Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

CHUYỆN TÔI ĐI GẶP BÁC SĨ

Chuyện tôi đi gặp bác sĩ thì có gì lạ đâu, vì đối với tôi nó thường xuyên như ăn cơm bữa vậy! Nhưng khi ngẫm nghĩ lại tôi thấy nó cũng có nhiều điều thú vị lắm, các bạn ạ!
Hôm ấy, như thường lệ, tôi đến bệnh viện Bưu Điện để khám định kỳ về căn bệnh cường giáp, người bạn thân mọi khi vẫn đưa tôi đi bữa đó bận việc, tôi phải nhờ thằng cháu. Vì là lần đầu tiên nhờ nó nên trong lòng cũng hơi lo lo, sợ có chuyện trục trặc. Những lần trước tôi được chỉ định khám tại phòng số 5 do bác sĩ Nguyễn sơn phụ trách, chẳng hiểu sao lần này họ lại đưa tôi vào phòng số 6? Tôi còn đang ngơ ngác, hay là thằng cháu không biết đường dẫn tôi đi lộn phòng, thì có tiếng bác sĩ mời vào ghế ngồi. Ông bác sĩ này tôi chưa gặp lần nào, ông có vẻ còn trẻ ít kinh nghiệm, lên tiếng hỏi:
-Tôi coi bệnh án, thấy bệnh của chị khá rắc rối. Sao chị không đến bệnh viện Chợ rẫy, ở đó chuyên khoa sâu hơn ở đây?
Tôi thành thật nói với bác sĩ:
-Thẻ bảo hiểm của tôi chỉ định cho tôi khám tại đây, nên tôi không thể đi Chợ Rẫy, bác sĩ ạ! Nếu đi Chợ Rẫy, tôi phải khám dịch vụ, mà tôi thì không có khả năng chi trả. Bác sĩ cứ khám cho tôi đi, tôi không có đòi hỏi gì đâu!
Miệng thì nói vậy, nhưng trong lòng tôi hoang mang ghê lắm! Mặc dù đã nhiều lần tự khẳng định với lòng rằng, mọi sự tôi hoàn toàn phó thác cho Chúa quan phòng, thế mà vừa mới nghe ông bác sĩ nói vậy, lòng tôi đã vội ngả nghiêng rồi. Trước đây, tôi từng khám bệnh này ở Chợ Rẫy, nhưng sau ba lần phải trả tiền quá mạng, tôi đã mua thẻ bảo hiểm, và tôi buộc phải điều trị tại bệnh viện Bưu Điện này. Khi đó, nhiều người thân quen cũng đã khuyên tôi không nên như vậy, vì ai cũng cho là bệnh của tôi rối rắm thì phải chữa ở bệnh viện lớn. Thế nhưng, bệnh tôi cứ um tùm cả chùm cả rễ thế này thì có chọn bệnh viện nào cũng thế thôi! Vả lại, tôi không muốn chi xài quá nhiều tiền bạc vào việc chữa bệnh, đương khi mình phải sống cậy dựa vào người khác.
Tôi còn đang suy nghĩ lung tung thì ông bác sĩ trẻ lại lên tiếng:
-Chị đợi tôi một lát!
Rồi ông ta quày quả bỏ đi, để tôi ở lại trơ trọi một mình với chiếc ghế bệnh nhân. Không khí lạnh lẽo của căn phòng làm cho toàn thân tôi uể oải khó chịu, cảm giác nôn nao buồn ói dâng lên... Cả chuỗi sự việc lộn xộn khiến cho tôi mệt mỏi và bực bội. Tôi đâm ra băn khoăn lo ngại rằng, các bác sĩ ở đây coi tôi như một vật thí nghiệm để thử tay nghề... tôi quên hết những gì tốt đẹp họ đã làm cho mình trước đó. Tôi nhắm nghiền hai mắt, thầm thĩ phó thác mọi sự cho Chúa, chỉ trong giây lát tôi cảm thấy bình an trở lại. Ít phút sau, ông bác sĩ quay về phòng, đưa bệnh án của tôi cho thằng cháu, và bảo:
-Tôi giới thiệu chị qua gặp bác sĩ trưởng khoa, để bà ấy quyết định cho chị, chị vui lòng vậy nhé!
Tôi cảm ơn vị bác sĩ trẻ tốt bụng, rồi theo thằng cháu sang phòng số 7, ở đó người ta tận tình đón tôi với một thái độ niềm nở. Bà bác sĩ trưởng khoa đang khám cho một bệnh nhân, quay sang nhỏ nhẹ nói với tôi:
-Em chờ tôi một lát nhé, sắp xong rồi!
Trong lúc chờ đợi, tôi lại thầm thĩ phó thác mọi sự cho Chúa, lòng tôi cảm thấy thoải mái chẳng còn lo lắng gì nữa. Rồi cũng đến lượt tôi, bà bác sĩ nghe tim nghe phổi cho tôi một cách cẩn thận. Bà hỏi một số câu hỏi xoay quanh bệnh tình của tôi rồi nói:
-Thế này này em ạ! Bệnh cường giáp của em bây giờ chuyển sang suy giáp do tác dụng của thuốc, tôi sẽ cho em uống thuốc suy giáp, không có gì phải lo lắng em ạ! Thế mắt em bị làm sao?
Tôi kể cho bà nghe tôi đã bị mù do biến chứng của bệnh tiểu đường như thế nào. Bà hỏi:
-Thế sao em không khám bệnh tiểu đường để lấy thuốc cho đỡ tốn tiền, em bị mù như vậy, tiền đâu mà mua thuốc?
Thấy bà bác sĩ trưởng khoa mà lại dành nhiều thời gian để hỏi chuyện, và quan tâm đặc biệt đến mình như vậy, tôi rất cảm động. Mấy vị bác sĩ trước đây cũng hỏi tôi làm sao bị mù, biết tôi tiểu đường, nhưng chẳng ai khuyến khích tôi khám bệnh để lấy thuốc cho đỡ tốn tiền như vị bác sĩ này. Dường như ai nghe tôi nói tôi bị bệnh tiểu đường ba chục năm ai cũng ngại nhúng tay vào thì phải. Như được mở tấm lòng, tôi nói:
-Dạ, trước đây em đã đi nhiều bệnh viện, nhưng ở đâu cũng cho em chích Mix-Tard, mà loại này không hợp với em, em mệt lắm. Em chích NPH quen rồi bác sĩ ạ! Loại đó nhiều khi trên thị trường chợ đen không có, thậm chí nếu có NPH thì lại là công thức 30/70, vì vậy em phải đặt mua NPH humanlin từ nước ngoài rất tốn kém, bác sĩ ạ!
-Em cứ đem lọ thuốc của em vào đây cho tôi xem, tôi sẽ tìm cho em loại thuốc thích hợp!
Nghe bà bác sĩ nói vậy tôi cũng chẳng mấy hy vọng người ta sẽ đáp ứng cho mình. Vì ngay cả bệnh viện lớn như Chợ Rẫy mà còn chẳng xài loại thuốc đó, huống hồ gì là cái bệnh viện Bưu Điện nhỏ tí tẹo này. Hôm sau, tôi quay trở lại bệnh viện với lọ thuốc insulin của mình, và lần đầu tiên tôi dùng thẻ bảo hiểm đăng ký khám bệnh tiểu đường tại quầy tiếp bệnh. Vì có chữ ký của bác sĩ trưởng khoa, nên tôi được vào thẳng phòng khám số 7. Sau khi xem qua lọ thuốc của tôi, bác sĩ phone cho phòng dược, tôi nghe được lệnh của bác sĩ mà cảm thấy hơi thất vọng:
-...nếu không có, thì em phải nhập cho tôi lô thuốc này, tôi cần có nó!
Rồi bà quay sang tôi:
-Hôm nay là thứ sáu, tới thứ Hai đầu tuần, em quay lại đây tôi sẽ có thuốc cho em!
Tôi rời khỏi phòng, tuy có thất vọng, nhưng chẳng mấy buồn, vì tôi không nghĩ rằng bệnh viện này người ta sẽ nhập thuốc chỉ vì mình tôi. Thế nhưng, trong lúc tôi còn đang ngồi chờ người bạn ra quầy làm giấy tờ để lấy lại thẻ bảo hiểm, thì người phụ tá của bác sĩ trưởng khoa dẫn theo người dược sĩ, đi tìm tôi. Người phụ tá vui vẻ reo lên:
-Đây rồi, chị ấy còn đây!
Thì ra, cô dược sĩ đã sốt sắng cầm lọ thuốc từ kho thuốc của bệnh viện tức tốc lên phòng số 7. Và bà bác sĩ trưởng khoa đã lệnh cho người phụ tá dẫn cô ta đi tìm tôi. Họ thật là nhiệt tình với một bệnh nhân không có “ký lô” nào như tôi, cho dù tôi đi khám ở các dịch vụ tư nhân, tôi cũng chẳng được chăm sóc tận tình đến thế. Cô dược sĩ yêu cầu tôi đưa cho cô ta lọ thuốc của tôi, sau khi xem xét một lúc, cô bảo tôi theo cô trở lại phòng của bác sĩ trưởng khoa. Bà bác sĩ tận tình giải thích:
-Chúng tôi đã có thuốc cho em rồi đây! Công thức thì hoàn toàn như nhau, chỉ khác là thuốc của em được sản xuất tại Canada, còn thuốc của bệnh viện có xuất xứ từ Đan Mạch.
Với tất cả tấm lòng biết ơn, tôi nói:
-Vâng! Em cảm ơn bác sĩ rất nhiều! thuốc của Đan Mạch cũng tốt rồi bác sĩ ạ! Em chưa hề gặp ai đối xử với bệnh nhân tốt như bác sĩ!...
Một tháng sau, tôi đi tái khám bệnh tiểu đường ,cùng lúc với bệnh cường giáp, người ta chỉ định cho tôi vào khám ở phòng số 5 là phòng khám nội tiết, tôi gặp lại vị bác sĩ quen thuộc. Bác sĩ Nguyễn Sơn nói đùa với tôi:
Hôm nay chị lại tăng cường thêm cho tôi bệnh tiểu đường nữa! Chà, bệnh của chị phức tạp quá heng!
Tôi vội vã nói:
-Bác sĩ cho em loại thuốc insulin giống y như trong sổ đã ghi nghen bác sĩ! Em chỉ hợp với loại này thôi, các loại khác em chích không hợp mệt lắm, bác sĩ ạ!
-Chị đừng lo, tôi sẽ cho chị NPH như chị mong muốn!
Ngay khi về tới nhà, tôi đã vội nhờ đứa em trai xem hộ, đó là lọ thuốc NPH với công thức 30/70 là loại thuốc có tác dụng rất yếu vào buổi tối, và như vậy tôi sẽ rất mệt. Tôi đành phải mượn một lọ thuốc của em trai tôi để chích, và cất nguyên lọ thuốc của bệnh viện đã phát cho tôi, chờ tháng sau tái khám sẽ mang trả lại cho bệnh viện.
Tới ngày tái khám, tôi mang lọ insulin còn nguyên “guarantee” trả cho bác sĩ Sơn. Tất nhiên là bác sĩ Sơn không thể nhận lại, đó chỉ là chiêu thức tôi buộc ông ấy phải cấp đúng loại thuốc mà tôi cần. Kể từ đó đến nay đã hơn ba năm ròng, tháng nào tôi cũng được cấp một lọ thuốc y như vị bác sĩ trưởng khoa đã đáp ứng cho tôi, trong cái ngày mà bác sĩ Sơn vắng mặt, để rồi tôi gặp ông bác sĩ trẻ yếu bóng vía nhưng tốt bụng, và để rồi tôi được gặp vị bác sĩ trưởng khoa tốt hơn cả cô tiên... Và cũng kể từ ngày ấy đến nay, tôi chưa bao giờ gặp lại hai vị tốt bụng đó, cho dù tôi ra vô bệnh viện Bưu Điện này như cơm bữa.
Câu chuyện này như một chứng minh rằng, tất cả mọi sự đều có bàn tay sắp đặt của Chúa, chính Chúa quan phòng đã cho tôi nhìn thấy từng đường đi nước bước của Ngài! Cũng như trong các câu chuyện cổ tích, những sự việc xảy ra làm cho tôi trái ý bực bội càng nhiều, những gian lao thử thách làm cho tôi hoang mang lo lắng càng nhiều, lại càng làm cho tôi tăng thêm lòng tín thác vào Chúa quan phòng, và rồi tôi cuối cùng luôn gặp được những điều mà tôi chẳng dám ước mong... Hôm nay ngồi ngẫm lại cả một chuỗi sự việc trong chuyện tôi đi gặp bác sĩ, và rất nhiều chuyện khác nữa trong cuộc đời mình, tôi không thể không nhận ra rằng, mọi sự tôi đã phó dâng cho Chúa, nên mọi sự Chúa đã quan phòng cho tôi, để tôi có một cuộc sống ung dung tự tại như là tôi đang sống. Tôi kể câu chuyện này cho các bạn nghe, như một lời thổ lộ tâm tình tri ân gởi đến vị Chúa quan phòng của chúng ta vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét