Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

SỨC SỐNG THẦN DIỆU

“Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp ; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng ; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi ; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.”
(Cr II: 4, 8-10)

Đọc đi đọc lại những lời trên đây, tôi như nghe thấy những âm vang dội lại từ tiếng kêu của những anh chị em khuyết tật mà tôi quen biết. Tôi nhớ lại những nỗi khó khăn mà các anh chị ấy đã và đang phải chịu đựng...
Bạn nghĩ gì về một người bị bại liệt, cả ngày phải ngồi lỳ trên một chiếc xe lăn? Bạn nghĩ gì về một người mù hai mắt đã chẳng nhìn thấy sự gì, lại còn bị liệt hai chân và một tay, cánh tay còn lại cũng chỉ đủ để đưa mẩu bánh vào miệng những khi đói? Chắc bạn sẽ tưởng tượng ra khuôn mặt nhăn nhó của họ và những tiếng kêu than? Có lẽ, họ cũng đã trải qua những ngày nhăn nhó và những ngày kêu than oán trách số phận; song, bây giờ gặp họ, tôi không còn nghe thấy những tiếng kêu trách hay nhăn nhó rên la nữa...
Một anh chàng mù nọ nói với tôi rằng: “Nếu cho anh chọn, thì anh sẽ chọn làm người khuyết tật ngồi trên xe lăn, chứ chẳng muốn chọn làm một người mù!” Tôi hỏi: “Anh có biết những người khuyết tật đó phải chịu đựng những gì không?” Anh nói, anh không biết. Tôi đã thuật lại cho anh nghe về những điều tôi được biết, được nghe những anh chị khuyết tật đó tâm sự. Sau khi nghe tôi kể, anh mù đã nói với tôi rằng: “Bây giờ thì anh không đổi cái mù này để lấy cái xe lăn ấy đâu?” Vâng, tôi đã kể cho anh mù nọ nghe về những khó khăn của người khuyết tật ngồi trên xe lăn như thế này:
Đa phần những người bị bại liệt hoặc bị teo hai chân, họ phải ngồi chết một chỗ, phần mông tiếp xúc với chỗ ngồi thường bị lở loét do mồ hôi gây nên. Ngoài ra, họ thường bị những chứng bệnh như nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng niệu đạo, hoặc không kiểm soát được việc tiểu tiện, những chứng bệnh ấy là hậu quả của việc khó khăn di chuyển dẫn đến nhịn tiểu... và rồi nó kéo theo những vết lở loét trầm trọng ở phần mông. Những người khuyết tật ấy kể cho tôi nghe những cảnh đời thật thương tâm:
“Chị đi bán vé số, ngồi trên xe lắc phải lót khăn... Ngồi riết rồi hai mông lở loét. Chiều tối về nhà, chị phải nằm sấp, để cho hai mông được thoáng khô. Nhưng, nhiều khi vết loét quá nặng, chị phải nghỉ bán vé số, nằm sấp như thế nhiều ngày mới tạm khỏi. Vết thương mới ăn da non, đi bán vé số, lại tiếp tục trở nặng, em ạ!
Một anh khuyết tật vận động do chấn thương cột sống, tâm sự rằng:
“Anh lúc nào cũng có chai dầu mù u bên cạnh. Cái dầu mù u này hay lắm, xức vào các vết loét thấy đỡ liền. Nhưng em biết đó, công việc khiến anh phải thường xuyên đi ra ngoài, mỗi lần gặp chỗ đường xóc, là vết loét ở mông lại nặng lên, dầu mù u cũng chẳng ăn thua. Vả lại, người bị chấn thương cột sống như tụi anh, không còn cảm giác ở da, những vết thương ở đó rất khó lành. Lần này, bệnh viện họ mổ cho anh, lấy da ở đùi lên vá vào mông... trên người anh gần hết chỗ để lấy da rồi, em ạ!”
Những câu chuyện như thế không phải là ít trong số những anh chị em khuyết tật mà tôi được biết! Một lần khác, tôi vào bệnh viện thăm anh bạn phải mổ bàng quang để lấy sỏi. Tôi giật mình, khi vợ anh đặt vào lòng bàn tay tôi một vật to bằng quả trứng vịt, cảm giác nặng và sù sì trên lòng bàn tay khiến tôi thương anh vô cùng. Tôi chỉ biết nói: “Thôi, anh chịu đựng bệnh tật như thế này, mai mốt anh lên thẳng thiên đàng, khỏi phải qua lửa luyện tội, anh ạ!” Trong hơi thở thều thào của anh, tôi vẫn nghe được chút vui vẻ của giai điệu cười. Trước đó 17 năm, anh này đã mổ bàng quang, bác sĩ lấy ra cho anh cả một vốc sỏi. Nhưng lúc đó chỉ là những hòn sỏi nhỏ. Lần ấy, người ta đã cắt bỏ bàng quang của anh, lấy ruột làm bàng quang giả cho anh. Bây giờ cái bàng quang giả đã có dấu hiệu suy thoái, cái van giả cũng muốn hư; song, các bác sĩ không thể làm được gì hơn cho anh. Biết vậy, tôi chỉ nhắc lại câu nói ban nãy của mình, động viên anh vác Thánh giá cùng Chúa Giê su...
Những căn bệnh kèm theo cái khuyết tật của anh chị em chúng tôi chỉ là một trong nhiều nỗi khó khăn mà chúng tôi phải đương đầu. Người khuyết tật còn phải chịu đựng biết bao nhiêu cái nhìn thành kiến, khiến cho họ khó lòng mà vất bỏ mặc cảm tự ty, và vì thế họ gần như bị đè bẹp dưới sức nặng của thành kiến. Nhưng, lạ một điều, tôi vẫn bắt gặp ở họ những khát khao vươn lên và vui sống. Lời thánh Phaolô hôm nay: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp ; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng ; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi ; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.”, cho tôi hiểu ra rằng, những anh chị khuyết tật đó đã không bị đè bẹp, đã không rơi vào tuyệt vọng, đã không bị bỏ rơi, đã không bị tiêu diệt là bởi vì Chúa Giêsu luôn ở cùng với họ. Chẳng phải bản thân tôi, một người mù với nhiều bệnh tật, cũng đang được diễm phúc khi biểu lộ sự sống của Đức Giêsu nơi thân xác mỏng giòn và yếu đuối này hay sao?

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Chúa đã trải qua cuộc thương khó năm xưa là để ngày nay chúng con được sống trong sự sung mãn của sức sống Phục sinh thần diệu. Xin cho chúng con luôn trung thành vác Thánh giá theo chân Chúa đến cùng, để trở nên những chứng nhân của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết chấp nhận những chén đắng đời mình, để chúng con được ở lại với Chúa trong ngày Chúa quang lâm. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét