Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013
SỐNG TRÁCH NHIỆM TRONG GIA ĐÌNH
“Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng : "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.”
(Mt: 2, 19-23)
Đọc lịch sử qua Thánh Kinh ta thấy gia đình của thánh Giu-se và Mẹ Maria đã trải qua biết bao lận đận, truân chiên; thế nhưng, người chủ gia đình đã luôn làm theo những gì thiên sứ mach bảo, và rồi mọi việc lại êm trôi theo dòng đời.
Chúa Cha đã sai Con Một xuống trần và hạ sinh trong một gia đình nghèo khó. Tuy thế, Ngài đã không bỏ mặc cho sóng gió vùi dập mái gia đình nghèo khó đó, Ngài đã luôn sai thiên sứ dõi theo và mach bảo cho người chủ gia đình những phương thức để bảo vệ và chở che mọi lẽ được an toàn. Gia đình thánh Giu-se tuy là gia đình thánh nhưng đâu có được ưu tiên sống sang trọng như kiểu các gia đình quyền quý trần gian... Tôi nhìn thấy một gia đình với cuộc sống lo toan như bao nhiêu gia đình khác, khác là vì gia đình của thánh Giu-se luôn có Chúa ở cùng, nên họ đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời một cách bình an. Qua đó, tôi rút ra những bài học mà Thánh gia thất đã để lại cho nhân thế. Đó là những bài học về cách sống trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình: thánh Giu-se luôn là một người cha gánh vác những việc nặng nề để bảo bọc cho gia đình; Mẹ Maria luôn là một người mẹ người vợ dịu dàng và sống đời làm việc kết hợp với cầu nguyện; Giê-su luôn là người con ngoan trong gia đình nhưng cũng lại là một người con sống tuân phục Thiên Chúa. Nếu như mỗi thành viên của gia đình chúng ta đều sống vuông tròn trách nhiệm trong vai trò của mình, và mọi người đều sống như mình đang có Chúa ở cùng, thì chắc chắn gia đình của chúng ta sẽ luôn được bình an cho dẫu có gặp phong ba bão tố.
Lạy Thánh gia thất! Gia đình chúng con và biết bao gia đình chung quanh hiện nay đang gặp rất nhiều hiểm họa, chúng con đang phải đương đầu với biết bao đe dọa của một nền giáo dục đã xuống cấp trầm trọng, xin Thánh gia thất hãy soi sáng cho mỗi người chúng con biết mình phải làm gì để thoát khỏi những nguy cơ đổ gẫy đó.
Nguyện xin Chúa Hài Đồng luôn ở trong tâm lòng của mỗi người chúng con, xin Chúa nuôi dưỡng và gìn giữ gia đình chúng con. Xin Chúa ban cho mọi gia đình được bình an vượt qua biển đời mênh mông này, Chúa nhé!
Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013
TÔI LÀ "NGƯỜI GIÀU CÓ"!
Chiều nay tôi cùng một người bạn đến dâng lễ ở nhà thờ Thánh Mẫu, một thánh đường nhỏ cách nhà tôi khoảng chừng hơn 2 cây số. Trong lòng tôi trào dâng nhiều cảm xúc lẫn lộn. Hôm nay tuy chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày, nhưng đối với riêng tôi, nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt, vì là ngày sinh nhật thứ 48 trong đời tôi. Ai đó, đếm tuổi sợ mình già đi, tôi thì lại cảm thấy mình càng thêm tuổi càng thêm hạnh phúc, vì được mang nặng ân tình của Chúa... Đặc biệt, khi nghe ca đoàn hát bài hát dâng lễ vật, nước mắt tôi tự dưng trào ra hai bên khóe mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc vì nhận ra rằng, mình đã đón nhận biết bao hồng ân của Chúa. Hình như hôm nay Mẹ Maria đã dẫn tôi đến nhà thờ Thánh Mẫu, vì Mẹ muốn cho tôi nghe những ca từ này thì phải: Lạy Chúa, con biết lấy gì mà tiến dâng Ngài, vì đời con đâu có gì để mà dâng Chúa. Và con cũng không xin gì, cũng không xin gì, ước gì xa xôi. Vì, lạy Chúa, Chúa chính là gia nghiệp của con...
Tôi chợt lẩm nhẩm trong miệng: “Ôi Chúa không nói, thì con cũng đã hiểu Chúa yêu con biết bao! Vâng, Chúa chính là gia nghiệp của con, Đấy chính là sự giàu sang của con, người bạn ngồi bên cạnh con đây đã nói như vậy đó Chúa ạ!”
Trên đường trở về nhà, tôi nhận được một cú điện thoại chúc mừng sinh nhật. Người bạn phone cho tôi là một người khuyết tật tôi mới quen biết khoảng chừng ba tháng nay thôi, thế mà cô đã nhớ những gì tôi nói trong lúc kể chuyện đời mình... Tôi ngạc nhiên khi nghe cô chúc mừng sinh nhật, và còn nói đã mua tặng tôi một món quà, nhưng chưa thể đem tới nhà cho tôi được.. Những niềm vui của tôi thật đơn giản, song nhiều những niềm vui đơn giản đó đã làm nên những chuỗi ngày hạnh phúc của đời tôi.
Từ đầu tháng 12, mới chỉ vào ngày 1-12, anh chị em trong gia đình Manificat đã chúc mừng bổn mạng cho tôi rồi. Họ còn đặc biệt đi mua một tấm thiệp làm bằng hoa cỏ khô để tặng cho tôi nhân lễ quan thầy của tôi. Họ nói, phải mua thiệp đặc biệt như vậy, để chị Thủy có thể rờ được. Trong lúc Kim Anh mô tả màu sắc và hướng dẫn giúp tôi có thể hình dung bức tranh, tôi cảm thấy mình hạnh phúc... Niềm vui của tôi kéo dài cho tới sáng hôm qua, đã là ngày 15-12, dù lễ kính thánh Lucia đã qua, song cha Bảo Lộc đã đặc biệt cầu nguyện cho tôi trong thánh lễ tại mái ấm Phan Sinh. Cha cũng nói về ánh sáng của thánh nữ Lucia, và cầu chúc cho ánh sáng đó sẽ theo tôi đi đến những nơi nào tôi đến... Dù tôi bất xứng, song nhờ ơn Thánh nữ Lucia tôi vẫn dám hy vọng ánh sáng đó sẽ ở mãi với tôi và lan tỏa ra chung quanh, lòng tôi thật hạnh phúc... Buổi trưa, khi trở về nhà, tôi nhận được một món quà từ Nhật Bản, của một người bạn tên là Kinuko. Tôi có thể rờ vào và hình dung ra vật đó qua lời mô tả của cháu gái, đó là hình một cái cây có những chiếc lá mùa thu, được thiết kế và rập khuôn trên một tấm bìa cứng. Tôi xếp nó thành cái cây theo bản hướng dẫn, và có thể đặt ngay ngắn trên chiếc bàn làm việc của mình... lòng tôi cảm thấy hạnh phúc...
Trong những ngày vừa qua, tôi còn nhận được những cú điện thoại của một vài người thân, một số anh chị em khuyết tật Ki-tô, những emails của cha Tuấn, sơ Hoàng Yến, thầy Quốc Khánh, sơ Sương Mai cùng các anh chị trong nhóm Viết Cho Nhau chúc mừng bổn mạng, chúc mừng sinh nhật... Tuy chỉ vài dòng ngắn ngủi, những lời thăm hỏi ân cần, những câu nói động viên, những lời nguyện ước... Những gì mọi người cầu chúc cho tôi đã gởi gắm biết bao tình yêu thương trong đó. Chính những tình cảm này đã là động lực cho tôi vui sống và sống một cách dồi dào hơn. Qua đó, tôi cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho mình. Dẫu rằng, tôi chẳng là gì trong vũ trụ của Ngài, thế mà Ngài đã coi sóc tôi như thế đó! Lẽ nào tôi lại không đáp lại tình Ngài?
Tôi ngồi điểm lại những mốc thời gian, những năm tháng lo buồn sầu đau vì bệnh tật, những ngày tháng tôi bắt đầu nhận ra bước chân của Chúa song hành với tôi, từ những tháng ngày tăm tối chuyển sang một cuộc sống tràn ngập niềm vui vì tin rằng mình luôn có một “Điểm Tựa”... Vâng, Điểm Tựa của tôi là chính Chúa giê-su, là cây Thánh giá còn loang lổ vết máu của Người... Tôi chẳng có của cải gì, nhưng có người đã bảo tôi là một người giàu có. Người bạn đã đồng hành với tôi trong những khi tôi đi khắp đó đây, anh ta không phải là một Ki-tô hữu; song, qua những việc tôi làm cho Chúa và những việc Chúa làm cho tôi, anh cho rằng tôi là một người giàu có. Dẫu rằng anh không hiểu hết những đạo lý của người Ki-tô, anh vẫn cảm nhận được điều đó theo đúng nghĩa “tôi chọn Chúa là gia nghiệp của đời mình".
Bốn mươi tám năm đã trôi qua, với biết bao phong trần bụi bặm, và cũng không ít niềm vui, tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi nhớ lại, khi tôi 17 tuổi, tôi đã thấy mình già, vì lúc đó tôi luôn phải sợ hãi lo lắng về một tương lai mù mịt; bây giờ, khi tôi 48 tuổi, tôi thấy mình vẫn trẻ, vì tôi chẳng phải sợ hãi lo lắng gì cho tương lai, một tương lai mà tôi biết Chúa đã chuẩn bị cho tôi mọi thứ. Khi tôi 30 tuổi, tôi đã nói với em gái mình rằng, tôi mong được chết vào tuổi 33 như Chúa Giê-su, vì tôi sợ sống lâu bệnh tật sẽ làm tôi mau già và xấu xí. Còn bây giờ, tôi cảm thấy mình như đang ở thời sinh viên, cái thời mà mỗi ngày tôi đã sống tận lực như ngày mai tôi sẽ phải chết... Thật sự, chung quanh tôi vẫn còn biết bao điều khiến tôi phải trăn trở; song, tôi biết mình có một Điểm Tựa, và vì thế tôi luôn hy vọng rằng Chúa sẽ làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp trong thánh ý của Chúa Cha.
Đã quá nửa đêm rồi, song trong lòng tôi vẫn trào dâng cảm xúc, và tôi lại một lần nữa lẩm nhẩm với Chúa điệp khúc:
-Lạy Chúa, con biết lấy gì mà tiến dâng Ngài. Vì đời con đâu có gì để mà dâng Chúa. Và con cũng không xin gì, cũng không xin gì, ước gì xa xôi. Vì lạy Chúa, Chúa chính là gia nghiệp của con...
16/12/2013
Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013
NHẬT KÝ MỘT NGÀY VUI
Mừng lễ bổn mạng hôm nay, Chúa nhật 24/11/2013, đã có nhiều điều mới điều vui đối với anh chị em khuyết tật trong Huynh đoàn Ki-tô Vua. Mới vì chúng tôi lần đầu tiên được sinh hoạt tại hội trường của giáo xứ Tân Sa Châu. Cha xứ và Ban mục vụ ở đó đã thương, mà giúp chúng tôi có một nơi thuận tiện cho buổi lễ đặc biệt này. Những hoạt động sôi nổi của giáo xứ diễn ra ngay bên cạnh, khiến chúng tôi có cảm giác như trong ngày hội, làm cho mọi người thấy phấn khởi hơn lên. Mới vì chính anh chị em khuyết tật đã có thể tự đảm trách việc tổ chức những hoạt động vui chơi cho chính mình. Vui vì hôm nay chúng tôi được đón tiếp các anh chị em khuyết tật Gia đình Martin như những người thân lâu ngày gặp lại. Càng vui hơn nữa, khi chúng tôi được sưởi ấm bằng tình thương của quý cha, quý thầy dòng Đa-minh, quý vị ân nhân, và sự giúp đỡ tận tình của các bạn sinh viên Mai Khôi cũng như các anh chị ở giáo xứ Tân Sa Châu. Tất cả đã tạo nên một không khí ấm áp tình yêu thương trong ngày lễ đặc biệt này. Thương nhất là Thầy đồng hành của chúng tôi, “thân thầy ví xẻ làm đôi” được, vì hôm nay ngày vui của Huynh đoàn lại cũng là ngày vui của người em trai Thầy nữa.
Từ sáng sớm, các bạn SV Mai Khôi đã cùng Thầy đồng hành Giu-se có mặt tại nhà thờ Tân Sa Châu, họ tất bật chuẩn bị xe lăn, và những việc cần thiết để hỗ trợ cho những người khuyết tật chúng tôi. Sau khi vào chào Cha xứ Tân sa Châu và dặn dò chúng tôi mọi thứ, Thầy Giu-se mới yên tâm về nhà dự đám cưới của em mình. Trong khi đó các bạn SV Mai Khôi bạn thì đẩy xe lăn, bạn thì dắt díu người mù đi vào hội trường, một tình tương thân tương trợ lan tỏa quanh chúng tôi...
8giờ45 các thành viên của Huynh đoàn Ki-tô Vua đã tề tựu đông đủ trong hội trường, mọi người cùng nhau tập dượt lại những bài hát đã chuẩn bị để đón tiếp quý khách.
9giờ00, anh chị em khuyết tật Gia đình Martin tiến vào hội trường trong khi Huynh đoàn Ki-tô Vua đang hát bài “NGÔI NHÀ CỦA CHÚNG TA”. Những ca từ chất chứa tình người bay lên rộn rã cả không gian:
“Anh em chúng ta có chung một ngôi nhà. Anh em chúng ta có chung một người Cha... Tình yêu vô giá như là mầm cây lá gieo trồng rồi nở hoa vườn nhà ta thơm ngát...”
9giờ10 Cha Giu-se Nguyễn Trọng Viễn, Cha linh hướng của chúng tôi, phát biểu khai mạc cho buổi họp mặt mừng lễ bổn mạng của Huynh đoàn. Giọng nói của Cha tuy đã quá quen thuộc với chúng tôi, nhưng hôm nay dường như đầy cảm xúc mới, phải chăng vì những sự mới mẻ ở chung quanh? Sau đó là lời phát biểu của Cha Vĩnh(Cha linh hướng của gia đình Martin) và thầy Long(Thầy đồng hành của gia đình Martin). Thầy Long như một người thân trở về nhà bởi Thầy đã từng đồng hành với chúng tôi từ những năm 2007-2010.
Rồi thì, hai bên trưởng nhóm phó nhóm giới thiệu nhau...
9giờ30 chúng tôi bắt đầu cho những hoạt động giao lưu sinh hoạt tật thể, không khí nhộn nhịp sôi nổi hẳn lên. Dẫn chương trình là tôi, một người khiếm thị, tuy có những hạn chế nhất định, song tôi tin rằng mọi người sẵn sàng chấp nhận tôi trong vai trò ấy, vì ở đây là những hoạt động của một cộng đồng người khuyết tật.
-Khởi động chương trình là trò chơi giao lưu kết bạn, gọi tên nhau và mọi người đều đẹp trong mắt nhau. Chúng tôi gồm ba nhóm, Huynh đoàn Ki-tô Vua, Gia đình Martin và Sinh viên Mai Khôi, mỗi nhóm xướng tên của một số thành viên lên cho mọi người được biết để rồi họ sẽ gọi tên nhau. Trò chơi này tuy đơn giản, song có vẻ mới lạ với mọi người, thế nên những phần quà cho những ai đối đáp trôi chảy, vẫn còn ở lại khá nhiều với ban tổ chức.
-Trò chơi đoán chữ: Một sợi dây giăng ngang sân khấu trước mặt mọi người gồm 11 bảng chữ cái, những bảng chữ này được bọc kín. Sau ba lượt đoán chữ, 4 bảng chữ cái đã được mở ra như sau:
C A T A
Những tiếng xì xèo bắt đầu nổi lên khắp hội trường, tôi đánh lạc hướng mọi người và quyết định chuyển sang giai đoạn hai: đoán từ.
Tôi nói:
-“Bây giờ chúng ta sẽ đoán xem, hàng chữ trước mặt chúng ta là những từ nào. Đối với người mắt sáng, bảng chữ đã hiện ra trước mắt rất dễ đoán. Nhưng đối với anh chị em khiếm thị, điều này hơi khó. Tuy nhiên, các anh chị khiếm thị vẫn có thể chơi tốt trò chơi này, chỉ xin mọi người nhường quyền ưu tiên cho người mù đoán trước...
Các anh chị khiếm thị chú ý nghe mô tả để có thể tham gia đoán từ:
Trước mặt chúng ta có một hàng chữ, gồm tất cả 11 chữ cái. 11 chữ cái này ghép thành 3 từ. Hiện giờ, những chữ cái đã xuất hiện trước mặt chúng ta như sau: Chữ thứ nhất là C, chữ thứ bốn là A, chữ thứ bảy là T và chữ cuối cùng cũng lại là A.”
Tôi lập đi lập lại điều này ba lần để cho người mù có thể hình dung, sau đó, tôi tuyên bố:
-“Anh chị khiếm thị nào có thể đoán trúng dòng chữ ở trước mặt chúng ta, sẽ là người trúng giải. Đây là một giải thưởng rất đặc biệt, anh chị em hãy cố gắng lên! Đừng nghĩ rằng mình không nhìn thấy thì không thể đoán trúng. Hãy dùng khả năng suy luận của cái đầu các anh chị ạ! Vũ Thủy đã từng chơi trò này với người sáng mắt, và đã nhiều lần thắng rồi! Cố lên!”
Tôi lại một lần nữa mô tả hiện trạng của hàng chữ ở trước mặt cho người mù nghe. Sự hối thúc của người dẫn chương trình xen lẫn tiếng giục giã của tập thể khiến cho các anh chị khiếm thị cảm thấy bớt e ngại. Chị Lâm, một phụ nữ mù trên 60 tuổi đã giơ tay xin được tham gia trò chơi. Tôi cũng cảm thấy hồi hộp, bởi tôi không biết rõ những người mù bẩm sinh có cùng cách suy luận như tôi hay không? Chị Lâm đã đoán trúng, và toàn bộ hàng chữ được mở ra, trước mắt mọi người là một dòng chữ đỏ tươi như màu máu con tim:
“CHÚA KI-TÔ VUA”….
-“Vâng, chính là “CHÚA KI-TÔ VUA”, vị Vua của tình yêu, Vua của vũ trụ... Chúa Giê-su Ki-tô làm vua trong đau khổ. Người đã chiến thắng tử thần qua cái chết trên thập giá và đã khải hoàn Phục sinh. Ánh sáng của Chúa Ki-tô Phục sinh chiếu giãi trên tất cả chúng ta, và giờ đây chúng ta có bổn phận phải đem ánh sáng ấy thắp sáng lên giữa lòng đời”.
tôi mời gọi tập thể hát bài “HÃY THẮP SÁNG LÊN” với sự dẫn đầu của tay đàn khiếm thị Dương Hà và giọng hát solo của chàng nghệ sĩ mù tên Công Trường...
Tiết mục vui của nhóm SV do hoạt náo viên tên là Đông khiến chúng tôi có những trận cười sảng khoái. Rồi tất cả các bạn SV cùng hát cho chúng tôi nghe bài “ÔI, CUỘC SỐNG MẾN THƯƠNG”. Các bạn trẻ đã đem đến cho chúng tôi một cảm giác trẻ trung sôi nổi và thương mến.
Tiết mục góp vui của Gia đình Martin do một anh chàng chống nạng tên là Bích phụ trách. Anh Bích triển khai trò chơi đối đáp giữa hai đội A và Ô trong trò chơi hát Lục Vân Tiên, cũng góp phần đem lại không khí sôi động. Tuy đang vui, nhưng rất tiếc, anh Bích đã phải dừng trò chơi lại, vì sắp đến giờ dâng thánh lễ.
Chúng tôi kết thúc buổi sinh hoạt vui chơi bằng bài hát “CON ĐƯỜNG GIÊ-SU”. Cha Vĩnh lúc này cũng đã ngứa ngáy tay chân lắm rồi, ngài đã lên sân khấu và tôi vội đưa cho ngài cái micro tốt nhất trong hội trường:
“Cha hát giùm con đi, con bị khan tiếng rồi, không lên nổi cung đàn của anh Dương Hà nữa”.
Vậy là cha Vĩnh và Thu Huyền, hai người thay phiên nhau hát phần phiên khúc. Cả hội trường vang rộn tiếng hát, tiếng đàn với những ca từ: ...theo Giê-su ta đi về khắp đất trời. Đời tươi, trong Giê-su bên nhau phục vụ vui sống. Hạnh phúc, qua Giê-su ta yêu và được yêu mãi...”
10giờ 15mọi người giải lao, chuẩn bị tâm hồn dâng thánh lễ. Các bạn SV Mai Khôi tập hát cho cộng đoàn, và đảm trách phần hát lễ một cách sốt sắng.
10giờ30 thánh lễ mừng bổn mạng của Huynh đoàn Ki-tô Vua bắt đầu. Thánh lễ hôm nay thật long trọng vì là một thánh lễ có tới 3 linh mục: Cha linh hướng của Ki-tô Vua, Cha linh hướng của gia đình Martin và Cha linh hướng của nhóm SV Mai Khôi cùng đồng tế. Trước thánh lễ, tôi còn được nghe thầy Cao thì thầm vào tai: “Mình có một Cha người Mỹ ghé thăm”...Và một bạn kể cho tôi nghe rằng Cha xứ Tân Sa Châu cũng đã lên gian cung thánh chuẩn bị dâng lễ, nhưng có người lên nói nhỏ vào tai Cha điều gì đó, và thấy Cha phải vội ra đi... Tôi để những niềm vui đó, tập trung vào thánh lễ, vì tôi còn phải chuẩn bị đọc Thánh Thư bằng chữ nổi, đây là lần đầu tiên tôi đọc Thánh Thư bằng chữ nổi trước một cộng đoàn... Nhưng rồi mọi việc cũng trôi chảy. Tạ ơn Chúa!
Hội trường chật kín người. Có một số người dân tộc thiểu số thường dâng thánh lễ ở đây mỗi sáng Chúa nhật, hôm nay họ phải lên lầu để nhường hội trường này lại cho chúng tôi, nhưng thấy chúng tôi ở đó họ cũng vào cùng chúng tôi dâng thánh lễ...
11giờ30 chúng tôi ăn trưa ngay tại hội trường, với sự giúp đỡ tận tình của các chị đầu bếp giáo xứ Tân Sa Châu. Các bạn SV Mai Khôi thì giúp di chuyển bàn ăn và đưa những anh chị tật nặng vào tận chỗ ngồi.
Mỗi phần ăn đã được dọn lên trong một chiếc khay trông khá thịnh soạn. Tôi hân hạnh được ngồi gần Cha Hann người Mỹ, nhưng chúng tôi cũng chẳng nói chuyện được nhiều, vì không khí chung quanh rất huyên náo, mà tiếng Anh của tôi thì kém... Chúng tôi chỉ hỏi thăm nhau những câu xã giao mà thôi!
Buổi họp nào rồi cũng phải chia tay, bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc phải tàn, tôi ngồi ở một chiếc ghế gần cửa ra vào, chào tiễn biệt mọi người. Mấy anh chị ở gia đình Martin còn hứa hẹn với tôi, họ sẽ gặp lại tôi vào dịp lễ hội Noel sắp tới ở Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn...
Khi chỉ còn lại mấy người trong ban điều hành chúng tôi, cùng với các bạn SV Mai Khôi, những người đến sớm nhất và cũng là những người ở lại sau cùng, chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm với nhau. Lúc này, tôi mới nghe thấy tiếng thầy Cao đùa giỡn một cách sảng khoái. Thầy Cao là người âm thầm nhất từ sáng đến giờ, thầy đã nhận mọi trách nhiệm do Thầy đồng hành của chúng tôi ủy thác, tôi biết để phục vụ cho hơn 100 người khuyết tật không phải là chuyện đơn giản... và mọi sự các thầy đâu để chúng tôi phải mồ côi...
Thay mặt cho toàn thể anh chị em khuyết tật Huynh đoàn Ki-tô Vua, tôi hết lòng cảm ơn quý vị ân nhân: quý cha, quý thầy, quý vị hảo tâm ẩn danh, các bạn sinh viên Mai Khôi, và đặc biệt là Cha xứ Tân Sa Châu cùng tất cả các anh các chị phục vụ tại giáo xứ đã nhiệt tình nâng đỡ chúng tôi. Nguyện xin Chúa Ki-tô Vua đổ tràn tình yêu và những hồng ân của Ngài xuống trên quý vị.
Especially, say to Father Hann, the visiting of you is a spiritual gift for us. We are very happy when we see you here. I hope that all of us will be in your heart forever. One more time, thank you very much!
24/11/2013
TÂM TÌNH HẠT BỤI NHỎ
LẠY Chúa! Hôm nay đi thăm mấy gia đình ở xóm mù Bình Hưng Hòa, nghe những mẩu chuyện về cảnh đời của họ, những người khi còn là một đứa bé đã bị cha mẹ bỏ rơi... lòng con xúc động biết bao! Những đứa trẻ đã bị mù lại không được người mẹ chăm sóc chu đáo, lại bị mẹ bỏ rơi như thế đã nghĩ gì? Chỉ biết rằng, họ đã trải qua cuộc sống lăn lộn hết từ “nhà nuôi dưỡng” này, đến “nhà mở tình thương nọ”, cho đến khi họ phải đơn thương cô thế, bước chân vào đời mưu sinh kiếm sống. Miệt mài năm tháng giờ đây họ mới có được một gia đình của riêng họ. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó đều được may mắn. Có người có gia đình rồi lại cũng chẳng yên ấm, lại tan đàn sẻ nghé vì lý do thiếu thốn tình thương, thiếu thốn sự tôn trọng và cả vì thiếu thốn vật chất nữa.
Nhìn lại bản thân, con thấy mình quá sức đầy đủ và ngập tràn hạnh phúc. Cho dẫu đã trở nên mù lòa, cho dẫu gặp bao nhiêu bệnh tật gian truân khốn khó, con đã chẳng bao giờ thiếu thốn tình thương và thiếu thốn sự tôn trọng từ những người sống chung quanh. Con nhận ra Chúa đã ban cho con quá nhiều so với họ. So với họ, con là người đầy tớ đã được ông chủ trao cho mười nén bạc trước lúc ông đi xa. Con biết mình có bổn phận phải làm cho mười nén bạc ấy sinh lời, để khi ông chủ về con mới có thể nhìn thẳng vào mắt ông chủ mà nói:
“Thưa ông! Đây là mười nén bạc tôi đã làm sinh lời cho ông; và đây nữa, mười nén bạc của ông giao cho tôi, tôi xin trả lại!”
Chúa ơi, ngồi viết những lời tâm sự với Chúa, con thấy lòng mình tràn ngập sự biết ơn, sự biết ơn Chúa đã thương coi sóc con suốt bấy lâu nay. Con thấy mình chỉ là một hạt bụi mong manh bé nhỏ giữa vũ trụ bao la này, mà mỗi bước con đi mỗi phút giây của cuộc đời con Chúa vẫn luôn ở gần kề! Hạt bụi nhỏ chẳng biết nói gì hơn chỉ xin dâng lên Chúa tâm tình tri ân của nó:
Con chỉ là hạt bụi
Nhẹ bẫng và nhỏ nhoi
Được Chúa thương coi sóc
Dìu bước con vào đời.
Giữa muôn trùng vạn vật
Ngài đã thương gọi con
Cho được làm con Chúa
Ôi, tình quá vuông tròn!
Đời mênh mông sóng gió
Dù khốn khó lao lung
Dù hãi hùng tăm tối
Luôn có Chúa đi cùng!
Hạt bụi con bé nhỏ
Như sương khói mong manh
Đã bao lần vấp ngã
Chúa xót thương chữa lành!
Hạt bụi con nhỏ bé
Chẳng có gì Chúa ơi
Nhưng một lòng khao khát
Mãi yêu Chúa mà thôi!!!
Con chỉ là hạt bụi
Nhẹ bẫng và nhỏ nhoi
Được Chúa thương coi sóc
Con một dạ tri ân!!!
NGƯỚC NHÌN LÊN THÁNH GIÁ
14/9/2013
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
(Ga: 3,14-17)
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã biết trước, Chúa sẽ được giương cao lên như ngày xưa ông Mô-sê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc để cứu dân Israel khỏi chết vì rắn cắn, Chúa cũng sẽ được giương cao lên để cho nhân loại mọi người nhìn lên mà được hưởng ơn cứu độ...Ôi , Lạy Chúa! Đâu phải cái sự giương cao ấy là một sự vinh quang chiến thắng dễ dàng! Đâu phải cái sự giương cao ấy là một sự tung hô vạn tuế, với vòng nguyệt quế xanh tươi! Mới chỉ nghĩ đến thôi, con đã phải rùng mình ớn lạnh! Một cái chết treo trên thập giá. Một xác thân trần truồng và những vết thương sỉ vả. Một sự nhẫn nhịn đến tột cùng thân xác... Phải chi Chúa bị buộc phải rơi vào cảnh cùng quẫn ấy đã đành! Đằng này, là vì cả hai, Chúa đã vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại chúng con, nên Chúa đã chọn lựa lấy cái sự giương lên rùng mình đến như thế!
Con người chưa nếm trải qua những gì tinh túy nhất của Thập Giá, họ sẽ không hiểu thế nào là giá trị của sự đau khổ. Con không dám nói là mình đã nếm trải nhiều, vì thực sự những đau khổ mà con phải chịu chưa thấm gì so với nhiều người chung quanh, nhưng con đã diễm phúc được nếm trải sự cứu rỗi của Thập Giá Ki-tô qua những đêm dài của bệnh tật. Đó là những giây phút con cảm nhận được Chúa ở kề bên, Chúa cùng vác Thập Giá với con. Những cái chạm nhẹ của Chúa vào hồn con đó đã từng ngày thắp sáng lên trong con niềm tin con có Chúa trong đời. Và như thế, đối với con, Thập Giá đã trở thành cây Thánh Giá. Vậy nhưng, hễ cứ khỏe mạnh “phây phây” là con lại quên mất những gì mình dự tính sẽ làm để cho Chúa bớt đau, hễ cứ đường đời trôi chảy là con lại rời xa tình Chúa để rồi đánh rơi mất Thánh Giá của mình giữa đường đời chơi vơi...! Để rồi con bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời nhiễu nhương tăm tối... Và, cũng như dân Israel xưa trong sa mạc, con để mình đắm chìm trong tội lỗi, cho đến khi bị rắn cắn... Lúc ấy, con mới lại ngước nhìn lên Thánh Giá để thấy Chúa đang giang tay, sẵn sàng cứu vớt đời con! Con biết mình tội lỗi chẳng đáng được Chúa thương, song con tin “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” Và với niềm tin ấy, con luôn hướng nhìn về Thánh Giá, nơi Chúa đang dõi mắt nhìn con đầy khích lệ. Con nhớ lại những khi mình gặp đau khổ, cả tinh thần lẫn thể xác phải ê chề, những lúc tưởng chừng như không thể chịu nổi nữa, là những lúc con ngẫm suy về năm dấu đinh trên thân thể Chúa, về những vết đòn roi nhục nhằn trên thân xác Chúa, về sự kiên trì nhẫn nại và bao dung của Chúa... tất cả nói với con rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Hôm nay, ngẫm suy về ý nghĩa của cây Thánh Giá, trái với nhiều người cho rằng Thánh Giá chỉ là “khổ giá”, con thấy Thánh Giá là một trong những phát minh vĩ đại của Thiên Chúa, dẫu rằng Chúa chính là một “CREATOR” luôn được viết hoa, con vẫn muôn vàn chúc tụng Chúa, bởi vì, con tin rằng Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu rỗi của đời mình. Song, lạy Chúa, con sợ lắm khi phải vác Thánh Giá đời mình! Mặc dầu vậy, con sẽ không trốn chạy, con sẽ vác Thánh Giá đời con như một môn đệ quyết tâm theo Chúa. Chỉ xin Chúa hãy luôn ở bên con mỗi phút giây đời con, Chúa nhé!
“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”
(Ga: 3,14-17)
Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã biết trước, Chúa sẽ được giương cao lên như ngày xưa ông Mô-sê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc để cứu dân Israel khỏi chết vì rắn cắn, Chúa cũng sẽ được giương cao lên để cho nhân loại mọi người nhìn lên mà được hưởng ơn cứu độ...Ôi , Lạy Chúa! Đâu phải cái sự giương cao ấy là một sự vinh quang chiến thắng dễ dàng! Đâu phải cái sự giương cao ấy là một sự tung hô vạn tuế, với vòng nguyệt quế xanh tươi! Mới chỉ nghĩ đến thôi, con đã phải rùng mình ớn lạnh! Một cái chết treo trên thập giá. Một xác thân trần truồng và những vết thương sỉ vả. Một sự nhẫn nhịn đến tột cùng thân xác... Phải chi Chúa bị buộc phải rơi vào cảnh cùng quẫn ấy đã đành! Đằng này, là vì cả hai, Chúa đã vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại chúng con, nên Chúa đã chọn lựa lấy cái sự giương lên rùng mình đến như thế!
Con người chưa nếm trải qua những gì tinh túy nhất của Thập Giá, họ sẽ không hiểu thế nào là giá trị của sự đau khổ. Con không dám nói là mình đã nếm trải nhiều, vì thực sự những đau khổ mà con phải chịu chưa thấm gì so với nhiều người chung quanh, nhưng con đã diễm phúc được nếm trải sự cứu rỗi của Thập Giá Ki-tô qua những đêm dài của bệnh tật. Đó là những giây phút con cảm nhận được Chúa ở kề bên, Chúa cùng vác Thập Giá với con. Những cái chạm nhẹ của Chúa vào hồn con đó đã từng ngày thắp sáng lên trong con niềm tin con có Chúa trong đời. Và như thế, đối với con, Thập Giá đã trở thành cây Thánh Giá. Vậy nhưng, hễ cứ khỏe mạnh “phây phây” là con lại quên mất những gì mình dự tính sẽ làm để cho Chúa bớt đau, hễ cứ đường đời trôi chảy là con lại rời xa tình Chúa để rồi đánh rơi mất Thánh Giá của mình giữa đường đời chơi vơi...! Để rồi con bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời nhiễu nhương tăm tối... Và, cũng như dân Israel xưa trong sa mạc, con để mình đắm chìm trong tội lỗi, cho đến khi bị rắn cắn... Lúc ấy, con mới lại ngước nhìn lên Thánh Giá để thấy Chúa đang giang tay, sẵn sàng cứu vớt đời con! Con biết mình tội lỗi chẳng đáng được Chúa thương, song con tin “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” Và với niềm tin ấy, con luôn hướng nhìn về Thánh Giá, nơi Chúa đang dõi mắt nhìn con đầy khích lệ. Con nhớ lại những khi mình gặp đau khổ, cả tinh thần lẫn thể xác phải ê chề, những lúc tưởng chừng như không thể chịu nổi nữa, là những lúc con ngẫm suy về năm dấu đinh trên thân thể Chúa, về những vết đòn roi nhục nhằn trên thân xác Chúa, về sự kiên trì nhẫn nại và bao dung của Chúa... tất cả nói với con rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”
Hôm nay, ngẫm suy về ý nghĩa của cây Thánh Giá, trái với nhiều người cho rằng Thánh Giá chỉ là “khổ giá”, con thấy Thánh Giá là một trong những phát minh vĩ đại của Thiên Chúa, dẫu rằng Chúa chính là một “CREATOR” luôn được viết hoa, con vẫn muôn vàn chúc tụng Chúa, bởi vì, con tin rằng Thánh Giá chính là nguồn ơn cứu rỗi của đời mình. Song, lạy Chúa, con sợ lắm khi phải vác Thánh Giá đời mình! Mặc dầu vậy, con sẽ không trốn chạy, con sẽ vác Thánh Giá đời con như một môn đệ quyết tâm theo Chúa. Chỉ xin Chúa hãy luôn ở bên con mỗi phút giây đời con, Chúa nhé!
BAO GIỜ SẼ HẾT BẤT CÔNG?
Người “khiếm thính” họ không thích ai gọi mình là người “khiếm thính”, họ rất sẵn lòng khi ai đó gọi họ là người “điếc câm”. Họ cho từ “khiếm thính” như thể bảo rằng họ thiếu sót so với người khác, họ lý luận rằng họ bị điếc câm là do bệnh tật, tai nạn hay trời phạt... chứ chẳng phải do họ thiếu sót cái gì!
Thật thế, tôi vừa mới biết điều này qua câu chuyện của người phụ trách trong một mái ấm nuôi dạy người điếc câm. Tôi dễ dàng hiểu điều này, bởi vì bản thân tôi là người mù, tôi cũng thích dùng từ “mù” hơn là từ “khiếm thị”. Tại sao lại như thế? Thứ nhất, chúng tôi chẳng có gì để phải né tránh, mù lòa hay điếc câm là thực tại, chúng tôi chấp nhận nó như thể người châu Á thì phải chấp nhận mình là người da vàng vậy. Tuy nhiên, giữa người điếc câm và người mù cũng có sự khác biệt, vì tôi biết một số người mù không vui khi nghe ai đó gọi mình là người mù, họ muốn người khác gọi mình là người “khiếm thị”, bạn ạ! Thứ hai, về mặt ngôn ngữ, từ “điếc câm” và từ “mù” nghe qua ai cũng hiểu, từ “khiếm thính” và “khiếm thị” là hai từ mượn, đôi khi người bình dân hơi bị khó hiểu, đây là một thực tế mà tôi đã từng gặp phải. Với tôi, dùng loại từ nào không quan trọng, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng ngôn ngữ kiểu bình dân ấy. Có thể, một số người mù không chấp nhận từ “mù” là do họ chưa hoàn toàn chấp nhận thực tại của bản thân họ mà thôi. Thiết nghĩ, nếu chỉ có vậy mà họ không chấp nhận được, thì làm sao có thể xua tan cái bóng tối dày đặc quanh mình? Chẳng lẽ, cứ để nó tối mãi thế hay sao? Tôi thấy các bạn điếc câm có lý, vì như vậy họ đang vững bước tiến vào đời, dù họ biết rằng họ vẫn còn gặp phải rất nhiều rào cản ở phía trước. Theo tôi được biết thì phía người mù cũng đã từng có một hội nghị toàn quốc, bàn về vấn đề thống nhất tên gọi cho Hội của mình. Đại diện người khiếm thị miền Bắc thì cho rằng từ “khiếm thị” nghe lịch sự hơn, trong khi đại diện miền Nam kiên quyết bảo vệ từ “mù”, và cho đến bây giờ tên gọi của Hội vẫn là “Hội người mù”, kèm theo tên của địa phương mình, như “Hội người mù quận Tân Bình” chẳng hạn.
Nói dông dài, tôi quên mất chuyện chính yếu mà tôi muốn bày tỏ với các bạn ở đây. Đó là vấn đề bình đẳng cho người khuyết tật! thật sự, tôi không có ý đấu tranh cho người mù, mà là cho người điếc câm, vì sau khi nghe những lời của người phụ trách trên đây, tôi mới biết xã hội mình còn quá nhiều bất công đối với họ. Người điếc câm không được hưởng tiền trợ cấp hàng tháng của xã hội như người mù hoặc người khuyết tật vận động(số tiền khoảng 240.000ĐVN-540.000đVN, tùy theo loại thương tật), đó chính là một trong những bất công của xã hội đối với họ. Chính phủ cho rằng người điếc câm vẫn có khả năng lao động kiếm sống, vì còn nhìn thấy, và vì có đầy đủ tay chân. Thế nhưng, người trong cuộc mới biết, hầu hết những người điếc câm được mướn vào công ty, xí nghiệp bị cho thôi việc chỉ sau ít ngày, bởi họ không nghe được nên chẳng hiểu ý “sếp” thành thử đụng việc gì hỏng việc nấy. Họa hoằn có người điếc câm hội đủ điều kiện thuận lợi để làm những công việc mang tính độc lập, hoặc đôi ba người may mắn hơn được nhận vào làm việc ở những cơ quan từ thiện, những người ấy mới có công việc kiếm sống ổn định.
Ngoài sự bất công đó, người điếc câm còn nhiều thiệt thòi khác về mặt tinh thần, mà chỉ những ai đặt mình vào địa vị họ mới hiểu thấu. Bạn hãy thử tưởng tượng xem, cả nhà quây quần bên nhau để kể cho nhau nghe về một niềm vui hay nỗi buồn nào đó, bạn thấy gương mặt ai nấy rạng rỡ và miệng thì cười tươi, bạn biết mọi người đang vui nhưng bạn chẳng biết họ vui vì cái gì; bạn nhìn thấy mọi người với gương mặt rầu rĩ và trên khóe mắt có những giọt lệ, bạn biết mọi người buồn, nhưng bạn chẳng biết họ buồn vì cái gì! Bạn có thể được thông báo cho biết sau đó, qua giấy bút hoặc những ký hiệu bằng tay, về điều ấy, nhưng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi mình chia sẻ niềm vui hoặc nỗi buồn của người thân không như mình mong muốn? Một câu chuyện đau lòng kể rằng: có hai chị em kia chẳng những mù mà còn điếc, họ cùng sống trong một khu nhà ổ chuột nọ. Một đêm, mấy kẻ du côn xông vào nhà cưỡng hiếp cô chị, thằng em trai nằm ngủ ở cách đó có mấy bước chân, mà chẳng nghe thấy tiếng kêu cứu của chị gái. Khi anh ta cảm thấy có gì đó bất ổn, chạy ra xem thì hàng xóm đang xúm vào đưa chị cậu ta đi cấp cứu, vì những kẻ lưu manh kia đã cưỡng hiếp người chị đến mức máu chảy dầm dề... Còn nỗi đau nào đau hơn, cho người em trai không thể bảo vệ được chị mình chỉ vì cái tai không thể nghe thấy? Tôi cũng đã từng nghe một võ sư nhận xét sau nhiều năm kinh nghiệm dạy võ cho người khuyết tật:
“Người câm điếc nhìn khỏe mạnh, bề ngoài như không có gì, nhưng dạy cho họ khó hơn cả người mù và người khuyết tật vận động. Mặc dù họ có thể nhìn thấy các tư thế tôi làm mẫu một cách trực diện, nhưng họ không thể hấp thu hết những gì tôi truyền đạt cho họ qua lời nói. Trái lại, khi dạy người mù, tuy phải tốn công một chút để giữ nguyên tư thế mẫu cho họ tiếp cận bằng cách sờ nắn và miêu tả, nhưng họ lại mau chóng tiếp thu những gì tôi truyền đạt, và thậm chí họ thực hiện các động tác võ thuật có hiệu quả cao hơn so với người câm điếc!”
Vậy mà đã có lúc tôi tưởng rằng, người điếc câm thuận lợi hơn người mù chúng tôi cơ đấy! Chính vì những cái “tưởng” ấy của nhiều người, trong đó có cả tôi, mà người điếc câm ít được quan tâm giúp đỡ hơn những người khuyết tật loại khác. Thật ra, người mù và người khuyết tật vận động dễ dàng hòa nhập với cộng đồng hơn người điếc câm, bởi lẽ chúng tôi có thể giao tiếp và hiểu người chung quanh một cách thuận tiện hơn, bạn ạ!
Chính vì không dễ dàng tiếp cận với người chung quanh, người điếc câm trở nên sống co cụm, khép kín. Những người được học hành tử tế, thậm chí, dù đã có một số hiểu biết về xã hội, chính trị... họ cũng không dễ dàng sống hòa nhập với mọi người. Dần dần, họ tự nhiên sống quy tụ lại với nhau thành một nhóm như kiểu người dân tộc thiểu số. Họ tự nhiên sẽ có một thủ lãnh, người mà họ hoàn toàn tin tưởng như kiểu “già làng” của các buôn làng người dân tộc thiểu số ở vùng núi vậy. Điều gì họ đã thống nhất với nhau rồi, thì họ khăng khăng giữ. Bởi thế mới có chuyện họ không thích cụm từ “khiếm thính”, mà sẵn lòng để được gọi là người “điếc câm”. Chắc bạn cũng sẽ ngạc nhiên vì thường nghe cụm từ “câm điếc”, nay lại nghe thấy hơi nghịch tai: “điếc câm”. Người điếc câm có lý của họ, vì đa phần họ không nói được là vì họ bị điếc, dẫn đến không thể nghe âm thanh mà tập nói, chứ không phải là họ bị câm rồi mới thành ra điếc.
Mỗi khi tôi hạnh phúc vì được nghe tiếng cười giòn giã của một em bé, mỗi khi tôi vui vui vì được nghe chúng nói ngọng nghịu thuở ban đầu tập nói, mỗi khi tôi hứng chí vì được nghe một bản nhạc hay, mỗi khi tôi ấm lòng vì được nghe những lời tâm sự của một người bạn... tôi có nhớ đến các bạn điếc câm không? Tôi đã làm được gì để cho cuộc đời này nhiều thêm tiếng cười? Tôi đã làm được gì để cho cuộc đời này bớt đi những sự bất công vô lý?
MỘT NGÀY Ở ĐỀN THÁNH MARTIN
Ngày Chủ nhật 30/6 vừa qua, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô vua đã có một chuyến đi hành hương đầy ý nghĩa. Khởi hành lúc 7g30, chúng tôi vượt qua một chặng đường dài, và cuối cùng đã dừng xe lại trước khu vực mái ấm tình thương Mai San vào khoảng 8g55. Tiếng ve râm ran của mùa hạ nơi đây như chào đón chúng tôi, một không khí thoáng mát khiến mọi người cảm thấy khoan khoái sau một chặng đường dài mệt mỏi.
Như đã dự tính từ trước, chúng tôi ghé vào Mai San để thăm các cụ già neo đơn, và tặng một chút quà nho nhỏ gọi là sẻ chia với các cụ. Cha giám đốc của nhà tình thương đã dẫn anh chị em khuyết tật chúng tôi đến từng phòng để thăm các cụ, đến phòng nào Cha cũng giới thiệu vài nét sơ lược về những vị chủ nhân ở đó. Chúng tôi chia nhau hỏi thăm khích lệ các cụ, và cảm thấy các cụ rất xúc động vì có chúng tôi là những người khuyết tật đến thăm viếng. Còn chúng tôi thì xúc động vì thấy đa phần các cụ đã bị giảm thiểu trí nhớ, có mấy cụ phải nằm liệt giường vì bị tai biến, một chứng bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Lại có người bị mất trí vì té ngã, thấy khách đến thăm chỉ mỉm cười, chẳng nói năng chi. Thương các cụ mấy, chúng tôi rồi cũng phải chia tay với họ, để di chuyển sang Hội trường, nơi đã được chuẩn bị cho các hoạt động của buổi hội ngộ giữa chúng tôi và Gia đình Martin.
Khi chúng tôi bước vào hội trường, thì ở đó đã có khá đông anh chị em khuyết tật gia đình Martin, họ và các tình nguyện viên của họ chào đón chúng tôi trong tiếng nhạc tưng bừng và những điệu múa minh họa. Những giây phút đầu tiên của buổi hội ngộ, chúng tôi được nghe những bài hát tràn đầy niềm tin và hy vọng, cùng thưởng thức những điệu múa sôi nổi của các bạn tình nguyện viên trẻ khỏe. Và rồi không gian lắng lại trong những giây phút tập hát chuẩn bị cho thánh lễ.
Trong thánh lễ, Cha linh hướng của Gia đình Martin,cha Vĩnh đã nhấn mạnh về vấn đề “từ bỏ”, chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay, ngài nói:
“Ngay cả việc anh chị em đến được với nhau như thế này cũng đã là một sự “từ bỏ”. Chúng ta phải chọn lựa một trong hai, “đi” hay “không đi”, chọn “đi” chúng ta phải từ bỏ những niềm vui riêng, từ bỏ tiện nghi thoải mái nơi nhà riêng của mình, để có thể đến đây gặp gỡ nhau. Nhưng với sự từ bỏ đó, chúng ta có Chúa Ki-tô ở cùng, Ngài hiện diện giữa chúng ta và cùng đồng hành với chúng ta. Có Chúa ở với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi lo lắng...”
Bài giảng của Cha đã cho chúng tôi một niềm khích lệ về những quyết định của mình, và cũng mở ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về những sự chọn lựa trong cuộc sống hôm mai. Chúng tôi cất cao tiếng hát, hát bài ca cầu nguyện với thánh Martin trước khi kết thúc thánh lễ, trong niềm tin tưởng vào tấm lòng quảng đại của thánh nhân, vị thánh khi còn sinh thời đã hết lòng yêu thương những người nghèo khổ bệnh tật. Giờ đây, có hơn trăm con người với bằng ấy kiểu thương tật bệnh hoạn đang ở đây, gần bên ngài, chắc chắn ngài sẽ động lòng mà cầu bầu cùng Thiên Chúa cho họ.
Lễ xong, mọi người tản ra giải lao ít phút, trong khi các tình nguyện viên chuẩn bị cho bữa ăn trưa, bàn ăn được dọn ra ngay trong hội trường. Một bữa ăn trưa thịnh soạn với những tình nguyện viên phục vụ hết sức tận tình, làm cho chúng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Khi mọi người đã no nê, các tình nguyện viên lại mau chóng thu dọn bàn ăn, sắp xếp lại chỗ ngồi theo hình chữ U, chuẩn bị cho chương trình giao lưu kết bạn.
Chương trình được mở đầu bằng một bài hát sôi nổi và có sự biểu diễn của nhóm Vui Trong Giê-su, làm cho không khí trong hội trường chộn rộn hẳn lên. Tiếp đó, thay mặt cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, tôi đã giới thiệu sơ lược về tính chất hoạt động của Huynh đoàn, và cùng anh chị em cả nhóm hát lên một ca khúc thể hiện tâm tình sẻ chia, đó là bài hát có tiêu đề “BÀI CA NGƯỜI KHUYẾT TẬT KI-TÔ”. Kế đến, tôi đã thiết tha đọc tặng Gia đình Martin một bài thơ, như một món quà ra mắt, bài thơ “MÓN QUÀ CỦA THƯỢNG ĐẾ”. Phải, tôi muốn gởi tới mọi người một thông điệp của Chúa Giê-su: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta... Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” Trong linh đạo của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, do Cha linh hướng của chúng tôi đã giáo huấn, ngài nói: “Anh chị em hãy học theo gương Chúa Giê-su Ki-tô Vua, Người làm vua trong đau khổ!” Rồi chúng tôi cùng nhau hát những bài hát mang tâm tình gọi Thiên Chúa là Cha và coi nhau như anh chị em một nhà, những bài hát “Ngôi nhà của chúng ta”, “quen biết Giê-su”, “Vì Chúa Ki-tô”... lần lượt được cất lên trong không gian ấm áp của hội trường lúc ấy. Sau đó, chúng tôi triển khai một trò chơi nêu cao tinh thần tương thân tương trợ, trò chơi “Người dẫn đường”. Trò chơi có nội dung như sau:
Mỗi cặp tham gia trò chơi gồm một người khiếm thị và một người ngồi xe lăn. Người khiếm thị đẩy xe lăn có người khuyết tật vận động ngồi ở trên. Người xe lăn có nhiệm vụ chỉ đường cho người khiếm thị. Các cặp thi đấu xem cặp nào về đích trước. Trò chơi cho mọi người hiểu rằng cho dù có khiếm khuyết đi chăng nữa, nếu biết đùm bọc và nâng đỡ nhau, thì mọi người vẫn có thể ung dung tự tại. Điều này đã xảy ra trong thực tế, tôi đã từng đẩy xe lăn cho một anh bạn bị bệnh sốt bại liệt. tôi thì có người dẫn đường, còn anh bạn thì có người giúp di chuyển dễ dàng trên một con đường có đôi chút gập ghềnh. Và thế là cả hai chúng tôi đều có thể đến chỗ mình cần đến.
Trò chơi đã làm không khí trong khán phòng sôi nổi hẳn lên, tiếng cười tiếng nói át cả tiếng người dẫn đường đang chỉ lối cho người khiếm thị đẩy xe lăn. Tuy các cặp thi đấu đi loạng quạng không theo đúng đường đã quy định, nhưng trò chơi đã làm mọi người được một trận cười no bụng. Sau khi các cặp thi đấu đã về chỗ ngồi, tôi chuyển Mi-crô cho nhóm bạn, thì người quản trò của nhóm tình nguyện viên đã nhanh chóng triển khai lại trò chơi “Người dẫn đường”,, với người đẩy xe lăn là người sáng mắt và phải bịt hai mắt bằng một chiếc khăn. Mọi người lại được một dịp cười vỡ bụng, lần này người đẩy xe lăn có vẻ rất chật vật. tôi nghe có người nhận xét rằng, người mắt sáng bị bịt mắt đi loạng quạng hơn người khiếm thị. Khi trò chơi kết thúc, những người mắt sáng đóng vai người khiếm thị đã phát biểu cảm tưởng của họ, nói chung là “khi bị bịt mắt quả thực là rất khó khăn!”
Nhạc lại được trổi lên đầy phấn khích, cùng với các điệu múa minh họa của nhóm Vui trong Giê-su.
Mi-crô lại được chuyển đến tay tôi, Tôi giới thiệu với mọi người về một thành viên của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, một người khuyết tật tứ chi, kiếm sống bằng nghề chép tranh. Đó là Thiên Phú, người bạn này đã ký trên các tác phẩm do mình sáng tác bằng bút danh “THANK GOD”, tôi đặt ra câu hỏi:
-tại sao Phú lại chọn bút danh là THANK GOD?
Phú chia sẻ với mọi người về lòng biết ơn của anh đối với Thiên Chúa, trong hoàn cảnh đã bị teo cơ ở cả tứ chi mà anh vẫn có thể vẽ được, anh cảm nhận được những ân sủng Chúa đã ban cho mình, và vì vậy anh đã chọn cho mình bút danh THANK GOD. Là một thành viên của Huynh đoàn, hôm nay Phú đến đây với một bức tranh làm quà tặng cho cha linh hướng của nhóm Gia đình Martin. Bức tranh với tên gọi là “CON ĐƯỜNG GIÊ-SU”, được mở ra trước mắt mọi người, trên đó có hai chữ “THANK GOD” màu đỏ, đã chứng minh cho lời nói của Phú. Tôi cho mọi người biết thêm về hoàn cảnh của Phú, anh phải dùng cả hai bàn tay và một đầu gối mới đỡ nổi cây cọ. Khi vẽ tranh có chiều cao quá tay với, anh phải lật ngược đầu kia lại và phải vẽ với sự tưởng tượng một hình ảnh đối xứng. Đó là một điều cực kỳ khó, và làm được như vậy không phải do sức con người. Chính vì đã trải qua những kinh nghiệm như vậy mà Phú đã cảm nhận được sự can thiệp của bàn tay Chúa quan phòng. Tôi chuyển mi-crô cho người quản trò, anh hỏi chúng tôi:
-Các bạn có yêu mến Đức Mẹ không?
Mọi người còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, vì anh chuyển đề tài một cách đột ngột, thì anh lại hỏi tiếp:
-Các bạn có yêu mến Đức Mẹ nhiều không?
Tiếng lao xao nổi lên khắp hội trường:
-Có! Có! Có...
Ai yêu mến Đức Mẹ nhiều thì mời ra giữa đây, thì ra anh dẫn chúng tôi đến một trò chơi khá thú vị: Người tham gia sẽ nói: “con yêu Mẹ nhiều...” ai kéo dài từ nhiều trong thời gian lâu nhất thì về Nhất. Lần lượt mỗi người theo cách của mình, biểu diễn lòng yêu mến Đức Mẹ bằng câu nói ấy. Anh quản trò có bấm đồng hồ để tính thời gian xem ai nói được dài nhất. Kết quả người về Nhất với thời gian gần 13 giây. Sau tiết mục này, tôi đã mời gọi một bạn khuyết tật thuộc Gia đình Martin chia sẻ cho mọi người về tâm tình của anh. Anh nói:
- Nhà tôi ở Đồng Nai, nhưng tôi phải lên ở trọ trong một ký tuc xá để đi học trên thành phố. Tôi nhớ thời còn đi học, các sơ đã dạy, sống ở đâu thì cũng phải loan báo Tin Mừng. tôi có thể loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của tôi. Tôi sống trong ký túc xá, nên mỗi sáng sớm, tôi đã phải nhờ người bảo vệ mở cổng cho tôi ra khỏi ký túc xá, để đến nhà thờ. Ngày nào cũng vậy, mới hơn ba giờ sáng, tôi đã ra khỏi ký túc xá để đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tôi tin người ta nhận ra tôi là người Công giáo qua những việc tôi làm, tôi không cần phải la lớn lên cho mọi người biết rằng tôi là người Công giáo. Người ta chỉ tin nếu anh thực sự hành động. Có một anh chàng, tôi biết là người ngoại đạo, nhưng lại cứ tuyên bố mình là người công giáo, tôi biết anh ta rất rõ... Vì thế, các bạn đừng dễ tin vào những gì người ta nói, mà phải nhìn vào những hành động của họ...
Lời chia sẻ của anh đã gợi ý cho tôi mời gọi sự chia sẻ của một thành viên không Công giáo trong Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô. Người đó tên là Giang, chị tâm sự:
-tuy tôi đạo Phật, nhưng rất tin Chúa. Tôi đã biết Huynh đoàn này được một năm nay, và tôi rất thích đến sinh hoạt ở đó. Tôi muốn theo đạo, nhưng nhà chồng cấm không cho theo. Những tượng Phật Bà Quan Âm, tôi đã đem gởi vào chùa. Tôi đã chuẩn bị đi học giáo lý nhưng vì nhà chồng cấm cản, nên tôi đành phải thôi. Tôi cất giữ những hình ảnh Chúa và đọc kinh đọc sách âm thầm. vì tôi rất tin Chúa, Chúa đã ban cho tôi rất nhiều ơn. Tôi không biết khi nào thì sẽ được đi học đạo... tôi rất muốn được chia sẻ, nhưng trước đám đông, tôi run quá chẳng biết nói gì!
Tôi cảm ơn những lời chia sẻ của chị, và động viên chị hãy cứ hy vọng vào quyền năng của Chúa. Trong không khí lắng đọng của hội trường, tôi kể cho mọi người nghe về câu chuyện của một người không những bị mù cả hai mắt, mà còn bị cụt mất một bàn tay. Nhưng anh vẫn cố gắng học lỏm bạn bè học chơi đàn guitar. Anh muốn sống làm gương cho các em của mình, anh đã từng nói với tôi như thế. Anh là một trong những thành viên lâu năm của Huynh đoàn, nhưng vắng mặt trong buổi hội ngộ này vì anh phải lo mưu sinh cho gia đình. Tôi là một người mù, nên rất hiểu anh Nghĩa cực kỳ khó khăn trong sinh hoạt, vì còn đủ hai bàn tay như tôi là một lợi thế rất lớn. tôi cũng chia sẻ với mọi người về sự kiện Nich đến viếng thăm Việt Nam. Một người không có chân tay như Nich, quả là cực kỳ khó khăn, anh đã làm được những việc kỳ diệu, nhưng nếu đem so với anh Nghĩa, tôi thấy Nich đã có rất nhiều lợi thế của những máy móc trợ giúp. Trong khi anh Nghĩa chỉ mong có ai đó dạy đàn cho mình mà cũng không có. Anh Nghĩa chẳng có gì, ngoài nghề đi bán vé số. Tôi còn có chữ Braille, có computer hỗ trợ ...Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người, đó là anh Nghĩa đã sống xứng đáng với những gì anh mong muốn. tôi đã từng nghe anh chơi đàn guitar, tiếng đàn của anh tuy thô sơ, nhưng nó đã làm cho tôi xúc động biết bao.
Đặc biệt, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua hôm nay còn có sự hiện diện của các sơ dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su, có cả sơ bề trên cùng đi. Sơ bề trên người Đài Loan, qua người thông dịch sơ đã nói lên niềm vui của mình vì được tham dự buổi giao lưu này. Rồi các sơ vừa hát vừa múa cho chúng tôi xem, bài hát bằng tiếng Đài-loan, chúng tôi không hiểu nhưng nghe giọng hát thánh thót như chim của các sơ, khiến chúng tôi cảm nhận được sự thánh thiện toát ra từ đó. Tôi cảm ơn các sơ đã có tình cảm ưu ái với anh chị em khuyết tật, và cầu chúc các sơ được tràn đầy ân sủng của Chúa.
Chúng tôi trở lại với không khí vui nhộn với những lá thăm xem ai may mắn trúng giải. Tôi nhờ Cha Vĩnh xổ số, Cha vừa kiểm tra những lá thăm vừa nói những câu tiếu lâm khiến không khí thật rộn rã...
?Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia ly. Chúng tôi trao cho nhau những lời hứa hẹn, hẹn có dịp gặp lại nhau ở Sài Gòn. Những món quà nhỏ được trao tặng, những lời cảm ơn chân thành, chúng tôi biết ơn những gì các tình nguyện viên đã nhiệt tình phục vụ. và đặc biệt biết ơn quý cha, quý thầy đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có được một ngày vui đầy ý nghĩa ở đền thánh Martin. Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi cầu nguyện với thánh Martin, ngay trong hội trường này có đặt một phần xương cốt của ngài, chúng tôi dâng cho thánh nhân những tâm tư nguyện vọng của mình để được ngài cầu thay nguyện giúp. Cuối cùng cha Vĩnh ban phép lành và cầu chúc mọi người về bình an. Rồi tất cả chúng tôi dắt díu nhau ra trước tượng đài thánh Martin chụp hình lưu niệm.
Tôi đặc biệt nhớ đến Cha Giu-se Nguyễn trọng Viễn, Cha linh hướng của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, đã vắng mặt trong ngày vui này vì bận rộn công tác. Tôi cũng hết sức cảm ơn cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Đào ?Trung Hiệu, chính ngài đã tạo cho chúng tôi rất nhiều điều kiện thuận lợi để có được ngày hôm nay. Chúng tôi càng không thể nào không nói đến tấm chân tình của các vị ân nhân thầm lặng, của thầy đồng hành giu-se Đinh Văn hán đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi nhỏ bé tầm thường chẳng biết làm gì, chỉ biết cầu xin thiên Chúa đổ xuống muôn ơn cho các vị.
Rời đền thánh Martin, chúng tôi trở về Sài Gòn trước sự chia tay bịn rịn của Gia đình Martin và lời hứa sẽ lên thăm chúng tôi. Tượng đài thánh Martin tràn ngập nắng chiều, những giọt nắng reo vui nhảy múa trong lòng tôi, với niềm tin rằng thánh Martin luôn thương yêu và bầu cử cho chúng tôi trước nhan Thiên Chúa, vì ngài là vị thánh của người nghèo khổ bất hạnh. Tôi tin chắc như vậy!
Như đã dự tính từ trước, chúng tôi ghé vào Mai San để thăm các cụ già neo đơn, và tặng một chút quà nho nhỏ gọi là sẻ chia với các cụ. Cha giám đốc của nhà tình thương đã dẫn anh chị em khuyết tật chúng tôi đến từng phòng để thăm các cụ, đến phòng nào Cha cũng giới thiệu vài nét sơ lược về những vị chủ nhân ở đó. Chúng tôi chia nhau hỏi thăm khích lệ các cụ, và cảm thấy các cụ rất xúc động vì có chúng tôi là những người khuyết tật đến thăm viếng. Còn chúng tôi thì xúc động vì thấy đa phần các cụ đã bị giảm thiểu trí nhớ, có mấy cụ phải nằm liệt giường vì bị tai biến, một chứng bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Lại có người bị mất trí vì té ngã, thấy khách đến thăm chỉ mỉm cười, chẳng nói năng chi. Thương các cụ mấy, chúng tôi rồi cũng phải chia tay với họ, để di chuyển sang Hội trường, nơi đã được chuẩn bị cho các hoạt động của buổi hội ngộ giữa chúng tôi và Gia đình Martin.
Khi chúng tôi bước vào hội trường, thì ở đó đã có khá đông anh chị em khuyết tật gia đình Martin, họ và các tình nguyện viên của họ chào đón chúng tôi trong tiếng nhạc tưng bừng và những điệu múa minh họa. Những giây phút đầu tiên của buổi hội ngộ, chúng tôi được nghe những bài hát tràn đầy niềm tin và hy vọng, cùng thưởng thức những điệu múa sôi nổi của các bạn tình nguyện viên trẻ khỏe. Và rồi không gian lắng lại trong những giây phút tập hát chuẩn bị cho thánh lễ.
Trong thánh lễ, Cha linh hướng của Gia đình Martin,cha Vĩnh đã nhấn mạnh về vấn đề “từ bỏ”, chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay, ngài nói:
“Ngay cả việc anh chị em đến được với nhau như thế này cũng đã là một sự “từ bỏ”. Chúng ta phải chọn lựa một trong hai, “đi” hay “không đi”, chọn “đi” chúng ta phải từ bỏ những niềm vui riêng, từ bỏ tiện nghi thoải mái nơi nhà riêng của mình, để có thể đến đây gặp gỡ nhau. Nhưng với sự từ bỏ đó, chúng ta có Chúa Ki-tô ở cùng, Ngài hiện diện giữa chúng ta và cùng đồng hành với chúng ta. Có Chúa ở với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi lo lắng...”
Bài giảng của Cha đã cho chúng tôi một niềm khích lệ về những quyết định của mình, và cũng mở ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về những sự chọn lựa trong cuộc sống hôm mai. Chúng tôi cất cao tiếng hát, hát bài ca cầu nguyện với thánh Martin trước khi kết thúc thánh lễ, trong niềm tin tưởng vào tấm lòng quảng đại của thánh nhân, vị thánh khi còn sinh thời đã hết lòng yêu thương những người nghèo khổ bệnh tật. Giờ đây, có hơn trăm con người với bằng ấy kiểu thương tật bệnh hoạn đang ở đây, gần bên ngài, chắc chắn ngài sẽ động lòng mà cầu bầu cùng Thiên Chúa cho họ.
Lễ xong, mọi người tản ra giải lao ít phút, trong khi các tình nguyện viên chuẩn bị cho bữa ăn trưa, bàn ăn được dọn ra ngay trong hội trường. Một bữa ăn trưa thịnh soạn với những tình nguyện viên phục vụ hết sức tận tình, làm cho chúng tôi cảm thấy rất ngon miệng. Khi mọi người đã no nê, các tình nguyện viên lại mau chóng thu dọn bàn ăn, sắp xếp lại chỗ ngồi theo hình chữ U, chuẩn bị cho chương trình giao lưu kết bạn.
Chương trình được mở đầu bằng một bài hát sôi nổi và có sự biểu diễn của nhóm Vui Trong Giê-su, làm cho không khí trong hội trường chộn rộn hẳn lên. Tiếp đó, thay mặt cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, tôi đã giới thiệu sơ lược về tính chất hoạt động của Huynh đoàn, và cùng anh chị em cả nhóm hát lên một ca khúc thể hiện tâm tình sẻ chia, đó là bài hát có tiêu đề “BÀI CA NGƯỜI KHUYẾT TẬT KI-TÔ”. Kế đến, tôi đã thiết tha đọc tặng Gia đình Martin một bài thơ, như một món quà ra mắt, bài thơ “MÓN QUÀ CỦA THƯỢNG ĐẾ”. Phải, tôi muốn gởi tới mọi người một thông điệp của Chúa Giê-su: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta... Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” Trong linh đạo của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, do Cha linh hướng của chúng tôi đã giáo huấn, ngài nói: “Anh chị em hãy học theo gương Chúa Giê-su Ki-tô Vua, Người làm vua trong đau khổ!” Rồi chúng tôi cùng nhau hát những bài hát mang tâm tình gọi Thiên Chúa là Cha và coi nhau như anh chị em một nhà, những bài hát “Ngôi nhà của chúng ta”, “quen biết Giê-su”, “Vì Chúa Ki-tô”... lần lượt được cất lên trong không gian ấm áp của hội trường lúc ấy. Sau đó, chúng tôi triển khai một trò chơi nêu cao tinh thần tương thân tương trợ, trò chơi “Người dẫn đường”. Trò chơi có nội dung như sau:
Mỗi cặp tham gia trò chơi gồm một người khiếm thị và một người ngồi xe lăn. Người khiếm thị đẩy xe lăn có người khuyết tật vận động ngồi ở trên. Người xe lăn có nhiệm vụ chỉ đường cho người khiếm thị. Các cặp thi đấu xem cặp nào về đích trước. Trò chơi cho mọi người hiểu rằng cho dù có khiếm khuyết đi chăng nữa, nếu biết đùm bọc và nâng đỡ nhau, thì mọi người vẫn có thể ung dung tự tại. Điều này đã xảy ra trong thực tế, tôi đã từng đẩy xe lăn cho một anh bạn bị bệnh sốt bại liệt. tôi thì có người dẫn đường, còn anh bạn thì có người giúp di chuyển dễ dàng trên một con đường có đôi chút gập ghềnh. Và thế là cả hai chúng tôi đều có thể đến chỗ mình cần đến.
Trò chơi đã làm không khí trong khán phòng sôi nổi hẳn lên, tiếng cười tiếng nói át cả tiếng người dẫn đường đang chỉ lối cho người khiếm thị đẩy xe lăn. Tuy các cặp thi đấu đi loạng quạng không theo đúng đường đã quy định, nhưng trò chơi đã làm mọi người được một trận cười no bụng. Sau khi các cặp thi đấu đã về chỗ ngồi, tôi chuyển Mi-crô cho nhóm bạn, thì người quản trò của nhóm tình nguyện viên đã nhanh chóng triển khai lại trò chơi “Người dẫn đường”,, với người đẩy xe lăn là người sáng mắt và phải bịt hai mắt bằng một chiếc khăn. Mọi người lại được một dịp cười vỡ bụng, lần này người đẩy xe lăn có vẻ rất chật vật. tôi nghe có người nhận xét rằng, người mắt sáng bị bịt mắt đi loạng quạng hơn người khiếm thị. Khi trò chơi kết thúc, những người mắt sáng đóng vai người khiếm thị đã phát biểu cảm tưởng của họ, nói chung là “khi bị bịt mắt quả thực là rất khó khăn!”
Nhạc lại được trổi lên đầy phấn khích, cùng với các điệu múa minh họa của nhóm Vui trong Giê-su.
Mi-crô lại được chuyển đến tay tôi, Tôi giới thiệu với mọi người về một thành viên của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, một người khuyết tật tứ chi, kiếm sống bằng nghề chép tranh. Đó là Thiên Phú, người bạn này đã ký trên các tác phẩm do mình sáng tác bằng bút danh “THANK GOD”, tôi đặt ra câu hỏi:
-tại sao Phú lại chọn bút danh là THANK GOD?
Phú chia sẻ với mọi người về lòng biết ơn của anh đối với Thiên Chúa, trong hoàn cảnh đã bị teo cơ ở cả tứ chi mà anh vẫn có thể vẽ được, anh cảm nhận được những ân sủng Chúa đã ban cho mình, và vì vậy anh đã chọn cho mình bút danh THANK GOD. Là một thành viên của Huynh đoàn, hôm nay Phú đến đây với một bức tranh làm quà tặng cho cha linh hướng của nhóm Gia đình Martin. Bức tranh với tên gọi là “CON ĐƯỜNG GIÊ-SU”, được mở ra trước mắt mọi người, trên đó có hai chữ “THANK GOD” màu đỏ, đã chứng minh cho lời nói của Phú. Tôi cho mọi người biết thêm về hoàn cảnh của Phú, anh phải dùng cả hai bàn tay và một đầu gối mới đỡ nổi cây cọ. Khi vẽ tranh có chiều cao quá tay với, anh phải lật ngược đầu kia lại và phải vẽ với sự tưởng tượng một hình ảnh đối xứng. Đó là một điều cực kỳ khó, và làm được như vậy không phải do sức con người. Chính vì đã trải qua những kinh nghiệm như vậy mà Phú đã cảm nhận được sự can thiệp của bàn tay Chúa quan phòng. Tôi chuyển mi-crô cho người quản trò, anh hỏi chúng tôi:
-Các bạn có yêu mến Đức Mẹ không?
Mọi người còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, vì anh chuyển đề tài một cách đột ngột, thì anh lại hỏi tiếp:
-Các bạn có yêu mến Đức Mẹ nhiều không?
Tiếng lao xao nổi lên khắp hội trường:
-Có! Có! Có...
Ai yêu mến Đức Mẹ nhiều thì mời ra giữa đây, thì ra anh dẫn chúng tôi đến một trò chơi khá thú vị: Người tham gia sẽ nói: “con yêu Mẹ nhiều...” ai kéo dài từ nhiều trong thời gian lâu nhất thì về Nhất. Lần lượt mỗi người theo cách của mình, biểu diễn lòng yêu mến Đức Mẹ bằng câu nói ấy. Anh quản trò có bấm đồng hồ để tính thời gian xem ai nói được dài nhất. Kết quả người về Nhất với thời gian gần 13 giây. Sau tiết mục này, tôi đã mời gọi một bạn khuyết tật thuộc Gia đình Martin chia sẻ cho mọi người về tâm tình của anh. Anh nói:
- Nhà tôi ở Đồng Nai, nhưng tôi phải lên ở trọ trong một ký tuc xá để đi học trên thành phố. Tôi nhớ thời còn đi học, các sơ đã dạy, sống ở đâu thì cũng phải loan báo Tin Mừng. tôi có thể loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của tôi. Tôi sống trong ký túc xá, nên mỗi sáng sớm, tôi đã phải nhờ người bảo vệ mở cổng cho tôi ra khỏi ký túc xá, để đến nhà thờ. Ngày nào cũng vậy, mới hơn ba giờ sáng, tôi đã ra khỏi ký túc xá để đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tôi tin người ta nhận ra tôi là người Công giáo qua những việc tôi làm, tôi không cần phải la lớn lên cho mọi người biết rằng tôi là người Công giáo. Người ta chỉ tin nếu anh thực sự hành động. Có một anh chàng, tôi biết là người ngoại đạo, nhưng lại cứ tuyên bố mình là người công giáo, tôi biết anh ta rất rõ... Vì thế, các bạn đừng dễ tin vào những gì người ta nói, mà phải nhìn vào những hành động của họ...
Lời chia sẻ của anh đã gợi ý cho tôi mời gọi sự chia sẻ của một thành viên không Công giáo trong Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô. Người đó tên là Giang, chị tâm sự:
-tuy tôi đạo Phật, nhưng rất tin Chúa. Tôi đã biết Huynh đoàn này được một năm nay, và tôi rất thích đến sinh hoạt ở đó. Tôi muốn theo đạo, nhưng nhà chồng cấm không cho theo. Những tượng Phật Bà Quan Âm, tôi đã đem gởi vào chùa. Tôi đã chuẩn bị đi học giáo lý nhưng vì nhà chồng cấm cản, nên tôi đành phải thôi. Tôi cất giữ những hình ảnh Chúa và đọc kinh đọc sách âm thầm. vì tôi rất tin Chúa, Chúa đã ban cho tôi rất nhiều ơn. Tôi không biết khi nào thì sẽ được đi học đạo... tôi rất muốn được chia sẻ, nhưng trước đám đông, tôi run quá chẳng biết nói gì!
Tôi cảm ơn những lời chia sẻ của chị, và động viên chị hãy cứ hy vọng vào quyền năng của Chúa. Trong không khí lắng đọng của hội trường, tôi kể cho mọi người nghe về câu chuyện của một người không những bị mù cả hai mắt, mà còn bị cụt mất một bàn tay. Nhưng anh vẫn cố gắng học lỏm bạn bè học chơi đàn guitar. Anh muốn sống làm gương cho các em của mình, anh đã từng nói với tôi như thế. Anh là một trong những thành viên lâu năm của Huynh đoàn, nhưng vắng mặt trong buổi hội ngộ này vì anh phải lo mưu sinh cho gia đình. Tôi là một người mù, nên rất hiểu anh Nghĩa cực kỳ khó khăn trong sinh hoạt, vì còn đủ hai bàn tay như tôi là một lợi thế rất lớn. tôi cũng chia sẻ với mọi người về sự kiện Nich đến viếng thăm Việt Nam. Một người không có chân tay như Nich, quả là cực kỳ khó khăn, anh đã làm được những việc kỳ diệu, nhưng nếu đem so với anh Nghĩa, tôi thấy Nich đã có rất nhiều lợi thế của những máy móc trợ giúp. Trong khi anh Nghĩa chỉ mong có ai đó dạy đàn cho mình mà cũng không có. Anh Nghĩa chẳng có gì, ngoài nghề đi bán vé số. Tôi còn có chữ Braille, có computer hỗ trợ ...Điều tôi muốn chia sẻ với mọi người, đó là anh Nghĩa đã sống xứng đáng với những gì anh mong muốn. tôi đã từng nghe anh chơi đàn guitar, tiếng đàn của anh tuy thô sơ, nhưng nó đã làm cho tôi xúc động biết bao.
Đặc biệt, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua hôm nay còn có sự hiện diện của các sơ dòng Thánh Tâm Chúa Giê-su, có cả sơ bề trên cùng đi. Sơ bề trên người Đài Loan, qua người thông dịch sơ đã nói lên niềm vui của mình vì được tham dự buổi giao lưu này. Rồi các sơ vừa hát vừa múa cho chúng tôi xem, bài hát bằng tiếng Đài-loan, chúng tôi không hiểu nhưng nghe giọng hát thánh thót như chim của các sơ, khiến chúng tôi cảm nhận được sự thánh thiện toát ra từ đó. Tôi cảm ơn các sơ đã có tình cảm ưu ái với anh chị em khuyết tật, và cầu chúc các sơ được tràn đầy ân sủng của Chúa.
Chúng tôi trở lại với không khí vui nhộn với những lá thăm xem ai may mắn trúng giải. Tôi nhờ Cha Vĩnh xổ số, Cha vừa kiểm tra những lá thăm vừa nói những câu tiếu lâm khiến không khí thật rộn rã...
?Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia ly. Chúng tôi trao cho nhau những lời hứa hẹn, hẹn có dịp gặp lại nhau ở Sài Gòn. Những món quà nhỏ được trao tặng, những lời cảm ơn chân thành, chúng tôi biết ơn những gì các tình nguyện viên đã nhiệt tình phục vụ. và đặc biệt biết ơn quý cha, quý thầy đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có được một ngày vui đầy ý nghĩa ở đền thánh Martin. Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi cầu nguyện với thánh Martin, ngay trong hội trường này có đặt một phần xương cốt của ngài, chúng tôi dâng cho thánh nhân những tâm tư nguyện vọng của mình để được ngài cầu thay nguyện giúp. Cuối cùng cha Vĩnh ban phép lành và cầu chúc mọi người về bình an. Rồi tất cả chúng tôi dắt díu nhau ra trước tượng đài thánh Martin chụp hình lưu niệm.
Tôi đặc biệt nhớ đến Cha Giu-se Nguyễn trọng Viễn, Cha linh hướng của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, đã vắng mặt trong ngày vui này vì bận rộn công tác. Tôi cũng hết sức cảm ơn cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Đào ?Trung Hiệu, chính ngài đã tạo cho chúng tôi rất nhiều điều kiện thuận lợi để có được ngày hôm nay. Chúng tôi càng không thể nào không nói đến tấm chân tình của các vị ân nhân thầm lặng, của thầy đồng hành giu-se Đinh Văn hán đã dành cho chúng tôi. Chúng tôi nhỏ bé tầm thường chẳng biết làm gì, chỉ biết cầu xin thiên Chúa đổ xuống muôn ơn cho các vị.
Rời đền thánh Martin, chúng tôi trở về Sài Gòn trước sự chia tay bịn rịn của Gia đình Martin và lời hứa sẽ lên thăm chúng tôi. Tượng đài thánh Martin tràn ngập nắng chiều, những giọt nắng reo vui nhảy múa trong lòng tôi, với niềm tin rằng thánh Martin luôn thương yêu và bầu cử cho chúng tôi trước nhan Thiên Chúa, vì ngài là vị thánh của người nghèo khổ bất hạnh. Tôi tin chắc như vậy!
ĐỨC TIN TRONG BAO THỬ THÁCH
Chủ nhật 12/5/2013, trong phiên họp thường kỳ của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, trừ những sinh hoạt như thường lệ, chúng tôi được nghe một bài giảng phòng rất xúc tích và đầy thú vị của cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Nhứt(OP). Những gì Cha nói đã giúp anh chị em khuyết tật chúng tôi dễ dàng ghi nhớ, để có thể áp dụng vào đời sống tâm linh của mỗi người một cách cụ thể.
Chủ đề chính yếu của buổi giảng phòng hôm nay là “ĐỨC TIN TRONG BAO THỬ THÁCH”. Đây là điều mà Ban Chấp Hành của Huynh đoàn đã mong mỏi cho anh chị em mình trong năm đức tin này, và hôm nay nhờ sự tích cực của Thầy đồng hành Giu-se Đinh Văn Hán(OP), chúng tôi đã được toại nguyện. Lần này là lần đầu tiên cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đến với anh chị em khuyết tật Huynh đoàn Ki-tô, ngài muốn chia sẻ với chúng tôi những kinh nghiệm quý báu về đức tin và những gương mẫu sống đời đức tin mạnh mẽ trong lịch sử Giáo hội. Mở đầu buổi nói chuyện, cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã đặt ra câu hỏi:
ĐỨC TIN TỪ ĐÂU MÀ TA CÓ?
Và ngài đã cho chúng tôi câu trả lời ngay dưới đây:
Không phải hễ ai muốn có đức tin là có thể tự mình rèn luyện và tu tập mà đạt được. Đức tin của mỗi người chúng ta là do Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không, và Ngài ban cho mỗi người tùy theo ý muốn của Ngài.
CHÚNG TA PHẢI TIN NHỮNG GÌ?
Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã đưa ra 12 điều mà mỗi Ki-tô hữu cần phải tin, dựa vào kinh tin Kính, Ngài đã chỉ ra cho chúng tôi một bí quyết thật dễ nhớ. Ngài nói: “Tương truyền kinh tin kính do 12 vị thánh tông-đồ ngày xưa, trước khi chia tay nhau ra đi loan báo tin Mừng, mỗi vị đều được linh hứng của Thánh Thần thúc đẩy, đã đọc lên một câu, và tất cả đã trở thành 12 điều cho chúng ta cần phải tin”. Và Cha đã chỉ cho chúng tôi cách phân bổ từ trong kinh Tin kính, để tìm thấy 12 điều ấy như sau:
1. Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất
2. Tôi tin kính Đức Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi
3. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai
4. Sinh bởi bà Maria đồng trinh
5. Chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông.
6. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng
7. Ngày sau bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết
8. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
9. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công.
10. Tôi tin phép tha tội
11. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại
12. Tôi tin hằng sống vậy. A-men
TẠI SAO ĐỨC TIN PHẢI TRẢI QUA THỬ THÁCH?
Chúng ta hằng ngày phải đối diện với biết bao thử thách, đôi khi những thử thách đến một cách dồn dập khiến chúng ta phải thốt lên: “Lạy Chúa! Con tin Chúa, con giữ lề luật của Chúa mà sao con cứ gặp phải hết thất bại này đến đau khổ nọ?”... Và những thử thách đôi khi đã làm cho chúng ta nản chí...tại sao Chúa lại để cho những điều đó xảy ra?
Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã trích dẫn lời của thánh Phê-rô Tông-đồ như sau:
“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.”(Trích thư Phê-rô I: 1,7) Thánh Phao-lô thì cho rằng, Chúa càng thương ai nhiều thì Chúa càng trao cho người đó nhiều thử thách; bởi, qua thử thách con người sẽ trở nên quý như vàng đã được tinh luyện. Lúc ấy, những ai đã kiên vững vượt qua những cơn thử thách sẽ cảm nhận được một niềm vui đích thực trong Chúa Ki-tô, một niềm vui bền vững. Nhờ đức tin, ta biết Chúa, mến Chúa, và cố gắng làm đẹp lòng Chúa, cũng chính nhờ vậy mà ta có thể đạt tới niềm vui đích thực.
Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã trưng dẫn những tấm gương trung trinh, những con người đã từng bị thử thách dữ dội như tổ phụ Áp-ra-ham, như thánh Gióp, ngài cho thấy các vị ấy đã vững lòng tin vào Thiên Chúa như thế nào. Đặc biệt, Đức trinh nữ Maria đã là một tấm gương vĩ đại nhất cho chúng ta noi theo. Chắc chắn, Đức Mẹ đã được chúa yêu nhiều nhất vì Mẹ là Mẹ của Chúa, vậy nhưng Mẹ cũng đã phải chịu đựng biết bao thử thách, kể từ khi Mẹ nói tiếng “Xin vâng” cho đến khi Mẹ đứng dưới chân Thánh giá trong giờ con Mẹ tử nạn. Mỗi sự kiện xảy ra trong đời Mẹ, Mẹ hằng suy đi nghĩ lại và âm thầm cầu nguyện. Vì Mẹ luôn suy gẫm mọi việc một cách triệt để, nên Mẹ có thể sáng suốt nhận ra thánh ý Chúa trên cuộc đời của mình mà hành động theo ý Chúa. Nhờ siêng năng cầu nguyện và một lòng vâng theo thánh ý, nên Mẹ đã có đủ sức mạnh mà đứng vững trước mọi thử thách gian nan của đời Mẹ. Và chẳng phải chính con Mẹ, chính Chúa Giê-su cũng đã từng phải chịu thử thách dữ dội đó sao? Vì điều gì mà Chúa Giê-su đã chấp nhận chén đắng, chấp nhận chịu cực hình, chịu đóng đinh để rồi chết trần truồng trên thập giá? Chính vì Chúa yêu thương nhân loại, chính vì Chúa muốn vâng phục Chúa Cha, Người đã phải chịu đựng những thử thách đó! Vậy chúng ta hãy học theo gương Chúa Giê-su mà chấp nhận mọi thử thách giữa cuộc đời, để rồi được tinh luyện như vàng thử lửa.
Bài giảng thật khúc chiết, khiến cho mỗi người chúng tôi cảm thấy như được soi rọi vào trong cuộc sống của chính mình. Trong những phút giải lao chuẩn bị cho thánh lễ, Người viết bài này nghe được câu chuyện giữa chị Thúy, vợ của một người khiếm thị và Thiên Phú, một người khuyết tật tứ chi cả hai đều rất tâm đắc về những gì Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê nói. Chị Thúy có vẻ như vừa mới trúng số độc đắc:
-Thật! Cứ y như là chuyện của mình vậy! Mình khổ sở biết bao nhiêu vì thằng con trai lớn, nó chẳng chịu học hành làm ăn gì cả! Tam phen tứ bận, mình và cha nó năn nỉ, xin sỏ cho nó được đi học, nó lại không chịu học. Rồi đi xin cho nó chỗ này làm việc, chỗ kia làm việc nó cũng bỏ... Mình cầu nguyện hết năm này qua năm khác bây giờ Chúa mới nhậm lời. Mấy tháng nay nó đã đi làm đàng hoàng, nó còn đưa về cho mình mỗi tháng một triệu... Nó sống đàng hoàng mình hết lòng cảm tạ Chúa! Mình cảm ơn Phú đã cầu nguyện cho gia đình mình!
Thiên Phú tỏ ra đồng cảm và chia sẻ niềm vui với chị:
Ồ! Chúc mừng chị! Thật là vui cùng với gia đình chị! Em cũng vậy, nhiều lúc em tưởng chừng như bị chìm xuống đáy đại dương, rồi lặn lên hụp xuống hết chuyện này đến chuyện nọ. Chỉ còn biết cầu nguyện và phó thác cho Chúa, bây giờ Chúa cho em được bình an, em hết lòng cảm tạ Chúa chị ạ!
Sau đó, chúng tôi cùng nhau tham dự thánh lễ một cách sốt sắng. Thánh lễ do Cha linh hướng chủ sự, bài giảng của Cha cũng hết sức thâm thúy, giúp chúng tôi hiểu được một cách rõ ràng ý nghĩa của sự kiện Chúa Thăng Thiên. Ngài nói: “Chúa thăng thiên là sự kiện Chúa tỏ lộ thần tính của Chúa, để từ đấy Chúa ở lại với con người trong quyền năng của Thiên Chúa. Chúa ở với mỗi người mọi nơi mọi lúc. Chúa hiểu thấy hết mọi nỗi mừng vui thống khổ của con người.”
Sau thánh lễ, cuộc họp của Huynh đoàn kéo dài thêm khỏa 40 phút, để thông báo một số thông tin cần thiết, đồng thời nêu lên hướng hoạt động cho tháng tới. Họ thảo luận về những gì cần phải làm để chuẩn bị cho chuyến hành hương đền thánh Martin, được dự kiến sẽ thực hiện vào cuối tháng sáu tới. Chúng tôi hy vọng, sau cuộc hành hương này, đời sống tinh thần của anh chị em trong Huynh đoàn sẽ được nâng cao hơn.
Lạy Chúa Ki-tô vua! Xin cho mọi ước nguyện của chúng con sẽ được thực hiện một cách đẹp lòng Chúa và xin cho anh chị em khuyết tật chúng con ngày càng vững vàng hơn qua những cơn thử thách của cuộc đời này. Lạy Chúa Ki-tô Vua! Con hết lòng cảm tạ Chúa vì tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng con!
TÌM ĐỌC Ý ĐỊNH CỦA CHÚA CHA
12/4/2013
‘Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng ; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng : "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người ; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình ; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.”’
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 5, 38-39)
Theo tôi, cách ứng xử của Ga-ma-li-ên khá khôn ngoan! Ông tỏ ra là một người biết nể sợ Thiên Chúa, khi nói: “nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.", những lời lẽ này của ông ta thật sự có tính thuyết phục cho nên bọn họ đã nghe theo lời ông. Dù rằng lối ứng xử của những người này cho thấy, họ chống đối Chúa Giê-su, họ tìm bắt và định tiêu diệt các môn đệ của Người, song họ vẫn tỏ ra có lòng nể sợ đối với Thiên Chúa.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp biết bao nhiêu sự kiện rắc rối, thật giả lẫn lộn, khiến chúng ta khó mà phân định sao cho đúng đắn. Tuy nhiên, tôi biết có nhiều người sống trong thời đại chúng ta ngày nay cũng có lối suy nghĩ như ông Ga-ma-li-ên; nghĩa là, mỗi khi cần phải giải quyết một sự việc khó khăn, họ cũng để cho sự việc diễn ra theo kế hoạch của Thiên Chúa, thay vì cho ra những quyết định theo ý riêng mình. Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần rơi vào tình trạng phân vân, chẳng biết ý Chúa thế nào, rẽ trái thì không ổn mà quẹo phải thì cũng không xong, lúc bấy giờ đành chắp tay phó mặc mọi sự cho Chúa. Nói thì nói vậy, phó mặc cho Chúa cũng không phải chuyện dễ, vì bản tính con người thường toan tính sao cho cái gì cũng phải có lợi cho mình, đâu mấy ai dễ chịu thiệt, trừ phi tình thế bắt buộc. Đôi khi con người vô tình trở thành kẻ chống Thiên Chúa vì đã cố tình xoay chuyển tình thế theo tính toán thiệt hơn của mình, nhưng rồi con người nhiều khi lại gặp phải thất bạn cay đắng, phải chăng đó là bài học cho con người? Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn trước mắt như con người, Thiên Chúa vận chuyển cả vũ trụ và muôn sự vật trong vũ trụ này theo chương trình định sẵn của Ngài. Ta cứ nhìn vào cuộc sống của Ngôi Hai Thiên Chúa, giai đoạn Người sống ở trần gian này thì rõ: Chúa Cha đã định sẵn cho Người một cuộc sống thanh bần trong một gia đình nghèo khó, chứ đâu phải một cuộc sống sung túc; Chúa Cha đã định sẵn cho Người một cái chết trần truồng trên thập giá, chứ đâu phải một cuộc ra đi rầm rộ cờ mở trống giong để trở về thiên quốc; nhưng Chúa Cha cũng đã định sẵn cho Người một cái chết Phục sinh đầy vinh hiển. Tất cả ý định của Chúa Cha đã được báo trước trong dân Israel cả nghìn năm về trước, trước khi Chúa Giê-su nhập thế, đó là một bài học cho chúng ta hiểu rằng mọi việc Chúa Cha làm đều là tốt đẹp cho con người. Mọi sự tính toán của Thiên Chúa thường là không giống như ta mong đợi, thường khiến ta cảm thấy sợ hãi thất vọng và muốn trốn tránh, nhưng nếu ta tin tưởng rằng, mọi sự tính toán của Ngài đều là thiện hảo, thì ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn mà phó mặc mọi sự cho Ngài định liệu.
Lạy Chúa Giê-su! Xin tăng thêm cho con sự khôn ngoan sáng suốt, để con luôn biết tìm đọc ý định của Chúa Cha qua những sự việc xảy ra chung quanh mình trong cuộc sống thường nhật. Xin ban cho con một lòng tin mạnh mẽ, để con luôn biết sống phó thác vào Chúa, xin cho mỗi ngày trong đời con là mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa Cha trên trời, Chúa nhé!
‘Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng ; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng : "Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người ; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình ; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông.”’
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 5, 38-39)
Theo tôi, cách ứng xử của Ga-ma-li-ên khá khôn ngoan! Ông tỏ ra là một người biết nể sợ Thiên Chúa, khi nói: “nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.", những lời lẽ này của ông ta thật sự có tính thuyết phục cho nên bọn họ đã nghe theo lời ông. Dù rằng lối ứng xử của những người này cho thấy, họ chống đối Chúa Giê-su, họ tìm bắt và định tiêu diệt các môn đệ của Người, song họ vẫn tỏ ra có lòng nể sợ đối với Thiên Chúa.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp biết bao nhiêu sự kiện rắc rối, thật giả lẫn lộn, khiến chúng ta khó mà phân định sao cho đúng đắn. Tuy nhiên, tôi biết có nhiều người sống trong thời đại chúng ta ngày nay cũng có lối suy nghĩ như ông Ga-ma-li-ên; nghĩa là, mỗi khi cần phải giải quyết một sự việc khó khăn, họ cũng để cho sự việc diễn ra theo kế hoạch của Thiên Chúa, thay vì cho ra những quyết định theo ý riêng mình. Bản thân tôi cũng đã từng nhiều lần rơi vào tình trạng phân vân, chẳng biết ý Chúa thế nào, rẽ trái thì không ổn mà quẹo phải thì cũng không xong, lúc bấy giờ đành chắp tay phó mặc mọi sự cho Chúa. Nói thì nói vậy, phó mặc cho Chúa cũng không phải chuyện dễ, vì bản tính con người thường toan tính sao cho cái gì cũng phải có lợi cho mình, đâu mấy ai dễ chịu thiệt, trừ phi tình thế bắt buộc. Đôi khi con người vô tình trở thành kẻ chống Thiên Chúa vì đã cố tình xoay chuyển tình thế theo tính toán thiệt hơn của mình, nhưng rồi con người nhiều khi lại gặp phải thất bạn cay đắng, phải chăng đó là bài học cho con người? Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn trước mắt như con người, Thiên Chúa vận chuyển cả vũ trụ và muôn sự vật trong vũ trụ này theo chương trình định sẵn của Ngài. Ta cứ nhìn vào cuộc sống của Ngôi Hai Thiên Chúa, giai đoạn Người sống ở trần gian này thì rõ: Chúa Cha đã định sẵn cho Người một cuộc sống thanh bần trong một gia đình nghèo khó, chứ đâu phải một cuộc sống sung túc; Chúa Cha đã định sẵn cho Người một cái chết trần truồng trên thập giá, chứ đâu phải một cuộc ra đi rầm rộ cờ mở trống giong để trở về thiên quốc; nhưng Chúa Cha cũng đã định sẵn cho Người một cái chết Phục sinh đầy vinh hiển. Tất cả ý định của Chúa Cha đã được báo trước trong dân Israel cả nghìn năm về trước, trước khi Chúa Giê-su nhập thế, đó là một bài học cho chúng ta hiểu rằng mọi việc Chúa Cha làm đều là tốt đẹp cho con người. Mọi sự tính toán của Thiên Chúa thường là không giống như ta mong đợi, thường khiến ta cảm thấy sợ hãi thất vọng và muốn trốn tránh, nhưng nếu ta tin tưởng rằng, mọi sự tính toán của Ngài đều là thiện hảo, thì ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn mà phó mặc mọi sự cho Ngài định liệu.
Lạy Chúa Giê-su! Xin tăng thêm cho con sự khôn ngoan sáng suốt, để con luôn biết tìm đọc ý định của Chúa Cha qua những sự việc xảy ra chung quanh mình trong cuộc sống thường nhật. Xin ban cho con một lòng tin mạnh mẽ, để con luôn biết sống phó thác vào Chúa, xin cho mỗi ngày trong đời con là mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa Cha trên trời, Chúa nhé!
BỘ SƯU TẬP TEM CỦA EMILIO
Sáng nay tôi rất vui khi nhận được email hồi âm của Emilio, một cậu bé người Tây Ban Nha, bởi lá thư này chứng tỏ rằng: Tôi đã không hề viển vông, khi dám quyết định tin vào một lá thư gởi cầu âu trên blog.
Câu chuyện của tôi thật hy hữu, nhưng lại là một chuyện đã xảy ra trong thực tế. Tôi nói hy hữu bởi ngày nay có rất nhiều những email bị coi là “spams”. Thường khi gặp những lá thư như thế, người ta chẳng cần đọc hết nội dung của nó, đã vội xóa bỏ, vì sợ rằng mình sẽ bị kẻ nào đó chơi khăm hoặc quậy phá một cách nhảm nhí... Vậy nhưng, cách đây khoảng nửa tháng, một email chứa nội dung “comment” cho một bài thơ của tôi từ trên blog Viết Cho Nhau đã được gởi vào hộp thư. Thấy tên người gởi là Emilio, tôi đã định xóa đi vì cho nó là spam, tôi không nghĩ rằng người Tây Ban Nha đó đã đọc bài thơ của tôi để rồi cho lời nhận xét. Nhưng tôi kịp dừng lại, vì thấy những lời nhận xét được viết bằng tiếng Việt, chứ không phải bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi tò mò đọc nội dung của nó, thì ra đó là một bức tâm thư viết bằng ngoại ngữ, rồi được dịch sang tiếng Việt. tôi đoán, có lẽ người viết đã dùng google để dịch chăng?
Emilio tự giới thiệu, cậu là một cậu bé người Tây Ban Nha, Cậu có một ước mơ được đi du lịch khắp thế giới để được biết hết về nó. Cậu đã đi thăm một vài nước, nhưng rồi cậu biết mình không thể hoàn thành ước mơ này vì cậu “không đủ sức mua”! Cậu bèn nghĩ ra một phương cách khác, đó là việc sưu tầm tem của các nước trên thế giới. Mỗi con tem thường có hình ảnh đặc trưng cho nét văn hóa và truyền thống riêng của đất nước nó, đó chính là điều cậu mong muốn tìm hiểu. Cậu cho biết, đã sưu tập được tem của khá nhiều nước trên thế giới, nhưng đa phần là tem của những nước phát triển, bộ sưu tập của cậu còn thiếu những con tem của một số nước chậm tiến như Kenya, Việt Nam, chẳng hạn. Vậy là, cậu tìm cách vào blog viết bằng tiếng Việt, và chính lại là blog Viết Cho Nhau, nơi tôi có đăng một số bài thơ của mình.
Cậu viết: “Tôi biết lá thư này sẽ không được ai chú ý, nhưng tôi vẫn muốn gợi sự chú ý của bạn...” Rồi cậu bày tỏ ý muốn được gởi cho một lá thư theo đường bưu điện, để có thể có một con tem Việt Nam, bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Cậu cẩn thận đưa vào lá thư một đường “link” dẫn đến blog nơi cậu đã trình bày về bộ sưu tập tem. Cậu cũng ghi rõ địa chỉ nhà mình vào trong thư, với hy vọng ai đó sẽ gởi cho cậu một lá thư truyền thống.
Đọc xong lá thư, tôi mường tượng ra hình ảnh một cậu bé đang hồi hộp “click” chuột để gởi đi bức tâm thư, rồi hồi hộp ngóng chờ người đưa thư xuất hiện ở cửa nhà mình với lá thư truyền thống trên tay... Tôi hình dung ra nét mặt vui sướng của cậu bé khi nhìn vào con tem Việt Nam, như được gặp bà tiên trong một câu chuyện cổ tích. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, chắc đây chỉ là một chuyện tầm phào, kẻ nào đó viết ra để nghịch chơi vậy thôi. Một lần nữa, tôi lại có ý định xóa lá thư đi cho khỏi bận trí. Tuy nhiên, hình ảnh về cậu bé lại hiện ra trong đầu tôi, thế là tôi quyết định sẽ gởi thư cho Emilio.
Tôi không nói chắc các bạn không biết rằng, công việc gởi thư đơn giản này lại nhiêu khê đối với tôi như thế nào đâu! Vì sợ viết địa chỉ không chính xác và cũng vì sợ làm phiền đến người nhà, trước hết, tôi copy những dòng địa chỉ của cậu bé vào một văn bản trên computer, ghi thêm vào đó địa chỉ nhà tôi, rồi viết một lá thư ngắn bằng tiếng Anh cho cậu bé, trong lòng thầm hy vọng cậu bé biết tiếng Anh để có thể đọc lá thư của tôi. Trong nội dung bức thư, tôi cũng cho cậu biết tôi là một phụ nữ mù, và sẽ rất vui khi nhận được hồi âm của cậu. Sau đó, tôi phải nhờ một người bạn thân đem file văn bản đó ra tiệm photocopy, copy xong rồi, người bạn của tôi dùng kéo cắt những dòng địa chỉ để dán lên bì thư. Việc này cũng không đơn giản chút nào, bởi thị lực của anh bạn tôi rất kém, phải vất vả lắm chúng tôi mới chuẩn bị xong lá thư ấy. Anh bạn của tôi cũng là một thành viên của hội người mù, một mắt đã bị “cúp điện”, mắt kia chỉ còn thị lực độ 1/10, vậy nhưng tôi vẫn nhờ anh ta làm những chuyện đại loại như thế. Mỗi lần anh giúp tôi làm những chuyện “vô bổ”(tôi biết rằng anh cho là thế), anh chỉ dám thở dài, chứ không dám từ chối. Lần này cũng vậy, khi tôi kể cho nghe về lá thư của Emilio, anh thở dài vì biết trước sau gì tôi cũng nhờ vả. Nhưng tôi đã thuyết phục cả anh ta lẫn người thân trong gia đình tôi rằng: Nếu như chuyện này chỉ là chuyện tầm phào kẻ nào đó muốn chọc phá mình, thì coi như tôi lỡ đánh rơi mất mấy chục ngàn tiền tem; còn nếu như có một cậu bé Emilio thật, thì mình sẽ mang lại niềm vui cho cậu ta và cho chính mình, vậy tại sao mình lại không thử để may ra sẽ mang lại được niềm vui cho một ai đó? Mọi người nghe tôi nói, và thật may, lần này ai cũng đồng ý với tôivề chuyện như vậy!
Và, sáng nay khi check mail, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã thật sự có một cậu bé Emilio trên đời này. Tôi nghĩ, niềm hạnh phúc của tôi còn lớn hơn của Emilio nữa!
Emilio cảm ơn tôi vì đã gởi cho cậu lá thư như cậu mong đợi. Cậu cũng dẫn đường link đến blog, mời tôi vào xem bộ sưu tập tem của cậu. Đến bây giờ tôi mới chợt nghĩ ra, nếu như tôi đã nhờ người mắt sáng vào xem blog của cậu ta, thì tôi đã không phải nghi ngờ gì nữa... Nhưng như thế này lại hóa hay, vì đó là một sự thử thách niềm tin của tôi đối với con người. Quả thật, tôi hạnh phúc vì cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa. Tôi chợt nhớ đến những ca từ trong bài hát “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/để làm gì em có biết không... Tôi chia sẻ điều đó với mẹ, và mẹ tôi cũng công nhận như thế, bà đứng dậy đi tìm dĩa nhạc có bài hát đó. Hai mẹ con tôi ngồi nghe mà cảm thấy ấm cả cõi lòng.
Dưới đây là nội dung email hồi âm của Emilio, và nếu thích, bạn có thể tìm vào xem bộ sưu tập tem của Emilio, theo địa chỉ cậu đã ghi trong thư.
Dear Thuy,
Thank you very much for the wonderful letter from Vietnam that you have sent to me, I have published it on my blog www.cartasenmibuzon.blogspot.com
I'm very sad for hearing from you that you are a blind woman, but I have to tell you that you are very courageous. I don't know how you can read messages written in your blog by visitors, but I thank you again for helping me in order to complete my collection of letter from whole world.
I send you again my sincere wishes of health and happiness to you and all your dear beings.
Yours faithfully
Emilio
12/3/2013
THẦN KHÍ CHÚA ĐÃ SAI TÔI ĐI
27/1/2013
“Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.”
(Trích thư Cô-rin-tô I: 12, 27-29)
Lạy Chúa! Con vui sướng vì được là một trong những chi thể của Chúa! Con hiểu rằng Chúa muốn con thực hiện bổn phận của chi thể đó, để làm cho cả thân thể của Chúa được trở nên hoạt động một cách tích cực và sinh nhiều ích lợi. Dẫu thân con chỉ là một người mù vô dụng, song Chúa vẫn sử dụng con như một công cụ đắc lực của Chúa. Chúa mời gọi con hợp tác với Chúa dù là công năng của con thật là bé nhỏ, Chúa vẫn cho con cơ hội góp phần vào công trình cứu độ của Chúa.
Vậy thì, Chúa ơi, con chỉ biết ngả mình vào vòng tay của Chúa, để Chúa dắt đi trong vùng ánh sáng của Chúa. Mỗi ngày trong đời con, là mỗi chặng đường con sẵn sàng bước đi theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Như trong sáng nay, con đã định ở nhà làm chút việc lặt vặt, rồi chiều đến sẽ nhờ một người bạn dắt đi lễ ở nhà thờ Chí Hòa. Thế rồi, một cú điện thoại mời gọi con đến cầu nguyện tại nhà của anh Lượng, lúc ấy, con đã từ chối với lý do là không có người chở. Nhưng, đầu giây bên kia nói rằng sẽ có cha Chí lên chở con đi, con lại càng không dám làm phiền cha Chí. Nhưng rồi chẳng hiểu sao con lại nhận lời sẽ đi... Khi mọi người chia sẻ cho nhau về niềm vui nỗi buồn của họ, vì đây là buổi cầu nguyện tổng kết cuối năm, con định bụng sẽ nói về những việc đã xảy ra với mình trong một tháng trở lại đây... Nhưng Thần Khí Chúa đã thúc đẩy con nói về một đặc ân lớn lao mà Chúa đã ban cho con, đó là câu chuyện “Con mù rồi mới nhìn thấy ánh sáng từ Thập Giá Chúa Ki-tô”! Rồi sau đó cha Chí hỏi con: “Chiều nay thủy đi lễ ở đâu? Có muốn đi lễ ở nhà thờ Tân Dân không?” Thì ra, cha Chí sẽ dâng thánh lễ tại đó vào lúc 5g30 chiều, và cha có nhã ý muốn mời con làm nhân chứng về một người mù được trông thấy... ánh sáng từ Thập Giá Chúa Ki-tô! Chiều nay, trong lúc con và bạn con(một người không tôn giáo) đi bộ từ nhà thờ Tân Dân trở về nhà, con đã nói với bạn con rằng “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi!” Và cả hai chúng con cùng hát vang bài hát này giữa đường phố nhộn nhịp, Chúa cũng nghe thấy mà, phải không?
Lạy Chúa! Chúa đã đặt để cho mỗi người trong chúng con ở những địa vị khác nhau, để mỗi người chúng con làm bổn phận của mình, tùy theo vị trí của mỗi người trong xã hội. Con không có khả năng làm được những việc to lớn, thì xin Chúa hãy cứ dùng con trong những việc bé nhỏ tầm thường nhất mà Chúa muốn. Xin cho con luôn biết lắng nghe, hầu có thể nhận biết được thánh ý Chúa, để con luôn biết sống sao cho xứng đáng là một chi thể của Chúa. Xin cho con biết sống dung hòa với mọi người, để các chi thể của Chúa, bao gồm trong đó có con, được trở nên hiệp nhất trong một thân thể của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa nhé!
“Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.”
(Trích thư Cô-rin-tô I: 12, 27-29)
Lạy Chúa! Con vui sướng vì được là một trong những chi thể của Chúa! Con hiểu rằng Chúa muốn con thực hiện bổn phận của chi thể đó, để làm cho cả thân thể của Chúa được trở nên hoạt động một cách tích cực và sinh nhiều ích lợi. Dẫu thân con chỉ là một người mù vô dụng, song Chúa vẫn sử dụng con như một công cụ đắc lực của Chúa. Chúa mời gọi con hợp tác với Chúa dù là công năng của con thật là bé nhỏ, Chúa vẫn cho con cơ hội góp phần vào công trình cứu độ của Chúa.
Vậy thì, Chúa ơi, con chỉ biết ngả mình vào vòng tay của Chúa, để Chúa dắt đi trong vùng ánh sáng của Chúa. Mỗi ngày trong đời con, là mỗi chặng đường con sẵn sàng bước đi theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Như trong sáng nay, con đã định ở nhà làm chút việc lặt vặt, rồi chiều đến sẽ nhờ một người bạn dắt đi lễ ở nhà thờ Chí Hòa. Thế rồi, một cú điện thoại mời gọi con đến cầu nguyện tại nhà của anh Lượng, lúc ấy, con đã từ chối với lý do là không có người chở. Nhưng, đầu giây bên kia nói rằng sẽ có cha Chí lên chở con đi, con lại càng không dám làm phiền cha Chí. Nhưng rồi chẳng hiểu sao con lại nhận lời sẽ đi... Khi mọi người chia sẻ cho nhau về niềm vui nỗi buồn của họ, vì đây là buổi cầu nguyện tổng kết cuối năm, con định bụng sẽ nói về những việc đã xảy ra với mình trong một tháng trở lại đây... Nhưng Thần Khí Chúa đã thúc đẩy con nói về một đặc ân lớn lao mà Chúa đã ban cho con, đó là câu chuyện “Con mù rồi mới nhìn thấy ánh sáng từ Thập Giá Chúa Ki-tô”! Rồi sau đó cha Chí hỏi con: “Chiều nay thủy đi lễ ở đâu? Có muốn đi lễ ở nhà thờ Tân Dân không?” Thì ra, cha Chí sẽ dâng thánh lễ tại đó vào lúc 5g30 chiều, và cha có nhã ý muốn mời con làm nhân chứng về một người mù được trông thấy... ánh sáng từ Thập Giá Chúa Ki-tô! Chiều nay, trong lúc con và bạn con(một người không tôn giáo) đi bộ từ nhà thờ Tân Dân trở về nhà, con đã nói với bạn con rằng “Thần Khí Chúa đã sai tôi đi!” Và cả hai chúng con cùng hát vang bài hát này giữa đường phố nhộn nhịp, Chúa cũng nghe thấy mà, phải không?
Lạy Chúa! Chúa đã đặt để cho mỗi người trong chúng con ở những địa vị khác nhau, để mỗi người chúng con làm bổn phận của mình, tùy theo vị trí của mỗi người trong xã hội. Con không có khả năng làm được những việc to lớn, thì xin Chúa hãy cứ dùng con trong những việc bé nhỏ tầm thường nhất mà Chúa muốn. Xin cho con luôn biết lắng nghe, hầu có thể nhận biết được thánh ý Chúa, để con luôn biết sống sao cho xứng đáng là một chi thể của Chúa. Xin cho con biết sống dung hòa với mọi người, để các chi thể của Chúa, bao gồm trong đó có con, được trở nên hiệp nhất trong một thân thể của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa nhé!
CÚ NGÃ NGỰA THẦN KỲ
25/1/2013
"Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi : 'Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?' Tôi đáp : 'Thưa Ngài, Ngài là ai?' Người nói với tôi : 'Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.' Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói : 'Lạy Chúa, con phải làm gì ?' Chúa bảo tôi : 'Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.'”
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 22, 6-10)
Câu chuyện đời tôi không dám sánh ví với câu chuyện của thánh Phao-lô tông-đồ, tuy nhiên, xét về một mặt nào đó, có vẻ cách Chúa đã gọi ông Phao-lô giống với cách Chúa đã gọi tôi chăng? Ngay giữa tuổi xuân còn đang phơi phới, Chúa đã gọi tôi bằng một cú ngã ngựa. Phải, tôi gọi đó là cú ngã ngựa, vì vừa mới bước vào tuổi mười bảy, tôi đã choáng váng nhận bản án chung thân cho đời mình: Bệnh tiểu đường type I và có nguy cơ bị mù cả hai mắt. Tôi gọi là cú ngã ngựa, vì chính trong lúc tôi đang trẻ khỏe, chính trong lúc tôi đang tự tin vào sức mạnh của trí tuệ mình, thì cũng là lúc tôi biết mình phải chấp nhận mọi sự gãy đổ có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào! Và rồi nó xảy đến khi đôi mắt tôi không còn thấy chút ánh sáng nào nữa. Trong khoảng thời gian đó, có lúc tôi đã hỏi Chúa:
“Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa đang muốn ở con điều gì?”
Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa nói với mình, chỉ biết rằng trong suốt tám năm liền tôi an phận sống như một người vú em ở ngay trong gia đình mình. Tôi trông coi chăm sóc những đứa cháu nhỏ với tất cả sự nhiệt tình của tôi. Cho đến lúc bệnh tật khiến tôi không thể làm gì được nữa, thì tự nhiên Chúa dẫn tôi ra khỏi nhà... Tôi nói thế, vì, rõ ràng như có ai đó dắt tôi đi xuyên qua vùng bóng tối, để rồi một ngày tôi nhận ra ánh sáng chói chang niềm hy vọng. Đó là ánh sáng của niềm tin vào Thập Giá Chúa Ki-tô, niềm tin đó đã giúp tôi dễ dàng vượt qua mọi khổ đau. Niềm tin đó đã khiến tôi chấp nhận những đau khổ ở đời, như là tôi đang hái lấy những bông hồng đầy gai trong vườn nhà mình vậy!
Kể từ đó, tôi như nghe thấy tiếng Chúa nói với mình:
“Hãy đứng dậy, đi theo Ta! Ta sẽ chỉ cho con biết con phải làm gì!”
Những lúc tôi nhận ra Chúa dắt mình đi, là những lúc tôi tìm đến với một người nào đó đang khi tuyệt vọng, là những lúc tôi chia sẻ với ai đó về niềm vui “tôi có Chúa ở cùng”, là những lúc tôi ngồi viết ra những dòng suy nghĩ của mình với sự hiện diện của Chúa thánh Thần... để rồi những gì tôi gặp gỡ, những gì tôi chia sẻ, những gì tôi tỏ bày trở nên những chứng tá giữa đời. Chúa dắt tôi đi chẳng theo một lộ trình nhất định nào cả! Chỉ khi tôi nhìn lại sự việc đã qua, tôi mới nhận ra mọi sự đều có bàn tay can thiệp của Chúa!
Lạy thánh Phao-lô Tông-đồ! Ngày xưa, trên đường vào đa-mát, ngài đã bị ngã ngựa bởi sự can thiệp của Chúa, để rồi ngài đã trở nên một vị thánh tông-đồ nhiệt thành của Chúa. Xin ngài cầu bầu cho con trước tòa Chúa, để con cũng có được lòng mến nhiệt thành như ngài.
Lạy Chúa! Chúa là người cầm cương bẻ lái, Chúa đã để cho một đứa con gái bướng bỉnh như con phải ngã ngựa, vì Chúa muốn con hoàn toàn tuân phục Chúa. Vâng, Con hiểu đó là điều Chúa muốn ở con. Xin Chúa hãy dắt con đi theo đường lối của Chúa, để cho con luôn hái được những bông hoa hồng gai đỏ thắm đậm tình yêu của Chúa. Xin cho con trở nên hăng say nhiệt tình làm tông-đồ cho Chúa giữa cuộc đời này, Chúa nhé!
"Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi : 'Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?' Tôi đáp : 'Thưa Ngài, Ngài là ai?' Người nói với tôi : 'Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.' Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói : 'Lạy Chúa, con phải làm gì ?' Chúa bảo tôi : 'Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.'”
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 22, 6-10)
Câu chuyện đời tôi không dám sánh ví với câu chuyện của thánh Phao-lô tông-đồ, tuy nhiên, xét về một mặt nào đó, có vẻ cách Chúa đã gọi ông Phao-lô giống với cách Chúa đã gọi tôi chăng? Ngay giữa tuổi xuân còn đang phơi phới, Chúa đã gọi tôi bằng một cú ngã ngựa. Phải, tôi gọi đó là cú ngã ngựa, vì vừa mới bước vào tuổi mười bảy, tôi đã choáng váng nhận bản án chung thân cho đời mình: Bệnh tiểu đường type I và có nguy cơ bị mù cả hai mắt. Tôi gọi là cú ngã ngựa, vì chính trong lúc tôi đang trẻ khỏe, chính trong lúc tôi đang tự tin vào sức mạnh của trí tuệ mình, thì cũng là lúc tôi biết mình phải chấp nhận mọi sự gãy đổ có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào! Và rồi nó xảy đến khi đôi mắt tôi không còn thấy chút ánh sáng nào nữa. Trong khoảng thời gian đó, có lúc tôi đã hỏi Chúa:
“Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa đang muốn ở con điều gì?”
Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa nói với mình, chỉ biết rằng trong suốt tám năm liền tôi an phận sống như một người vú em ở ngay trong gia đình mình. Tôi trông coi chăm sóc những đứa cháu nhỏ với tất cả sự nhiệt tình của tôi. Cho đến lúc bệnh tật khiến tôi không thể làm gì được nữa, thì tự nhiên Chúa dẫn tôi ra khỏi nhà... Tôi nói thế, vì, rõ ràng như có ai đó dắt tôi đi xuyên qua vùng bóng tối, để rồi một ngày tôi nhận ra ánh sáng chói chang niềm hy vọng. Đó là ánh sáng của niềm tin vào Thập Giá Chúa Ki-tô, niềm tin đó đã giúp tôi dễ dàng vượt qua mọi khổ đau. Niềm tin đó đã khiến tôi chấp nhận những đau khổ ở đời, như là tôi đang hái lấy những bông hồng đầy gai trong vườn nhà mình vậy!
Kể từ đó, tôi như nghe thấy tiếng Chúa nói với mình:
“Hãy đứng dậy, đi theo Ta! Ta sẽ chỉ cho con biết con phải làm gì!”
Những lúc tôi nhận ra Chúa dắt mình đi, là những lúc tôi tìm đến với một người nào đó đang khi tuyệt vọng, là những lúc tôi chia sẻ với ai đó về niềm vui “tôi có Chúa ở cùng”, là những lúc tôi ngồi viết ra những dòng suy nghĩ của mình với sự hiện diện của Chúa thánh Thần... để rồi những gì tôi gặp gỡ, những gì tôi chia sẻ, những gì tôi tỏ bày trở nên những chứng tá giữa đời. Chúa dắt tôi đi chẳng theo một lộ trình nhất định nào cả! Chỉ khi tôi nhìn lại sự việc đã qua, tôi mới nhận ra mọi sự đều có bàn tay can thiệp của Chúa!
Lạy thánh Phao-lô Tông-đồ! Ngày xưa, trên đường vào đa-mát, ngài đã bị ngã ngựa bởi sự can thiệp của Chúa, để rồi ngài đã trở nên một vị thánh tông-đồ nhiệt thành của Chúa. Xin ngài cầu bầu cho con trước tòa Chúa, để con cũng có được lòng mến nhiệt thành như ngài.
Lạy Chúa! Chúa là người cầm cương bẻ lái, Chúa đã để cho một đứa con gái bướng bỉnh như con phải ngã ngựa, vì Chúa muốn con hoàn toàn tuân phục Chúa. Vâng, Con hiểu đó là điều Chúa muốn ở con. Xin Chúa hãy dắt con đi theo đường lối của Chúa, để cho con luôn hái được những bông hoa hồng gai đỏ thắm đậm tình yêu của Chúa. Xin cho con trở nên hăng say nhiệt tình làm tông-đồ cho Chúa giữa cuộc đời này, Chúa nhé!
THƯ GỞI CHÚA HÀI ĐỒNG
Mến gởi Chúa Hài Đồng Giê-su!
Con đọc Kinh Thánh biết Chúa sinh ra ở Bê-lem vào một đêm đông tuyết phủ đầy đồng, con cảm thấy thương Chúa quá chừng, Chúa ơi! Con viết thư này để bày tỏ sự cảm thông của con đối với Chúa.
Con nghe các thánh sử kể lại rằng: Đêm ấy, Thánh Giu-se và Mẹ Maria bị các chủ quán trọ từ chối, nên đã phải tìm đến trú đêm trong một hang đá tiêu sơ. Cái hang đá đó được các trẻ mục đồng dùng làm nơi trú tạm cho chiên bò. Eo ôi! Mới nghĩ đến thôi, con cũng đã thấy gớm rồi, chắc là ở đó hôi hám lắm, con đoán vậy! Ngày xưa, lúc còn là một cô bé, con từng đi làm ruộng với bố và chị gái. Con đã trải qua những giấc ngủ trưa trong một túp lều tranh dựng tạm giữa đồng. Sau nhiều giờ đồng hồ khom lưng cấy lúa, được ngả mình trên một khúc rễ cây đánh một giấc mới thật là ngon làm sao! Khúc rễ cây to lớn gân guốc thoạt đầu làm cho con cảm thấy cấn cấn đau đau, nhưng rồi được đặt lưng lên đó, cái cảm giác mỏi nhừ ở lưng dần tiêu tán, thật là khoan khoái Chúa ạ! Những ngày tháng làm ruộng rẫy tuy vất vả, song con cũng chưa đến nỗi phải ở một nơi hôi hám như Chúa ngày xưa. Con tưởng tượng ra cái không khí nồng nặc mùi hôi, cái máng cỏ bẩn thỉu nhếch nhác, thế mà Chúa đã phải nằm trên đó nhiều tiếng đồng hồ, làm sao Chúa chịu nổi? Mẹ Maria và thánh Giu-se lúc đó chắc là đau lòng lắm, nhưng biết làm sao hơn! Con tiếp tục tưởng tượng, thì nghe như có tiếng hát trong trẻo của các thiên thần từ trên cao vọng xuống: “...Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm...”. Máng cỏ đã có Chúa ngự rồi thì không còn nhếch nhác nữa, bỗng trở nên tươi sáng lạ thường! Cái hang đá không còn lạnh lẽo hôi hám nữa, bỗng ấm áp hẳn lên! Và, trong con bỗng sáng lên niềm hy vọng. Con hy vọng rằng: Chúa đã từng sinh ra trong thân phận một em bé nghèo khổ, Chúa cũng được nuôi dưỡng để lớn lên bởi bàn tay của một người mẹ như bao em bé khác, Chúa sẽ rất hiểu trẻ em chúng con nghĩ gì và mong muốn những gì; hẳn là, Chúa sẽ đoái thương một cách đặc biệt đến các trẻ em này.
Hôm nay con viết thư cũng là để kể cho Chúa nghe về những điều đang làm con trăn trở. Con muốn tỏ bày với Chúa những nỗi lo lắng cho một thế hệ tương lai ở đất nước Việt Nam của con.
Chúa ơi! Thuở nhỏ của Chúa, có bao giờ thầy giáo của Chúa lại dạy Chúa phải cho bạn cọp-py bài tập; hay là, có thầy giáo nào xúi Chúa, lỡ không thuộc bài thì nhìn bài của bạn không? Vậy mà bây giờ trẻ con ở Sài Gòn này lại được thầy giáo của chúng dạy cho như thế đấy! Có nhiều chuyện người lớn không thể giải thích cho trẻ con hiểu, chẳng hạn những nỗi bất công như kẻ ăn hối lộ thì được bênh vực, còn người chống tham nhũng lại phải ở tù.
Có chuyện một nữ sinh lớp Bốn bị cô Hiệu phó tát tai ngay giữa lớp học , chỉ vì một món nợ 6.000 đồng. Chắc Chúa đang sốt ruột muốn biết chuyện gì đã xảy ra phải không? Chuyện xảy ra là vì em này bỏ quên sách bài tập toán ở nhà, sợ bị thầy giáo phạt nên em đã mua chịu sách tại cửa hàng của cô hiệu phó. Con nghe người ta nói, vị hiệu phó này sau đó mấy ngày không thấy cô bé trả nợ, đã tức tối vào lớp tìm con nợ. Em nữ sinh đó chưa kịp nói gì, thì đã bị cô hiệu phó cho một cái tát tai như trời giáng... Làm sao các thầy cô ở đó có thể dạy cho học trò của họ về lòng nhân ái?
Những chuyện đại loại như thế, người ta có thể bỏ qua; vậy nhưng, người ta lại đi xét nét những chuyện nhỏ nhặt một cách nực cười. Hôm nọ, anh rể con đến trường của con gái, xin phép cho con anh ấy nghỉ học mấy ngày, vì ông ngoại của cháu qua đời. Nhà trường đòi anh phải xuất trình “chứng minh thư”, nếu không thì phải có “hộ khẩu” để chứng minh anh đúng là phụ huynh của học sinh này. Sau khi xem xét lý do trong đơn, người ta lại đòi anh phải có giấy chứng tử của người đã chết thì mới nhận đơn, nếu không con gái anh ấy phải chịu trừ mất 0.25 điểm hạnh kiểm. Nhà trường này khá là độc đáo phải không Chúa? Có một cô giáo còn độc đáo hơn thế, Chúa ạ! Con có dịp ngồi uống cafe ở một quán cóc đối diện với một trường tiểu học, vừa nhấm nháp từng giọt cafe, con vừa lắng nghe cuộc đối thoại giữa cô giáo và các em học sinh một cách chăm chú. Đó là một cuộc đố vui, được tổ chức cho học sinh lớp năm vào buổi sinh hoạt dưới cờ. Một em nam sinh cầm mi-crô đố các bạn:
-Ở trên bàn có 4 lon nước ngọt và 4 quả bóng. Có tất cả 5 bạn học sinh, hỏi 5 bạn này sẽ xử lý thế nào?
Tiếng học sinh nhao nhao trả lời. Có một bạn đưa ra giải pháp như sau:
-Bóng thì chơi chung, Còn nước ngọt thì khui ra đổ vào một cái bình, sau đó rót đều ra 5 cái ly. Thế là tất cả đều vui vẻ!
Bạn nam sinh đã đặt ra câu hỏi liền phán:
-Sai!
Mọi người nhao nhao lên như đàn ong vỡ tổ:
-Cho đáp án đi! Cho đáp án đi!
Chủ xị mới thong dong trả lời:
-Xử mất một thằng!
Cô giáo tiếp lời:
-Vậy là mấy bạn đó xử nhau trước, còn lại 4 bạn, mỗi bạn 1 trái bóng và 1 chai nước ngọt. Các em cho bạn một tràng pháo tay nào!
Chúa ơi! Chúa có thấy ở đâu người ta ủng hộ trẻ con làm như vậy không hở?
Xét cho cùng, thì trẻ con bây giờ cũng quá ư là ranh mãnh. Có chuyện phải xuất trình “chứng minh thư” khi xin phép cho con gái nghỉ học, vì đã từng có những học sinh mướn tài xế “Honda ôm” giả làm phụ huynh để vào trường xin phép cho chúng nghỉ học. Có chuyện “xử một thằng” để chia cho trọn một chai nước ngọt, bởi bọn trẻ bây giờ thường vin vào câu “Mình không vì mình thì trời tru đất diệt.” Câu này đang rất thịnh hành trong giới trẻ. Các bạn trẻ dùng lý lẽ ấy để biện minh cho tính ích kỷ của bản thân.
Chưa hết, nếu Chúa có tò mò vào mạng internet, thì còn ối chuyện khiến Chúa phải đau lòng, Chúa ơi! Cư dân mạng đang xôn xao về vụ một “tú ông” trẻ tuổi bị bắt vì tội dụ dỗ những bé trai 9, 10 tuổi đi khách. Trên báo chí và mạng internet đầy rẫy những thông tin về những vụ giết người, mà thủ phạm còn đang ở độ tuổi vị thành niên. Chúng giết người có khi chỉ vì lý do thấy mặt người đó nhìn “đểu đểu” nên giết vậy thôi! Đó là hậu quả của một nền giáo dục đạo đức quá suy đồi. Con cảm thấy lo sợ cho thế hệ trẻ ở đất nước của con quá, Chúa ơi! Thực tế đang diễn ra chung quanh con rất nhiều chuyện đau lòng có liên quan đến vấn đề giáo dục. Mỗi khi nghe các cháu nhỏ về kể lại cho con nghe những chuyện ở trường của chúng, con thực sự chẳng biết khuyên các cháu thế nào nữa! Trước những thắc mắc của các cháu, con chỉ còn có thể nói “Mai mốt các con lớn lên, cô sẽ giải thích cho các con hiểu...”!
Thư viết cho Chúa Hài Đồng đã quá dài, mà lòng con vẫn còn chất chứa biết bao nỗi niềm. Con như đang nhìn thấy những khuôn mặt rắn đanh vì sương gió và vì đấu tranh sinh tồn của các trẻ em đường phố. Con như nghe thấy tiếng rên khe khẽ của các cụ già đau ốm không người thân chăm sóc, không đồng tiền thuốc thang...
Nhân dịp Giáng Sinh về, con viết thư này khẩn xin Chúa đoái thương đến trẻ em ở đất nước của con. Những đứa trẻ Việt Nam đang phải nằm trong một máng cỏ tanh hôi của nền giáo dục đã quá suy đồi. Xin Chúa đoái thương đặc biệt đến những trẻ em đường phố, những đứa trẻ đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo và đang cần sự chở che. Xin Chúa cũng đoái thương đến những cụ già neo đơn, đang cần những bàn tay chăm sóc và những lời khích lệ ủi an. Con tin rằng, có Chúa rồi thì máng cỏ sẽ không còn tanh hôi nữa, mà sẽ bừng sáng lên niềm hy vọng.
Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su! Xin cho chúng con được trở nên như Chúa Hài Đồng trong máng cỏ năm xưa, để chúng con có được tâm hồn đơn sơ khó nghèo, mà vui sống trong sự bình an của Chúa luôn mãi, Chúa nhé!
NOEL 2012
Con đọc Kinh Thánh biết Chúa sinh ra ở Bê-lem vào một đêm đông tuyết phủ đầy đồng, con cảm thấy thương Chúa quá chừng, Chúa ơi! Con viết thư này để bày tỏ sự cảm thông của con đối với Chúa.
Con nghe các thánh sử kể lại rằng: Đêm ấy, Thánh Giu-se và Mẹ Maria bị các chủ quán trọ từ chối, nên đã phải tìm đến trú đêm trong một hang đá tiêu sơ. Cái hang đá đó được các trẻ mục đồng dùng làm nơi trú tạm cho chiên bò. Eo ôi! Mới nghĩ đến thôi, con cũng đã thấy gớm rồi, chắc là ở đó hôi hám lắm, con đoán vậy! Ngày xưa, lúc còn là một cô bé, con từng đi làm ruộng với bố và chị gái. Con đã trải qua những giấc ngủ trưa trong một túp lều tranh dựng tạm giữa đồng. Sau nhiều giờ đồng hồ khom lưng cấy lúa, được ngả mình trên một khúc rễ cây đánh một giấc mới thật là ngon làm sao! Khúc rễ cây to lớn gân guốc thoạt đầu làm cho con cảm thấy cấn cấn đau đau, nhưng rồi được đặt lưng lên đó, cái cảm giác mỏi nhừ ở lưng dần tiêu tán, thật là khoan khoái Chúa ạ! Những ngày tháng làm ruộng rẫy tuy vất vả, song con cũng chưa đến nỗi phải ở một nơi hôi hám như Chúa ngày xưa. Con tưởng tượng ra cái không khí nồng nặc mùi hôi, cái máng cỏ bẩn thỉu nhếch nhác, thế mà Chúa đã phải nằm trên đó nhiều tiếng đồng hồ, làm sao Chúa chịu nổi? Mẹ Maria và thánh Giu-se lúc đó chắc là đau lòng lắm, nhưng biết làm sao hơn! Con tiếp tục tưởng tượng, thì nghe như có tiếng hát trong trẻo của các thiên thần từ trên cao vọng xuống: “...Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm...”. Máng cỏ đã có Chúa ngự rồi thì không còn nhếch nhác nữa, bỗng trở nên tươi sáng lạ thường! Cái hang đá không còn lạnh lẽo hôi hám nữa, bỗng ấm áp hẳn lên! Và, trong con bỗng sáng lên niềm hy vọng. Con hy vọng rằng: Chúa đã từng sinh ra trong thân phận một em bé nghèo khổ, Chúa cũng được nuôi dưỡng để lớn lên bởi bàn tay của một người mẹ như bao em bé khác, Chúa sẽ rất hiểu trẻ em chúng con nghĩ gì và mong muốn những gì; hẳn là, Chúa sẽ đoái thương một cách đặc biệt đến các trẻ em này.
Hôm nay con viết thư cũng là để kể cho Chúa nghe về những điều đang làm con trăn trở. Con muốn tỏ bày với Chúa những nỗi lo lắng cho một thế hệ tương lai ở đất nước Việt Nam của con.
Chúa ơi! Thuở nhỏ của Chúa, có bao giờ thầy giáo của Chúa lại dạy Chúa phải cho bạn cọp-py bài tập; hay là, có thầy giáo nào xúi Chúa, lỡ không thuộc bài thì nhìn bài của bạn không? Vậy mà bây giờ trẻ con ở Sài Gòn này lại được thầy giáo của chúng dạy cho như thế đấy! Có nhiều chuyện người lớn không thể giải thích cho trẻ con hiểu, chẳng hạn những nỗi bất công như kẻ ăn hối lộ thì được bênh vực, còn người chống tham nhũng lại phải ở tù.
Có chuyện một nữ sinh lớp Bốn bị cô Hiệu phó tát tai ngay giữa lớp học , chỉ vì một món nợ 6.000 đồng. Chắc Chúa đang sốt ruột muốn biết chuyện gì đã xảy ra phải không? Chuyện xảy ra là vì em này bỏ quên sách bài tập toán ở nhà, sợ bị thầy giáo phạt nên em đã mua chịu sách tại cửa hàng của cô hiệu phó. Con nghe người ta nói, vị hiệu phó này sau đó mấy ngày không thấy cô bé trả nợ, đã tức tối vào lớp tìm con nợ. Em nữ sinh đó chưa kịp nói gì, thì đã bị cô hiệu phó cho một cái tát tai như trời giáng... Làm sao các thầy cô ở đó có thể dạy cho học trò của họ về lòng nhân ái?
Những chuyện đại loại như thế, người ta có thể bỏ qua; vậy nhưng, người ta lại đi xét nét những chuyện nhỏ nhặt một cách nực cười. Hôm nọ, anh rể con đến trường của con gái, xin phép cho con anh ấy nghỉ học mấy ngày, vì ông ngoại của cháu qua đời. Nhà trường đòi anh phải xuất trình “chứng minh thư”, nếu không thì phải có “hộ khẩu” để chứng minh anh đúng là phụ huynh của học sinh này. Sau khi xem xét lý do trong đơn, người ta lại đòi anh phải có giấy chứng tử của người đã chết thì mới nhận đơn, nếu không con gái anh ấy phải chịu trừ mất 0.25 điểm hạnh kiểm. Nhà trường này khá là độc đáo phải không Chúa? Có một cô giáo còn độc đáo hơn thế, Chúa ạ! Con có dịp ngồi uống cafe ở một quán cóc đối diện với một trường tiểu học, vừa nhấm nháp từng giọt cafe, con vừa lắng nghe cuộc đối thoại giữa cô giáo và các em học sinh một cách chăm chú. Đó là một cuộc đố vui, được tổ chức cho học sinh lớp năm vào buổi sinh hoạt dưới cờ. Một em nam sinh cầm mi-crô đố các bạn:
-Ở trên bàn có 4 lon nước ngọt và 4 quả bóng. Có tất cả 5 bạn học sinh, hỏi 5 bạn này sẽ xử lý thế nào?
Tiếng học sinh nhao nhao trả lời. Có một bạn đưa ra giải pháp như sau:
-Bóng thì chơi chung, Còn nước ngọt thì khui ra đổ vào một cái bình, sau đó rót đều ra 5 cái ly. Thế là tất cả đều vui vẻ!
Bạn nam sinh đã đặt ra câu hỏi liền phán:
-Sai!
Mọi người nhao nhao lên như đàn ong vỡ tổ:
-Cho đáp án đi! Cho đáp án đi!
Chủ xị mới thong dong trả lời:
-Xử mất một thằng!
Cô giáo tiếp lời:
-Vậy là mấy bạn đó xử nhau trước, còn lại 4 bạn, mỗi bạn 1 trái bóng và 1 chai nước ngọt. Các em cho bạn một tràng pháo tay nào!
Chúa ơi! Chúa có thấy ở đâu người ta ủng hộ trẻ con làm như vậy không hở?
Xét cho cùng, thì trẻ con bây giờ cũng quá ư là ranh mãnh. Có chuyện phải xuất trình “chứng minh thư” khi xin phép cho con gái nghỉ học, vì đã từng có những học sinh mướn tài xế “Honda ôm” giả làm phụ huynh để vào trường xin phép cho chúng nghỉ học. Có chuyện “xử một thằng” để chia cho trọn một chai nước ngọt, bởi bọn trẻ bây giờ thường vin vào câu “Mình không vì mình thì trời tru đất diệt.” Câu này đang rất thịnh hành trong giới trẻ. Các bạn trẻ dùng lý lẽ ấy để biện minh cho tính ích kỷ của bản thân.
Chưa hết, nếu Chúa có tò mò vào mạng internet, thì còn ối chuyện khiến Chúa phải đau lòng, Chúa ơi! Cư dân mạng đang xôn xao về vụ một “tú ông” trẻ tuổi bị bắt vì tội dụ dỗ những bé trai 9, 10 tuổi đi khách. Trên báo chí và mạng internet đầy rẫy những thông tin về những vụ giết người, mà thủ phạm còn đang ở độ tuổi vị thành niên. Chúng giết người có khi chỉ vì lý do thấy mặt người đó nhìn “đểu đểu” nên giết vậy thôi! Đó là hậu quả của một nền giáo dục đạo đức quá suy đồi. Con cảm thấy lo sợ cho thế hệ trẻ ở đất nước của con quá, Chúa ơi! Thực tế đang diễn ra chung quanh con rất nhiều chuyện đau lòng có liên quan đến vấn đề giáo dục. Mỗi khi nghe các cháu nhỏ về kể lại cho con nghe những chuyện ở trường của chúng, con thực sự chẳng biết khuyên các cháu thế nào nữa! Trước những thắc mắc của các cháu, con chỉ còn có thể nói “Mai mốt các con lớn lên, cô sẽ giải thích cho các con hiểu...”!
Thư viết cho Chúa Hài Đồng đã quá dài, mà lòng con vẫn còn chất chứa biết bao nỗi niềm. Con như đang nhìn thấy những khuôn mặt rắn đanh vì sương gió và vì đấu tranh sinh tồn của các trẻ em đường phố. Con như nghe thấy tiếng rên khe khẽ của các cụ già đau ốm không người thân chăm sóc, không đồng tiền thuốc thang...
Nhân dịp Giáng Sinh về, con viết thư này khẩn xin Chúa đoái thương đến trẻ em ở đất nước của con. Những đứa trẻ Việt Nam đang phải nằm trong một máng cỏ tanh hôi của nền giáo dục đã quá suy đồi. Xin Chúa đoái thương đặc biệt đến những trẻ em đường phố, những đứa trẻ đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo và đang cần sự chở che. Xin Chúa cũng đoái thương đến những cụ già neo đơn, đang cần những bàn tay chăm sóc và những lời khích lệ ủi an. Con tin rằng, có Chúa rồi thì máng cỏ sẽ không còn tanh hôi nữa, mà sẽ bừng sáng lên niềm hy vọng.
Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su! Xin cho chúng con được trở nên như Chúa Hài Đồng trong máng cỏ năm xưa, để chúng con có được tâm hồn đơn sơ khó nghèo, mà vui sống trong sự bình an của Chúa luôn mãi, Chúa nhé!
NOEL 2012
Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013
NGHĨ VỀ NGƯỜI ĐANG AN NGHỈ TRONG BỤI ĐẤT
18/11/2012
"Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.”
(Trích sach Đa-ni-en: 12, 2)
Đọc câu Thánh Kinh này, con nhớ đến bố con thật nhiều! Giờ này ông đã là một trong số những kẻ đang an nghỉ trong bụi đất, không biết ông đã gặp Chúa chưa? Theo lời ngôn sứ Đa-ni-en, con vững tin rằng ““nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.” Nhìn vào đời sống gương mẫu của ông trong gia đình, con rất hy vọng ông sẽ sớm được gặp Chúa. Con nhớ lại câu chuyện của bố con, lúc ông tỉnh dậy, sau một ca mổ mà ai ai cũng tưởng rằng ông đã cầm chắc cái chết: “Lúc đó, bố mơ mơ màng màng không biết mình đi đâu! Chẳng lẽ mình chết rồi? Mà chết rồi sao lại không được gặp Chúa? Bố đập mạnh cánh tay thì nghe những tiếng kêu lanh canh phát ra, bấy giờ mới biết mình còn sống.” Nghe bố con kể câu chuyện, con rất hiểu bố, vì cả đời ông đã luôn chuẩn bị cho cái giây phút được đến trình diện trước Chúa. Ngay từ khi ông còn rất trẻ, con đã nhận thấy điều đó trong nếp sống của ông.
Lạy Chúa! Xin mau chóng đưa bố của con đến gặp Chúa Cha, để bố con thỏa lòng trông đợi đã bao năm trường. Xin cho các linh hồn những kẻcòn đang an nghỉ trong bụi đất được trỗi dậy, để họ cũng được hưởng phúc trường sinh, Chúa nhé!
Vài dòng tâm sự với bố,
Hôm nay vừa đúng tuần bách nhật, bố đã gặp Chúa chưa? Bố không còn ở với chúng con để mà cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Con nhớ những buổi tối nhà ta tụ tập đông đủ, bố mẹ, con cháu và cả cháu cố nữa, bên nhau mừng lễ Giáng sinh, Phục sinh... Con nhớ giọng nói toát ra niềm vui của bố, trong buổi tiệc chúng con tổ chức mừng thọ cho bố, mặc dù bố vừa trải qua những ca mổ đau đớn, con biết bố hạnh phúc vì con cháu vui vầy... Bố không còn ở với chúng con để mà lo cái nỗi lo nhà cửa bị hư hỏng, để mà lo cái nỗi lo vì con cháu lười biếng đọc kinh xem lễ... Con đã hứa thay bố giục giã các cháu, và con đang cố làm điều đó. Nhưng mà khó quá, vì ngay bản thân con thấy mình cũng chưa xứng đáng trong cái vai trò ấy. Lát nữa đây, cả nhà mình sẽ lên xe về nhà tổ, nơi chúng con đã được sinh ra và lớn lên, nơi có biết bao kỷ niệm về một thời thơ ấu con còn có bố. Bố đã truyền cho con một niềm tin phó thác vào Thiên Chúa, dù rằng con đã phải trải qua biết bao thử thách... Nhưng mỗi khi nhớ lại, con vẫn cảm thấy lòng đầy hạnh phúc, vì nhờ sự nghiêm khắc của bố mà con có ngày hôm nay... Nước mắt con đã ràn rụa trên má. Chẳng biết bố có nhìn thấy khuôn mặt của con lúc này không? Hãy phù hộ cho chúng con, bố nhé!
"Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.”
(Trích sach Đa-ni-en: 12, 2)
Đọc câu Thánh Kinh này, con nhớ đến bố con thật nhiều! Giờ này ông đã là một trong số những kẻ đang an nghỉ trong bụi đất, không biết ông đã gặp Chúa chưa? Theo lời ngôn sứ Đa-ni-en, con vững tin rằng ““nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời.” Nhìn vào đời sống gương mẫu của ông trong gia đình, con rất hy vọng ông sẽ sớm được gặp Chúa. Con nhớ lại câu chuyện của bố con, lúc ông tỉnh dậy, sau một ca mổ mà ai ai cũng tưởng rằng ông đã cầm chắc cái chết: “Lúc đó, bố mơ mơ màng màng không biết mình đi đâu! Chẳng lẽ mình chết rồi? Mà chết rồi sao lại không được gặp Chúa? Bố đập mạnh cánh tay thì nghe những tiếng kêu lanh canh phát ra, bấy giờ mới biết mình còn sống.” Nghe bố con kể câu chuyện, con rất hiểu bố, vì cả đời ông đã luôn chuẩn bị cho cái giây phút được đến trình diện trước Chúa. Ngay từ khi ông còn rất trẻ, con đã nhận thấy điều đó trong nếp sống của ông.
Lạy Chúa! Xin mau chóng đưa bố của con đến gặp Chúa Cha, để bố con thỏa lòng trông đợi đã bao năm trường. Xin cho các linh hồn những kẻcòn đang an nghỉ trong bụi đất được trỗi dậy, để họ cũng được hưởng phúc trường sinh, Chúa nhé!
Vài dòng tâm sự với bố,
Hôm nay vừa đúng tuần bách nhật, bố đã gặp Chúa chưa? Bố không còn ở với chúng con để mà cùng nhau chia sẻ ngọt bùi. Con nhớ những buổi tối nhà ta tụ tập đông đủ, bố mẹ, con cháu và cả cháu cố nữa, bên nhau mừng lễ Giáng sinh, Phục sinh... Con nhớ giọng nói toát ra niềm vui của bố, trong buổi tiệc chúng con tổ chức mừng thọ cho bố, mặc dù bố vừa trải qua những ca mổ đau đớn, con biết bố hạnh phúc vì con cháu vui vầy... Bố không còn ở với chúng con để mà lo cái nỗi lo nhà cửa bị hư hỏng, để mà lo cái nỗi lo vì con cháu lười biếng đọc kinh xem lễ... Con đã hứa thay bố giục giã các cháu, và con đang cố làm điều đó. Nhưng mà khó quá, vì ngay bản thân con thấy mình cũng chưa xứng đáng trong cái vai trò ấy. Lát nữa đây, cả nhà mình sẽ lên xe về nhà tổ, nơi chúng con đã được sinh ra và lớn lên, nơi có biết bao kỷ niệm về một thời thơ ấu con còn có bố. Bố đã truyền cho con một niềm tin phó thác vào Thiên Chúa, dù rằng con đã phải trải qua biết bao thử thách... Nhưng mỗi khi nhớ lại, con vẫn cảm thấy lòng đầy hạnh phúc, vì nhờ sự nghiêm khắc của bố mà con có ngày hôm nay... Nước mắt con đã ràn rụa trên má. Chẳng biết bố có nhìn thấy khuôn mặt của con lúc này không? Hãy phù hộ cho chúng con, bố nhé!
GỞI LÒNG EM TỚI BẾN BỜ HẠNH PHÚC...
“Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem,
“Hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,
để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,
như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.”
(Trích sách I-sai-a: 66, 10-11)
Mới 4 giờ sáng mà ở Sài Gòn đã có mưa, mưa thật lớn. Mấy ngày nay bão ở ngoài đại dương, ảnh hưởng làm mưa ở đất liền, nhưng cơn mưa sáng nay thật lớn, tôi chợt lóe lên trong đầu ý tưởng có liên quan đến chị thánh Tê-rê-sa: “Mưa hoa hồng”! Tự nhiên tôi thấy vui vui, hôm nay là ngày lễ thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, phải chăng chị đang xin Chúa cho mưa hoa hồng xuống trần gian? Tôi nghĩ thế và mỉm cười trong bóng tối...
Mấy ngày trước, tôi để ý thấy mưa thường dứt hẳn vào gần lúc chúng tôi đi lễ, nhưng hôm nay mưa quá lớn, không hy vọng gì mưa sẽ ngừng. Tôi nghĩ thầm, chắc Chúa thử thách mình đây, xem thử mình có đến nhà thờ viếng Chúa không đây mà! Quả thật, tôi đã có ý định ngủ nướng, vì người nhà bảo tôi không nhìn thấy gì, sức khỏe lại không được tốt, đi mưa sợ bất tiện, họ khuyên tôi nên ở nhà. Nhưng, tôi nghĩ đến mẫu gương của chị Tê-rê-sa, chị ấy chỉ dâng cho Chúa những hy sinh nhỏ nhặt mà nên thánh... Tôi quyết tâm đến nhà thờ sáng nay, vì nghĩ rằng trời mưa to thế này sẽ rất ít người tham dự thánh lễ. Tôi cũng nghĩ đến thương cho Cha xứ, nếu không có giáo dân, Cha xứ sẽ dâng lễ cô đơn lắm, Chúa cũng cô đơn lắm... Thế là tôi trùm áo mưa quyết đi theo người nhà... Mấy chị em lội bì bõm bám nhau đi, những giọt nước mưa rơi lộp bộp trên áo mưa của tôi. Song tôi không có cảm giác ngán ngẩm như mọi khi, tôi cũng không sợ lạnh như mọi khi, có lẽ tôi đang được chị Tê-rê-sa truyền cho ngọn lửa mến yêu nồng ấm của chị! Lòng tôi hân hoan khi nghe bài đọc I, những lời của tiên tri I-sai-a tưởng chừng như đang nói với chị Tê-rê-sa và với tôi vậy!
“hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.”
Tuy nhiên, chị Tê-rê-sa thì đã hẳn là “được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” rồi; phần tôi, tôi biết mình vẫn còn nhiều thói hư tật xấu cần phải uốn nắn, tôi cần phải học hỏi ở chị Tê-rê-sa nhiều lắm!
Chị Tê-rê-sa ơi! Xin chị hãy nài nỉ Chúa cho mưa hoa hồng xuống trần gian này, cho em và cho mọi người có được tình yêu mến nhiệt thành như chị, để chúng em có thể sống trọn vẹn tình Chúa thương ban, chị nhé!
Sáng nay mưa thật lớn...
Ồ! Có phải những cánh hoa hồng đang rơi?
Chị Tê-rê-sa ơi
Hai chị em mình cùng chơi trò chơi nhé!
Chị ở trên ấy rải hoa rơi
Em ở nơi này chìa tay hứng
Chị đứng trên cao gần Chúa hơn
Em gởi chị cánh hoa lòng em bé nhỏ
Chị lén bỏ vào trong trái tim của |Giê-su giùm em nhé!
Nếu anh Cả có hé mắt tìm em
Thì cũng là công lao của chị đấy.
Em gởi chị mấy dòng thơ
Gởi lòng em tới bến bờ hạnh phúc!
Viết trong ngày mừng kính thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su năm 2012
“Hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,
để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,
như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.”
(Trích sách I-sai-a: 66, 10-11)
Mới 4 giờ sáng mà ở Sài Gòn đã có mưa, mưa thật lớn. Mấy ngày nay bão ở ngoài đại dương, ảnh hưởng làm mưa ở đất liền, nhưng cơn mưa sáng nay thật lớn, tôi chợt lóe lên trong đầu ý tưởng có liên quan đến chị thánh Tê-rê-sa: “Mưa hoa hồng”! Tự nhiên tôi thấy vui vui, hôm nay là ngày lễ thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su, phải chăng chị đang xin Chúa cho mưa hoa hồng xuống trần gian? Tôi nghĩ thế và mỉm cười trong bóng tối...
Mấy ngày trước, tôi để ý thấy mưa thường dứt hẳn vào gần lúc chúng tôi đi lễ, nhưng hôm nay mưa quá lớn, không hy vọng gì mưa sẽ ngừng. Tôi nghĩ thầm, chắc Chúa thử thách mình đây, xem thử mình có đến nhà thờ viếng Chúa không đây mà! Quả thật, tôi đã có ý định ngủ nướng, vì người nhà bảo tôi không nhìn thấy gì, sức khỏe lại không được tốt, đi mưa sợ bất tiện, họ khuyên tôi nên ở nhà. Nhưng, tôi nghĩ đến mẫu gương của chị Tê-rê-sa, chị ấy chỉ dâng cho Chúa những hy sinh nhỏ nhặt mà nên thánh... Tôi quyết tâm đến nhà thờ sáng nay, vì nghĩ rằng trời mưa to thế này sẽ rất ít người tham dự thánh lễ. Tôi cũng nghĩ đến thương cho Cha xứ, nếu không có giáo dân, Cha xứ sẽ dâng lễ cô đơn lắm, Chúa cũng cô đơn lắm... Thế là tôi trùm áo mưa quyết đi theo người nhà... Mấy chị em lội bì bõm bám nhau đi, những giọt nước mưa rơi lộp bộp trên áo mưa của tôi. Song tôi không có cảm giác ngán ngẩm như mọi khi, tôi cũng không sợ lạnh như mọi khi, có lẽ tôi đang được chị Tê-rê-sa truyền cho ngọn lửa mến yêu nồng ấm của chị! Lòng tôi hân hoan khi nghe bài đọc I, những lời của tiên tri I-sai-a tưởng chừng như đang nói với chị Tê-rê-sa và với tôi vậy!
“hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.”
Tuy nhiên, chị Tê-rê-sa thì đã hẳn là “được thỏa thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ” rồi; phần tôi, tôi biết mình vẫn còn nhiều thói hư tật xấu cần phải uốn nắn, tôi cần phải học hỏi ở chị Tê-rê-sa nhiều lắm!
Chị Tê-rê-sa ơi! Xin chị hãy nài nỉ Chúa cho mưa hoa hồng xuống trần gian này, cho em và cho mọi người có được tình yêu mến nhiệt thành như chị, để chúng em có thể sống trọn vẹn tình Chúa thương ban, chị nhé!
Sáng nay mưa thật lớn...
Ồ! Có phải những cánh hoa hồng đang rơi?
Chị Tê-rê-sa ơi
Hai chị em mình cùng chơi trò chơi nhé!
Chị ở trên ấy rải hoa rơi
Em ở nơi này chìa tay hứng
Chị đứng trên cao gần Chúa hơn
Em gởi chị cánh hoa lòng em bé nhỏ
Chị lén bỏ vào trong trái tim của |Giê-su giùm em nhé!
Nếu anh Cả có hé mắt tìm em
Thì cũng là công lao của chị đấy.
Em gởi chị mấy dòng thơ
Gởi lòng em tới bến bờ hạnh phúc!
Viết trong ngày mừng kính thánh Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su năm 2012
TÌNH YÊU & CUỘC SỐNG
Chiều nay tôi được tham dự một thánh lễ đặc biệt tại nhà nguyện nhỏ của mái ấm Thiên Ân, đặc biệt bởi linh mục chủ tế đã sử dụng hai ngôn ngữ trong khi dâng thánh lễ. Lý do cha chủ tế phải dùng hai ngôn ngữ là vì chúng tôi có sự giao lưu với một số học sinh người Úc. Cứ mỗi lần hè về trên đất Úc, cha Nhật lại đưa một nhóm học sinh người Úc sang thăm Việt Nam. Cha nói, cha là người Việt Nam, tên Nhật, quốc tịch Úc. Mặc dù đã xa xứ lâu năm, cha vẫn nói tiếng Việt trôi chảy, tiếng Anh của cha lại còn lưu loát hơn thế nữa. Cha đùa với chúng tôi rằng, các con không nhìn thấy Cha, nên Cha mô tả cho các con rõ, Cha không có mặc áo làm lễ. Ý Cha muốn nói là cha không có mặc áo lễ, chỉ mặc quần tây và áo sơ-mi làm lễ thôi. Đã nhiều lần, Cha dẫn các bạn học sinh “high school” sang thăm Việt Nam, với mục đích cho họ được nhìn thấy những cảnh nghèo khổ, những người không may mắn ở VN, để họ nhận ra họ được nhiều may mắn trong cuộc đời mà trở nên sống hữu ích hơn. Quả là một cách giáo dục lý tưởng mà Cha đã áp dụng cho các bạn trẻ Úc, họ thật hạnh phúc được sống trong môi trường giáo dục như vậy.
Thánh lễ diễn ra bằng hai thứ tiếng xen kẽ nhau, lúc thì tiếng Anh rồi đến tiếng Việt, có lúc lại bằng tiếng Việt rồi mới đến tiếng anh. Tuy vậy, buổi lễ rất khúc chiết và cô đọng. Tôi rất tâm đắc câu nói của cha “We walk to follow Jesus by faith, not by sight”. Trong thánh lễ, Cha cũng nói nhiều về tình yêu của Chúa, tình yêu giữa con người với con người...
Sau thánh lễ chúng tôi dùng bữa tối tại phòng ăn, mặc dù chúng tôi là chủ, song cha Nhật vẫn phân công các bạn Úc dắt chúng tôi đi về phòng ăn. Biết tôi không sống thường xuyên tại mái ấm và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, Cha giao hẳn cho một bạn tên là Amy đi theo để giúp đỡ tôi. Các bạn người Úc rất sôi động, họ đã kịp bắt chước chúng tôi nâng ly rồi đếm bằng tiếng Việt “Một! Hai! Ba!dzô!” trước khi nâng chén. Chúng tôi vừa ăn, vừa hát những bài hát vui, cứ một bài hát tiếng Anh lại được đáp trả bằng một bài hát tiếng Việt. Mọi người ăn xong, cùng nhau dọn dẹp không phân biệt chủ khách. Rồi tất cả chúng tôi quay trở lại hội trường, cùng nhau sinh hoạt vui chơi.
Người bạn Amy vẫn theo sát tôi, cô bé thật dễ thương, quỳ ngay bên cạnh chiếc ghế tôi đang ngồi. Tôi cho cô biết, tôi không thể ngồi xuống đất dễ dàng như mọi người vì hai chân của tôi bị tắc nghẽn tĩnh mạch, và bảo cô lấy một chiếc ghế để ngồi cạnh tôi, song cô bé vẫn vui vẻ cười mà quỳ bên cạnh tôi suốt trong thời gian đó. Bàn tay Amy luôn vuốt ve tay tôi một cách thân thiện trìu mến, cô làm cho tôi rất cảm động vì đã chịu khó ngồi bên cạnh một người tuổi đời gấp ba tuổi đời của cô, trong khi các bạn cô trò chuyện với những người bạn nhỏ tuổi của tôi một cách hào hứng. Amy chỉ rời khỏi tôi mỗi khi cô cùng các bạn có tiết mục hát đáp lại người của mái ấm. Tôi đặc biệt ấn tượng với tiết mục múa đôi của họ, một điệu nhảy có tên là TAP, Amy đã cho tôi biết khi nghe tôi thắc mắc về điệu nhảy lạ này. Amy còn nhiệt tình giới thiệu người bạn của cô với tôi, Pridie, cô gái trong điệu múa đôi vừa rồi. Tôi thắc mắc về những âm thanh lạ tai trong khi họ nhảy điệu TAP, Pridie cho tôi xem đôi giày của cô. Nó cũng như mọi đôi giày bình thường, chỉ khác ở chỗ dưới đế giày và gót giày có dán những miếng sắt, đó là bộ phận phát ra âm thanh lạ tai mà tôi vừa được nghe. Các bạn tôi dường như cũng hưng phấn sau khi nghe những âm thanh của điệu nhảy TAP, họ trình diễn đáp trả bằng một tiết mục Hip-HOP. Tiếng nhạc sôi động và phấn khích, khiến các bạn trẻ người Úc không khỏi ngạc nhiên về tiết mục đầy sức sống của họ.
Buổi giao lưu chắc sẽ còn kéo dài, tôi rất tiếc phải chia tay với họ sớm, vì tài xế của tôi đã tới đón. Tôi ra về với nỗi lòng trăn trở, nền giáo dục của VN thật là còn xa mới với tới được những điều kiện như ở Úc. Tôi lo ngại cho thế hệ trẻ, thế hệ các cháu của tôi có vẻ tương lai mờ mịt làm sao! Tôi thầm cầu xin Chúa lo liệu cho nền giáo dục của nước nhà ngày càng được xã hội quan tâm hơn. Tôi cũng hy vọng sau chuyến đi này các bạn học sinh người Úc sẽ thu lượm được nhiều hoa trái. Cầu chúc họ mọi sự tốt lành trong suốt chuyến đi này!
6/10/2012
Thánh lễ diễn ra bằng hai thứ tiếng xen kẽ nhau, lúc thì tiếng Anh rồi đến tiếng Việt, có lúc lại bằng tiếng Việt rồi mới đến tiếng anh. Tuy vậy, buổi lễ rất khúc chiết và cô đọng. Tôi rất tâm đắc câu nói của cha “We walk to follow Jesus by faith, not by sight”. Trong thánh lễ, Cha cũng nói nhiều về tình yêu của Chúa, tình yêu giữa con người với con người...
Sau thánh lễ chúng tôi dùng bữa tối tại phòng ăn, mặc dù chúng tôi là chủ, song cha Nhật vẫn phân công các bạn Úc dắt chúng tôi đi về phòng ăn. Biết tôi không sống thường xuyên tại mái ấm và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, Cha giao hẳn cho một bạn tên là Amy đi theo để giúp đỡ tôi. Các bạn người Úc rất sôi động, họ đã kịp bắt chước chúng tôi nâng ly rồi đếm bằng tiếng Việt “Một! Hai! Ba!dzô!” trước khi nâng chén. Chúng tôi vừa ăn, vừa hát những bài hát vui, cứ một bài hát tiếng Anh lại được đáp trả bằng một bài hát tiếng Việt. Mọi người ăn xong, cùng nhau dọn dẹp không phân biệt chủ khách. Rồi tất cả chúng tôi quay trở lại hội trường, cùng nhau sinh hoạt vui chơi.
Người bạn Amy vẫn theo sát tôi, cô bé thật dễ thương, quỳ ngay bên cạnh chiếc ghế tôi đang ngồi. Tôi cho cô biết, tôi không thể ngồi xuống đất dễ dàng như mọi người vì hai chân của tôi bị tắc nghẽn tĩnh mạch, và bảo cô lấy một chiếc ghế để ngồi cạnh tôi, song cô bé vẫn vui vẻ cười mà quỳ bên cạnh tôi suốt trong thời gian đó. Bàn tay Amy luôn vuốt ve tay tôi một cách thân thiện trìu mến, cô làm cho tôi rất cảm động vì đã chịu khó ngồi bên cạnh một người tuổi đời gấp ba tuổi đời của cô, trong khi các bạn cô trò chuyện với những người bạn nhỏ tuổi của tôi một cách hào hứng. Amy chỉ rời khỏi tôi mỗi khi cô cùng các bạn có tiết mục hát đáp lại người của mái ấm. Tôi đặc biệt ấn tượng với tiết mục múa đôi của họ, một điệu nhảy có tên là TAP, Amy đã cho tôi biết khi nghe tôi thắc mắc về điệu nhảy lạ này. Amy còn nhiệt tình giới thiệu người bạn của cô với tôi, Pridie, cô gái trong điệu múa đôi vừa rồi. Tôi thắc mắc về những âm thanh lạ tai trong khi họ nhảy điệu TAP, Pridie cho tôi xem đôi giày của cô. Nó cũng như mọi đôi giày bình thường, chỉ khác ở chỗ dưới đế giày và gót giày có dán những miếng sắt, đó là bộ phận phát ra âm thanh lạ tai mà tôi vừa được nghe. Các bạn tôi dường như cũng hưng phấn sau khi nghe những âm thanh của điệu nhảy TAP, họ trình diễn đáp trả bằng một tiết mục Hip-HOP. Tiếng nhạc sôi động và phấn khích, khiến các bạn trẻ người Úc không khỏi ngạc nhiên về tiết mục đầy sức sống của họ.
Buổi giao lưu chắc sẽ còn kéo dài, tôi rất tiếc phải chia tay với họ sớm, vì tài xế của tôi đã tới đón. Tôi ra về với nỗi lòng trăn trở, nền giáo dục của VN thật là còn xa mới với tới được những điều kiện như ở Úc. Tôi lo ngại cho thế hệ trẻ, thế hệ các cháu của tôi có vẻ tương lai mờ mịt làm sao! Tôi thầm cầu xin Chúa lo liệu cho nền giáo dục của nước nhà ngày càng được xã hội quan tâm hơn. Tôi cũng hy vọng sau chuyến đi này các bạn học sinh người Úc sẽ thu lượm được nhiều hoa trái. Cầu chúc họ mọi sự tốt lành trong suốt chuyến đi này!
6/10/2012
THEO MẸ VỀ TRỜI
“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.”
(Trích thư Cô-rin-tô I: 15, 20-23)
Chúa ơi, thế là Chúa đã gọi người cha thân yêu của con về với Chúa, để lại trong lòng con một nỗi trống vắng, vì từ nay con sẽ chẳng còn được gọi hai tiếng “Bố ơi!” nữa rồi!
Còn đâu nữa, những buổi sáng nhà vắng vẻ, hai bố con ngồi uống trà, tâm sự với nhau về đủ thứ chuyện trên đời! Bố ra đi để lại sự thiếu vắng một chỗ dựa tinh thần cho cả nhà, cho cả gia tộc... Nhưng ai rồi cũng phải ra đi một lần như thế!
Chặng cuối con đường trở về quê của bố thật là quá nặng nề, những tháng ngày vật lộn với đớn đau của căn bệnh ung thư quái ác, đã làm mất hẳn dáng vẻ phong độ của bố... đã làm mẹ đau lòng biết bao, mẹ bảo lòng mẹ như hóa đá, chẳng còn có thể khóc được nữa.... Bố đã an giấc ngàn thu... Con tự hỏi, giờ này bố đang lơ lửng ở cửa thiên đàng, hay là bố đã được gặp Chúa rồi? Con không dám nghĩ một người đã chuẩn bị cả đời cho cuộc hành trình về nước Chúa lại có thể ở đâu khác! Vì con tin rằng:
“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.”
Hôm nay mừng lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, cả gia đình chúng con đã tham dự thánh lễ, mà trong lòng mỗi người vẫn còn nhạt nhòe hương khói. Chúng con đặc biệt cầu nguyện cho bố mau chóng được hưởng thiên nhan Chúa. Ngồi ở vị trí của mình, con hình dung ra dáng bố nghiêm trang ngồi ở một chỗ nào đó trong nhà thờ, cổ họng con chợt nghẹn lại, vì biết rằng kể từ nay nhà thờ sẽ thiếu vắng một “ông già đầu bạc siêng năng đi lễ”, đó là cách nói của một bà cụ đã hỏi con về bố sáng nay...
Con hướng lòng trở lại buổi lễ, dâng lên cho Mẹ Maria mọi suy tư buồn phiền của mình, lòng thầm xin với Mẹ một điều mà người cha thân yêu của con hằng mong đợi, là được theo Mẹ về trời hưởng ánh quang vinh của Chúa Ki-tô phục sinh. Chúng con là những con người yếu đuối mỏng giòn, chúng con biết mình đầy tội lỗi; song le, nhờ núp bóng Mẹ, chúng con được liên đới với Đức Ki-tô để được sống đời đời.
“Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.”
Lạy Mẹ Maria! Mẹ đã được về trời cả hồn và xác, xin Mẹ thương đón lấy người cha thân yêu của con đang trên đường tìm đến với Mẹ và Con Mẹ. Xin Mẹ thương nhậm lời con kêu xin Mẹ nhé!
(Trích thư Cô-rin-tô I: 15, 20-23)
Chúa ơi, thế là Chúa đã gọi người cha thân yêu của con về với Chúa, để lại trong lòng con một nỗi trống vắng, vì từ nay con sẽ chẳng còn được gọi hai tiếng “Bố ơi!” nữa rồi!
Còn đâu nữa, những buổi sáng nhà vắng vẻ, hai bố con ngồi uống trà, tâm sự với nhau về đủ thứ chuyện trên đời! Bố ra đi để lại sự thiếu vắng một chỗ dựa tinh thần cho cả nhà, cho cả gia tộc... Nhưng ai rồi cũng phải ra đi một lần như thế!
Chặng cuối con đường trở về quê của bố thật là quá nặng nề, những tháng ngày vật lộn với đớn đau của căn bệnh ung thư quái ác, đã làm mất hẳn dáng vẻ phong độ của bố... đã làm mẹ đau lòng biết bao, mẹ bảo lòng mẹ như hóa đá, chẳng còn có thể khóc được nữa.... Bố đã an giấc ngàn thu... Con tự hỏi, giờ này bố đang lơ lửng ở cửa thiên đàng, hay là bố đã được gặp Chúa rồi? Con không dám nghĩ một người đã chuẩn bị cả đời cho cuộc hành trình về nước Chúa lại có thể ở đâu khác! Vì con tin rằng:
“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.”
Hôm nay mừng lễ Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, cả gia đình chúng con đã tham dự thánh lễ, mà trong lòng mỗi người vẫn còn nhạt nhòe hương khói. Chúng con đặc biệt cầu nguyện cho bố mau chóng được hưởng thiên nhan Chúa. Ngồi ở vị trí của mình, con hình dung ra dáng bố nghiêm trang ngồi ở một chỗ nào đó trong nhà thờ, cổ họng con chợt nghẹn lại, vì biết rằng kể từ nay nhà thờ sẽ thiếu vắng một “ông già đầu bạc siêng năng đi lễ”, đó là cách nói của một bà cụ đã hỏi con về bố sáng nay...
Con hướng lòng trở lại buổi lễ, dâng lên cho Mẹ Maria mọi suy tư buồn phiền của mình, lòng thầm xin với Mẹ một điều mà người cha thân yêu của con hằng mong đợi, là được theo Mẹ về trời hưởng ánh quang vinh của Chúa Ki-tô phục sinh. Chúng con là những con người yếu đuối mỏng giòn, chúng con biết mình đầy tội lỗi; song le, nhờ núp bóng Mẹ, chúng con được liên đới với Đức Ki-tô để được sống đời đời.
“Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình : mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người.”
Lạy Mẹ Maria! Mẹ đã được về trời cả hồn và xác, xin Mẹ thương đón lấy người cha thân yêu của con đang trên đường tìm đến với Mẹ và Con Mẹ. Xin Mẹ thương nhậm lời con kêu xin Mẹ nhé!
LỜI KÊU XIN CHO CÁC BỆNH NHÂN
31/7/2012
Lạy CHÚA, chúng con nhận rằng mình gian ác
và cha ông sai lỗi đã nhiều.
Quả chúng con đều đắc tội với Chúa !
Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con,
đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài.
Dám xin Ngài nhớ lại, đừng hủy bỏ giao ước
giữa Ngài với chúng con.
Trong số chư thần của các dân tộc,
có thần nào làm được mưa chăng ?
Có phải trời đổ được mưa rào,
hay chính Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng con ?
Chúng con trông cậy nơi Ngài,
vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”
(Trích sách Giê-rê-mi-a: 14, 20-22)
Lạy Chúa! Con xin mượn những lời trên đây của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thành tâm dâng lên Chúa, để bày tỏ nỗi lòng của con. “Quả chúng con đều đắc tội với Chúa !”, chẳng đáng được Chúa thương, nhưng con biết tình Chúa thương chúng con chẳng thể nào Chúa lại nỡ ngoảnh mặt đi trong cơn khốn khó của chúng con. Lúc này đây, con xin dâng lên Chúa người cha của con đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư quái ác. Những tin tức từ bệnh viện đưa về làm con sốt ruột quá Chúa ơi!
Nghĩ đến tình cảnh của bố mình, con lại lan man nghĩ đến biết bao bệnh nhân đang quằn quại trong đau đớn mà cảm thấy rùng mình. Chúa có thể làm ra tất cả, chẳng có thần nào làm được mưa rào, ngoài bàn tay của Chúa! Chẳng có bác sĩ nào có thể cứu sống bệnh nhân, nếu ngày tháng của bệnh nhân đã mãn! Con vẫn biết những điều ấy, con cũng biết Chúa để cho con người phải trải qua những thử thách gian truân mà nhận ra tình yêu của Chúa... Song, con không thể nào hiểu nổi làm sao Chúa lại để cho con người phải chịu đựng những cơn đau đớn vật vã kéo dài quá sức của con người như vậy, hả Chúa? Thật sự, những đau khổ mà con đã trải qua, chẳng đáng gì so với biết bao nỗi đau đớn trầm luân của những bệnh nhân, những người đang nằm trong những phòng chăm sóc đặc biệt kia! Mỗi lần nghĩ đến các bệnh nhân ung thư, bệnh nhân S trong giai đoạn cuối cùng, con lại cảm thấy ghê sợ... Chúa có thể làm ra tất cả, vậy tại sao Chúa không cất bớt cho loài người chúng con những nỗi đau đớn trầm luân ấy, hả Chúa?
“Chúng con trông cậy nơi Ngài,
vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”
Lạy Chúa! Mặc dù con chỉ là một kẻ phàm nhân tội lỗi, nhưng con tin Chúa vẫn thương con, và hằng nhậm lời con cầu xin. Xin Chúa nghĩ lại mà thương đoái đến tất cả những bệnh nhân đang quằn quại trong đau đớn, xin Chúa hãy vuốt ve những cơn đau của họ, hóa giải hết mọi nỗi cùng quẫn của bệnh nhân và cả các thân nhân của họ nữa, Chúa ơi!
Lạy CHÚA, chúng con nhận rằng mình gian ác
và cha ông sai lỗi đã nhiều.
Quả chúng con đều đắc tội với Chúa !
Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con,
đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài.
Dám xin Ngài nhớ lại, đừng hủy bỏ giao ước
giữa Ngài với chúng con.
Trong số chư thần của các dân tộc,
có thần nào làm được mưa chăng ?
Có phải trời đổ được mưa rào,
hay chính Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng con ?
Chúng con trông cậy nơi Ngài,
vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”
(Trích sách Giê-rê-mi-a: 14, 20-22)
Lạy Chúa! Con xin mượn những lời trên đây của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thành tâm dâng lên Chúa, để bày tỏ nỗi lòng của con. “Quả chúng con đều đắc tội với Chúa !”, chẳng đáng được Chúa thương, nhưng con biết tình Chúa thương chúng con chẳng thể nào Chúa lại nỡ ngoảnh mặt đi trong cơn khốn khó của chúng con. Lúc này đây, con xin dâng lên Chúa người cha của con đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư quái ác. Những tin tức từ bệnh viện đưa về làm con sốt ruột quá Chúa ơi!
Nghĩ đến tình cảnh của bố mình, con lại lan man nghĩ đến biết bao bệnh nhân đang quằn quại trong đau đớn mà cảm thấy rùng mình. Chúa có thể làm ra tất cả, chẳng có thần nào làm được mưa rào, ngoài bàn tay của Chúa! Chẳng có bác sĩ nào có thể cứu sống bệnh nhân, nếu ngày tháng của bệnh nhân đã mãn! Con vẫn biết những điều ấy, con cũng biết Chúa để cho con người phải trải qua những thử thách gian truân mà nhận ra tình yêu của Chúa... Song, con không thể nào hiểu nổi làm sao Chúa lại để cho con người phải chịu đựng những cơn đau đớn vật vã kéo dài quá sức của con người như vậy, hả Chúa? Thật sự, những đau khổ mà con đã trải qua, chẳng đáng gì so với biết bao nỗi đau đớn trầm luân của những bệnh nhân, những người đang nằm trong những phòng chăm sóc đặc biệt kia! Mỗi lần nghĩ đến các bệnh nhân ung thư, bệnh nhân S trong giai đoạn cuối cùng, con lại cảm thấy ghê sợ... Chúa có thể làm ra tất cả, vậy tại sao Chúa không cất bớt cho loài người chúng con những nỗi đau đớn trầm luân ấy, hả Chúa?
“Chúng con trông cậy nơi Ngài,
vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó!”
Lạy Chúa! Mặc dù con chỉ là một kẻ phàm nhân tội lỗi, nhưng con tin Chúa vẫn thương con, và hằng nhậm lời con cầu xin. Xin Chúa nghĩ lại mà thương đoái đến tất cả những bệnh nhân đang quằn quại trong đau đớn, xin Chúa hãy vuốt ve những cơn đau của họ, hóa giải hết mọi nỗi cùng quẫn của bệnh nhân và cả các thân nhân của họ nữa, Chúa ơi!
CẢM TẠ CHÚA MỖI PHÚT GIÂY ĐỜI CON
19/7/2012
“Lạy Đức Chúa, gặp cảnh gian truân, thiên hạ đã kiếm tìm Ngài.Họ thầm thĩ với Ngài khi Ngài sửa trị họ.
Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở,phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, thì lạy Đức Chúa,chúng con cũng như vậy trước nhan Ngài.”
(Trích sách I-sai-a: 26, 16-17)
Những lời của ngôn sứ I-sa-ia hôm nay đã khơi dậy trong con rất nhiều cảm xúc! Lòng con trào dâng niềm cảm mến và tri ân Chúa biết là nhường nào! Con nhớ lại những tháng ngày đã trải qua... Từ khi con chỉ biết Chúa như là một vị chúa tể đáng sợ và hay trừng phạt... cho đến khi con cảm nhận được sự dịu dàng ấm áp của tình Chúa bao la...
Lạy Chúa! Gia đình con đã trải qua bao nhiêu gian truân khốn khó, những năm tháng phải vật lộn với sự nghèo túng và bệnh tật, không còn tin tưởng vào thế gian nên chúng con đã kiếm tìm Chúa. Có những tháng ngày, bố mẹ con phải quằn quại trong đau đớn về mặt tinh thần, nhưng con thấy họ vẫn kiên trì thầm thĩ với Chúa. Kể từ biến cố 30-4 đến nay, quả là sóng gió dồn dập, nếu như không có Chúa là bến cho bố mẹ con cậy trông, thì không biết giờ này số phận của chúng con sẽ ra sao nữa? Những ngày tháng sóng gió, những biến cố đau thương đã xảy ra cho gia đình chúng con, lại chính là những cơ hội cho chúng con gần gũi Chúa hơn.
Quả thật, nếu như con có một cuộc sống đầy đủ sung túc và xuôi chèo mát mái, có lẽ con còn mê ngủ, chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời mình, và con sẽ chẳng hiểu hết nỗi thống khổ của những người nghèo hèn, bệnh tật. Chính những lúc gian truân khốn khó, là những lúc con đi tìm Chúa. Những lúc con phải quằn quại trong đau đớn, khi thì là nỗi đau thể xác, lúc lại là nỗi đau tinh thần, con mới thật sự kiếm tìm Chúa, để rồi con mới biết cảm tạ và chúc tụng Chúa, vì tất cả những gì Chúa đã làm cho con, cho gia đình con, Chúa ạ!
Cũng đúng như lời ngôn sứ I-sa-ia hôm nay: “Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp,vì hết mọi việc chúng con làmđều do Ngài thực hiện cho chúng con.” (26, 12), sau bao gian truân khốn khó, chúng con càng được vững mạnh hơn trong đức tin. Đó là nhờ ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và tình yêu thương bao la mà Chúa Cha đã ban cho gia đình chúng con. Giờ đây, gia đình con kể như đã an cư lạc nghiệp và được Chúa ban cho vật chất dư đầy, y như trong bài ca Manificat của Mẹ Maria năm xưa vậy! Tuy rằng tương lai còn ở phía trước, và những sự khốn khó vẫn còn đang hoành hành giữa chúng con, song con tin rằng đó chỉ là để thực hiện một phần trong công trình cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho chúng con. Con xin đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, và đến trao cho Chúa mọi sự của chúng con. Con xin mang lấy ách của Chúa, vì ách của Chúa thì êm ái và dịu dàng, con tin như thế, Chúa ạ!
Lạy Mẹ Maria! Con xin mượn lời Mẹ năm xưa. Lời chúc tụng và cảm tạ Chúa, khi Mẹ diễm phúc được làm Mẹ của Chúa Giê-su, để con chúc tụng và cảm tạ những hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban cho con, cho gia đình con. Xin Mẹ hiệp cùng con dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trong phút giây này, Mẹ nhé!
“Lạy Đức Chúa, gặp cảnh gian truân, thiên hạ đã kiếm tìm Ngài.Họ thầm thĩ với Ngài khi Ngài sửa trị họ.
Như người đàn bà mang thai, lúc gần sinh nở,phải quằn quại, kêu la vì đau đớn, thì lạy Đức Chúa,chúng con cũng như vậy trước nhan Ngài.”
(Trích sách I-sai-a: 26, 16-17)
Những lời của ngôn sứ I-sa-ia hôm nay đã khơi dậy trong con rất nhiều cảm xúc! Lòng con trào dâng niềm cảm mến và tri ân Chúa biết là nhường nào! Con nhớ lại những tháng ngày đã trải qua... Từ khi con chỉ biết Chúa như là một vị chúa tể đáng sợ và hay trừng phạt... cho đến khi con cảm nhận được sự dịu dàng ấm áp của tình Chúa bao la...
Lạy Chúa! Gia đình con đã trải qua bao nhiêu gian truân khốn khó, những năm tháng phải vật lộn với sự nghèo túng và bệnh tật, không còn tin tưởng vào thế gian nên chúng con đã kiếm tìm Chúa. Có những tháng ngày, bố mẹ con phải quằn quại trong đau đớn về mặt tinh thần, nhưng con thấy họ vẫn kiên trì thầm thĩ với Chúa. Kể từ biến cố 30-4 đến nay, quả là sóng gió dồn dập, nếu như không có Chúa là bến cho bố mẹ con cậy trông, thì không biết giờ này số phận của chúng con sẽ ra sao nữa? Những ngày tháng sóng gió, những biến cố đau thương đã xảy ra cho gia đình chúng con, lại chính là những cơ hội cho chúng con gần gũi Chúa hơn.
Quả thật, nếu như con có một cuộc sống đầy đủ sung túc và xuôi chèo mát mái, có lẽ con còn mê ngủ, chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời mình, và con sẽ chẳng hiểu hết nỗi thống khổ của những người nghèo hèn, bệnh tật. Chính những lúc gian truân khốn khó, là những lúc con đi tìm Chúa. Những lúc con phải quằn quại trong đau đớn, khi thì là nỗi đau thể xác, lúc lại là nỗi đau tinh thần, con mới thật sự kiếm tìm Chúa, để rồi con mới biết cảm tạ và chúc tụng Chúa, vì tất cả những gì Chúa đã làm cho con, cho gia đình con, Chúa ạ!
Cũng đúng như lời ngôn sứ I-sa-ia hôm nay: “Lạy Đức Chúa, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp,vì hết mọi việc chúng con làmđều do Ngài thực hiện cho chúng con.” (26, 12), sau bao gian truân khốn khó, chúng con càng được vững mạnh hơn trong đức tin. Đó là nhờ ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, và tình yêu thương bao la mà Chúa Cha đã ban cho gia đình chúng con. Giờ đây, gia đình con kể như đã an cư lạc nghiệp và được Chúa ban cho vật chất dư đầy, y như trong bài ca Manificat của Mẹ Maria năm xưa vậy! Tuy rằng tương lai còn ở phía trước, và những sự khốn khó vẫn còn đang hoành hành giữa chúng con, song con tin rằng đó chỉ là để thực hiện một phần trong công trình cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho chúng con. Con xin đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa, và đến trao cho Chúa mọi sự của chúng con. Con xin mang lấy ách của Chúa, vì ách của Chúa thì êm ái và dịu dàng, con tin như thế, Chúa ạ!
Lạy Mẹ Maria! Con xin mượn lời Mẹ năm xưa. Lời chúc tụng và cảm tạ Chúa, khi Mẹ diễm phúc được làm Mẹ của Chúa Giê-su, để con chúc tụng và cảm tạ những hồng ân lớn lao mà Chúa đã ban cho con, cho gia đình con. Xin Mẹ hiệp cùng con dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trong phút giây này, Mẹ nhé!
TỪNG GIÂY PHÚT LÀ HỒNG ÂN CHÚA BAN
(Viết theo lời của một người khuyết tật tứ chi, kể về chuyến hành hương Đức-Mẹ-Bãi-Dâu vừa qua của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua, 15-16/6/2012)
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ của cuộc hành trình Sài gòn-Vũng tàu, chúng tôi đã có mặt ở Bãi Dâu với sự háo hức được hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình vào cái mênh mông của biển cả. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi còn một chặng đường nữa phải vượt qua, chỉ là đoạn đường khoảng chừng hơn 100m thôi, nhưng nó quá dốc và gồ ghề đá sỏi, khiến chúng tôi cảm thấy lo ngại. Đó là chặng đường mà chúng tôi phải vượt qua, để đến địa điểm lưu trú cho một chuyến hành hương sẽ kéo dài hai ngày. Đây là chuyến hành hương viếng Đức Mẹ Bãi Dâu, và cũng là chuyến đi sinh hoạt hè của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua. Để có được chuyến đi này, Cha cùng với Thầy linh hướng của Huynh đoàn đã phải lao tâm khổ tứ biết bao! Các vị đã phải lo lắng chuẩn bị trước hàng tháng trời, từ kinh phí xe cộ, cho đến nơi ăn chốn ở, và cả việc tìm tình nguyện viên hỗ trợ cho chúng tôi nữa.
Sự e ngại của chúng tôi trước đoạn đường lởm chởm đã bị xóa tan, bởi cái nhiệt tình hăng hái của nhóm sinh viên Mai Khôi, những thanh niên trẻ khỏe đầy nhiệt huyết. Tiếng sóng vỗ ì ầm , mùi nước biển mằn mặn như réo gọi chúng tôi. Từng tốp, từng tốp nối đuôi nhau , các anh chị khiếm thị một tay bám vào vai nhau, tay kia kéo theo hành lý bên mình. Những người khuyết tật vận động, kẻ thì chống nạng, người ngồi xe lăn, tất cả chúng tôi đều nhận được sự nâng đỡ tich cực từ phía các tình nguyện viên. Khi đã ổn định chỗ ở xong, chúng tôi náo nức thả dốc hướng thẳng ra bãi biển, để được chạm hai bàn chân vào cát, và để được tận hưởng dòng nước mát lạnh của biển. Từng đợt sóng nhấp nhô trắng xóa vỗ thẳng vào chúng tôi. Có những anh chị em e ngại không dám xuống biển, Thầy linh hướng và mấy tình nguyện viên cứ thế bế ào họ dìm vào làn nước, họ chống cự một cách yếu ớt, rồi cũng cười thích chí vì đã cảm thấy yên tâm giữa những cánh tay mạnh khỏe. Có những người tay chân yếu không thể ngồi vững trước những đợt sóng mạnh, đã bị ngã dập dụi. Họ bị uống phải nước biển ho sặc sụa, thế mà vẫn vui cười thỏa thích, như những đứa bé hồn nhiên nô đùa trong vòng tay người mẹ. Tiếng hò reo gọi nhau chơi đùa hợp cùng tiếng sóng hòa quyện vào nhau dưới ánh nắng chói chang của tiết trời mùa hạ...
Chặng đường tiếp theo mà một người khuyết tật tứ chi như tôi không dám nghĩ đến, đó là chặng đường lên núi Đức Mẹ Bãi Dâu !! Đứng ở dưới ngước lên, chúng tôi cảm thấy chùn lại, e ngại vì con đường dốc ngoằn ngoèo và khá dài trước mắt. Chúng tôi cầu nguyện với Mẹ ngay tại chân núi, xin Mẹ gìn giữ và thêm sức cho chúng tôi. Cầu nguyện xong, mọi người hào hứng cổ vũ nhau tiến lên phía trước . Chúng tôi chia làm hai hướng, di chuyển. Theo con đường bậc thang ngoằn ngoèo, những người chống nạng bám vai tình nguyện viên, khập khiễng bước từng bước. Anh chị em khiếm thị nối đuôi nhau như đoàn tàu lửa, họ chỉ cần một tình nguyện viên dẫn đầu, cứ thế họ chậm rãi lần dò hướng thẳng lên nơi Mẹ ngự. Theo con đường dốc, đoàn xe lăn cũng chuyển bánh vượt qua những điểm cong queo gập ghềnh, trong tiếng hô hào thúc giục và sự góp sức của các tình nguyện viên năng nổ. Các bạn sinh viên Mai Khôi ai nấy mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả áo, nhưng trên gương mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười. Khi cả đoàn đã tập trung đông đủ dưới chân tượng đài Đức Mẹ, mọi người tặng nhau một tràng vỗ tay tán thưởng, vì đã chinh phục được chặng đường khó khăn nhất của chuyến hành hương này. Qua phút thư giãn, mọi người tề tựu lại dưới chân Mẹ, sốt sắng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa và Mẹ Maria. Chúng tôi cảm tạ Mẹ Maria đã gìn giữ và cho chúng tôi được hiện diện bên nhau dưới chân Mẹ, trong giây phút linh thiêng đó.
Lúc quay trở xuống, cả đoàn đã cùng hiệp dâng thánh lễ ngay tại nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu, một thánh lễ đầy ý nghĩa cho đoàn chúng tôi đúng vào ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su . Tối hôm đó, ngày đầu tiên của chuyến hành hương, bên nhau chúng tôi đã có một giờ cầu nguyện Taizé. Với bao tâm tình, với bao nguyện ước, mọi người có được những phút giây để tĩnh lặng và suy gẫm. Dưới ánh nến lung linh ngập tràn cảm xúc, chúng tôi dâng lên Chúa những lời nguyện tự phát, với một tâm tình cảm tạ tri ân. Chúng tôi cầu nguyện cho cha linh hướng, quý cha, quý thầy đã đồng hành với chúng tôi, cầu nguyện cho quý ân nhân, các bạn tình nguyện viên cùng tất cả thành viên trong huynh đoàn.
Sáng ngày thứ hai của cuộc hành trình, sau thánh lễ, chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho một ngày vui chơi với biển. Chúng tôi trầm mình trong những đợt sóng biển và các trò chơi trên bãi cát, tiếng hò reo vui đùa ca hát vang dậy át cả tiếng sóng. Mọi người vui đùa thỏa thích dưới ánh nắng dịu nhẹ của một ngày mới, giữa đất trời bao la , giữa tình yêu thương nâng đỡ nhau...Từng giây phút ở đây, trên bãi biển này, đều là hồng ân Chúa thương ban cho chúng tôi, những người con khuyết tật của Chúa.
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, chúng tôi rồi cũng phải về lại Sài Gòn, sau một bữa ăn trưa thịnh soạn. Điểm tập kết ở gần chân núi Đức Mẹ, mọi người hướng tầm mắt nhìn lên Mẹ để dâng lời tạ ơn về một chuyến hành hương bổ ích. Và rồi 3 chiếc xe lại đầy ắp người, nối đuôi nhau trở về điểm xuất phát ban đầu tại Nhà thờ Ba Chuông .
Chúng tôi tạm biệt các tình nguyện viên với một tấm lòng biết ơn sâu sắc. Những cái bắt tay nhau thật chặt, những lời nói giã từ và hẹn gặp lại... Nhưng, làm sao nói hết những lời biết ơn với các vị ân nhân mà chúng tôi chưa từng hân hạnh gặp mặt, những vị ân nhân đã âm thầm thương yêu và nâng đỡ chúng tôi suốt bấy lâu nay?
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ của cuộc hành trình Sài gòn-Vũng tàu, chúng tôi đã có mặt ở Bãi Dâu với sự háo hức được hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình vào cái mênh mông của biển cả. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi còn một chặng đường nữa phải vượt qua, chỉ là đoạn đường khoảng chừng hơn 100m thôi, nhưng nó quá dốc và gồ ghề đá sỏi, khiến chúng tôi cảm thấy lo ngại. Đó là chặng đường mà chúng tôi phải vượt qua, để đến địa điểm lưu trú cho một chuyến hành hương sẽ kéo dài hai ngày. Đây là chuyến hành hương viếng Đức Mẹ Bãi Dâu, và cũng là chuyến đi sinh hoạt hè của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô Vua. Để có được chuyến đi này, Cha cùng với Thầy linh hướng của Huynh đoàn đã phải lao tâm khổ tứ biết bao! Các vị đã phải lo lắng chuẩn bị trước hàng tháng trời, từ kinh phí xe cộ, cho đến nơi ăn chốn ở, và cả việc tìm tình nguyện viên hỗ trợ cho chúng tôi nữa.
Sự e ngại của chúng tôi trước đoạn đường lởm chởm đã bị xóa tan, bởi cái nhiệt tình hăng hái của nhóm sinh viên Mai Khôi, những thanh niên trẻ khỏe đầy nhiệt huyết. Tiếng sóng vỗ ì ầm , mùi nước biển mằn mặn như réo gọi chúng tôi. Từng tốp, từng tốp nối đuôi nhau , các anh chị khiếm thị một tay bám vào vai nhau, tay kia kéo theo hành lý bên mình. Những người khuyết tật vận động, kẻ thì chống nạng, người ngồi xe lăn, tất cả chúng tôi đều nhận được sự nâng đỡ tich cực từ phía các tình nguyện viên. Khi đã ổn định chỗ ở xong, chúng tôi náo nức thả dốc hướng thẳng ra bãi biển, để được chạm hai bàn chân vào cát, và để được tận hưởng dòng nước mát lạnh của biển. Từng đợt sóng nhấp nhô trắng xóa vỗ thẳng vào chúng tôi. Có những anh chị em e ngại không dám xuống biển, Thầy linh hướng và mấy tình nguyện viên cứ thế bế ào họ dìm vào làn nước, họ chống cự một cách yếu ớt, rồi cũng cười thích chí vì đã cảm thấy yên tâm giữa những cánh tay mạnh khỏe. Có những người tay chân yếu không thể ngồi vững trước những đợt sóng mạnh, đã bị ngã dập dụi. Họ bị uống phải nước biển ho sặc sụa, thế mà vẫn vui cười thỏa thích, như những đứa bé hồn nhiên nô đùa trong vòng tay người mẹ. Tiếng hò reo gọi nhau chơi đùa hợp cùng tiếng sóng hòa quyện vào nhau dưới ánh nắng chói chang của tiết trời mùa hạ...
Chặng đường tiếp theo mà một người khuyết tật tứ chi như tôi không dám nghĩ đến, đó là chặng đường lên núi Đức Mẹ Bãi Dâu !! Đứng ở dưới ngước lên, chúng tôi cảm thấy chùn lại, e ngại vì con đường dốc ngoằn ngoèo và khá dài trước mắt. Chúng tôi cầu nguyện với Mẹ ngay tại chân núi, xin Mẹ gìn giữ và thêm sức cho chúng tôi. Cầu nguyện xong, mọi người hào hứng cổ vũ nhau tiến lên phía trước . Chúng tôi chia làm hai hướng, di chuyển. Theo con đường bậc thang ngoằn ngoèo, những người chống nạng bám vai tình nguyện viên, khập khiễng bước từng bước. Anh chị em khiếm thị nối đuôi nhau như đoàn tàu lửa, họ chỉ cần một tình nguyện viên dẫn đầu, cứ thế họ chậm rãi lần dò hướng thẳng lên nơi Mẹ ngự. Theo con đường dốc, đoàn xe lăn cũng chuyển bánh vượt qua những điểm cong queo gập ghềnh, trong tiếng hô hào thúc giục và sự góp sức của các tình nguyện viên năng nổ. Các bạn sinh viên Mai Khôi ai nấy mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả áo, nhưng trên gương mặt họ luôn rạng rỡ nụ cười. Khi cả đoàn đã tập trung đông đủ dưới chân tượng đài Đức Mẹ, mọi người tặng nhau một tràng vỗ tay tán thưởng, vì đã chinh phục được chặng đường khó khăn nhất của chuyến hành hương này. Qua phút thư giãn, mọi người tề tựu lại dưới chân Mẹ, sốt sắng dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa và Mẹ Maria. Chúng tôi cảm tạ Mẹ Maria đã gìn giữ và cho chúng tôi được hiện diện bên nhau dưới chân Mẹ, trong giây phút linh thiêng đó.
Lúc quay trở xuống, cả đoàn đã cùng hiệp dâng thánh lễ ngay tại nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu, một thánh lễ đầy ý nghĩa cho đoàn chúng tôi đúng vào ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su . Tối hôm đó, ngày đầu tiên của chuyến hành hương, bên nhau chúng tôi đã có một giờ cầu nguyện Taizé. Với bao tâm tình, với bao nguyện ước, mọi người có được những phút giây để tĩnh lặng và suy gẫm. Dưới ánh nến lung linh ngập tràn cảm xúc, chúng tôi dâng lên Chúa những lời nguyện tự phát, với một tâm tình cảm tạ tri ân. Chúng tôi cầu nguyện cho cha linh hướng, quý cha, quý thầy đã đồng hành với chúng tôi, cầu nguyện cho quý ân nhân, các bạn tình nguyện viên cùng tất cả thành viên trong huynh đoàn.
Sáng ngày thứ hai của cuộc hành trình, sau thánh lễ, chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho một ngày vui chơi với biển. Chúng tôi trầm mình trong những đợt sóng biển và các trò chơi trên bãi cát, tiếng hò reo vui đùa ca hát vang dậy át cả tiếng sóng. Mọi người vui đùa thỏa thích dưới ánh nắng dịu nhẹ của một ngày mới, giữa đất trời bao la , giữa tình yêu thương nâng đỡ nhau...Từng giây phút ở đây, trên bãi biển này, đều là hồng ân Chúa thương ban cho chúng tôi, những người con khuyết tật của Chúa.
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc, chúng tôi rồi cũng phải về lại Sài Gòn, sau một bữa ăn trưa thịnh soạn. Điểm tập kết ở gần chân núi Đức Mẹ, mọi người hướng tầm mắt nhìn lên Mẹ để dâng lời tạ ơn về một chuyến hành hương bổ ích. Và rồi 3 chiếc xe lại đầy ắp người, nối đuôi nhau trở về điểm xuất phát ban đầu tại Nhà thờ Ba Chuông .
Chúng tôi tạm biệt các tình nguyện viên với một tấm lòng biết ơn sâu sắc. Những cái bắt tay nhau thật chặt, những lời nói giã từ và hẹn gặp lại... Nhưng, làm sao nói hết những lời biết ơn với các vị ân nhân mà chúng tôi chưa từng hân hạnh gặp mặt, những vị ân nhân đã âm thầm thương yêu và nâng đỡ chúng tôi suốt bấy lâu nay?
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)