Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

PHÁ ĐỔ BỨC TƯỜNG NGĂN CÁCH

“Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét ; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.”
(Eph: 2, 14-15)

Chúa Giêsu đã hy sinh thân mình để phá đổ sự thù hằn ghen ghét, để cho nhân loại được xích lại gần nhau; song le, hai ngàn năm đã qua mà nhân loại vẫn còn chiến tranh tàn sát lẫn nhau. Ở cấp độ lớn, thì chiến tranh xảy ra giữa quốc gia với quốc gia, giữa dân tộc với dân tộc. Ở cấp độ nhỏ, thì có chiến tranh giữa hàng xóm láng giềng, giữa những người đồng nghiệp, giữa anh chị em với nhau... Nhiều khi, những cuộc chiến tranh ngấm ngầm và âm ỷ trong lòng, nó không để lộ ra bên ngoài chỉ vì chưa có cơ hội, để rồi lòng người nuôi dưỡng nó phải bất an!
Lời thánh Phaolô hôm nay nhắc nhở tôi xét lại bản thân mình. Đã hẳn tôi không muốn mình như thế, nhưng sâu thẳm TỪ ngoc ngách tâm hồn mình, tôi vẫn nhận ra có chút đố kỵ ganh ghét len lỏi trong đó. Lòng đã nhủ lòng, phải từ bỏ những danh lợi phù vân ở đời này, để chỉ kiếm tìm những gì có ơn ích cho mình ở đời sau; thế mà, tôi vẫn còn rất nhiều dính bén với những chuyện hư ảo phù vinh.
Tôi chẳng phải lo toan cơm áo gạo tiền, chẳng phải lo nhà dột vách lở, chẳng phải lo bạc tiền thang thuốc, thế mà cũng còn sân si! Thử hỏi, những người đang phải vật lộn kiếm sống làm sao thoát khỏi bon chen, giành giật? Tất cả những sự dữ xảy ra trong thế giới thực tại, cũng chỉ vì người ta quá lo lắng cho tương lai, mà quên đi hiện tại. Người ta quá lo lắng cho hạnh phúc, một hạnh phúc mà người ta cho rằng phải có tiện nghi này, thời trang nọ... Rồi qua quá trình tìm kiếm hạnh phúc, họ gặp bực bội ghen tức vì không đạt được những gì mình mong muốn; thế là, trong khi đi tìm hạnh phúc cho tương lai, họ đánh mất hạnh phúc trong thực tại, mà nếu họ bằng lòng với thực tại thì họ đã có nó. Tôi cũng nhiều khi rơi vào cái vòng luẩn quẩn ấy, chỉ vì tôi chưa hoàn toàn cậy dựa vào Chúa!
Tôi nhớ lại những nỗi lo sợ ám ảnh mình suốt bao nhiêu năm tháng...
Một giấc mơ đã ám ảnh tôi suốt từ sau biến cố 30-4, cho mãi đến những năm đầu thập niên 90s, khi cuộc sống của gia đình tôi có phần dễ thở, những giấc mơ ấy mới chấm dứt. Tôi mơ thấy mình bị một người khổng lồ đuổi theo sau lưng. Vì quá sợ hãi, tôi phải gắng sức chạy, lúp xúp nhảy qua những nấm mồ đến mệt lử rồi ngã quỵ. Nhưng ngoái lại đằng sau, Tôi vẫn thấy gã khổng lồ với gương mặt dữ tợn đang đuổi theo mình. Tôi lại tiếp tục nhảy qua những nấm mồ, cho đến khi toát mồ hôi tỉnh dậy trong sợ hãi. Giấc mơ ấy đã lập đi lập lại trong đời tôi rất nhiều lần. Cho đến khi, gia đình tôi làm ăn khá lên một chút, tôi không mơ thấy giấc mơ ấy nữa. Sau này, tôi mới hiểu ra, mình bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ của một thời kỳ đói khổ. Hết lo đói khổ, thì tôi lại lo bệnh tật. Nỗi ám ảnh trong giấc mơ của tôi là nỗi sợ hãi những cơn đau... Mãi đến năm 2002, khi tôi viết bài thơ “Món Quà của Thượng Đế” là lúc tôi không còn bị ám ảnh do những nỗi lo sợ đó nữa. Bởi vì tôi đã nhận ra ý nghĩa của sự đau khổ, qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Tôi nhận ra, khi tôi sống kết hiệp với Chúa Kitô trên thập giá, tôi luôn tìm được sự bình an trong tâm hồn, dẫu rằng đang trong cơn đau hay gặp chuyện bất trắc.

Chúa ơi!
Lời thánh Phao-lô: “khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.”, đã chỉ ra cho con thấy muốn có được bình an đích thực, con người phải xích lại gần nhau, trở nên một con người mới trong Đức Giêsu Kitô.
Lạy Chúa! Xin hãy phá đổ bức tường ngăn cách giữa chúng con! Xin Cho con luôn biết xích lại gần với anh chị em sống quanh con, để chúng con được trở nên một trong Chúa, để không còn ganh ghét đố kỵ, để sự bình an của Chúa sẽ lan tỏa trong chúng con luôn mãi. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét