Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

VIẾT TẶNG "SEN GIỮA LẦY"


Vũ Thủy là kẻ chẳng rành lắm về thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng sau khi đọc SEN GIỮA LẦY của Cha trăng Thập Tự cứ bị thôi thúc để phân tích cái hay cái đẹp của bài thơ này. Vậy Vũ Thủy mạnh dạn viết lên những suy tư của mình về Sen Giữa Lầy mà không sợ rằng có ai đó sẽ bảo mình “múa rìu qua mắt thợ”.

-Hai câu đề:
Về thăm vườn cũ thuở Êđen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen.
Với hai câu này TTT đã giới thiệu hoa sen một cách rất tuyệt, TTT đã lãng mạn dựa vào truyền thuyết vườn Ê-đen xưa để tưởng tượng rằng ở đó có một đóa sen thanh thoát.
-Hai câu thực:
Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi
Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen.

Mô tả nơi sinh trưởng của hoa sen là ở giữa lầy, đồng thời mô tả đặc tính mà người ta thường gán cho nó là trong trắng. Nhưng chúng ta đều hiểu TTT đã mô tả những đức tính của Mẹ Maria là trinh khiết và thầm lặng.
Trong cặp câu này có các cặp từ đối nhau như:
“Trong trắng” đối với “lặng thầm”
“Giữa lầy” đối với “trên sóng”
“Gọi” đối với “khen”
TTT đã chơi chữ một cách độc đáo không kém Bà Huyện Thanh Quan trong bài QUA ĐÈO NGANG:
“trong trắng” mà trong trắng ở giữa lầy, rồi cái trong trắng ấy gọi, gọi cái gì? Chúng ta hiểu rằng đóa hoa sen gọi mời chúng ta sống khiết tịnh. . .
“lặng thầm” mà lặng thầm “trên sóng”, lặng thầm trên một sự việc mà ai cũng biết là ồn ào chứ không lặng thầm. Rồi “lặng thầm” lại khen, khen điều gì? Chúng ta hiểu rằng khen ngợi sự trong trắng. Đồng thời cũng hiểu rằng có một người, “người về thăm vườn Ê-đen”, đang đứng ở đâu đó ngắm sen mà rung động trong lòng về sự trong trắng giữa lầy của đóa hoa sen, để rồi lặng thầm khen nó. Vậy thì lặng thầm mà rất không lặng thầm càng khiến cái sự khen ấy là khen nhiều chứ không phải khen ít.
-Hai câu luận:
Gọi mời ai giữ gìn cao quý
Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn.
Sau khi đã mô tả rất tuyệt về hoa sen, TTT luận rằng hoa sen đã khiến người ta ngưỡng mộ về sự “trong trắng giữa lầy” của nó, nó đã gọi mời người ta giữ gìn cái mà bất cứ ai cũng cho là cao quý, đó là đức khiết tịnh. TTT cũng luận rằng cái sự khen ở trên là khen người đã đoái thương những kẻ hèn mọn, chính từ đây TTT lại một lần nữa cho thấy hoa sen đã được ví với Mẹ Maria vì sự trong trắng của nó. Vì vậy khen hoa sen trong trắng là khen Mẹ Maria khiết trinh của Giáo Hội, một người mẹ luôn đoái thương đến Giáo hội con cái của Người.

-Hai câu kết:
Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt
Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen.
TTT kết thúc bài thơ của mình bằng sự cảm tạ, tạ ơn trời đã ban cho con người đóa hoa sen cao quý. Nhưng cũng chính là tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho loài người Đức trinh nữ Maria như một mẫu gương về đức khiết tịnh. Và có lẽ TTT đã cho ta cái cảm nghiệm về sự biết ơn của con người không xứng với lòng độ lượng của thiên Chúa khi mà “tạ ơn trời chưa nháy mắt” thì Ngài đã ban cho biết bao hồng ân qua Mẹ Maria “sen đã nở đua chen”. Và có lẽ TTT cũng cho chúng ta một bài học rằng phải biết ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã ban tặng nhưng không cho con người biết bao mẫu gương sống động, từ những sinh vật bé nhỏ như hoa sen cho đến Người Mẹ tuyệt vời của Thiên Chúa là Đức Maria khiết trinh.
Đến đây, ta hãy quay lại cái tuyệt vời của hai câu đề. Tại sao như thế? Bởi vì Vũ Thủy muốn để người đọc thấy được cái lãng mạn của TTT và cũng là cái lãng mạn của Đấng Tạo Hóa sau khi đã phân tích toàn bộ bài thơ này.
Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen
TTT đã nhắc đến truyền thuyết vườn Ê-đen làm ta liên tưởng đến câu chuyện A-đam nghe lời Eva ăn trái cấm. Từ thuở ấy, Chúa đã hứa ban cho loài người một phụ nữ, người phụ nữ ấy sẽ đạp lên đầu con rắn xảo quyệt. . . Và có lẽ vì thế TTT đã có ngẫu hứng để viết “Thanh thoát ô kìa một đóa sen” chăng? Đóa sen này TTT đã ngụ ý ngay từ phần giới thiệu của bài thơ về một Đức Khiết Trinh, một mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta noi theo. . .
Cảm ơn Cha Trăng Thập Tự vì đã viết cho đời một bài thơ tuyệt đẹp. Vũ Thủy chắc chắn rằng SEN GIỮA LẦY hoàn toàn là sản phẩm của thi hứng trong nhà thơ linh mục trăng Thập Tự qua sự soi chiếu của Chúa Thánh Thần. Có thể nói SEN GIỮA LẦY đã trở thành một hiện tượng trong nghệ thuật thi ca Công Giáo Việt Nam. Như một sự thúc đẩy của Chúa thánh Linh, đã khởi lên một phong trào rất đáng trân trọng trong thời đại hiện sinh, đó là phong trào ĐOAN HỨA KHIẾT TỊNH. Ước mong sao ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia phong trào này và hy vọng SEN GIỮA LẦY còn mở ra nhiều hướng đi khác cho nghệ thuật Công Giáo Việt Nam.

20/7/2010
Vài thiển ý, Vũ Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét