Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

TÌNH YÊU & CUỘC SỐNG

Chiều nay tôi được tham dự một thánh lễ đặc biệt tại nhà nguyện nhỏ của mái ấm Thiên Ân, đặc biệt bởi linh mục chủ tế đã sử dụng hai ngôn ngữ trong khi dâng thánh lễ. Lý do cha chủ tế phải dùng hai ngôn ngữ là vì chúng tôi có sự giao lưu với một số học sinh người Úc. Cứ mỗi lần hè về trên đất Úc, cha Nhật lại đưa một nhóm học sinh người Úc sang thăm Việt Nam. Cha nói, cha là người Việt Nam, tên Nhật, quốc tịch Úc. Mặc dù đã xa xứ lâu năm, cha vẫn nói tiếng Việt trôi chảy, tiếng Anh của cha lại còn lưu loát hơn thế nữa. Cha đùa với chúng tôi rằng, các con không nhìn thấy Cha, nên Cha mô tả cho các con rõ, Cha không có mặc áo làm lễ. Ý Cha muốn nói là cha không có mặc áo lễ, chỉ mặc quần tây và áo sơ-mi làm lễ thôi. Đã nhiều lần, Cha dẫn các bạn học sinh “high school” sang thăm Việt Nam, với mục đích cho họ được nhìn thấy những cảnh nghèo khổ, những người không may mắn ở VN, để họ nhận ra họ được nhiều may mắn trong cuộc đời mà trở nên sống hữu ích hơn. Quả là một cách giáo dục lý tưởng mà Cha đã áp dụng cho các bạn trẻ Úc, họ thật hạnh phúc được sống trong môi trường giáo dục như vậy.
Thánh lễ diễn ra bằng hai thứ tiếng xen kẽ nhau, lúc thì tiếng Anh rồi đến tiếng Việt, có lúc lại bằng tiếng Việt rồi mới đến tiếng anh. Tuy vậy, buổi lễ rất khúc chiết và cô đọng. Tôi rất tâm đắc câu nói của cha “We walk to follow Jesus by faith, not by sight”. Trong thánh lễ, Cha cũng nói nhiều về tình yêu của Chúa, tình yêu giữa con người với con người...
Sau thánh lễ chúng tôi dùng bữa tối tại phòng ăn, mặc dù chúng tôi là chủ, song cha Nhật vẫn phân công các bạn Úc dắt chúng tôi đi về phòng ăn. Biết tôi không sống thường xuyên tại mái ấm và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, Cha giao hẳn cho một bạn tên là Amy đi theo để giúp đỡ tôi. Các bạn người Úc rất sôi động, họ đã kịp bắt chước chúng tôi nâng ly rồi đếm bằng tiếng Việt “Một! Hai! Ba!dzô!” trước khi nâng chén. Chúng tôi vừa ăn, vừa hát những bài hát vui, cứ một bài hát tiếng Anh lại được đáp trả bằng một bài hát tiếng Việt. Mọi người ăn xong, cùng nhau dọn dẹp không phân biệt chủ khách. Rồi tất cả chúng tôi quay trở lại hội trường, cùng nhau sinh hoạt vui chơi.

Người bạn Amy vẫn theo sát tôi, cô bé thật dễ thương, quỳ ngay bên cạnh chiếc ghế tôi đang ngồi. Tôi cho cô biết, tôi không thể ngồi xuống đất dễ dàng như mọi người vì hai chân của tôi bị tắc nghẽn tĩnh mạch, và bảo cô lấy một chiếc ghế để ngồi cạnh tôi, song cô bé vẫn vui vẻ cười mà quỳ bên cạnh tôi suốt trong thời gian đó. Bàn tay Amy luôn vuốt ve tay tôi một cách thân thiện trìu mến, cô làm cho tôi rất cảm động vì đã chịu khó ngồi bên cạnh một người tuổi đời gấp ba tuổi đời của cô, trong khi các bạn cô trò chuyện với những người bạn nhỏ tuổi của tôi một cách hào hứng. Amy chỉ rời khỏi tôi mỗi khi cô cùng các bạn có tiết mục hát đáp lại người của mái ấm. Tôi đặc biệt ấn tượng với tiết mục múa đôi của họ, một điệu nhảy có tên là TAP, Amy đã cho tôi biết khi nghe tôi thắc mắc về điệu nhảy lạ này. Amy còn nhiệt tình giới thiệu người bạn của cô với tôi, Pridie, cô gái trong điệu múa đôi vừa rồi. Tôi thắc mắc về những âm thanh lạ tai trong khi họ nhảy điệu TAP, Pridie cho tôi xem đôi giày của cô. Nó cũng như mọi đôi giày bình thường, chỉ khác ở chỗ dưới đế giày và gót giày có dán những miếng sắt, đó là bộ phận phát ra âm thanh lạ tai mà tôi vừa được nghe. Các bạn tôi dường như cũng hưng phấn sau khi nghe những âm thanh của điệu nhảy TAP, họ trình diễn đáp trả bằng một tiết mục Hip-HOP. Tiếng nhạc sôi động và phấn khích, khiến các bạn trẻ người Úc không khỏi ngạc nhiên về tiết mục đầy sức sống của họ.

Buổi giao lưu chắc sẽ còn kéo dài, tôi rất tiếc phải chia tay với họ sớm, vì tài xế của tôi đã tới đón. Tôi ra về với nỗi lòng trăn trở, nền giáo dục của VN thật là còn xa mới với tới được những điều kiện như ở Úc. Tôi lo ngại cho thế hệ trẻ, thế hệ các cháu của tôi có vẻ tương lai mờ mịt làm sao! Tôi thầm cầu xin Chúa lo liệu cho nền giáo dục của nước nhà ngày càng được xã hội quan tâm hơn. Tôi cũng hy vọng sau chuyến đi này các bạn học sinh người Úc sẽ thu lượm được nhiều hoa trái. Cầu chúc họ mọi sự tốt lành trong suốt chuyến đi này!

6/10/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét