“Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.”
(Mát-thêu: 14, 22-25)
Chúa Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, còn mình thì lên núi cầu nguyện... Hẳn là trong lúc cầu nguyện, Người cũng biết rằng, các môn đệ đang gặp khó khăn trên đường sang bờ bên kia, tại sao Người không tới ngay lập tức với họ, mà thản nhiên một mình trên núi cầu nguyện? Chúa Giê-su lúc đó cầu nguyện những gì? Tôi nghĩ, Chúa Giê-su đang cầu nguyện cho sứ vụ của mình, cho chính mình và cho các môn đệ của mình, sao cho tất cả sẽ hoàn thành sứ vụ mà Chúa Cha đã giao phó. Bởi lẽ, tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm, đều toát lên niềm khao khát, Người mong muốn sao cho Tin Mừng ơn cứu độ được nhanh chóng loan báo đến muôn dân...!Đã cầu nguyện thì phải tin tưởng, Chúa Giê-su không vội gì lao ra biển để cứu các môn đệ. Những thử thách các môn đệ đang gặp phải kia chính là ý của Chúa Cha. Có vất vả kiên trì, có gặp gian nguy khốn khó, họ mới nhận ra sự can thiệp của bàn tay Chúa Quan Phòng chứ!
Một vài người ngoại đạo đã cười kẻ có đạo chúng ta mà rằng: Cứ ngồi đó mà chờ Chúa ban cho, như thằng lười ngồi chờ sung rụng! Là kẻ có đạo, nghe họ nói, tôi cũng ấm ức. Nhưng nghĩ cho kỹ, họ nói cũng có phần đúng, một số người cứ cầu xin Chúa cho được cái này, khỏi cái nọ, mà chẳng thấy họ có chút gì cố gắng chịu đựng, hoặc không hề có một tí gì là nỗ lực bản thân. Rồi khi không được Chúa nhậm lời, thì quay ra trách móc than thở rằng: Cầu xin hoài mà Chúa chẳng ban cho.
Một chị nọ than phiền với tôi rằng, chị bị thoái hóa đốt sống cổ đau lắm, bác sĩ cho toa thuốc, uống hết toa này đến toa nọ mà chẳng khỏi. Chị buồn vì không có tiền mua thuốc, bệnh lại cứ đeo, cầu xin Chúa mãi cũng chẳng thấy suy xuyển gì...! Tôi khuyên chị nên tập thể dục, vì bệnh này vốn chưa có thuốc chữa khỏi, bác sĩ cho thuốc cũng chỉ là tạm đỡ đau, chứ thuốc đó đâu có tính năng chữa khỏi bệnh. Bản thân tôi cũng bị thoái hóa các đốt sống, nặng đến nỗi có thời gian tưởng chừng như sắp liệt nửa người, nghe bác sĩ khuyên tập vật lý trị liệu, tôi mừng lắm vì còn có cách chữa. Mỗi ngày tôi tập luyện sáng chiều tổng cộng 3 tiếng đồng hồ, và kéo tạ ở cổ mỗi ngày hai lần, tổng cộng là 40 phút. Bây giờ bệnh vẫn còn nhưng đã giảm bớt được 80%. Đối với tôi, đó đã là cả một phép lạ Chúa thực hiện nơi tôi, và tôi tin những lời cầu nguyện của tôi đã được Chúa nhậm lời. Tôi đã thuyết phục chị ta như vậy, nhưng chị ta lấy cớ bận bịu không có giờ tập thể dục. Bạn xem đấy, thế thì làm sao Chúa cứu được chị ta, chị ta có tin ai đâu! Người thực việc thực là tôi, tôi đã kể quá trình bệnh của tôi còn nặng hơn của chị, mà tôi đã được Chúa thương cứu thoát, thế mà chị ta vẫn chẳng tin, nói chi đến việc tin Chúa ở tít trên trời!
Bạn hãy tưởng tượng mà xem, nếu như các môn đệ của Chúa chỉ việc ngồi trên thuyền rồi cầu xin Chúa giúp mọi sự mà chẳng động đậy một ngón tay, Chúa Giê-su thì ngồi trên núi cầu nguyện với Chúa Cha, biết ngoài kia biển động, hô “biến” một cái, tức thì gió lặng im... Thử hỏi, các môn đệ có tin rằng đó là việc Chúa làm hay không? Hay là họ cho rằng ngẫu nhiên sóng lặng? Sự đời vẫn thế mà! Khi chưa ở vào thế cùng lực kiệt, con người ta vẫn chưa hết lòng trao mọi sự vào tay Chúa. Trao vào tay Chúa rồi, mà chẳng chịu làm gì hết, cứ ngồi chờ như anh chàng ngồi dưới gốc cây sung, thì làm sao lời cầu xin vọng tới tai Chúa? Cầu nguyện xin sỏ với Chúa đấy, nhưng rồi khi được như ý, thử hỏi có mấy người tin rằng đó là do Chúa ban cho? Nếu như không có những tình huống “thập tử nhất sinh” hoặc giả như đó không phải là những biến cố kinh hoàng trong cuộc sống, những biến cố tưởng chừng như đưa ta vào thế tuyệt vọng, vậy rồi ta lại được cứu thoát bởi những lời kêu cứu của chính ta hoặc của người thân bạn hữu, liệu ta có tin rằng những gì xảy đến trong đời ta hoàn toàn đều do Chúa quan phòng?
Tin Mừng hôm nay, Chúa đã dạy con một bài học thiết yếu. Đó là sự cần thiết của việc cầu nguyện. Cầu nguyện rồi còn phải đặt hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, cũng như phải nỗ lực cố gắng hết sức trong những công việc mình làm, có như thế việc cầu nguyện mới trở nên hữu hiệu.
Lạy Chúa! Con luôn tin rằng Chúa sẽ đến với con trong những khi con kêu cầu Chúa. Xin cho con biết kiên trì cầu nguyện, cho dù bão tố vẫn còn bủa vây quanh con. Xin cho con hết lòng tin tưởng vào quyền năng của Chúa, và luôn nỗ lực với hết mọi khả năng Chúa ban, mà sống một đời làm chứng nhân cho Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-men
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét