Nhóm khuyết tật Magnificat thường tụ họp trong
một ngôi nhà nhỏ thuộc giáo xứ Công Lý, chúng tôi quen gọi ngôi nhà này là nhà Mai-cát. Chiều thứ Năm Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa hết sức đặc biệt với nhà Mai-cát, vì đây là lần đầu tiên sau hơn ba năm thành lập, nhóm chúng tôi tụ họp nhau vào một buổi chiều như thế này. Tôi có cảm giác như bữa ăn tối ở đây hôm nay là bữa tiệc ly, mặc dầu chẳng có ai chia tay ai cả. Bởi trước bữa ăn tối, chúng tôi đã cùng nhau tham dự thánh lễ Rửa Chân tại nhà thờ Công Lý, và một sự kiện đặc biệt đã xảy đến với nhóm người khuyết tật chúng tôi ngay chính ở ngôi nhà thờ nhỏ này.
Tôi đặc biệt chú ý đến bài giảng trong thánh lễ. Mỗi năm mỗi được nghe ít nhất một lần về sự kiện Chúa giê-su rửa chân cho các môn đệ. Nhưng, đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói về chi tiết “cái thắt lưng Chúa Giê-su thắt ngang cạnh sườn”, nó như biểu trưng cho sự phục vụ đến chết vì yêu thương của Thầy chí thánh. Vị linh mục thuyết giảng đã giúp tôi liên tưởng từ “chiếc thắt lưng bên cạnh sườn” tới việc tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa Giê-su, và mặc dầu Chúa đã chết, Người vẫn hiến dâng những giọt máu và nước cuối cùng trong thân thể Người để ban phát cho nhân loại. Cha nhấn mạnh ở điểm này: Chúa Giê-su đã nêu gương cho nhân loại chúng ta trong cung cách phục vụ của Ngài, một tấm gương phục vụ cho đến chết! Nghe đến đây, tôi phải tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã phục vụ anh chị em sống chung quanh mình như thế nào, tôi có phục vụ họ một cách hoàn toàn vì yêu thương hay không? Tôi cảm thấy tựa hồ như chính Chúa giê-su đã dẫn dắt tôi đến nhà thờ này để được nghe những lời giảng này. Dường như Chúa muốn tôi phải xem lại cách phục vụ của tôi đối với những anh chị em khuyết tật sống quanh mình hay sao ấy! Tôi nhớ lại, Chủ nhật vừa rồi Kim anh(một tình nguyện viên của chúng tôi trong nhà Mai-cát) đã phone cho tôi, chị hỏi ý kiến tôi rằng, có nên quần tụ anh chị em Magnificat để cùng nhau tham dự thánh lễ Rửa Chân ở nhà thờ Công Lý hay không. Kim Anh lo ngại rằng chúng tôi không đủ sức khỏe để ngồi lâu suốt mấy tiếng đồng hồ trong nhà thờ, vì sau thánh lễ còn có phiên chầu Thánh Thể nữa. Chị bảo với tôi rằng, chị mới nghĩ ra ý hướng đó chứ chưa có trình với Cha đồng hành, nếu chúng tôi có thể tụ họp thì chị mới trình với Cha...những gì đã xảy ra sau đó khiến tôi tin rằng chính Chúa đã dẫn dắt tôi đến nhà thờ Công Lý vào đúng chiều hôm nay, để giờ đây tôi đang có cảm giác được nhìn thấy Chúa với cái thắt lưng ngang cạnh sườn, Ngài đang nhìn tôi với ánh mắt đầy yêu thương và đầy khích lệ. Nói đến hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giê-su, vị linh mục thuyết giảng nói rằng lát nữa đây các cha đồng tế trong thánh lễ cũng sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nhưng là rửa chân cho những người khuyết tật có mặt trong nhà thờ. Lúc đó tôi mới biết rằng mình sẽ được vinh dự để Cha rửa chân cho. Một suy nghĩ đến nhanh trong đầu khiến tôi suýt bật cười, vì nhận ra mình có phản ứng giống ông thánh Phê-rô y hệt, bởi mới nghe Cha nói như vậy tự nhiên tôi đã muốn giẫy nảy lên: “Thôi, thôi, con ngại lắm, Cha mà lại rửa chân cho con sao? ấy là tôi nghĩ vậy, chứ đến khi nghe vị linh mục thuyết giảng nói về ý nghĩa sâu xa của hành động rửa chân của Chúa Giê-su thì tôi cảm thấy mình không còn chút căng thẳng nào nữa. Tuy vậy, khi cha sở nhà thờ Công Lý bưng thau nước ngồi xuống phía trước tôi, tôi cảm thấy ngại ngùng vì phải cởi bỏ đôi giầy ra khỏi chân, hai bàn chân tôi đã bị tê dại suốt mấy chục năm có lẽ trông xấu xí sù sì ghê lắm! Tôi cười gượng với Cha:
-“Chân con đã bị tê mất cảm giác suốt mấy chục năm rồi, hôm nay được Cha rửa chân cho chắc là nó sẽ khỏe lên!”
Cha đáp:
-“Không sao đâu con ạ! Sẽ tốt thôi!”
Một người bạn của tôi, bị teo cả tứ chi, nên anh ta thậm chí không tự cởi giày được, Cha và mấy người phải phụ giúp anh ta cởi giầy nữa. Tôi thầm hỏi Chúa: “Ngày xưa, Chúa có phải cởi giầy cho mấy ông Tông-đồ không hở Chúa” Tôi chợt nhận ra một cách rõ nét hơn, bấy lâu nay Chúa vẫn cởi giầy và xỏ giầy cho tôi đấy thôi! Chúa đã xỏ giầy cho tôi qua bàn tay của những người thân bạn hữu quanh tôi đấy thôi! Và tôi trở lại với câu tự vấn lòng mình, tôi biết mình chưa hết lòng phục vụ anh em như tôi vẫn thường cho là vậy. Tôi thầm cầu xin Chúa cho mình biết sửa đổi tâm hồn, để nhận ra những khinh suất thường xảy ra mỗi khi tôi phục vụ một ai đó. Bên cạnh tôi, các cha vẫn đang tiếp tục rửa chân cho các bạn của tôi. Tôi hình dung ra các bạn tôi với những bàn chân teo nhỏ vì sốt bại liệt, có lẽ họ cũng ngại ngùng vì để các cha rửa chân cho...
Về đến nhà Mai-cát, tôi thắc mắc với Kim Anh:
-“Ủa! vậy ra là Kim Anh đã báo cho Cha sở ở nhà thờ biết vụ tụi này sẽ tham dự thánh lễ chiều nay à?”
Kim Anh trả lời tôi một cách đầy sảng khoái:
-“Không, em đâu có báo trước! Hôm thứ Tư, Cha sở gọi điện thoại cho em, đề nghị đấy chứ. Không ngờ hai ý tưởng lại trùng nhau mới hay chứ!”
Bữa ăn tối ở nhà Mai-cát tôi tạm gọi là bữa tiệc ly dù chẳng có ai phải chia tay ai cả, chỉ vì bỗng dưng tôi tự nhiên có cảm giác như thế. Chúng tôi, những người khuyết tật được gôm tụ lại với nhau nơi đây, chẳng phải là do sự yêu thương của Thầy chí thánh truyền qua người môn đệ của Người là Cha Bảo Lộc hay sao? Trong chúng tôi có mấy người tính nghịch ngợm hay đùa, cứ đòi Cha Bảo Lộc rửa chân cho họ, họ nói thế chứ chưa biết chừng khi Cha bưng thau nước tới trước mặt họ, thì họ lại giống như tôi, cũng sẽ giẫy nảy lên như ông thánh Phê-rô ngày xưa vậy! Còn tôi, khi nghe họ nói về chuyện rửa chân, trong đầu tôi cứ hình dung ra cảnh tượng Chúa Giê-su trước mắt, với cái thắt lưng ngang cạnh sườn, và cảnh người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa... và những giọt máu cuối cùng đang rỏ xuống đất... Tôi lại tự nhủ với lòng rằng: Từ nay tôi sẽ cố gắng hết sức mình để nếu có phục vụ ai đó thì phải phục vụ một cách tận lực vì yêu thương theo gương Chúa Giê-su, Người đã phục vụ cho đến chết và đã chết vì tôi một cách đau thương trên đồi vắng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét