Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

NGỌN NẾN PHỤC SINH

“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 2, 23-24)

Người ta đã phải mất biết bao nhiêu giấy mực để bàn về cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá? Và đã có những câu hỏi đại loại như “Tại sao Chúa không chọn một giải pháp nào khác tốt hơn là con đường thập giá một cách oan khiên nhục nhã như thế để mà cứu chuộc con người?” tôi chẳng dám lạm bàn đối với vấn đề lớn lao này, song, chính những gì xảy ra cho tôi đã giúp tôi trả lời được câu hỏi trên đây, bạn ạ!
Giả như cuộc đời tôi gặp toàn những chuyện trơn tru suông sẻ, thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ ngồi đây để mà nói về thập giá Chúa Ki-tô như thế này đâu! Chính những đau khổ bất hạnh mà tôi đã từng phải gánh chịu do bệnh tật, đã mở mắt cho tôi nhìn ra được ý nghĩa sâu xa của thập giá Chúa Ki-tô! Và như vậy há chẳng phải Chúa đã cứu chữa tôi cho khỏi mù lòa tăm tối rồi ư? Tôi nhớ lại một chuyện xảy ra cách đây đã 21 năm về trước. Lúc đó, mắt tôi đã hư hẳn một bên, con mắt trái còn lại chỉ có thể đọc chữ với kính lúp phóng lớn mà thôi. Thời gian đó tôi đã lui về hậu trường với cái nghề bán thuốc Tây để vui sống qua ngày, thế nhưng, cái niềm vui nho nhỏ ấy cũng đã vụt tắt trong một buổi sáng. Đó là một buổi sáng tôi có cảm giác mình bị đóng đinh vào thập giá, dù rằng tôi vẫn đang nói đang cười với khách hàng của mình. Cái cảm giác ấy chẳng đau chẳng đớn, song nó làm cho tôi tê cứng trong lòng. Khi người khách đưa cho tôi xem toa thuốc của chị, tôi nhìn toa thuốc qua kính lúp mà chẳng thấy một chữ nào trên đó, tờ giấy như trở nên trắng xóa. Ngay lập tức, tôi hiểu mọi chuyện, cái điều mà tôi lo sợ từ bấy lâu nay, cuối cùng nó đã đến. Bởi vì 11 năm trước đó nữa, tôi cũng đã từng nhìn thấy trang giấy trong cuốn sách giáo khoa của tôi trắng xóa, rồi nhờ cầu nguyện và chữa trị đã giúp tôi có thể nhìn thấy chữ trở lại... Nhưng lần này thì thực sự là không còn gì để hy vọng! Tôi vẫn đứng đó với cái kính lúp trong tay, miệng cố nói cười với khách một cách duyên dáng, song nước mắt tôi chỉ chực trào ra, may mà tôi đeo một cái kính đậm màu để tránh chói mắt, nên mấy người khách hàng đã chẳng hay biết gì. Tôi thầm nhủ trong lòng rằng: “Để lát nữa hẵng khóc!” Với bản năng hành động vốn có, tôi đã kêu gọi sự trợ giúp của bố tôi để bán hàng cho khách, trong khi tâm trí tôi hiện ra hình ảnh Chúa Giê-su đang giang hai cánh tay cho người ta đóng đinh vào thập giá. Tôi cảm thấy mình bị đóng đinh vào thập giá, vâng, cảm giác ấy xảy ra rất nhanh, nhưng có lẽ cũng không còn gì hơn để lột tả tâm trạng của tôi trong lúc ấy! Tuy là vậy, sự mù lòa vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với những cơn đau mà tôi đã phải trải qua sau đó. Có lẽ cũng là trong kế hoạch cứu độ của Chúa dành cho tôi chăng, khi mà liên tục hết bệnh này đến bệnh nọ đổ ập xuống thân tôi. Những tháng ngày liên tiếp tôi nằm trên giường chịu những đớn đau, tôi có cảm giác mình giống như một cái mền rách, đã tã đến nỗi chờ người ta vất đi. Làm sao tôi qua được những ngày tháng đó? Tôi đã nhiều lần nhập viện, nhiều lần đi bác sĩ để rồi trở về nhà với những bịch thuốc to tướng. Song le, càng uống thuốc vào, tôi lại càng thêm rắc rối với những cơn đau và cảm giác cực kỳ khó chịu do hậu quả của thuốc. Thuốc đã chẳng làm cho tôi bớt đau, mà còn gây rắc rối như vậy, tôi quyết định không uống thuốc... Những lúc cơn đau hoành hành khiến tôi không ngủ được, tôi đều nghĩ đến những dấu đinh trên cơ thể của Chúa. Khi nghĩ đến nỗi đau của Chúa, tôi rùng mình nhắm nghiền hai mắt lại, và nhận ra nỗi đau của tôi không là gì cả. Và cứ thế, nỗi đau của tôi như được ai đó chạm vào... Đấy là nói về cái đau của thể xác, còn những cái đau đớn về mặt tinh thần thì sao, mỗi khi điều đó xảy ra, tôi nhìn thấy ánh mắt nhẫn nhịn của Chúa từ trên cây thập giá hướng về tôi. Những gì trái ý mà tôi phải gánh chịu do sự mù lòa ư? Làm sao tôi chịu đựng được ư? Tôi học cách chịu đựng từ gương Chúa Giê-su đã chịu đựng trên thập giá. Tôi đã làm những phép so sánh: Tôi chịu đựng vì tôi buộc phải thế, còn Chúa chịu đựng vì Chúa yêu nhân loại. Hai điều đó khác xa nhau lắm! Chúa yêu nhân loại nên Chúa bằng lòng chấp nhận đau khổ, Chúa muốn làm đẹp lòng Chúa Cha nên Chúa bằng lòng chấp nhận những sỉ vả nhục hình, và đó chính là điều Chúa muốn dạy cho con người giúp con người một phương thế vượt qua đau khổ! Khi hiểu ra điều này, tôi dần dần trở nên dễ dàng vượt qua mọi sự. Mười mấy năm nay, tuy bệnh tình của tôi lúc tăng lúc giảm, nhưng tinh thần tôi ngày càng trở nên vui tươi mạnh mẽ hơn là nhờ vậy.
Lời thánh Phao-lô trên đây là một chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh, thì tôi cũng vậy, những gì tôi viết ra hôm nay cũng là một sự thật nói lên rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.” Tôi đã có lúc tưởng mình như đã chết, lúc mà tôi cảm thấy mình như một tấm mền rách trên giường bệnh, thế mà nay tôi lại được sống dồi dào là nhờ tôi đã sống màu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô. Nhờ bám vào Thánh giá Chúa Ki-tô, tôi đã nhận được sức mạnh từ Ngài , để có thể vượt qua đau khổ để được Thiên Chúa ban cho sự phục sinh như hôm nay.

Lạy Chúa Ki-tô! Chúa chính là ngọn nến Phục Sinh của chúng con, Chúa đã chấp nhận sự tiêu hao để rồi bừng lên sức sống mãnh liệt cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn giữ mãi được ngọn nến Phục Sinh trong lòng, và làm tỏa sáng ra chung quanh, để chúng con sẽ không bao giờ trở lại bóng tối của sự chết, ngõ hầu chúng con được sống lại trong ngày sau hết, Chúa nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét