Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

SUY GẪM DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARY TỐT LÀNH

"Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi...
...Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giêsu bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
(Lc: 10, 30-37)

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn về người Samari nhân hậu, Đức Giêsu đã có lời khuyên người thông luật: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy." Nghĩa là, Chúa khuyên ta hãy hành động giống như người Samari trong dụ ngôn của Chúa, anh ta đã ra tay cứu giúp người hoạn nạn bên đường một cách vô vị lợi.
Câu chuyện này sẽ mãi làm xáo động tâm can của những ai gọi là có chút lương tâm. Thầy tư tế và thầy Lêvi, là những người làm công việc phụng sự Thiên Chúa, theo con mắt người đời thì họ là những người gần gũi với Thiên Chúa hơn cả, và là những người hiểu biết luật lệ của Chúa hơn cả, vậy mà cũng còn ngoảnh mặt làm ngơ trước kẻ hoạn nạn bên đường. Trong khi, anh chàng Samari, một người ngoại đạo, chàng ta chẳng biết Thiên Chúa, song lại đã ứng xử với một người xa lạ bên đường như thể người đó là anh em ruột thịt của chàng vậy. Chàng đã biểu tỏ tấm lòng yêu thương đồng loại một cách rất cụ thể, không chỉ giúp người hoạn nạn ngay trong lúc ấy, mà còn tỏ ra một cách tận lực khi dặn dò chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Có lẽ sẽ hiếm có người nào hành xử như anh chàng này, nhưng đó lại là mẫu người mà Chúa muốn chúng ta noi theo.
Thiết nghĩ, thầy tư tế và thầy Lêvi kia chắc hẳn trong lúc lầm lũi tránh qua một bên, để khỏi phải liên lụy gì với kẻ bị nạn, lương tâm của mấy ổng cũng cắn rứt ghê lắm. Bởi vì tôi cũng đã từng trải qua những tình huống khó xử như thế, giúp thì sợ bị liên lụy, không giúp thì lại cảm thấy áy náy trong lòng, nhưng rồi cũng chép miệng cho qua vậy thôi.

Lạy Chúa! Mới nghe qua câu chuyện, con đã cười thầm hai cái ông thầy đạo mạo kia, nhưng khi suy ngẫm kỹ nội dung của dụ ngôn, con thật là xấu hổ, vì nhận ra mình cũng đã có những khi hành xử giống hệt như hai ông thầy đó!
Chúa ơi, Chúa dạy chúng con những điều thật là đơn giản, nhưng lại cũng rất khó thực hiện. Càng ngày người ta càng nói nhiều về những chuyện con người có lối ứng xử “vô cảm” ở xã hội của con, nhưng đã có mấy ai góp tay vào làm cho xã hội bớt đi những điều đau lòng đó? Bản thân con cũng chỉ biết nói mà chưa biết làm, Chúa ạ! Bình thường, con cảm thấy mình cũng đường đường chính chính như ai, cũng ngon lành như kiểu ông thầy tư tế và ông thầy Lêvi kia. Nhưng rồi có đụng chuyện, con mới biết mình là kẻ hèn nhát, chẳng dám làm những gì mình muốn chỉ vì con e ngại mình sẽ bị liên lụy. Cái đau, cái khổ nếu không là của con thì con dễ ăn dễ nói, còn bắt tay vào làm thì chẳng được tận lực như chàng Samari tốt lành trong câu chuyện của Chúa. Con biết, chỉ khi nào con thực sự nhìn nhận những người sống chung quanh mình là người thân cận ruột thịt của mình, thì con mới có thể hành xử như người Samari trên đây.
Lạy Chúa Xin cho con có một trái tim yêu thương như Chúa đã yêu thương con, để con có thể hành xử với mọi người như thể họ chính là anh chị em ruột thịt của con vậy. A-men

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét