Hôm nay nhiều quốc gia trên thế giới có lệ mừng “MOTHERS’ DAY”. Đó là một truyền thống tốt đẹp, nên người dân Việt Nam bây giờ cũng có nhiều người chú ý đến ngày này. Riêng tôi, là một người bệnh tật từ nhỏ, đã khiến mẹ phải vất vả vì tôi rất nhiều; tôi luôn tâm niệm rằng: “Mình phải sống tươi vui, để mẹ cảm thấy hạnh phúc vì những niềm vui của mình.” Tôi biết, những tâm sự của tôi có thể khiến cho người nào đó se lòng vì không còn mẹ, thậm chí những người chưa một lần biết mẹ mình là ai! Nhưng dù sao tôi vẫn muốn viết ra đây, bởi tôi mong được chia sẻ những cảm nghiệm của mình về sự hy sinh của người mẹ, những cảm nghiệm mà tôi có được qua những tháng ngày bệnh tật.
Chiều nay 7 anh chị em chúng tôi quây quần bên bố mẹ, cùng với các cháu nhỏ chúc mừng “Mothers’ Day”. Anh trai tôi đã đọc một bài thơ tặng cho mẹ, bài thơ của anh làm cho chúng tôi cảm động sụt sùi nước mắt. Những dòng thơ vang lên, ôn lại cho chúng tôi cả quãng đời vất vả của mẹ. Hình ảnh mẹ đạp chiếc xe cà tàng đi bán dầu gió khắp các hang cùng ngõ hẻm... Hình ảnh mẹ hai tay xách nặng hàng hóa, chạy đuổi theo cho kịp chuyến xe đò... Hình ảnh mẹ vật lộn với những cơn đau bệnh, giữa cái sống và cái chết của 3 đứa con mắc bệnh Điabetes ở lứa tuổi 17... Hình ảnh mẹ ngồi nhìn mớ quần áo cũ, với những buổi chợ ế ẩm... Hình ảnh mẹ ngồi cặm cụi cắt những xấp vải dầy để may quần áo bán cho người lao động... Hình ảnh mẹ đấu tranh với những tay bác sĩ cẩu thả, để cứu sống mạng em gái, rồi sau đó là anh trai tôi... Hình ảnh mẹ đứng khóc trước tượng Đức Mẹ, và cầu xin Mẹ cứu giúp đứa con trai út bị sốt bại liệt... Hình ảnh mẹ thao thức suốt 3 ngày đêm bên cạnh giường bệnh của tôi, con gái bà đã hôm mê suốt chừng ấy ngày, và các bác sĩ đã nói rằng khó lòng qua khỏi... Chúng tôi cười mà nước mắt còn đẫm mi, chúng tôi cùng nhau ôn lại những ngày gian khổ mà hạnh phúc, vì cảm nhận được tình thương yêu của mẹ. Và qua đó, chúng tôi nhận ra tình yêu thương của Chúa đã đổ xuống tràn ngập trên gia đình chúng tôi.
Với gần ba chục năm mang bệnh đau cột sống, mẹ vẫn cắn nhịn đau, để làm việc nuôi nấng chạy chữa thuốc men cho chúng tôi. Giờ đây mẹ tôi đã 76 tuổi, mẹ phải mang quanh mình một cái áo giáp để đỡ cột sống, hai chân phải mang đôi vớ cao su bó chặt để gìn giữ đôi chân đã bị giãn tĩnh mạch. Tôi biết, mẹ có thể không phải mang những thứ khó chịu đó trên mình, nhưng như vậy mẹ sẽ phải nằm trên giường suốt ngày không được làm việc. Lẽ ra, tuổi này mẹ có thể rảnh tay để đi làm công tác từ thiện như mộng ước thời con gái của bà. Nhưng vì thương những đứa con khuyết tật, vì thương con cái làm ăn vất vả, mẹ vẫn làm lụng quanh quẩn trong nhà để chăm sóc chồng đau, con bệnh. Nhiều lúc thấy mẹ phải đeo bộ quần áo giáp vô cùng khó chịu đó, tôi bất lực chẳng biết làm gì cho mẹ, chỉ biết nói với mẹ: “Thôi mẹ ráng chịu đựng, mai mốt mẹ sẽ lên thiên đàng khỏi phải qua lửa luyện ngục!” Thực lòng tôi thấy như thế, nhưng mẹ tôi vẫn cho là mẹ chưa xứng đáng đứng trước mặt Chúa, mẹ bảo mẹ còn phải thanh luyện mới được Chúa cho gặp mặt!
Mẹ tôi không phải là một phụ nữ quê mùa, thời con gái, bà đã từng học chơi đàn Mandolin, từng tham gia hát ca đoàn từ thời còn dâng thánh lễ bằng tiếng Latin, bà đã từng ước mong hiến dâng cuộc đời cho các công việc từ thiện... Bà bảo “Ông ngoại con chết sớm, rồi bác con cũng đi lấy vợ sớm... Mẹ lấy chồng là vì vâng lời bà ngoại, chứ mẹ đã định ở giá để nuôi bà ngoại và hai em...”. Tôi thấy, cả đời mẹ tôi đã sống cho chồng cho con, mẹ chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân mình... Có miếng ăn ngon, mẹ dành cho con, chẳng bao giờ mẹ ngồi lê đôi mach. Thỉnh thoảng, có được thời gian rảnh rỗi mẹ lại mang áo quần ra khâu vá. bây giờ già rồi bà còn lo cho cả cháu cố... thương đứa nghèo, thương đứa vất vả... coi con cho cháu đi làm...
Mẹ tôi có đến 7 đứa con, nhưng đứa nào mẹ cũng thương, mỗi đứa mẹ thương một cách, đứa nào cũng là con cưng của mẹ. Người ngoài không biết, thấy cách bà lo cho tôi, người ta tưởng tôi được cưng nhất; thấy cách bà lo cho chị tôi, người ta tưởng chị tôi là con gái một của bà... Vì bệnh tật lại mù lòa đã lâu, tôi là đứa con gần gũi với bà nhất, bà cũng lại cực khổ nhiều nhất vì tôi!
Người ta cho rằng có sự kiện thần giao cách cảm, không biết giữa tôi và mẹ có thần giao cách cảm hay không, chỉ biết rằng giữa tôi và mẹ có những chuyện xảy ra khá lạ lùng. Tôi nhớ một buổi chiều khoảng năm 1983, tôi tự lãnh trách nhiệm nấu cơm cho cả nhà ăn, rồi bị phỏng mấy ngón tay. Hôm đó tôi kho cá, thấy mùi cá khét lẹt, tôi vội chạy xuống bếp bắc nồi cá kho xuống. Trong lúc vội vã, tôi đã dùng hai bàn tay trần để bắc nồi cá. Rồi cũng vì vội vã, tôi lúng túng đến nỗi không biết đặt nồi cá ở đâu, mà cứ loay hoay nắm chặt lấy hai quai nồi bằng mấy ngón tay trần. Cho đến khi tôi bình tĩnh đặt được nồi cá xuống, thì hai tay tôi đã bị phỏng đỏ rừ... Tối đó, mẹ tôi đi chợ bán hàng về, vừa bước vào cổng, bà đã la lên ầm ĩ:
-Chết rồi! Chết rồi! Mẹ quên không bảo đứa nào nấu cơm, để con Thủy nấu cơm nó bị phỏng thì chết!
Tôi chạy ra đón mẹ, vừa xuýt xoa thổi thổi hai bàn tay, vừa cười với mẹ:
-Gái cưng của mẹ phỏng rồi đây nè! Nhưng mà không sao mẹ ạ!
Mẹ tôi rít lên:
-Hèn chi! Từ lúc bắt đầu lên xe đi, cho tới về, tao cứ nóng ruột ! Lúc ngồi trên xe lam chẳng hiểu làm sao, ruột nóng như lửa đốt, cứ chép miệng sao mình ngu quá không bảo đứa nào nó nấu cơm, chắc hôm nay con Thủy bị bỏng rồi ! Vậy mà bị bỏng thật ! Thế có làm sao không ?...
Tôi nghĩ đến « thần giao cách cảm », và hỏi mẹ cái thời điểm mẹ ngồi trên xe lam, thì quả đúng là lúc tôi bị phỏng.
Một lần khác, cũng có thể nói là « thần giao cách cảm » đã xảy ra giữa tôi và mẹ. Đó là vào một chiều mưa lâm thâm... tôi đang dự thánh lễ trong nhà thờ. Từ đầu thánh lễ cho đến lúc rước lễ, tôi dâng thánh lễ rất sốt sắng và cảm thấy tinh thần hưng phấn... hăng say hát thánh ca. Trong lúc linh mục chủ tế đang dọn chén thánh, Đột nhiên tôi cảm thấy đau nhói như có ai bóp nghẹt quả tim mình. Tôi tập trung ý chí để cảm nghiệm cái đau rất lạ này, tự hỏi chuyện gì xảy ra với mình. Tự nhiên, trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ rằng mẹ tôi bị tai nạn xe cộ và bị đau chân. Tôi lắc đầu để xua đi cái ý nghĩ sợ hãi ấy, và tự trấn an mình rằng mẹ không sao đâu... rồi tôi lẩm nhẩm cầu xin cho mẹ được bình an vô sự.
Khi trở về nhà, tôi đã thấy mẹ ngồi trên giường và đang lấy dầu nóng xoa bóp cái đầu gối của bà. Tôi hỏi :
-Mẹ làm sao vậy ?
Bà đáp :
-Mẹ bị đụng xe, nhưng cảm tạ Chúa vì chỉ bị đau cái chân chứ không nguy hiểm gì !
Hôm ấy, anh trai tôi chở mẹ đi mua hàng ở Sài Gòn, về đến Cầu Mới ở Biên Hòa thì bị té xe vì đường mưa trơn trợt. Mẹ tôi kể, lúc ấy xuýt nữa thì bị chiếc xe vận tải cán chết, may mà nó tránh kịp. Tôi hỏi mẹ rồi nhẩm tính, đúng vào thời điểm tôi cảm thấy có ai bóp chặt trái tim tôi, chính là lúc mẹ bị té xe. Anh trai tôi ngồi lái xe mà lại không việc gì ! Tôi đã đọc trong một cuốn sách nào đó, người ta giải thích rằng: « Thần giao cách cảm » thường xảy ra giữa hai người có những mối quan tâm đặc biệt lẫn nhau. Có lẽ cũng vì giữa tôi và mẹ, hai mẹ con rất hiểu ý của nhau chăng ? Có một điều chắc chắn rằng, mẹ rất thương tôi, dù cho tôi có làm mẹ giận đến đâu, mẹ cũng sẵn sàng tha thứ!
Đôi khi trong cuộc sống, người ta cảm thấy rất bình thường khi có một người mẹ bên cạnh mình. Sự bình thường đó nhiều lúc dẫn đến người ta kém trân trọng những gì mẹ hy sinh cho mình, tôi thấy điều đó thật đúng với trường hợp của tôi. Chỉ khi nào có biến cố xảy ra, hay như trong buổi chiều « Mothers’ Day» này, tôi mới cảm nhận được sự hy sinh to lớn của mẹ !
13/5/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét