Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

NHỮNG BÀI HỌC GIỮA CHỢ ĐỜI

“Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
(Lu-ca: 12, 20)

Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ lại những bài học về tích trữ của cải mà tôi đã học được ở chợ đời.
Một lần nọ, tôi đi viếng xác một người quen vừa mới qua đời, một phụ nữ độc thân đã ngoài bảy mươi. Trong khi tôi thầm đọc kinh Kính Mừng, cầu cho linh hồn bà ấy mau chóng được về hưởng nhan thánh Chúa, thì lần lượt thấy hai người cháu của bà bỏ vào quan tài những lá thư. Tôi thầm nghĩ: “Chà! Mấy người này điệu đàng quá! Ngày thường nói chuyện chưa đã, bây giờ còn gởi thơ qua thế giới bên kia để tâm sự, thiệt là lãng mạn!” Sau đám tang của người phụ nữ ấy, tôi nghe người ta kể lại, người ta gởi thư vào quan tài là để xin món tiền mà người chết đã cho họ mượn. Ngoài ra, còn khá nhiều người vay mượn của bà ấy. Người thì mượn năm, ba chỉ; người thì một, hai lượng vàng; người thì mấy trăm dollars... Đấy là những của cải mà người phụ nữ độc thân đã góp nhặt cả cuộc đời, tích trữ để phòng thân vì bà lo sợ không chồng không con biết lấy gì mà ăn lúc tuổi già. Vậy nhưng, tuổi già không chồng không con mà bà vẫn có của ăn của để, còn những đứa cháu của bà tuổi trẻ và đầy đủ chồng con thì lại thiếu ăn đến nỗi phải vay mượn của bà. Tôi chỉ có ý làm một phép so sánh, để thấy rằng việc Chúa quan phòng không phải như chúng ta thường tính toan!
Một câu chuyện khác cũng về tích trữ của cải, khiến cho người ta phải đau lòng và suy nghĩ. Một người quen của tôi kể lại chuyện gia đình cô ta trong những ngày ba của cô từ biệt cõi đời. Lúc ba cô nằm hấp hối trên giường bệnh, chỉ có má cô và cô, một đứa con gái mù lòa bị cả gia đình coi nhẹ, là có mặt ở cạnh bên. Khi chị Hai cô tới, tưởng là tới thăm cha, nhưng chị ta kéo má mình vào bên trong chuyện trò, không hỏi thăm cha lấy một câu. Ông già lắng nghe, và biết rằng con gái đến bàn về chuyện chia đất chia đai thì ông đập tay xuống giường, ộc máu ra rồi chết. Những tưởng sự việc đó khiến cho các anh chị em của cô phải hối hận. Thế nhưng vừa chôn cất ông già xong, mọi người chẳng đếm xỉa gì tới nỗi buồn của người mẹ, đã kéo nhau tới đòi má chia đất. Tôi hỏi ra mới biết, trước kia, gia đình cô ta ở chung nhau dâu rể cả thảy 8 hộ. Ba cô lúc đó lo mua đất đai tích trữ... Ông già đã từng chia cho mỗi người con một ít vàng, để họ đi mua nhà ở riêng, đất ông mua là để hai vợ chồng hưởng tuổi già. Cô ta nói “Chị biết không! Đến bây giờ má em mới biết chỉ có em và gái út là không đòi chia của, mặc dù tụi em chưa được chia cái gì. Bây giờ “bả” không coi khinh em mù lòa như ngày xưa nữa! Bây giờ “bả” mới thấm mấy đứa con cưng của “bả”. “Bả” ức quá, bả nói tao chuẩn bị theo ba tụi bây...” Rồi cô bạn tôi “bật mí”: “Má em biểu em và gái út làm giấy tờ để bả sang tên cho hai đứa hết tài sản còn lại của bả, chị tính giùm em coi mình mù thì phải làm giấy tờ ra sao...?”
Tôi thường suy nghĩ về những câu chuyện nghe được ở chợ đời, chuyện tích lũy của cải dẫn đến lòng tham lam làm mờ mắt lương tâm, làm gẫy đổ tình cảm ngay trong gia đình ruột thịt... huống hồ gì những tranh chấp ở đời!
Thỉnh thoảng, tôi thường phải trả lời cho ai đó về câu hỏi: Mai mốt ba mẹ chị không còn nữa thì chị tính tương lai ra sao?” Hoặc, “Mày không tính chuyện gì cho tương lai sao?”. Thật sự, tôi chẳng mấy lo lắng về chuyện này, vì tôi đã học được những bài học như tôi vừa kể. Vả lại, tôi luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng, Chúa sẽ lo cho tôi như Ngài đã từng lo cho tôi trong quá khứ. Hiện nay, tôi là người vô sản, và sẽ mãi là người vô sản, nhưng tôi cảm thấy rất thanh thản vì không phải lo chuyện xây kho lẫm như ông phú hộ trong chuyện dụ ngôn của Chúa Giê-su năm xưa.

Lạy Chúa!Con không tính đến chuyện tích trữ của cải ở đời này, nhưng xin cho con biết tích trữ của cải cho đời sau, là những của cải sẽ không bao giờ bị hư mất và sẽ không bao giờ bị lấy đi! Xin cho con được sống mãi trong niềm tin tưởng vào Chúa quan phòng. Xin cho tâm hồn con mãi được nhẹ nhàng như trong lúc này, Chúa nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét