Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

“CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊ-SU” VÀ NHỮNG THẮC MẮC CỦA TRẺ THƠ

1/4/2012
Chúa ơi, hôm nay là ngày Chủ nhật lễ Lá, Giáo hội cho các tín hữu nghe lại Bài Phúc Âm nói về “Cuộc Thương khó của Đức Giê-su Ki-tô”, để chúng con có dịp suy ngẫm về cái chết đau thương của Chúa năm xưa. Bài Phúc Âm đã tóm tắt lại những giờ phút cuối cùng của Giê-su Na-za-reth còn ở tại thế, biết bao sự kiện đã xảy ra khiến cho con phải suy nghĩ, và tự hỏi “Những sự kiện đó nói lên điều gì?” Và “Tại sao Chúa phải chết đau thương như thế mới cứu chuộc được nhân loại? Chúa không còn cách nào khác tốt hơn ư?” Đang mải suy nghĩ để tự trả lời cho những câu hỏi của mình, thì hai cháu nhỏ của con đi học giáo lý ở nhà thờ về. Hai cháu kể cho con nghe rằng: Sáng nay, Cha xứ đã chiếu bộ phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su”, cho chúng xem. Các cháu của con nói rằng ở nhà thờ ồn quá, chúng xem không hiểu rõ... Vì vậy con đã mở màn hình vi tính cho chúng xem bộ phim ấy trên mạng internet.

Mặc dù con đã nghe bài “Cuộc Thương Khó Chúa Giê-su” nhiều lần và được xem bộ phim về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su chí ít cũng một lần, nhưng sao hôm nay được nghe lại, con thấy lòng mình xúc động ghê gớm! Những lời thuyết minh, những âm thanh thổn thức của nhân vật Giê-su Na-za-reth, và những tiếng quát tháo đòn roi tra tấn của bọn lính , cộng với tiếng la ó của dân thành Giê-ru-sa-lem trong phim... Tất cả đã cho con nhiều cảm xúc đan xen lẫn nhau, Để rồi con đã có câu trả lời cho chính mình và cho những thắc mắc của hai cháu nhỏ.
Khi nghe trong phim, có người thách thức Chúa Giê-su:
-“Ông đã cứu người ta khỏi chết, vậy sao ông không tự cứu mình đi?”,
Lucky hỏi bác Thủy:
“Chúa là con Thiên Chúa, Chúa làm gì mà chẳng được! Tại sao Chúa không cứu chuộc người ta bằng cách khác, mà lại phải chịu đánh đập đau đớn như vậy? Nếu con mà là Chúa Giê-su, thì con nhảy xuống khỏi thập giá liền!
-Giả sử, Chúa Giê-su không bị đau khổ như con người. Cứ có chuyện gì rắc rối xảy ra cho Chúa, Chúa liền lập tức dùng phép lạ để giải quyết, thì Chúa có dám khuyên người ta: “Muốn theo Ta, phải tự vác thập giá mình mà theo!” không? Nếu là con, con có nghe theo lời khuyên đó khi mà chính Chúa đã không chịu vác thập giá của Chúa không?
Lucky trả lời một cách dứt khoát:
-“Không!” Con không nghe!”
Sau khi xem xong cuốn phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su”, bác Thủy đã giải thích các thắc mắc của hai cháu và kết luận: -Vậy đấy! Chúa Giê-su đã sinh ra làm người với mục đích là để chia sẻ với thân phận con người và để cứu chuộc con người. Chia sẻ với thân phận con người nghĩa là Chúa cũng phải trải qua mọi cái bình thường của con người. Chúa cũng đã phải lo sợ, đau đớn, cô đơn, buồn phiền. Các con có để ý đoạn phim chiếu cảnh Chúa Giê-su thổn thức cầu nguyện với Chúa Cha trong Vườn Giệt-si-ma-ni không? Chúa cũng như các con và bác thôi, khi nghĩ đến cái chết ai mà chẳng sợ! Đặc biệt, Chúa Giê-su lại được biết trước mình phải trải qua những gì, điều đó khiến Chúa đã phải xin với Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng... Nhưng, con nên chú ý, Chúa Giê-su chỉ xin Chúa Cha cho mình khỏi uống chén đắng với điều kiện: “Nhưng đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha”. Qua Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su”, Chúa dạy chúng ta bài học vâng phục và yêu thương. Vì vâng phục Chúa Cha, Chúa Giê-su đã chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta.
Hai cháu cùng hỏi bác Thủy:
-“Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá từ ngày xưa, đâu có liên quan gì đến mình bây giờ đâu, vậy làm sao mà cứu chuộc mình?
-Các con đã thấy cái chết của Chúa Giê-su thật là rùng rợn phải không? Các con có để ý đến hai kẻ trộm cùng bị đóng đinh với Chúa Giê-su không? Hai người đó bị đóng đinh một cách bắt buộc vì họ đã phạm tội. Còn Chúa Giê-su vô tội, quan Phi-la-tô đã không tìm được lý do nào để có thể kết án Chúa Giê-su. Chúa hy sinh chịu chết một cách đau đớn hết sức, chính vì lòng độc ác của con người. Cũng vì Chúa muốn tỏ cho nhân loại thấy được tình yêu tột đỉnh của Chúa dành cho con người. Khi có ai đó làm cho các con đau đớn vì bị tổn thương, thì Chúa cũng sẽ đau đớn vì Chúa quá yêu các con. Ngược lại, khi các con làm cho người ta đau đớn vì bị tổn thương, thì Chúa cũng sẽ đau đớn như vậy. Chúa là vị Cha chung của hàng tỷ con người, hàng tỷ con người cứ gây tổn hại lẫn nhau, khiến cho nỗi đau của Chúa to lớn biết dường nào! Chúa biết rõ chúng ta đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Chính vì thế mà Chúa muốn cứu thoát chúng ta ra khỏi vòng tội lỗi.
2.000 năm trước, để cứu giúp con người, Chúa đã đi khắp các nẻo đường, giảng dạy cho con người biết sống yêu thương, và biết hy sinh vì người khác... Trong các bài giảng của Chúa, tất cả cũng chỉ nhắm đến hai chữ yêu thương mà thôi. Nhưng người ta đâu có mấy ai chịu nghe và làm theo lời Chúa, vì vậy Chúa đã phải dùng cái chết đau thương, để chứng tỏ cho chúng ta thấy được tình yêu sâu thẳm của Chúa. Nếu Chúa Giê-su chết vì bệnh tật, Chúa đâu diễn tả hết cho các con thấy được khát vọng muốn cứu chuộc các con ra khỏi vòng tội lỗi và thấy được tình yêu của Chúa? Từ cái chết trên thập giá năm xưa, Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ, Chúa dặn dò các môn đệ tiếp tục rao giảng Lời Chúa. Chúa ở lại với chúng ta qua hình thức Mình Máu Thánh Chúa, và ban ơn Thánh Thần cho chúng ta. Bằng những phương thức ấy, Chúa tiếp tục cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá, các con ạ!

Chúa ơi, sau khi nghe con giảng giải, hai cháu của con có vẻ hiểu ra được phần nào về tình yêu của Chúa, và cảm thông với cái chết của Chúa. Con hy vọng những cảm xúc đó sẽ ở lại mãi trong tâm hồn thơ ngây của chúng, và giúp chúng biết sống yêu thương hơn.
Lạy Chúa Giê-su! Tiếng rên siết vì đau thương đang lan tràn khắp nơi, con nghe như tiếng rên siết của Chúa trong cuộc khổ nạn năm xưa vọng về... Xin cho nhiều người nghe được tiếng rên siết ấy, để mà nhớ đến Chúa, để mà sống theo Lời Chúa dạy... và trái đất này rồi sẽ có hy vọng, không còn tiếng rên siết vì đau thương nữa, mà chỉ còn những tiếng rên siết vì hạnh phúc thôi, Chúa ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét