Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

CON VỮNG TIN VÀO SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA

“Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai.”
(Trích thư Phê-rô I: 1, 3-4)

Lạy Chúa, là thân phụ Đức Ki-tô
Chúa là Thiên Chúa vô cùng độ lượng!

Tình thương của Chúa vượt nghìn trùng mây gió
Tình thương của Chúa tựa núi cao chất ngất, tựa sóng cả đại dương
Bao nghìn năm khắc khoải vấn vương, vì thương nhân loại suy đồi trụy lạc
Bao nhiêu lần đã giơ tay giáng phạt để rồi lại xót thương!

Thôi thì... Cha đành sai Con Một... Người Con đã xuống thế mặc kiếp người,
và chung phần gian khổ... máu Người đã đổ... cho đến giọt cuối cùng...

Đêm Vượt qua... đêm hãi hùng tăm tối... Lòng người còn gian dối mãi sao?
Tình yêu từ trên cao đã xuống trần và tắm gội những đêm sầu tội lỗi!
Ánh sáng đã bừng lên! Nỗi vui mừng Phục sinh reo ca sẽ kéo dài bất tận!
Phận người phải chết, nay lại được tái sinh, bởi Con Chúa đã phục sinh rồi!

Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con!
Con biết nói gì hơn là tán tụng danh Ngài
Ngài là đại dương bao la cho con lặn ngụp trong biển ái
Lòng thương xót của Ngài đã cứu con khỏi ngục thẳm âm ty
Cho con đi vào vùng ánh sáng... cho con những tháng ngày ngập tràn niềm vui và hy vọng!
Ôi, lạy Chúa!
Con luôn hy vọng và vững tin vào sự Phục sinh của Con Chúa
Xin Chúa hãy dìm con trong biển lòng thương xót vô biên của Chúa
Xin cho con mãi được hưởng nhờ ơn cứu độ của Con Ngài, Ngài ơi!

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ PHỤC SINH: NGƯỜI KHÁCH BỘ HÀNH

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"
(Lc: 24, 30-32)

Hai ông môn đệ trên đường về E-mau, cả hai cùng mang một tâm trạng thất vọng và lo âu về tương lai ngày mai... Có một khách bộ hành cùng đi với họ, chuyện trò với họ và đã làm họ quên bớt ưu phiền... thế rồi, hai ông này đã mời người khách bộ hành đó ở lại cùng ăn cùng uống với mình... Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.”
Chúa ơi! Trong cuộc sống hằng ngày, con cũng đã có những lúc đầy ưu tư phiền muộn vì những biến cố đau thương cứ xảyđến một cách dồn dập... con đã có những lúc đầy thất vọng và lo âu vì sự đe dọa của bệnh tật và bất ổn trong cuộc sống... con biết mình luôn có một người khách bộ hành cùng đi với mình là Chúa; thế nhưng, có phải lúc nào con cũng nhận ra Chúa đang ở với mình hay không? Hay giống như hai người môn đệ của Chúa năm xưa, đã bị những biến cố đau thương dồn dập làm cho con mắt đức tin bị che phủ đến nỗi không nhận ra Chúa? Mỗi ngày, con có biết lắng nghe tiếng Chúa qua cuộc sống, biết lắng nghe tiếng Chúa qua anh chị em sống chung quanh mình, con có biết lắng nghe tiếng Chúa qua lời dạy bảo của người khác không? Hay con chỉ biết có mình mà thôi?
Cuộc sống cứ cuốn con đi, như dòng sông chảy gập ghềnh, để rồi mưa lũ kéo về những dòng rác rưởi làm oằn lên những dấu vết tanh hôi trên mình nó! Những lúc dòng sông chở nặng phù sa vun tưới cho hai bên bờ cây cỏ xanh tươi, là lúc con có Chúa tràn đầy, là lúc lòng con bừng sáng lên vì nhận ra được tiếng Chúa trong cuộc đời. Những lúc dòng sông chở đầy rác rưởi là những lúc con đã bị làm mờ mắt bởi những ánh lấp lánh của tiền tài danh vọng, là những lúc con bị bịt chặt đôi tai bởi những âm thanh của lạc thú... những ánh lấp lánh giả tạo, những âm thanh cuồng loạn đã làm cho con không thể nhận ra tiếng Chúa trong cuộc đời mình, Chúa ơi!

Ở lại với con, Chúa ơi!
Những khi con ưu phiền thất vọng
Ở lại với con, Chúa ơi!
Những khi lòng con hoang mang sợ hãi
Ở lại với con, Chúa ơi!
Những khi quả tim con rộn rã khúc hân hoan
Ở lại với con, Chúa ơi!
Ngay cả khi con tội lỗi ngập tràn
Ở lại với con, Chúa ơi!
Vì cảnh trời chung quanh con vụt xế chiều mờ mịt
Ở lại với con, Chúa ơi!
Vì đời con, ngày sắp tàn sắp hết
Ở lại với con, Chúa ơi!
Vì sự chết đang rập rình bủa vây con tứ phía
Ở lại với con luôn, Chúa ơi!
Ở lại với con trên suốt chặng đường về, Chúa nhé!!!

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

NGỌN NẾN PHỤC SINH

“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”
(Trích sách Công Vụ Tông-đồ: 2, 23-24)

Người ta đã phải mất biết bao nhiêu giấy mực để bàn về cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá? Và đã có những câu hỏi đại loại như “Tại sao Chúa không chọn một giải pháp nào khác tốt hơn là con đường thập giá một cách oan khiên nhục nhã như thế để mà cứu chuộc con người?” tôi chẳng dám lạm bàn đối với vấn đề lớn lao này, song, chính những gì xảy ra cho tôi đã giúp tôi trả lời được câu hỏi trên đây, bạn ạ!
Giả như cuộc đời tôi gặp toàn những chuyện trơn tru suông sẻ, thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ ngồi đây để mà nói về thập giá Chúa Ki-tô như thế này đâu! Chính những đau khổ bất hạnh mà tôi đã từng phải gánh chịu do bệnh tật, đã mở mắt cho tôi nhìn ra được ý nghĩa sâu xa của thập giá Chúa Ki-tô! Và như vậy há chẳng phải Chúa đã cứu chữa tôi cho khỏi mù lòa tăm tối rồi ư? Tôi nhớ lại một chuyện xảy ra cách đây đã 21 năm về trước. Lúc đó, mắt tôi đã hư hẳn một bên, con mắt trái còn lại chỉ có thể đọc chữ với kính lúp phóng lớn mà thôi. Thời gian đó tôi đã lui về hậu trường với cái nghề bán thuốc Tây để vui sống qua ngày, thế nhưng, cái niềm vui nho nhỏ ấy cũng đã vụt tắt trong một buổi sáng. Đó là một buổi sáng tôi có cảm giác mình bị đóng đinh vào thập giá, dù rằng tôi vẫn đang nói đang cười với khách hàng của mình. Cái cảm giác ấy chẳng đau chẳng đớn, song nó làm cho tôi tê cứng trong lòng. Khi người khách đưa cho tôi xem toa thuốc của chị, tôi nhìn toa thuốc qua kính lúp mà chẳng thấy một chữ nào trên đó, tờ giấy như trở nên trắng xóa. Ngay lập tức, tôi hiểu mọi chuyện, cái điều mà tôi lo sợ từ bấy lâu nay, cuối cùng nó đã đến. Bởi vì 11 năm trước đó nữa, tôi cũng đã từng nhìn thấy trang giấy trong cuốn sách giáo khoa của tôi trắng xóa, rồi nhờ cầu nguyện và chữa trị đã giúp tôi có thể nhìn thấy chữ trở lại... Nhưng lần này thì thực sự là không còn gì để hy vọng! Tôi vẫn đứng đó với cái kính lúp trong tay, miệng cố nói cười với khách một cách duyên dáng, song nước mắt tôi chỉ chực trào ra, may mà tôi đeo một cái kính đậm màu để tránh chói mắt, nên mấy người khách hàng đã chẳng hay biết gì. Tôi thầm nhủ trong lòng rằng: “Để lát nữa hẵng khóc!” Với bản năng hành động vốn có, tôi đã kêu gọi sự trợ giúp của bố tôi để bán hàng cho khách, trong khi tâm trí tôi hiện ra hình ảnh Chúa Giê-su đang giang hai cánh tay cho người ta đóng đinh vào thập giá. Tôi cảm thấy mình bị đóng đinh vào thập giá, vâng, cảm giác ấy xảy ra rất nhanh, nhưng có lẽ cũng không còn gì hơn để lột tả tâm trạng của tôi trong lúc ấy! Tuy là vậy, sự mù lòa vẫn còn dễ chịu hơn nhiều so với những cơn đau mà tôi đã phải trải qua sau đó. Có lẽ cũng là trong kế hoạch cứu độ của Chúa dành cho tôi chăng, khi mà liên tục hết bệnh này đến bệnh nọ đổ ập xuống thân tôi. Những tháng ngày liên tiếp tôi nằm trên giường chịu những đớn đau, tôi có cảm giác mình giống như một cái mền rách, đã tã đến nỗi chờ người ta vất đi. Làm sao tôi qua được những ngày tháng đó? Tôi đã nhiều lần nhập viện, nhiều lần đi bác sĩ để rồi trở về nhà với những bịch thuốc to tướng. Song le, càng uống thuốc vào, tôi lại càng thêm rắc rối với những cơn đau và cảm giác cực kỳ khó chịu do hậu quả của thuốc. Thuốc đã chẳng làm cho tôi bớt đau, mà còn gây rắc rối như vậy, tôi quyết định không uống thuốc... Những lúc cơn đau hoành hành khiến tôi không ngủ được, tôi đều nghĩ đến những dấu đinh trên cơ thể của Chúa. Khi nghĩ đến nỗi đau của Chúa, tôi rùng mình nhắm nghiền hai mắt lại, và nhận ra nỗi đau của tôi không là gì cả. Và cứ thế, nỗi đau của tôi như được ai đó chạm vào... Đấy là nói về cái đau của thể xác, còn những cái đau đớn về mặt tinh thần thì sao, mỗi khi điều đó xảy ra, tôi nhìn thấy ánh mắt nhẫn nhịn của Chúa từ trên cây thập giá hướng về tôi. Những gì trái ý mà tôi phải gánh chịu do sự mù lòa ư? Làm sao tôi chịu đựng được ư? Tôi học cách chịu đựng từ gương Chúa Giê-su đã chịu đựng trên thập giá. Tôi đã làm những phép so sánh: Tôi chịu đựng vì tôi buộc phải thế, còn Chúa chịu đựng vì Chúa yêu nhân loại. Hai điều đó khác xa nhau lắm! Chúa yêu nhân loại nên Chúa bằng lòng chấp nhận đau khổ, Chúa muốn làm đẹp lòng Chúa Cha nên Chúa bằng lòng chấp nhận những sỉ vả nhục hình, và đó chính là điều Chúa muốn dạy cho con người giúp con người một phương thế vượt qua đau khổ! Khi hiểu ra điều này, tôi dần dần trở nên dễ dàng vượt qua mọi sự. Mười mấy năm nay, tuy bệnh tình của tôi lúc tăng lúc giảm, nhưng tinh thần tôi ngày càng trở nên vui tươi mạnh mẽ hơn là nhờ vậy.
Lời thánh Phao-lô trên đây là một chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh, thì tôi cũng vậy, những gì tôi viết ra hôm nay cũng là một sự thật nói lên rằng: “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.” Tôi đã có lúc tưởng mình như đã chết, lúc mà tôi cảm thấy mình như một tấm mền rách trên giường bệnh, thế mà nay tôi lại được sống dồi dào là nhờ tôi đã sống màu nhiệm thập giá Chúa Ki-tô. Nhờ bám vào Thánh giá Chúa Ki-tô, tôi đã nhận được sức mạnh từ Ngài , để có thể vượt qua đau khổ để được Thiên Chúa ban cho sự phục sinh như hôm nay.

Lạy Chúa Ki-tô! Chúa chính là ngọn nến Phục Sinh của chúng con, Chúa đã chấp nhận sự tiêu hao để rồi bừng lên sức sống mãnh liệt cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn giữ mãi được ngọn nến Phục Sinh trong lòng, và làm tỏa sáng ra chung quanh, để chúng con sẽ không bao giờ trở lại bóng tối của sự chết, ngõ hầu chúng con được sống lại trong ngày sau hết, Chúa nhé!

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

HOA NỞ TRONG HUYỆT MỘ

Một sáng năm xưa đất nở hoa
Từ trong mộ đá dậy bài ca
Bi ai thống khổ đâu còn nữa
Chúa đã phục sinh giữa chúng ta.

Hoa nở bừng lên rạng đất trời
Mộ kia khăn trắng ấm hơi Người
Khóc chi thiếu nữ Si-on hỡi
Cởi bỏ tang sô trỗi dậy thôi!

Tôi sáng hôm nay cũng phục sinh
Bởi tôi đã được Chúa thương tình
Ban cho ánh sáng bình minh mới
Khấp khởi hồn tôi đón Thánh Linh.

Chúa đã quang vinh sống lại rồi
ÁoNgườiđỏnhuộmniềm tin tôi
Cho tôivuihátbài ca mới
Loan báo Tin Mừng đikhắpnơi!!!

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

SUY GẪM VỀ CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊ-SU

‘Người nói : "Tôi khát !" Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : "Thế là đã hoàn tất !" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.’
(Ga: 19, 28-34)

Người ta đã đối xử với Chúa một cách hết sức độc ác và tàn bạo, đã hành hạ Chúa đủ điều nào là roi đòn quất vào da thịt, nào là mão gai đóng vào đầu, nào là sỉ nhổ lên mặt và quỳ nhạo, nào là lột bỏ hết quần áo, nào là đóng đinh chân tay vào thập giá... chẳng còn gì nữa để mà hành hạ... Chúa đã bị hành hạ đến máu cạn lực kiệt, đến nỗi phải rên lên “Tôi khát!”, thế mà họ vẫn không buông tha, còn cho Chúa uống giấm chua nữa... Thật là không còn gì để tả xiết nỗi độc ác và tàn bạo của con người. Con người có thể đối xử với nhau lạnh lùng đến thế sao? Người chết rồi còn chẳng chịu buông tha, vẫn còn lấy giáo mà đâm cho máu và nước cuối cùng phải chảy ra đến nỗi cạn khô như vậy!
"Thế là đã hoàn tất!", Chúa đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại, công trình mà Chúa Cha đã giao phó. Chúa đã hoàn tất mọi việc với sự nhẫn chịu tất cả những đớn đau nhục nhằn của một thân phận con người, trải qua những đớn đau cùng cực như thế có lẽ nào Chúa lại không thông hiểu cho những khốn khó thương đau của nhân loại? Vậy tại sao Chúa vẫn hoàn toàn im lặng trước những khốn khó đau thương của chúng con? Tại sao Chúa chỉ nhìn chúng con bằng ánh mắt buồn hoài vọng từ trên cây thập giá?
Hôm nay toàn thể Giáo hội tưởng niệm cuộc thương khó Chúa Giê-su, cho con có dịp gẫm suy lại toàn bộ biến cố đã xảy đến cho Chúa trong buổi chiều thứ sáu ấy một cách sâu xa hơn. Con đã lên án những người lính có mặt trong cuộc khổ nạn của Chúa. Họ đã thi hành nhiệm vụ của họ một cách xuất sắc, họ đã quá tàn bạo đối với một người vô tội như Chúa. Thế còn con, con đã ứng xử với những người chung quanh con thế nào? Có phải con chưa hề bao giờ nhục mạ chửi rủa ai? Có phải con chưa hề bao giờ nhạo báng ai? Có phải con chưa hề bao giờ mưu tính hại ai? Con đã cho rằng người ta đối xử với Chúa quá lạnh lùng. Vậy còn con, có phải con chưa từng lạnh lùng trước lời kêu van giúp đỡ của một người ăn xin? Có phải con chưa từng lạnh lùng trước nỗi đau buồn của một ai đó? Có phải con chưa từng lạnh lùng trước một người đang cơn hoạn nạn? Khổ đau khốn khó gian truân con cũng đã từng trải, thông cảm cho người khác thì con hoàn toàn thông cảm, nhưng con lại sợ phiền lụy sợ rắc rối đến bản thân. Vì thế mà con đã vô tình khoác phải bộ mặt lạnh lùng với anh em đồng loại của mình rồi, Chúa ơi! Hai ngàn năm lẻ đã trôi qua, song le những cái mão gai vẫn tiếp tục chụp lên đầu Chúa, những lời sỉ vả nhục mạ vẫn thốt ra, những cái đinh nhọn vẫn tiếp tục cắm sâu vào chân tay Chúa, những lưỡi đòng vẫn đâm xuyên vào cạnh sườn Chúa... bởi nhân loại vẫn không thôi hành hạ đấu đá nhau... thông điệp tình yêu của Chúa qua cái chết trên thập giá vẫn thường bị lịm tắt bởi chẳng có nhiều người muốn nghe! Hỏi tại sao Chúa lại không im lặng?

Ôi, lạy Chúa Giê-su! Con là một tế bào của nhân loại, cái nhân loại vẫn còn đang giơ nắm đấm lên cao, gào thét đòi đóng đinh Chúa vào thập giá! Bởi con vẫn còn mang trong thân mình những thói ích kỷ lạnh lùng, ganh đua ham hố, nên Chúa hằng ngày vẫn phải đưa má cho người sỉ nhổ giựt râu... đưa chân tay cho người đóng đinh... giơ cạnh sườn cho người đâm thủng... Con chẳng khác gì một kẻ đồng lõa trong vụ án xử oan cho Chúa ngày xưa!
Xin Chúa tha cho con hết mọi lỗi lầm, cũng như xin cho con biết tha thứ cho anh em đồng loại. Xin cho con trở nên yêu mến Chúa hơn, qua những cử chỉ, lời nói và việc làm mà con sẽ đối xử với anh chị em sống chung quanh con mỗi ngày. Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá đời con mỗi ngày, để con được chết đi trong tội lỗi mình, Chúa nhé!

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

CÁI THẮT LƯNG NGANG CẠNH SƯỜN CHÚA GIÊ-SU

Nhóm khuyết tật Magnificat thường tụ họp trong
một ngôi nhà nhỏ thuộc giáo xứ Công Lý, chúng tôi quen gọi ngôi nhà này là nhà Mai-cát. Chiều thứ Năm Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa hết sức đặc biệt với nhà Mai-cát, vì đây là lần đầu tiên sau hơn ba năm thành lập, nhóm chúng tôi tụ họp nhau vào một buổi chiều như thế này. Tôi có cảm giác như bữa ăn tối ở đây hôm nay là bữa tiệc ly, mặc dầu chẳng có ai chia tay ai cả. Bởi trước bữa ăn tối, chúng tôi đã cùng nhau tham dự thánh lễ Rửa Chân tại nhà thờ Công Lý, và một sự kiện đặc biệt đã xảy đến với nhóm người khuyết tật chúng tôi ngay chính ở ngôi nhà thờ nhỏ này.

Tôi đặc biệt chú ý đến bài giảng trong thánh lễ. Mỗi năm mỗi được nghe ít nhất một lần về sự kiện Chúa giê-su rửa chân cho các môn đệ. Nhưng, đây là lần đầu tiên tôi được nghe nói về chi tiết “cái thắt lưng Chúa Giê-su thắt ngang cạnh sườn”, nó như biểu trưng cho sự phục vụ đến chết vì yêu thương của Thầy chí thánh. Vị linh mục thuyết giảng đã giúp tôi liên tưởng từ “chiếc thắt lưng bên cạnh sườn” tới việc tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa Giê-su, và mặc dầu Chúa đã chết, Người vẫn hiến dâng những giọt máu và nước cuối cùng trong thân thể Người để ban phát cho nhân loại. Cha nhấn mạnh ở điểm này: Chúa Giê-su đã nêu gương cho nhân loại chúng ta trong cung cách phục vụ của Ngài, một tấm gương phục vụ cho đến chết! Nghe đến đây, tôi phải tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã phục vụ anh chị em sống chung quanh mình như thế nào, tôi có phục vụ họ một cách hoàn toàn vì yêu thương hay không? Tôi cảm thấy tựa hồ như chính Chúa giê-su đã dẫn dắt tôi đến nhà thờ này để được nghe những lời giảng này. Dường như Chúa muốn tôi phải xem lại cách phục vụ của tôi đối với những anh chị em khuyết tật sống quanh mình hay sao ấy! Tôi nhớ lại, Chủ nhật vừa rồi Kim anh(một tình nguyện viên của chúng tôi trong nhà Mai-cát) đã phone cho tôi, chị hỏi ý kiến tôi rằng, có nên quần tụ anh chị em Magnificat để cùng nhau tham dự thánh lễ Rửa Chân ở nhà thờ Công Lý hay không. Kim Anh lo ngại rằng chúng tôi không đủ sức khỏe để ngồi lâu suốt mấy tiếng đồng hồ trong nhà thờ, vì sau thánh lễ còn có phiên chầu Thánh Thể nữa. Chị bảo với tôi rằng, chị mới nghĩ ra ý hướng đó chứ chưa có trình với Cha đồng hành, nếu chúng tôi có thể tụ họp thì chị mới trình với Cha...những gì đã xảy ra sau đó khiến tôi tin rằng chính Chúa đã dẫn dắt tôi đến nhà thờ Công Lý vào đúng chiều hôm nay, để giờ đây tôi đang có cảm giác được nhìn thấy Chúa với cái thắt lưng ngang cạnh sườn, Ngài đang nhìn tôi với ánh mắt đầy yêu thương và đầy khích lệ. Nói đến hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giê-su, vị linh mục thuyết giảng nói rằng lát nữa đây các cha đồng tế trong thánh lễ cũng sẽ cử hành nghi thức rửa chân, nhưng là rửa chân cho những người khuyết tật có mặt trong nhà thờ. Lúc đó tôi mới biết rằng mình sẽ được vinh dự để Cha rửa chân cho. Một suy nghĩ đến nhanh trong đầu khiến tôi suýt bật cười, vì nhận ra mình có phản ứng giống ông thánh Phê-rô y hệt, bởi mới nghe Cha nói như vậy tự nhiên tôi đã muốn giẫy nảy lên: “Thôi, thôi, con ngại lắm, Cha mà lại rửa chân cho con sao? ấy là tôi nghĩ vậy, chứ đến khi nghe vị linh mục thuyết giảng nói về ý nghĩa sâu xa của hành động rửa chân của Chúa Giê-su thì tôi cảm thấy mình không còn chút căng thẳng nào nữa. Tuy vậy, khi cha sở nhà thờ Công Lý bưng thau nước ngồi xuống phía trước tôi, tôi cảm thấy ngại ngùng vì phải cởi bỏ đôi giầy ra khỏi chân, hai bàn chân tôi đã bị tê dại suốt mấy chục năm có lẽ trông xấu xí sù sì ghê lắm! Tôi cười gượng với Cha:
-“Chân con đã bị tê mất cảm giác suốt mấy chục năm rồi, hôm nay được Cha rửa chân cho chắc là nó sẽ khỏe lên!”
Cha đáp:
-“Không sao đâu con ạ! Sẽ tốt thôi!”
Một người bạn của tôi, bị teo cả tứ chi, nên anh ta thậm chí không tự cởi giày được, Cha và mấy người phải phụ giúp anh ta cởi giầy nữa. Tôi thầm hỏi Chúa: “Ngày xưa, Chúa có phải cởi giầy cho mấy ông Tông-đồ không hở Chúa” Tôi chợt nhận ra một cách rõ nét hơn, bấy lâu nay Chúa vẫn cởi giầy và xỏ giầy cho tôi đấy thôi! Chúa đã xỏ giầy cho tôi qua bàn tay của những người thân bạn hữu quanh tôi đấy thôi! Và tôi trở lại với câu tự vấn lòng mình, tôi biết mình chưa hết lòng phục vụ anh em như tôi vẫn thường cho là vậy. Tôi thầm cầu xin Chúa cho mình biết sửa đổi tâm hồn, để nhận ra những khinh suất thường xảy ra mỗi khi tôi phục vụ một ai đó. Bên cạnh tôi, các cha vẫn đang tiếp tục rửa chân cho các bạn của tôi. Tôi hình dung ra các bạn tôi với những bàn chân teo nhỏ vì sốt bại liệt, có lẽ họ cũng ngại ngùng vì để các cha rửa chân cho...

Về đến nhà Mai-cát, tôi thắc mắc với Kim Anh:
-“Ủa! vậy ra là Kim Anh đã báo cho Cha sở ở nhà thờ biết vụ tụi này sẽ tham dự thánh lễ chiều nay à?”
Kim Anh trả lời tôi một cách đầy sảng khoái:
-“Không, em đâu có báo trước! Hôm thứ Tư, Cha sở gọi điện thoại cho em, đề nghị đấy chứ. Không ngờ hai ý tưởng lại trùng nhau mới hay chứ!”
Bữa ăn tối ở nhà Mai-cát tôi tạm gọi là bữa tiệc ly dù chẳng có ai phải chia tay ai cả, chỉ vì bỗng dưng tôi tự nhiên có cảm giác như thế. Chúng tôi, những người khuyết tật được gôm tụ lại với nhau nơi đây, chẳng phải là do sự yêu thương của Thầy chí thánh truyền qua người môn đệ của Người là Cha Bảo Lộc hay sao? Trong chúng tôi có mấy người tính nghịch ngợm hay đùa, cứ đòi Cha Bảo Lộc rửa chân cho họ, họ nói thế chứ chưa biết chừng khi Cha bưng thau nước tới trước mặt họ, thì họ lại giống như tôi, cũng sẽ giẫy nảy lên như ông thánh Phê-rô ngày xưa vậy! Còn tôi, khi nghe họ nói về chuyện rửa chân, trong đầu tôi cứ hình dung ra cảnh tượng Chúa Giê-su trước mắt, với cái thắt lưng ngang cạnh sườn, và cảnh người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa... và những giọt máu cuối cùng đang rỏ xuống đất... Tôi lại tự nhủ với lòng rằng: Từ nay tôi sẽ cố gắng hết sức mình để nếu có phục vụ ai đó thì phải phục vụ một cách tận lực vì yêu thương theo gương Chúa Giê-su, Người đã phục vụ cho đến chết và đã chết vì tôi một cách đau thương trên đồi vắng!

TÂM SỰ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN THÁNH

“Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
(Ga: 13, 13-14)

Chúa ơi, Chúa là Thầy, là Chúa của mấy ông môn đệ, thế nhưng Chúa đã tự hạ mình cúi xuống rửa chân cho mấy ổng. Con chẳng là gì cả trong cái vũ trụ mênh mông rộng lớn này, thế vậy mà con đã bao lần ăn nói hành động đối với anh chị em sống chung quanh mình một cách vênh vao lớn lối, nghĩ lại con thấy mình thật là lố bịch, Chúa ạ! Xét mình cho kỹ, con thấy mình đã tự cho “cái tôi” của mình là quá lớn, nên mới sinh ra kiêu căng tự phụ như thế. Cũng may, thời gian sau này, kể từ khi con ý thức được thân phận con người của mình chỉ là con số zero trước mặt Chúa, và tất cả những gì con có đều do Chúa ban cho, nhờ vậy mà con đã dẹp bỏ bớt được tính kiêu căng tự phụ của mình. Tuy nhiên, cái bản tính xấu xa đó vẫn còn tiềm ẩn trong con, chứ vẫn chưa hẳn là hết. Thỉnh thoảng, nó vẫn còn thấp thoáng trong con, cho nên con vẫn chưa thoát khỏi cái tính tự tôn tự đại của mình. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến những mối quan hệ chung quanh con, và nó đã gây cho con đôi chút phiền toái, Chúa ạ!
Hôm nay, con một mình ngồi trong căn phòng vắng, ngẫm nghĩ về việc Chúa rửa chân cho các môn đệ, lòng con man mác buồn vì cảm giác thương Chúa phải cô đơn một mình chống chỏi với biết bao sự dữ đang chờ đón. Đồng thời trong tâm trạng xuyến xao đó, lòng con lại trào dâng niềm hy vọng, vì tin rằng Chúa đã thậm yêu các môn đệ của mình, cho dẫu có người trong số họ sẽ bán Chúa, cho dẫu có người trong số họ sẽ chối Chúa, mà Chúa vẫn rửa chân cho, thì con người tội lỗi của con cũng sẽ được Chúa trọn niềm thương yêu như thế.
Thời gian gần đây, con bị người ta hiểu lầm và nói oan nói ức cho con nhiều lắm, Chúa ơi! Đã có lúc con định cắt đứt mối quan hệ bạn bè với những người đó. Thế rồi, vì công việc chung, con vẫn phải ôn tồn mà thảo luận công việc với họ... lắm lúc con phải khuyên can họ để họ có thể tránh khỏi những sai lầm trong công việc, dẫu biết rằng làm như thế con sẽ bị họ càng gia tăng lòng ác cảm đối với mình, nhưng rồi con vẫn cứ phải ra sức khuyên can vì lo cho sự vẹn toàn của tập thể và vì lo cho sự vẹn toàn của chính họ nữa...

Lạy Chúa! Xin cho con luôn nhớ mãi hành động “rửa chân cho các môn đệ” của Chúa, một hành động khiêm hạ nhẫn chịu vì thương yêu, ngõ hầu con có thể gìn giữ được những mối quan hệ bạn bè của con một cách tốt đẹp, Chúa nhé!

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

GIU-ĐA BÁN CHÚA

‘Người đáp : "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !" Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi : "Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?" Người trả lời : "Chính anh nói đó !"’
(Mt: 26, 23-25)

Lạy Chúa Giê-su! Con đã bao nhiêu lần “nộp Thầy”, khi con đánh đổi Chúa lấy một ít lợi lộc trần gian?
Người đời thường lên án Giu-đa, vì ông này đã bán đứng Chúa với một cái hôn vờ vĩnh. Nhưng thử hỏi, có mấy ai chưa từng một lần trong đời đã không hề trải qua cái hành động bán Chúa? Riêng con đây, con cảm thấy mình như một kẻ đang ngồi trên cái xích đu hết đong đưa từ thái cực này sang thái cực khác, khi thì cảm thấy tâm hồn mình bay bổng với những điều tốt đẹp, khi thì cảm thấy mình chìm ngập trong một mớ bòng bong những vật chất tầm thường và những lạc thú chóng qua của cuộc đời. Có những lúc con thấy đời tràn ngập ánh sáng, Chúa như một ngọn nến sáng trưng trong con. Nhưng rồi chỉ ít phút sau đó, con lại mang bộ mặt của Giu-đa, một bộ mặt của kẻ bán đứng Chúa chỉ vì ba mươi đồng bạc. Vâng, con nhiều khi đã cố lờ đi ánh mắt Chúa nhìn con, mà chạy theo những thị hiếu tầm thường hoặc những tham vọng nhỏ nhen của bản thân mình, và Chúa cũng biết rõ điều đó như Chúa đã từng biết rõ ý đồ của Giu-đa. Vậy nhưng, Chúa chỉ nhìn con bằng một ánh mắt buồn u uẩn. Ánh mắt ấy đã nhắc nhở con, như thể Chúa đã từng nói với Giu-đa trong bữa tiệc ly năm xưa: “Chính anh nói đó!” Thế mà con cũng giống như Giu-đa, nghĩa là mặc cho lời nhắc nhở của Chúa, ông ta vẫn rời khỏi bàn tiệc ly một mình bước vào bóng tối... con cũng đã phớt lờ đi ánh mắt của Chúa mà bước vào bóng tối của tâm hồn mình...

Chúa ơi, nếu như một lúc nào đó con lại khoác bộ mặt của Giu-đa thì xin cho con biết lột chiếc mặt nạ đó ra khỏi con người mình ngay lập tức, để rồi mau chóng vùng dậy chạy đến với Chúa. Xin đừng để bao giờ Chúa phải nói với con câu này: “khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà nó đừng sinh ra thì hơn !"
Lạy Chúa! Xin cho con có đủ dũng khí để con có thể nói “Không!” trước những cám dỗ ngọt ngào và quyền lực lấp lánh của tiền tài danh vọng, để con không phải nhúng tay vào hành động bán đứng Chúa. Xin Chúa hãy dùng nhãn lực của Chúa mà kéo con về với Chúa mỗi khi con trót dại lầm đường, để con mãi được ở trong vòng tay che chở của ChúaChúa nhé!

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

HỌC GƯƠNG THÁNH PHÊ-RÔ, QUYẾT THEO THẦY!

‘Ông Phê-rô thưa : "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !" Đức Giê-su đáp : "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”’
(Ga: 13, 37-38)

Con đã qua biết bao lần hứa hẹn
Hứa sẽ theo Thầy lên đỉnh núi Can-vê
Song, trần gian trăm nẻo lối đi về
Con mê mải, bỏ Thầy, theo nhân thế!

Thầy cho con những tháng ngày đời trăng sáng
Trăng tỏa đồng quê áng thơ tuôn mềm mại
Nhưng hỡi ôi!... trăng có mãi thế đâu
Trăng mê muội hụp lặn đời dâu bể
Để mặc Thầy cô đơn trên đồi vắng!

Con hôm nay nghe gà gáy giật mình
Giữa ban ngày, hồn bừng tỉnh cơn mê
Lời buồn thay! Lời Thầy cùng thánh Phê-rô thuở ấy...

Ối Thầy ơi! Con thấy mình tệ bạc!
Biết bao lần con lạc bước phong sương
Ả vong tình vấn vương đời tội lụy?
Biết bao lần con buông mình quỵ ngã
Là chừng ấy lần ả phản bội lại nghĩa tình Thầy!

Ơi, Thầy ơi! Thầy đã quá thương con
Suốt bao năm vẫn chất ngất tình đầy
Thầy vẫn thương, vẫn rộng lòng tha thứ
Thế mà con lại vẫn cứ lỗi lầm
Con biết mình rất cần ơn phù giúp!

Ơi, ông thánh Phê-rô, tông-đồ cả!
Đã ba lần, ngài chối Chúa khi xưa
Nhưng ngài đã quyết tâm quay đầu lại
Và trở nên một chiến sĩ đức tin
Để Nước Chúa hôm nay dần lớn mạnh!
Ơi, ngài ơi! Chạnh lòng thương con với
Xin cầu bầu cùng Thiên Chúa nơi cao
Ban cho con được sức mạnh dồi dào
Giúp cho con mãi bám vào cây Thánh giá
Đời sỏi đá, con cũng quyết theo Thầy
Hẹn một ngày gặp ngài trên Thiên Quốc, ngài ơi!

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

CHẾT THAY CHO DÂN!


“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."
(Ga: 11, 50)

. Người thà chịu chết vì dân
Còn hơn để họ ngập tràn tội khiên!!!

Một mình gánh lấy muộn phiền
Tuân vâng thánh ý, Con Chiên cúi đầu...

Trông lên từ đáy vực sâu
Trái oan tựa núi, khối sầu vạn cân
Chúa ơi, sao Chúa lặng câm?
Sao Người chẳng chút phân trần biện minh?

Ô hay! Thập giá hữu tình
Người trên thập giá phân minh làm gì!
Chỉ vì một chữ yêu thôi
Tim Người rách toác, máu Người cạn khô!

Người thương nhân loại vô bờ
Mà sao nhân loại hững hờ vô tâm?
Có ai hiểu hết tình thâm
Để cho Con Chúa bớt phần đớn đau?

Thời gian thật đã qua mau
Hai nghìn năm cũ đã nhàu phong sương
Hôm nay ngẫm lại dặm trường
Chợt hồn xao xuyến ngắm gương mặt Người
Tình yêu chẳng nói thành lời
Nhưng đôi mắt Chúa lửa ngời tình si
Ánh nhìn tha thiết chờ tôi
Như trao như gởi cả trời thương yêu
Còn nghe trong gió phiêu diêu
Một lời ngắn ngủi, bao nhiêu mặn nồng:

“Sợ rằng nhân loại tiêu vong
Ta thà chịu chết để hòng cứu dân!”

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

NÔ LỆ HAY TỰ DO?

"Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do.”
(Ga: 8, 34-36)

Tôi là con cái của Chúa, nhưng tôi đã chẳng sống xứng đáng cho ra con cái Chúa, mà lại đi đâm đầu làm nô lệ cho tội lỗi, thật là đáng giận đáng trách! Nhưng Chúa vẫn rộng lòng thương yêu chờ đợi tôi.
Chúa đã sai con Chúa xuống trần gian, sống kiếp con người để cùng thông phần đau khổ với con người. Cái chết đau thương trên thập giá của con Thiên Chúa là một kế hoạch hoàn hảo, giúp con người nhận ra thân phận tội lỗi của nó, và chỉ ra rằng cái chết đi trong tội lỗi sẽ giúp con người chiến thắng tội lỗi... Thế nhưng, tôi có chịu chết đi trong tội lỗi của mình không? Tôi có muốn được giải phóng khỏi ách thống trị của nó không? Hay là tôi vẫn muốn chiều theo xác thịt để tiếp tục làm nô lệ cho nó, như dân Do-thái xưa trong sa mạc, chỉ vì thèm củ hành củ tỏi mà than trách ông Mô-sê đã dẫn đưa họ ra khỏi Ai-cập để họ phải chịu cảnh thiếu thốn...? Chúa Giê-su đã đến thế gian, Người đã chỉ ra cho nhân loại một con đường, con đường này sẽ giải phóng nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi. Song le, con đường đó lại chật chội và đầy gian nan khốn khó, khiến cho con người chẳng mấy ai dám vui vẻ chấp nhận, mà tôi chính lại là một kẻ trong số đó!

Lạy Thiên Chúa là Cha của con! Xin cho con luôn đặt trọn niềm tin vào Con Chúa ngõ hầu con có đủ sức mạnh để bứt mình ra khỏi tính hư hèn của xác thịt, mà một lòng quyết tâm đi trên con đường qua cửa hẹp. Xin giải phóng con khỏi ách thống trị của tội lỗi, để con được ở lại trong nhà của Cha luôn mãi.
Lạy Chúa là Cha của con! Xin cho con luôn được sống trong sự tự do của con cái Chúa, để khỏi uổng phí máu con Chúa đã đổ ra vì chúng con, Chúa nhé!

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

TÔI KHÔNG CÔ ĐỘC!

“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều
đẹp ý Người." (Ga: 8, 29)

Có đôi khi bạn cảm thấy cô độc một mình, bạn cảm thấy chẳng có ai hiểu mình hoặc chẳng có ai đáng tin cậy để bạn chia sẻ nỗi lòng, phải không? Có đôi khi bạn cảm thấy chơi vơi, bạn đã tìm đến tâm sự với Chúa Giê-su, nhưng Ngài chỉ lặng thinh chẳng nói gì với bạn, phải không? Trước đây tôi đã từng trải qua những giây phút cô đơn lạc lõng giữa dòng đời, chẳng muốn tâm sự cùng ai, vì tôi biết chẳng ai có thể giúp mình trong những câu chuyện đầy bế tắc đó của mình. Những năm tháng gần đây tôi sống rất thanh thản, bởi tôi luôn có một người bạn tin cậy và sẵn sàng lắng nghe tôi mọi lúc, mọi nơi và mọi chuyện. Người bạn đáng tin cậy của tôi đó chính là Chúa Giê-su, bạn ạ! Được thổ lộ hết với Ngài những tâm tư thầm kín, được trao hết cho Ngài những nỗi lắng lo, được tha hồ mà khóc với Ngài cho vơi đi những gì làm tôi buồn sầu đau đớn... Và cứ mỗi lần như thế, dẫu rằng Ngài chẳng nói gì với tôi, nhưng tôi biết Ngài đã lấy đi khỏi tôi những nỗi phiền muộn đó. Bởi vì sau khi tâm sự khóc lóc với Ngài, tôi luôn có cảm giác bình an thư thái một cách lạ lùng. Không những thế, tôi còn cảm thấy trong tôi bừng lên một sức sống mạnh mẽ hơn trước, đó là những trải nghiệm đầy linh thiêng của đời tôi. Khi nghe tôi bày tỏ điều đó, có người đã than với tôi rằng, họ cũng có tìm đến tâm sự với Chúa, nhưng Chúa chẳng trả lời những câu hỏi của họ, họ chẳng cảm thấy gì ngoài sự im lặng của Chúa. Tôi hỏi người đó: “thế bạn có trao gởi hết mọi sự cho Chúa không? Và bạn có xin Chúa giúp sức cho bạn để bạn có thể chấp nhận tất cả không?” Người đó trả lời: “Tôi cũng than thở hết mọi chuyện, cũng khóc đến cạn cả nước mắt, tôi xin Chúa giải quyết cho tôi, tôi mong mọi sự sẽ qua đi một cách tốt đẹp, nhưng nào có được!”. Tôi nói với người bạn đó rằng, bạn càng muốn nhanh chóng thoát ra khỏi những sự phiền muộn rắc rối cho rảnh thân, thì bạn sẽ càng cảm thấy mình bị thít chặt vào mớ bòng bong đó, bởi vì bạn quên rằng Chúa Giê-su đã thực hiện công trình cứu chuộc của Người qua cái chết nhục nhã đau thương trên thập giá. Đó chính là câu trả lời của Chúa, chứ không phải những lời hứa hẹn sẽ giúp cho bạn được mọi sự thuận buồm xuôi gió đâu!
Lời Chúa hôm nay chẳng phải đã nói về những vấn đề mà chúng ta đang bàn luận ư? “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều
đẹp ý Người." Chúa không cô độc, vì mỗi bước đi mỗi việc Người làm Người đều tìm vâng thiên ý, qua những giờ phút nguyện cầu với Chúa Cha. Ý Chúa Cha muốn Người phải chịu đau khổ, dù biết rằng sự đau khổ đó đến mức sợ toát mồ hôi máu, Người vẫn xin vâng, vì Người biết Chúa Cha sẽ ban sức mạnh cho mình, vì biết rằng chấp nhậnchén đắng là làm đẹp lòng Chúa Cha... Tôi đã học được điều này qua màu nhiệm đau khổ của Chúa Giê-su trên thập giá, và kể từ khi tôi sống bám vào màu nhiệm này, tôi không còn sợ hãi cho tương lai mịt mù, tôi cũng chẳng còn quá sợ hãi về bệnh tật của mình như trước đây nữa! Vì tôi biết mình không cô độc, vì tôi biết Chúa luôn ở bên tôi. Cho dù là tôi có nhớ đến Người hay không, thì Người cũng vẫn cứ ở bên tôi, một khi tôi biết tìm vâng theo thánh ý.

Lạy Chúa Giê-su! Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã soi rọi vào trái tim con ánh sáng của màu nhiệm đau khổ trên thập giá Đức Ki-tô. Đó chính là một hồng ân lớn lao đối với con, Chúa ạ! Xin cho con luôn có được sự kiên định như trong phút giây này suốt đời con, Chúa nhé!

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

SỜ LÊN GÁY MÌNH TRƯỚC ĐÃ!...

"Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."(Ga: 8, 7)

Khi nghe kể chuyện về một người nào đó, với những hành động độc ác một cách rõ ràng cụ thể của anh ta, tôi thường bày tỏ thái độ phẫn nộ của mình để lên án người đó và kèm theo những lời bình luận này kia kia nọ, mà quên mất rằng mình chẳng có quyền được xét xử ai hết!
Phải, chỉ với một câu nói ngắn ngủi này thôi: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.", Chúa Giê-su đã làm cho cả một đám đông phải tự xấu hổ mà rút lui. Cả một đám đông dân làng đang hùng hổ kéo đến để kết tội một người phụ nữ chẳng may bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, cả đám đông có vẻ thích thú vì được một dịp hả hê nhìn thấy “cái tội” của người khác, mà quên sờ lên gáy họ... Thoạt đầu họ tưởng họ chẳng có lỗi gì, nhưng rồi mỗi người trong đám họ phải lầm lũi rút lui một cách có trật tự, vì: chẳng ai là người không có tội ngoại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chẳng vội kết tội họ, vậy sao họ lại dám vội vã lên án người khác? Biết đâu, người phụ nữ ngoại tình kia bị người đàn ông dụ dỗ hăm dọa để đến nỗi phải chiều theo ông ta? Biết đâu chị ta đã quá khổ sở với người chồng của mình, để rồi dễ bị xiêu lạc trước người đàn ông giả vờ tốt bụng với chị? Có nhiều lý do lắm... những lý do mà ta thường hay dùng để biện minh cho tội lỗi của mình... vậy tại sao ta lại vội vã lên án người khác? Tại sao ta lại không nhìn người phụ nữ ngoại tình kia trong cái nhìn của một sự thương cảm?...

Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã chẳng nỡ kết tội con dù con là một đứa con gái yếu đuối đầy sân si ham hố, Chúa đã cho con biết bao cơ hội để được giao hòa cùng với Chúa, vậy mà con lại hay dễ dàng lên án kết tội anh em đồng loại đến thế! Xin cho con luôn biết xét mình, để đừng quên những tội lỗi của mình mà dốc lòng chừa bỏ. Xin cho con luôn biết nhìn mọi người sống chung quanh con bằng một ánh nhìn cảm thông, để cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, thì con cũng sẽ không vội vàng lên án kết tội ai, như Chúa đã từng đối xử khoan dung nhân hậu với con, Chúa nhé!

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CỬA MỒ ĐÃ MỞ RA!

‘Nói xong, Người kêu lớn tiếng : "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."’ (Ga: 11, 43-44)

Thuở ấy,
Ánh sáng trong đôi mắt con đã tắt lịm
Toàn thân con, suy nghĩ con như thể đã chìm tận đáy vực sâu
Cuộc đời con tưởng đâu chỉ còn là một dấu lặng đen không biết nói!

Tám năm trong huyệt mộ
Con vẫn nói, vẫn cười
Con vẫn ăn, vẫn uống
Con vẫn muốn nghĩ suy tìm cho mình một lối thoát.

Nhưng bóng tối chập chùng...

Chung quanh con, tất cả đều vô nghĩa!
Có nghĩa gì đâu, khi tất cả rồi sẽ về với cát bụi?
Có nghĩa gì đâu, khi tất cả đều nằm im trong bóng tối?
Con hằng ngày đối diện với những giải khăn tang
Lòng đa mang với mảnh sầu đau luôn gặm nhấm...

Những tám năm lần tìm
Con một mình lần tìm
Nét chấm phá nào trên bức tranh đời con u ám?

Rồi một ngày,
Ngày ấy, nét chấm phá sáng bừng lên
Khi con có cảm giác Chúa vẫn ở bên con trong tăm tối lặng thầm.
Chợt, cửa hầm mộ mở toang
Những giải khăn tang vẫn còn bưng kín mắt
Nhưng ánh sáng đã tràn vào...

Ánh sáng từ trong chính giữa trái tim con
Nguồn ánh sáng sẽ không bao giờ cạn tắt.
Chính Chúa dắt con đi dưới nắng tỏa ngọt ngào
Chúa dắt con vào đồng cỏ xanh rộn khúc hát hoan ca...

Cửa mồ đã mở ra
Anh La-za-rô đã sống lại
Và con nữa, con đã sống lại thật rồi, Chúa ơi!

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

GIỜ CỦA NGƯỜI CHƯA ĐẾN!

“Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.”(Ga: 7, 30)

Giờ chưa đến...
Giờ của Người chưa đến...
Ánh trăng nào hiểu thấu nỗi lòng đau?
Dòng sông nào chứa hết sầu bi lụy?
Mảnh đất nào Người quỳ gối thâu đêm?
Giờ chưa đến, bởi giờ của Người chưa đến!

Người nghĩ gì, khi đi lên Thành thánh?
Buồn hay vui, hỡi Thành phố Sa-lem?
Những bước chân chen chúc giữa phố phường
Có mấy người đón đường, thương lữ khách?
Đời rách mướp, bởi ai cũng tính toan
Đời đa đoan, bởi lòng người gian ác!
Có mấy ai biết Người còn đang khát
Người đợi chờ, đến giờ phút Vượt Qua...!

Chẳng có ai tra tay bắt được Người
Ấy là bởi giờ của Người chưa đến
Ơi, Người ơi! Con hiểu nỗi lòng Người
Người chờ đợi, để ý của Cha luôn tròn vẹn!
Dẫu biết rằng giờ đó sẽ đau thương.
Dẫu biết rằng đó là giờ lên đường đi tử nạn.

Con xin luôn được làm bạn với Người
Cùng với Người, con vác cây Thánh giá!
Xin thánh hóa niềm tin con chờ đợi
Dẫu cuộc đời còn thử thách chông gai
Dẫu ngày mai cánh hoa tàn rơi rụng
Con sẽ chờ giờ của Cha...
với điều kiện, Người ở bên con luôn, Người nhé!

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI TRONG CƯƠNG VỊ LÃNH ĐẠO

‘Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa : "Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập ? Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao : Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất ? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài.”’ (Trích sách Xuất hành: 32, 11-12)

Ông Mô-sê thật xứng đáng là một thủ lãnh lớn của dân Ít-ra-en! Mặc dầu đã bao lần ông bị dân Ít-ra-en kêu ca trách móc, nhưng không vì thế mà ông nỡ để cho họ phải rơi vào cảnh bị trừng phạt. Khi nghe Đức Chúa phán với ông rằng, Đức Chúa sẽ trừng phạt dân Ít-ra-en vì họ đã bất trung với Ngài mà đi thờ các thần khác, ông Mô-sê đã ra sức van nài kêu xin cho họ, ông đã chẳng nghĩ đến điều Chúa nói với ông rằng Chúa sẽ ban cho ông một dân khác còn lớn hơn dân này, ông đã chẳng màng đến vinh hoa phú quý của bản thân, mà hoàn toàn đã vì những người dân đang sống quanh mình...
Lạy Chúa! Xin ban cho đất nước chúng con có được những người lãnh đạo biết thương dân như ông Mô-sê, biết vì dân như ông Mô-sê, để dân tộc con sớm thoát khỏi cảnh lầm than như hiện nay.
Lạy Chúa, dẫu con chỉ là một tôi tớ hèn mọn của Chúa, dẫu con chẳng làm được gì nhiều, thế mà lắm lúc con cũng còn đeo mang trong mình những ham muốn hư vinh giả tạo. Xin cho con luôn biết tìm kiếm và quan tâm phục vụ người khác hơn là tìm kiếm sự tôn vinh cho bản thân, để con có thể vững bước trên con đường của Chúa như ông Mô-sê xưa đã từng đi, Chúa nhé!