“Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : 'Ở đây này !' hay 'Ở kia kìa !', vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."
(Lu-ca: 17, 20-21)
Triều đại của một ông vua trên một vương quốc nào đó, sẽ kéo dài theo những năm tháng trị vì đất nước của ông ta; và, nếu ông vua đó lo liệu cho toàn thể dân chúng của mình có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, thì kể như vua đó đã thành công. Những vị vua như vậy được ngàn đời sau ca tụng, và tên tuổi của vị vua ấy sẽ được lưu truyền mãi trong lòng dân tộc. Những vị vua thiếu đạo đức, để mặc cho đất nước của mình rơi vào tình trạng suy đồi, dân chúng lầm than, thường thì triều đại của họ cũng chẳng kéo dài là mấy, và tên tuổi của họ cũng mờ nhạt chẳng ai nhắc đến. Có chăng là được nhắc đến với một cái lắc đầu ngụ ý chê bai mà thôi!
Người Pha-ri-sêu tưởng rằng triều đại Thiên Chúa sẽ đến với họ như thể triều đại của một bất kỳ vị vua nào ở trần gian. Họ cứ tưởng Thiên Chúa sẽ đến trị vì họ như kiểu một ông vua anh minh nào đó, Thiên Chúa sẽ mang lại cho họ những quyền lợi về mặt chính trị... Họ tưởng rằng có Thiên Chúa là vua thì đất nước họ sẽ hùng mạnh, và vị vua của họ sẽ đem quân đi thâu tóm lấy các đất nước chung quanh chăng! Cái nhìn của họ chỉ mong chờ Thiên Chúa là một vị vua có sức mạnh của uy quyền; trong khi, Thiên Chúa lại muốn thống trị toàn thể nhân loại bằng sức mạnh của tình yêu! Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Israel một đấng Messiah, Người sẽ thống trị toàn cõi đất, và triều đại Người sẽ vinh hiển muôn đời; thế nên, một Giê-su Na-za-rét hiền lành và khiêm nhượng trước mặt họ chẳng thể nào là vị vua mà họ mong đợi. Vì vậy, làm sao họ có thể hiểu được câu nói của Chúa Giê-su:
“vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."
Đức Ki-tô là một vị vua “khác thường”, Người muốn trị vì nhân loại với một sức mạnh của tình yêu. Người muốn ngự trị trong trái tim của mỗi con người, làm cho nó trở nên cũng hiền lành và khiêm nhượng như Người trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời. Buồn thay, đã hơn hai nghìn năm trôi qua, Triều Đại Thiên Chúa đã ở giữa nhân loại, nhưng nhân loại đã có mấy ai tôn vinh Triều Đại của Người? Nhân loại đa phần chỉ mong chờ một thứ lợi lộc vật chất, trong số những người đó có cả tôi nữa, bạn ạ!
Trong xã hội loài người, nếu ta dành được một chút lợi lộc, có nghĩa là phải có ai đó bị thiệt mất đi một chút. Nếu ta dùng sức mạnh của quyền uy, thì có nghĩa là có ai đó đang phải chịu đựng dưới sức ép quyền uy của ta. Và nếu thế thì, trong lúc ta đang thong dong với những gì mình nắm giữ, sẽ có những con người đang phải chịu đựng những nỗi oan ức tức tưởi vì ta. Đó chẳng phải là cảnh khổ lầm than, mà chúng ta đang phải hứng chịu dưới sự cai quản của chính quyền địa phương nơi mình đang ở đó sao? Chúa trị vì bằng sức mạnh của tình yêu, chỉ khi yêu thương nhau người ta dễ dàng chia san cho nhau những gì mình có, thế nghĩa là chẳng ai mất chẳng ai thiệt cái gì. Chỉ khi yêu thương nhau, người ta sẵn sàng làm những điều người khác nhờ vả, thế nghĩa là chẳng ai phải chịu sức ép của ai. Những gì ta làm cho nhau bằng một tấm lòng yêu thương, thì việc làm của ta sẽ mang lại cho ta niềm hạnh phúc, cho dù ta có phải vất vả gian truân đi nữa! Cái chân lý ấy Chúa Giê-su đã truyền dạy cho các môn đệ trước khi Người đi vào cuộc thương khó, “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nếu như mọi thần dân của Người đều răm rắp thực hiện, có phải mọi người đã được sống trong cảnh thái bình thịnh trị rồi không?
Lạy Chúa! Xin cho con luôn cảm nhận được rằng Chúa đang trị vì trái tim con, và trái tim con sẽ được Chúa biến đổi cho trở nên hiền lành và khiêm nhượng như Chúa. Xin cho mọi người chúng con đều hiểu rằng: Để Nước Chúa được lan rộng khắp nơi, mỗi người chúng con phải biết sống theo những gì Chúa đã dạy. Xin cho con luôn biết sống đời sống phục vụ trong yêu thương, để làm cho danh Chúa được lưu truyền, Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét