Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

HAI BÀI HỌC THIẾT YẾU CHO TÔI

“Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.”
(Lu-ca: 6, 12-13)

Qua đoạn Tin Mừng trên đây, tôi đặc biệt chú ý đến hai sự việc: Thứ nhất, Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện; thứ hai, Chúa Giê-su đã cầu nguyện suốt đêm trước khi Ngài chọn cho mình mười hai đệ tử ruột. Từ hai sự việc này, Chúa Giê-su đã dạy cho tôi hai bài học thiết yếu.
Trên núi thì thường vắng vẻ ít người, chỉ có cây cối và đá sỏi... Chúa chọn nơi thanh vắng mà cầu nguyện để có thể lắng nghe được tiếng nói của Chúa Cha. Đây là bài học thứ nhất cho tôi: Nên tìm nơi thanh vắng mà cầu nguyện để có thể rũ bỏ khỏi đầu óc những suy nghĩ ngổn ngang. Thiên Chúa không nói với tôi bằng tiếng nói của âm thanh, Người gặp gỡ tôi qua sự thúc đẩy của Thần Khí, mà Thần Khí thì đôi khi nhẹ tựa làn gió hiu hiu. Bài học thứ hai, tôi nhận thấy, đứng trước một quyết định trọng đại, Chúa Giê-su đã phải cầu nguyện với Chúa Cha suốt đêm, và hẳn Người đã được Chúa Cha soi dẫn. Cho nên, sáng hôm sau Người đã gọi các môn đệ lại để chọn lấy mười hai Tông-đồ. Qua đó, tôi học được thêm một bài học, trước một quyết định quan trọng, tôi cần phải cầu nguyện nhiều, để nhờ ơn Chúa soi dẫn tôi có thể tránh khỏi những lựa chọn sai lầm.
Bạn có thể sẽ hỏi, giữa một thành phố đông đúc ồn ào, giữa những biến cố dồn dập xảy ra chung quanh, tìm đâu ra một nơi thanh vắng? Thiết nghĩ, chỉ cần “bế quan tỏa cảng”, không tiếp cận với các nguồn thông tin đại chúng trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ một khoảng thời gian ngắn thôi, ta sẽ tìm được một sa mạc mênh mông, ở đó ta có thể lắng nghe tiếng lòng mình và tiếng Chúa.

Nói về sự cần thiết của cầu nguyện, ngạn ngữ của người Ả-rập có câu: Hãy cầu nguyện ít nhất là một lần trước khi ra trận, hãy cầu nguyện ít nhất là hai lần trước khi đi biển và phải cầu nguyện ít nhất là ba lần khi sống đời hôn nhân. Nếu làm những phép so sánh, ta thấy, câu ngạn ngữ này thật chí lý. Chiến trận có thể là nơi diễn ra cái chết trong gang tấc, nhưng người ta vẫn có thể làm chủ được chiến trận và có thể phòng trước những nguy hiểm. Biển cả có lúc rất phẳng lặng, song trong lòng nó chứa đầy bất trắc và hung hiểm mà con người không sao lường trước được, chính vì thế hiểm họa còn gấp đôi nơi làn tên mũi đạn. Hôn nhân của hai người thì do chính họ làm chủ, họ có thể lường trước và chuẩn bị mọi thứ cho mình, nhưng tại sao người Ả-rập lại xếp nó vào mối hiểm họa cao gấp ba so với chiến trận? Chiến trận, giông tố của biển cả có hung hiểm đến đâu chăng nữa, thì cũng sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian nào đó thôi. Còn hôn nhân giữa hai người sẽ kéo dài suốt cuộc đời họ, những cuộc va chạm sẽ không thể tránh khỏi giữa hai người, nếu không có sự cầu nguyện gia tăng thì thời gian sẽ làm sói mòn tình cảm của họ và thế là... chiến trận xảy ra!
Xét về phương diện nào đó, bất cứ ai cũng phải cầu nguyện, vì bản thân mỗi người đều phải bước vào một cuộc chiến đấu với chính mình. Chiến đấu giữa cái thiện và cái ác của chính mình, chiến đấu giữa cái được và cái mất khi mình chọn làm một người lương thiện, chiến đấu giữa các mối tương giao trong xã hội để tồn tại. Và nếu mỗi người đều cầu nguyện thật nhiều trước các quyết định của mình, thì chắc hẳn cuộc sống này sẽ ít có sai lầm.

Lạy Chúa Giê-su! Xin giục hồn con biết tìm cho mình những khoảng thời gian tĩnh lặng mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa, trước những quyết định quan trọng của đời con.
Lạy Mẹ Ma-ri-a! Xin hãy ở bên con và cùng cầu nguyện với con Mẹ nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét