có tâm huyết, sức lực mà còn tốn kém tiền bạc nữa. Tôi biết Cha không được khỏe, bệnh tiểu đường đã đeo đuổi Cha cả mười mấy năm rồi. Chợt liên tưởng đến Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta, tôi cảm thấy Cha Phao-lô có phần nào đang đi theo con đường phục vụ như Mẹ. Có chăng là những đối tượng phục vụ của họ khác nhau mà thôi.

Khi tôi tỏ ý khâm phục những công việc Cha đang làm, Cha Phao-lô tâm sự:
  -“Mình làm cái gì cũng phải xuất phát từ cái tâm con ạ! Xuất phát từ tình thương thì mới có sức mạnh để dám hy sinh mà cho đi. Cha làm linh mục cả đời, Cha cũng có thể tích cóp được một số tiền, 100.000.000đồng chẳng hạn. Cha cũng thoáng có lần suy nghĩ cho tuổi xế chiều của mình. Nhưng nghĩ đến những con người nghèo khổ, họ đang cần đến tiền để chữa bệnh, để qua cơn đói, nghĩ đến những trẻ em cần có điều kiện để học hành...  Cha mới dám cho đi con ạ! Con biết không! Công việc của Cha không phải lúc nào cũng thuận lợi cả đâu! Phải có ơn Chúa thánh Thần chúng ta mới có thể làm được những công việc như thế. Phải khiêm nhường con ạ! Chúa thánh Thần sẽ làm việc thay cho chúng ta. Chúng ta là những con người nhỏ bé, mỗi người chúng ta nỗ lực vì yêu thương, thì vì nỗ lực đó chúng ta sẽ thắp lên được một ngọn nến trong bóng tối. Nhiều ngọn nến sẽ là cả một vùng ánh sáng... Cũng như con, con dùng ngòi bút của mình để viết lên những điều tốt đẹp là con đã thắp lên một ngọn nến. Và những ngọn nến ở nơi này, nơi kia sẽ góp phần làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn!”

Tôi ra khỏi phòng khách của Cha, thì đã có 3 người phụ nữ đợi Cha ở ngoài hiên. Vừa thấy chúng tôi bước ra, mấy người phụ nữ ấy đã xúm vào kể lể với Cha về chuyện túng thiếu của họ. Tôi phải vộ vã tạm biệt Cha để Cha còn giải quyết những công chuyện đó. Ra đến cổng nhà thờ, tôi như còn nghe thấy tiếng Cha nói với họ: “Tôi chỉ còn có ngần ấy thôi, các chị bằng lòng vậy nhé!” Tôi thầm thương cho Cha Phao-lô, vì Cha phải giải quyết quá nhiều công việc. Nhưng nhớ đến lời Cha nói về sức mạnh của nội lực, của giáo dân, tôi không cảm thấy lo nữa, vì đứng sau lưng Cha là cả 2.000 giáo dân đầy nhiệt huyết.

                                                                        13/5/2011
                                                                        Vũ Thủy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét