Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

CHUYỆN LÃO NHÀ GIÀU & ANH LA-ZA-RÔ

                        Những câu hỏi & những câu trả lời

26/9/2010
Câu chuyện ngụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay khiến tôi đặt ra hai câu hỏi:
1. Người phú hộ kia đã làm gì tội lỗi để phải xuống hỏa ngục?
2. Chàng La-za-rô nghèo khó đã lập được công trạng gì mà lên thẳng thiên đàng?
Chúa Giê-su hoàn toàn không đả động gì tới những điều ấy, vậy Chúa muốn nói với ta điều gì?
Trong suy nghĩ của tôi thoáng hiện lên bối cảnh của cuộc họp mặt lớp mà tôi đã tham dự cách đây mấy năm. . .
Đã nhiều lần bạn bè tôi tổ chức những cuộc họp mặt lớp như thế, nhưng tôi chẳng cảm thấy hứng thú gì mà tham gia. Lần ấy, có một thằng bạn Việt kiều ở Mỹ về, nó rất nhiệt tình mời nên tôi đã về họp mặt lớp.
  Điểm hẹn khởi đầu là một quán cafe, tôi cùng với S và L có mặt sớm nhất, chúng tôi chờ đông đủ sẽ kéo nhau đến nhà hàng để ăn uống. Tôi còn nhớ, đến ngay sau bọn tôi là T và K, hai anh chàng ấy nói chuyện rôm rả khiến bọn tôi cười rộ hết đợt này đến đợt khác. Tuy vậy, qua câu chuyện tôi biết hai thằng bạn tôi không gặp suông sẻ trong cuộc sống. Cả hai đều là công nhân, lương bổng thiếu trước hụt sau, nhưng có lẽ họ nói chuyện tiếu lâm phớt đời. Tôi lấy làm buồn cho K vì anh ta có vợ bị ung thư vào thời kỳ cuối không có tiền chữa bệnh. Trong đám bạn bè, tôi là người đã rút lui vào hậu trường từ lâu, nhưng chúng tôi đều biết rõ hoàn cảnh của nhau qua điện thoại. . . Khi chắc chắn sẽ không còn ai đến nữa, chúng tôi tìm một nhà hàng nhỏ ở Biên Hòa, chọn một căn phòng có kê dãy bàn liên kế để ngồi chung với nhau nói chuyện cho tiện. Tôi không cảm thấy lạc lõng mặc dù mình mù lòa bất tiện, bạn bè tôi rất để ý chăm chút cho tôi, thằng bạn Việt kiều là người bao bữa tiệc này, nó cẩn thận hỏi tôi để gọi món ăn kiêng cho riêng tôi, nhưng tôi nhất định từ chối.
  Hôm ấy chúng tôi có tất cả gần 30 người, chuyện cũ chuyện mới nói vọng qua nhau như ong vỡ tổ. Thỉnh thoảng lại có đứa móc điện thoại ra nói như hét vào máy để giải quyết công việc, có đứa dặn chồng đi đón con, có đứa gọi nhắc vợ đi tập thể dục thẩm mỹ. . . Chợt tôi nghe thấy rõ mồn một mẩu đối thoại giữa Tg và D.
  -Tớ mua cho bà xã cái xe vận tải để bà ấy làm ăn. Tớ mặc kệ bà ấy, muốn gì cũng chiều. Tiền tớ kinh doanh được bà ấy chẳng đếm xỉa!
Giọng Tg oang oang, Tg phải ngắt câu chuyện liên tục vì mobil phone của cậu ta cứ réo. Tôi đồ rằng cái phone ấy cực kỳ “xịn” vì tiếng chuông của nó cực kỳ lạ, tôi chưa nghe thấy ai xài bao giờ. Là người mù nên tai tôi rất thính và cảm giác rất nhạy bén, mặc dù ồn ào như cái chợ song tôi vẫn nhận ra giọng nói của từng người một. Tôi chợt nhận ra rằng T và K, hai anh chàng bạn nghèo của tôi suốt nãy giờ im bặt, không góp gì vào những câu chuyện tiếu lâm nữa. Có ai hỏi gì hai tay ấy trả lời có vẻ nhỏ nhẻ, trái ngược hẳn với lúc chúng tôi ngồi ở quán cafe. Tuy không nhìn thấy gì, song tôi biết cái im lặng nhỏ nhẻ ấy của hai bạn tôi là vì họ đang chứng kiến những gì diễn ra trước mắt. Có lẽ những cái điện thoại hiện đại, những bộ quần áo sang trọng, những chiếc xe đời mới, và cả giọng nói tự tin của những thằng bạn thành đạt đã khiến cho hai người ấy cảm thấy thiếu tự tin.
  Sau đó chúng tôi còn rủ nhau vào một phòng Karaoke ở gần đó, kéo dài cuộc vui cho đến tận chiều. Chúng tôi thay phiên nhau hát, vừa nghe hát vừa uống cafe. Tôi vốn là tay gây phong trào ở trường phổ thông ngày xưa, tụi bạn cứ khuyến khích tôi hát để xem người mù hát karaoke thế nào. Tôi chọn bài NẮNG THỦY TINH của Trịnh Công Sơn và bảo đứa bạn ngồi cạnh bên nhắc tuồng cho tôi. Rủ nhau đi hát vậy chứ tôi biết chẳng có mấy đứa hát cho ra hồn, riêng  Tg hát hết bản này đến bản khác. Cậu ta còn hát cả nhạc “in English”, và hát rất thuần thục. Tôi thầm nghĩ: “Tay này sẵn tiền, chắc là thường xuyên đi hát nên mới nhuần nhuyễn như thế, chứ ngày xưa mình có thấy cậu ta quậy cọ gì đâu!” Một lần nữa tôi lại hình dung ra vẻ mặt của T và K, tôi hết chịu nổi cảnh này nên đề nghị ra về. tôi biết còn ngồi đây là kéo dài cực hình cho T và K. Quả nhiên, vừa thấy tôi lên tiếng, T và K cũng kiếm cớ kiếu từ. Ngay vào cái giây phút ấy tôi đã có quyết định là sẽ không bao giờ tham dự những cuộc họp mặt lớp nữa, nó chẳng có ý nghĩa gì. Cái tôi mong muốn là bạn bè gặp nhau để chia sẻ buồn vui và giúp đỡ nhau chứ đâu phải để phô trương thanh thế. . .
  Suốt cả tuần lễ sau đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, tôi tự hỏi nếu mình không trở thành người mù thì liệu mình có là một trong những người như Tg, D, M, và A không? Nếu tôi ở trong trường hợp như T và K liệu tôi có mặt ở những cuộc họp mặt lớp sau đó không? Lạ thay, tôi cảm thấy may mắn vì nhờ mình bị mù mà đã thoát ra khỏi những ảnh hưởng vật chất tầm thường đó. Tôi cảm thấy ung dung tự tại với hoàn cảnh vô sản của chính mình, tôi đã có chỗ dựa vững chắc là lòng thương xót của Chúa,  đã từ lâu tôi không còn cậy dựa vào những của cải vật chất chóng qua.. .
  Trong lúc ngồi viết những hàng chữ này, câu trả lời cho những câu hỏi khởi đầu đã hiện ra trong trí tôi:
1. Ta sẽ là lão phú hộ giàu có kia nếu ta ung dung tự tại với những gì ta có,  cho dẫu ta là người vô sản.
2. Ta sẽ là La-za-rô nếu ta biết chấp nhận hoàn cảnh của mình và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa.
Nhưng hãy luôn cảnh giác vì ranh giới giữa hai người này trong thực tế vẫn có thể xen lẫn vào nhau.
  Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra chính mình và biết quan tâm đến những người khốn khó hơn con. Xin đừng để con ngủ quên trên cái ung dung tự tại của chính mình!


    Chủ nhật 26/9/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét