Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

NỖI LÒNG CỦA MỘT KẺ ĐỨNG CHÓT

"Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
(Mát-thêu: 19, 30)

Dưới cái nhìn của nhiều người trong xã hội Việt Nam, những kẻ khốn khổ vì thiếu cơm ăn áo mặc và những người tật nguyền như chúng tôi, có lẽ chẳng đáng là gì; song, tôi tin rằng, dưới con mắt của Chúa Ki-tô, hết thảy những ai bất hạnh cùng khổ và những ai đang trong sầu đau phiền muộn lại là những người Chúa thương yêu hơn cả. Bởi tôi tin rằng mọi người trong chúng ta đều là anh em của Chúa Giê-su, tất cả chúng ta đều là con của một vị Cha chung trên trời.
Có thể bạn đọc sẽ khó chịu vì tôi nói thế, nhưng rất nhiều những mẩu chuyện tôi nghe được đã khiến tôi phải nói lên điều đó. Có một số người mù than phiền với tôi, mỗi khi họ đi đến chỗ lạ lẫm, họ mà phát biểu điều gì thì họ thường nhận được một câu nói nghe rất đau lòng: “Mù biết mẹ gì mà nói!” Vậy, chẳng lẽ, mù thì không được nói sao? Họ bị tật ở mắt, chứ cái miệng họ đâu có bị tật?
Một ngày nọ, tôi có dịp nói chuyện với một chị Việt kiều Mỹ mới về nước, chị ấy bảo:
-“Em biết không, gần 50 tuổi, chị mới cảm thấy mình được làm một con người hẳn hoi, em ạ!”
Tôi ngạc nhiên hỏi lại chị:
-“Ủa! Tại sao chị lại nói như vậy?”
Chị đáp, như nhớ lại cả một quá khứ đau buồn:
-“Khi trước còn ở Việt Nam, mỗi lần có việc cần phải đi ra khỏi nhà, chị thấy mọi người nhìn chị với một ánh mắt coi thường, chẳng có ai coi chị là con người. Mỗi bước di chuyển, thân hình chị phải vặn vẹo ngả nghiêng, là dịp cho người ta trêu ghẹo. Những người trong xóm quen mắt rồi thì thôi, đi đến chỗ lạ chị vô cùng mặc cảm sợ hãi, nên chị cứ phải tỏ ra mình dữ tợn để chống lại họ. Dần dần, chị tự nhận thấy con người mình trở nên nanh nọc, bây giờ nhớ lại chị thấy mình mới lố bịch làm sao!”
Dừng lại một lát, như để nuốt hết những nghẹn ngào, chị mới nói tiếp:
-“Khi chị được em trai chị bảo lãnh qua Mỹ, chị như mới được sinh ra làm người! Mỗi khi chị đi đến đâu cũng đều được người ta tận tình giúp đỡ. Lần đầu tiên, được người lạ đối xử tốt với mình, chị ngỡ như mình đang mơ. Ở Mỹ, người ta đối xử rất tốt với người khuyết tật, kể cả chị là người da vàng, họ cũng không dám khinh chê, như nhiều người ở Việt Nam đã đối xử với chị, em ạ!”
Tôi cảm thấy xấu hổ cho xã hội Việt Nam thời đó, cái thời mà chị còn đang sống ở Việt Nam. Tôi nói với chị:
-“Ừ, thời đó dân mình lạc hậu kém hiểu biết, nên đã có những ứng xử thật tệ! Nhưng em cũng không ngờ nó lại nặng nề đến thế! Bây giờ thì có lẽ cũng bớt nhiều rồi chị ạ! Nước mình còn lạc hậu lắm, nhiều người cho rằng tàn tật thì chẳng làm được gì. Ở Mỹ người ta đã có Đạo luật phục hồi cho người khuyết tật từ năm 1973, trong đó có điều khoản cấm phân biệt đối xử với người khuyết tật, thành thử ra nước họ đã có thái độ tiến bộ hơn so với mình, chị ạ! Nước mình thì bây giờ cũng có pháp lệnh của nhà nước về người khuyết tật đấy, thế nhưng, có khi ngay cả những người trí thức cũng vẫn còn đối xử chưa đúng mực, thôi thì người khuyết tật mình phải cố gắng sống sao để họ đừng coi khinh, nghen chị!”

Lời Chúa hôm nay ”: "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.", là niềm khích lệ lớn lao cho những ai bé mọn khốn cùng và là niềm hy vọng cho những người khuyết tật chúng con. Dưới cái nhìn của Chúa, những người khuyết tật chúng con không phải là những kẻ đứng chót. Như cha mẹ con yêu thương con đặc biệt hơn anh chị em con bởi con tật nguyền, con tin chắc một điều rằng, Chúa cũng yêu thương những anh chị em khuyết tật, những người bần cùng khốn khổ trong chúng con một cách đặc biệt. Và như thế, những kẻ đứng chót như chúng con sẽ được đứng hàng đầu trong con mắt của Chúa.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng bao giờ nhìn nhau bằng một ánh mắt kỳ thị, để mỗi người chúng con đều cảm thấy mình được yêu thương trong mắt nhau. Xin cho những ai đang được sống trong một hoàn cảnh đầy đủ ý thức được rằng, họ có bổn phận phải đỡ nâng những ai đang sống trong cảnh tự ty mặc cảm, để tất cả mọi người đều cảm thấy mình xứng đáng là con cái của vị Cha chung trên trời , Chúa nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét