Nói thế, nhưng không phải là tuyệt vọng, chúng tôi có thể
học tập, lao động , ca hát, chơi thể thao, làm thơ... như bao nhiêu người khác.
Chúng tôi có thể sống vui tươi, vô tư như các bạn khi chúng tôi không bị cô lập
(nghĩa là xin mọi người chung quanh đừng nghĩ rằng chúng tôi là người ngoài
hành tinh và gạt chúng tôi ra khỏi những công việc bình thường.) Khả năng chúng
tôi có, nhưng cần sự giúp đỡ của các bạn để phát huy nó. Không nhìn thấy nhưng
chúng tôi có thể cảm nhận được thế giới xung quanh bằng những giác quan còn
lại.
Một điều đáng buồn là chỉ thiểu số người khiếm thị sống lạc
quan. Đa phần còn lại thường sống trong lặng lẽ và cô độc, vì hoàn cảnh gia
đình, điều kiện sinh sống và sự tự ty mặc cảm. Họ có vẻ như đang chôn mình
trong nấm mồ tăm tối. Vả lại, thường là cái nghèo đi đôi với người mù. Có một
bạn nữ trong khi tâm sự với tôi đã thốt lên rằng : "cuộc đời của tôi khốn
nạn, giấc ngủ của tôi cũng khốn nạn nốt!" Có người trách móc: "Tại
sao cha mẹ tôi lại sinh ra tôi để tôi phải sống trong bóng tối khốn cùng
này?" ...
Tôi thì may mắn hơn, đã trải qua cuộc sống như một người
bình thường trong hai mươi mấy năm. Lúc tôi mới trở thành một người mù, tôi đã
có những ngày tháng ảm đạm và dài đằng đẵng. Điều mà trước đây tôi không hề
trải qua, vì tôi vốn là một cô gái rất tinh nghịch. Khi đó, tôi chỉ còn biết
cầu nguyện với Chúa “Xin cho con biết con phải làm gì để không trở thành người
vô dụng!”. Và Người đã hành động, khi những cơn bệnh trầm trọng của tôi bỗng
nhiên lui dần. Tôi bắt đầu đi học chữ Braille, học sử dụng computer, học cách
đi đứng sinh hoạt như người mù. tôi bắt đầu tiếp cận với những người mù có vẻ
buồn bã, khắc khoải, thầm lặng. Tôi khuyến khích họ tâm sự, và lắng nghe tất cả
những nỗi bực dọc, những nỗi buồn chán, tuyệt vọng... Giải thích cho họ về
những điều rất đơn giản đến không thể ngờ, những khái niệm trừu tượng đối với
người mù bẩm sinh. Có những ngày tôi
phải liên lạc điện thoại suốt mấy tiếng đồng hồ, để ngăn cản một người bạn
trong cơn tuyệt vọng muốn nhảy lầu. Rồi tôi viết chữ Braille, dùng băng cát xét
để dạy người bạn này học tập cho quên đi những khắc khoải...Tất cả những công
việc đó thật là nhỏ bé, tôi đã cho những người bạn của tôi chỉ là một ly nước
lã. Nhưng hiệu quả thật là bất ngờ, lớn lao!
Đôi khi, người bạn trước đây đã cho rằng cuộc đời cô ta thật khốn nạn,
nói với tôi rằng: "Nhờ những lời khuyên của chị, bây giờ em cảm thấy cuộc
đời em thật là có ý nghĩa." Một người bạn sau khi nghe tôi đọc bài thơ
"Cô gái mù với ly cà phê trắng" qua đài phát thanh, đã phone để làm
quen với tôi. Anh ta nói rằng anh đang sống rất vô vị, anh ngạc nhiên khi thấy
một người mù lại có vẻ tự tin yêu đời như trong bài thơ đó. tôi cho anh ta bí
quyết của tôi là học tập và làm tất cả những gì mình có thể. Bây giờ anh ta đã
trở thành một người mù khá bận rộn, anh công nhận rằng: "Trước đây một năm
tôi không biết cười, nhưng bây giờ tôi có thể cười được rồi...."
Tôi cảm thấy thật là hạnh phúc, và mong cho những người bạn
của mình luôn được vui vẻ mãi . Vậy là khi tôi nghĩ rằng tôi cho họ lời an ủi
và sự cảm thông, thì chính là họ đã đem đến cho tôi hạnh phúc. Và cứ thế những
phiền muộn trăn trở của tôi đã biến mất, tôi trở lại với con người tinh nghịch
trước đây.
Hầu như tôi quên mình là người mù, không gian quanh tôi rộn
rã tiếng cười. Tuy thế, mỗi khi gặp một hoàn cảnh xấu số nào đó, tôi lại cảm
thấy đau lòng, tôi lại rơi vào tâm trạng phiền muộn. Lúc đó tôi liền chạy đến
Chúa để tìm nguồn ủi an. Cây Thập Giá vẫn còn đó, nó là biểu trưng của sự chiến
thắng đau khổ. Tôi chợt hiểu ra rằng không có đau khổ thì không có hạnh phúc.
Đó là một cặp phạm trù luôn tồn tại bên nhau.
Trong chúng ta chắc không ít người đã từng băn khoăn với câu
hỏi: "tại sao Chúa lại để cho con người phải chịu những sự đau khổ, khi mà
Chúa có thể giơ tay chữa lành tất cả những nỗi đau khổ đó?" Tôi cũng đã
từng băn khoăn như thế, và tôi đã tìm được câu trả lời sau những đau đớn về thể
xác lẫn tinh thần.
Tôi bị mù do biến chứng của bệnh tiểu đường type I.
Một căn bệnh nan y mà tôi đã mắc phải khi mới 17 tuổi. Rất nhiều biến chứng như
viêm đa thần kinh, viêm xương chậu và thoái hoá cột sống... Có nhiều đêm cơn
đau quằn quại và khó chịu triền miên, tưởng chừng như không thể nào chịu đựng
được . Những lúc ấy, bác sĩ và người thân của tôi chẳng giúp gì được cho tôi.
Nước mắt cứ tự trào ra, tôi chỉ biết bám vào một câu kinh thánh: "Hãy đến
với Ta! Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ bổ sức cho các ngươi..."
Tôi nghĩ về sự đau khổ của Chúa Giê Su trên Thập tự, và thường là tôi thiếp đi
qua khỏi cơn đau. Những lúc ấy, tôi thường nghĩ đến những bệnh nhân đang trải
qua cơn đau quằn quại của bệnh ung thư, những bệnh nhân tâm thần sống như một
động vật và những người liệt giường từ nhiều năm. tôi cảm thấy cơn đau của tôi
thật là bé nhỏ so với họ. Và những cơn đau của tôi hầu như không còn nữa. Tôi
bắt đầu hiểu ra rằng, Chúa gởi đến trong thế gian những sự đau khổ của loài
người để ta có thể ý thức được thân phận hèn mọn của mình. Cũng như chính sự
đau khổ của Chúa, là để làm gương cho ta biết sống chấp nhận, và kết hợp với
Chúa Ki-tô trong đau khổ.
Sau tất cả những cảm nhận ấy, tôi hiểu ra rằng hạnh phúc chỉ
có được khi ta biết chia sẻ và quan tâm đến người chung quanh. Tôi nghĩ rằng ai
cũng có những nỗi khó khăn, khắc khoải, khổ đau của riêng mình, chúng chỉ khác
nhau về góc độ. Vậy, ta còn chần chờ gì mà không đi tìm hạnh phúc ở chung quanh
ta ?
Bạn sẽ tìm thấy chung quanh bạn đang có những người còn đau
khổ hơn mình, nhất là những người khuyết tật như chúng tôi. Họ ở đó chờ một lời
an ủi, một cuộc thăm viếng, một sự cảm thông. Và đó chính là lúc bạn nhận ra
cặp mắt đau đáu của Chúa Giê su trên Thập giá .
Phần tôi, Chúa đã ban cho tôi quá nhiều, Chúa mới chỉ lấy
lại ở tôi một đôi mắt. Giờ đây tôi tin rằng Chúa đang làm những điều tốt đẹp
cho tôi. Tôi xin sẵn sàng chấp nhận Thập Giá Chúa trao cho mình.
Tôi thật sự cảm ơn bạn đã chia sẻ với tôi những kinh nghiệm
sống này. Chúc bạn luôn vui vẻ và yêu đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét