Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

BỒI ĐẮP CHO "VĂN HÓA GẶP GỠ"

Đây là lần thứ ba tôi tham dự Cuộc Hội Ngộ Liên Tôn do Ban mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng giáo phận Sài gòn tổ chức, cuộc hội ngộ này có chủ đề là “BỒI ĐẮP VĂN HÓA GẶP GỠ”. Thú thật, tuy đã là lần thứ ba, tôi được tham dự vào chương trình đặc biệt này, song tôi vẫn cảm thấy bỡ ngỡ vì còn rất nhiều điều chưa được biết. Ngay chính cái chủ đề của Cuộc hội ngộ này cũng đã khiến tôi có cảm giác lạ lẫm ở những phút khởi đầu, gặt gỡ mà cũng phải có văn hóa sao? Và văn hóa gặp gỡ là như thế nào?

Qua những bài thuyết trình của một số đại diện các tôn giáo; đặc biệt, qua những mẩu đối thoại giữa người dẫn chương trình và anh Trưởng Hướng đạo sinh Việt Nam-Nguyễn Hữu Thảo cũng như qua phần trình bày của ca sĩ Hiếu Ngọc(những Phật tử hiện đang sống ở Sài Gòn), tôi đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với khái niệm “văn hóa gặp gỡ”. Và có lẽ, tôi sẽ dễ dàng hơn những khi hội nhập vào các cuộc gặp gỡ giữa những con người khác biệt về tôn giáo, bởi tôi đã và đang thực hiện điều đó mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật của mình. Vâng, sự khác biệt về nhiều phương diện giữa con người với con người đôi khi đã làm cản trở con người đến với nhau, và vì thế con người lại càng không hiểu được nhau. Có thể nói, khác biệt về tôn giáo là rào cản lớn nhất trong số các rào cản, bởi cũng còn khá nhiều người có thái độ dè dặt vì sợ bị lạc giáo. Thiết nghĩ, làm sao lạc giáo được, nếu như niềm tin của ta đã đặt trọn vào Đấng mà ta tôn thờ?

Qua các lần tham dự Hội ngộ liên tôn diễn ra ở Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Sài gòn, tôi thấy giữa các tôn giáo có rất nhiều khác biệt, thậm chí, ngay cả giữa các tín hữu Kitô giáo cũng không thiếu sự khác biệt; tuy nhiên, tựu chung các tôn giáo đều hướng về một Ông Trời, một Thượng Đế, và đều có chung một mong muốn là được sống yêu thương trong sự bao dung của Thượng Đế tối cao. Khi đến với nhau bằng một tâm lòng yêu thương, người ta sẽ nhất nhất tôn trọng nhau, và trong sự tôn trọng lẫn nhau đó, người ta chắc chắn sẽ không còn trong tâm trí những sự tranh đua và dị biệt nhau nữa.
Để lại trong tâm trí tôi rất nhiều điều phải suy nghĩ, là cung cách phục vụ của cô ca sĩ Phật tử Hiếu Ngọc. Cô thật đơn sơ mộc mạc nhưng cũng thật đáng trân quý, khi cô biết đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ đồng loại bằng cả tấm lòng yêu thương. Cô là một Phật tử nhưng đã từng đến phục vụ ca hát ở một Thánh thất Cao đài, hiện nay cô là một ca viên trong ca đoàn giáo xứ Bình Thọ. Cô bày tỏ, gia đình cô là gia đình sùng đạo Phật, nhưng người thân trong gia đình cô không những không cản trở cô hát Thánh ca mà còn tạo điều kiện cho cô nghe và tập hát Thánh ca từ thời niên thiếu. Lời chào “Nam Mô A Di Đà Phật” của Hiếu Ngọc khi bước ra sân khấu đã nói lên một điều rằng, cô không phải là người Phật tử lạc giáo, cho dẫu cô đang phục vụ với tư cách là một ca viên trong một nhà thờ của Công giáo!

Suốt đoạn đường trở về nhà, tâm trí tôi cứ lẩn quẩn hình ảnh của người ca sĩ Phật tử, tôi tự hỏi lòng, tôi đã làm được như cô hay chưa, để mà bồi đắp cho “Văn hóa gặp gỡ”? Tôi đã thực hiện được những gì trong cuộc “Bồi đắp văn hóa gặp gỡ” này, văn hóa của sự yêu thương và chia sẻ, văn hóa của tình người và tình trời? Một điều rõ ràng là, từ nay tôi sẽ mạnh dạn gặp gỡ mọi người cho dù người đó thuộc bất cứ tôn giáo nào, bằng hết cả tâm lòng yêu thương của mình, mà không còn một chút sợ hãi nào nữa về hai chữ: lạc giáo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét