Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

MUA TÌNH MUA NGHĨA

“Người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !'
"Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : 'Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?' Người ấy đáp : 'Một trăm thùng dầu ô-liu.' Anh ta bảo : 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.' Rồi anh ta hỏi người khác : 'Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?' Người ấy đáp : 'Một ngàn giạ lúa.' Anh ta bảo : 'Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.'”
(Lu-ca: 16, 3-7)

Xem cách xử sự của tên quản gia trong câu chuyện dụ ngôn “Người quản gia bất lương”, tôi lại nhớ đến Phùng Quán trong câu chuyện nói về nhân vật Mạnh Thường Quân của Trung Hoa thời Chiến Quốc*. Có lẽ Phùng Quán mới thực sự là một người khôn ngoan và đạo đức, khi xử sự với người dân Bích Thành. Ông đã tự ý thay mặt chủ mình là Mạnh Thường Quân, đốt hết các giấy nợ cho những con nợ của Mạnh Thường Quân ở Bích Thành, vì năm ấy họ rơi vào tình cảnh mất mùa đói kém. Chính nhờ lối ứng xử khôn ngoan đó của Phùng Quán, mà sau này khi lỡ cơ thất vận, Mạnh Thường Quân đã được dân làng Bích Thành tiếp đãi một cách niềm nở. Từ câu chuyện của Mạnh Thường Quân, người ta thường gọi những người bỏ nhiều tiền ra làm việc thiện giúp đời là những Mạnh thường quân. Thật sự thì Mạnh Thường Quân cũng giống như tên quản gia trong câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giê-su, ông ta đâu muốn tha nợ cho dân Bích Thành vì tình thương, ông ta chấp nhận tha nợ cho họ chỉ vì đã bị Phùng Quán đưa mình vào tình thế bất đắc dĩ mà thôi! Tuy nhiên, cũng giống như trong trường hợp của tên quản gia bất lương, nhờ những món nợ tình nghĩa ông ta đã để lại cho dân Bích Thành, mà ông đã có nơi lui về sau khi bị cách chức.
Chúa Giê-su đã khen cách xử sự của tên quản gia bất lương là khôn khéo, tất nhiên, không phải Chúa khuyến khích ta làm chuyện gian trá qua mặt chủ để mà có chỗ cậy nhờ. Chúa Giê-su đã chỉ ra cho ta một con đường tốt đẹp trong tương lai, đó là con đường làm những công việc mua lấy tình lấy nghĩa về sau cho bản thân, giống như Phùng Quán đã làm vậy. Tôi thấy Phùng Quán mới đúng là nhân vật đã xử sự một cách khôn ngoan, ông đã làm vì tình thương dân làng chứ không chỉ vì làm lợi cho chủ mà thôi đâu! Tôi chưa phải là một con người đạo đức và thương yêu đồng loại như lòng Chúa ước mong, nhưng tôi tin rằng Chúa cũng sẽ chấp nhận tôi, như chấp nhận việc mua tình mua nghĩa của tên quản gia bất lương kia, nếu như tôi biết chú tâm vào những việc làm mua lấy tình nghĩa như hắn. Để rồi, tôi sẽ được Chúa cải hóa mình trong những việc làm ấy, hầu đạt được một trạng thái bình an bền vững cho tâm hồn. Những năm tháng gần đây, tôi đã có nhiều cố gắng để mua lấy tình nghĩa cho mình, qua những việc làm bé nhỏ mà tôi đã làm cho anh chị em sống chung quanh tôi, và quả thật là tôi đã tìm được rất nhiều niềm vui trong những công việc nhỏ bé ấy, bạn ạ!

*(Trích chuyện kể về Mạnh Thường Quân, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa)
“...Mạnh Thường quân về đến nước Tề, được Tề Dẫn Vương cho làm tể tướng, bấy giờ môn khách tăng lên càng đông hơn. Một hôm, có một người tên là Phùng Quán đến xin theo. Mạnh Thường Quân thấy người này ăn mặc rách rưới mới hỏi có tài cán gì, Phùng Quán thản nhiên trả lời là mình chẳng có chút tài cán gì. Mạnh Thường Quân chỉ cười và cho ở lại.
Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3000 thực khách nên chi phí quá lớn, bổng lộc không đủ chi dụng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Bích Thành do vua phong, nhưng có một năm không thu được tiền về, mới cử Phùng quán đi đòi. Phùng Quán trước khi đi có hỏi Mạnh Thường Quân rằng: "Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không?". Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: "Thì ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì đem về ". Phùng Quán đến Bích Thành mới biết năm đó bị thiên tai mất mùa, nông dân thiếu lương ăn khổ cực hết chỗ nói, Phùng Quán bèn tập họp họ lại, rồi đốt hết mọi giấy tờ vay nợ, khiến mọi người vô cùng cảm động. Phùng Quán trở về nói lại đúng sự thực cho Mạnh Thường Quân nghe. Mạnh Thường Quân nổi giận nói: "Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, nay ở đâu ?". Phùng Quán đáp rằng: "Ông đã nói ở đây thiếu gì thì mua về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có tình nghĩa mà thôi, nay tôi đã đem tình nghĩa về đây". Mạnh Thường Quân nghe vậy khóc cười không được, liền phất tay áo đi ra.
Hai năm sau, Tề Dẫn Vương tin nghe lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở, rất lo lắng Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, gây uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn tể tướng của Mạnh Thường Quân, các môn khách thấy vậy đều nối đuôi nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Quán là còn ở lại. Mạnh Thường Quân uể oải trở về cố cư ở Bích Thành, dân trong thành nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón. Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này rơm rớm nước mắt nói với Phùng Quán rằng: "Tình nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét