Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

CHẠM VÀO NGƯỜI CÙI

“Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi !" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.”
(Mc: 1, 40-42)

Một kỷ niệm chợt ùa về trong ký ức, tôi nhớ lại đêm Noel năm nào mình đã đi thăm trại phong Bến Sắn, những chuyện xảy ra trong đêm ấy đã để lại trong tôi biết bao trăn trở...
    Chúng tôi như những chiếc lá rách đi đùm lấy những chiếc lá nát hơn, có người đã nói thế! Đó là trong một chuyến đi thăm những bệnh nhân phong cùi, tới đó chúng tôi sẽ hát những bài ca Giáng Sinh cho họ nghe. Chúng tôi, những học sinh của mái ấm Thiên Ân được các Soeur ở trại tiếp đón như những người khách quý. Số là thầy chủ nhiệm của chúng tôi đã nhận lời mời của các soeur, Noel năm ấy thầy dắt đám học sinh khiếm thị của thầy xuống hát lễ tại nhà nguyện của trại. Tôi tuy không còn học ở mái ấm nữa cũng được thầy cho đi theo với các bạn. Sau gần 2 tiếng đồng hồ di chuyển từ Sài Gòn xuống Bình Dương, chiếc xe chở chúng tôi dừng lại trước nhà khách của trại. Mọi người rồng rắn kéo nhau theo chân các Soeur vào trong sân, tiếng cười nói gọi nhau í ới. Trong lúc các bạn tôi rửa mặt mũi tay chân và nghỉ mệt, tôi vội nhờ người bạn độc nhãn dẫn đi tìm quán ăn, kiếm chút gì bỏ bụng. Chẳng phải vì đói, mà vì cái bao tử của tôi, nó bị dư acid . Kinh nghiệm dạy tôi, phải ăn một chút gì thật nóng, thì cái bao tử này mới chịu nằm im. Sau một hồi đi loanh quanh, bạn tôi bảo “Ở  đây chẳng có quán ăn gì ngoài một tiệm tạp hóa ở ngay lối vào trại”. Đau quá, chịu hết nổi, tôi giục giã bạn: 
  -Thôi dắt chị vào tiệm tạp hóa, mua gói mì rồi xin họ tí nước sôi ăn tạm. Chị không dám làm phiền các Soeur ở đây đâu em ơi!
Tôi cùng người bạn bước vào tiệm tạp hóa, chủ tiệm vui vẻ làm theo những yêu cầu của tôi, chẳng mấy chốc ông chủ tiệm đã bưng ra, đặt trước mặt tôi một tô mì. Lạy Chúa tôi! nó là một tô mì dở nhất trên đời! Những cọng mì nửa sống nửa chín, tôi chẳng biết ăn vào có đỡ đau không, hay là lại còn đau thêm nữa. Tôi cố lùa mấy cọng mì vào bụng, trả tiền cho chủ tiệm, rồi vội vàng theo người bạn quay về nhà khách cho kịp giờ. Đi được khoảng mươi thước, bạn tôi nói :   -
Ban nãy, người bán mì cho chị là một người cùi!
Tôi khựng lại, nhưng bạn tôi nói tiếp:
  - Chắc là ông ấy đã khỏi bệnh, vì thấy những vết thương đã liền sẹo. Hình như ông ấy làm bảo vệ ở đây thì phải! Lúc nãy em không nói, vì sợ chị sẽ...
Tôi im lặng! Chợt nhớ đến một chi tiết trong truyện “Papilon, người tù khổ sai”. Trong một lần vượt ngục, rời khỏi đảo Guanna, cùng những trái dừa lênh đênh vượt biển, anh ta đã đến được đảo Phân Chim. Hoàn hồn lại, anh mới hay mình đã lọt vào một hoang đảo với một cộng đồng người cùi sống ở đó. Người ta mang ra cho anh một ca nước, khi đưa lên đến miệng anh nhìn thấy có một lóng tay người trong đó. Hết sức kinh hãi, nhưng anh biết, nếu như tỏ thái độ, e rằng những người cùi này sẽ không chứa chấp anh. Có thể, anh sẽ bị dẫn độ về lại đảo, nơi cái địa ngục trần gian mà anh vừa mới thoát ra. Anh đã uống ca nước đó, coi như không hề có chuyện gì... Tôi lắc đầu tự trấn an mình, thầm nhủ “Chắc hẳn các Soeur ở đây đã điều trị cho anh ta thành công, nên mới để cho anh ta làm bảo vệ và bán tạp hóa!”. Chẳng còn thời gian để suy nghĩ lung tung và lo cho cái bao tử nữa, tôi nghe thấy tiếng gọi nhau í ới của các bạn từ xa, họ chuẩn bị để vào thăm khu điều dưỡng.
    Chúng tôi đến trước một dãy nhà, tại đó đã có một số người chờ đón chúng tôi. Họ còn bất hạnh hơn cả chúng tôi. Người ta nói, những con cái của các bệnh nhân ở đây, cho dù có lành lặn, đã từng lên thành phố học hành, nhưng rồi cũng phải trở về đây sống trong làng cùi này. Vì họ bị kỳ thị đến không thể sống nổi ở nơi nào khác! Cô phụ trách mô tả cho cả đoàn biết, trong nhóm người này, có người bị cụt ngón tay, bàn chân. Có người mù cả mắt, mất cả môi... Trong số đó, cũng có trẻ em, không thấy biểu hiện gì bên ngoài... Tôi thầm mong cho những đứa trẻ này đừng bao giờ rơi vào cảnh ngộ như người thân của chúng.
Những làn gió nhẹ thoảng phía sau lưng tôi, ở đó là cả một khoảng không gian mở rộng. Tôi hình dung ra cảnh tượng những người bệnh, hết ngày này sang tháng nọ, hướng mắt vào khoảng không đó, họ nghĩ gì về tương lai? Cảm thấy buồn thay cho họ, con người tôi trở nên thụ động, thẫn thờ nghe mọi người hỏi han động viên nhau. “Lá rách đùm lá nát” là đây!
Một bệnh nhân già ngồi ở ngay hàng ghế đầu, ông cụ đã cụt cả hai chân, mũi đã bị sứt do biến chứng của bệnh cùi, nói với chúng tôi giọng run run:
  -Các em đã bị mù, đi lại khó khăn, mà còn đến tận đây thăm chúng tôi. Tôi hết sức cảm động, không biết nói gì để cảm ơn các em. Tôi cầu xin Chúa ban ơn lành xuống cho các em, ban cho các em dồi dào sức khỏe, học tật tốt!
    Tựa như một Robot , tôi bước theo mọi người. Cho đến khi nghe thông báo, cả đoàn sẽ vào thăm các bệnh nhân đặc biệt của trại, lúc bấy giờ tôi mới bừng tỉnh. Bác sĩ giải thích cho chúng tôi rằng: Đó là những người bệnh vì quá tuyệt vọng mà hóa điên. Trong số đó, có những người trầm trọng đến nỗi phải cách ly; khi lên cơn điên, họ có thể hành động như một thú dữ. Bác sĩ chỉ cho phép chúng tôi vào thăm họ sau khi đã dặn dò hết những điều cần thiết.
Tuy nhiên, khi đến gần họ, tôi có những cảm nhận khác hẳn với những gì mà vị bác sĩ đã lo ngại. Thoạt đầu mới bước vào hành lang, chúng tôi đã nghe tiếng một người phụ nữ ca vọng cổ, chen lẫn là tiếng cười nắc nẻ của một ai đó.  Chúng tôi rải ra thành nhiều tốp, mỗi tốp đều có tình nguyện viên giúp đỡ và mô tả cho nghe về quang cảnh trước mặt. Các bệnh nhân đặc biệt sống trong những căn phòng có cấu trúc gần giống như ở một trại giam. Hai bên lối đi là hai dãy phòng xây liên kế nhau bằng những bức tường chắn. Bề ngang mỗi phòng độ chừng 3 mét. Mặt tiền và cửa ra vào của các phòng đều được làm bằng những thanh sắt chắc chắn. Các cánh cửa bị khóa chặt. Trong mỗi phòng có một bệnh nhân, họ được trang bị đồ đạc rất sơ xài, tôi có cảm giác như họ đang sống trên hoang đảo vậy. Chúng tôi đứng gần sát các thanh chấn song để hỏi thăm bệnh nhân. Những người bệnh ở đây có những biểu hiện rất khác nhau: có người chỉ nhe răng ra cười với người hỏi chuyện, có người nói lảm nhảm cái gì đó tựa như một kẻ thất tình, có người lại ca vọng cổ hết câu này đến câu khác... Tôi dừng lại rất lâu ở phòng có người bệnh đã bị cùi ăn cụt cả hai chân và mù cả hai mắt. bà ấy không mặc áo gì hết, ngồi quay lưng vào bức tường đối diện. Mặc cho mọi hoạt động diễn ra ở chung quanh, bà vẫn không có một phản ứng nào cả. Tôi khe khẽ gọi:
  -Bác ơi! Chúng cháu đến thăm bác nè! Bác có vui không?
Phía trong hoàn toàn im lặng. Sau một lát chờ đợi, tôi lấy giọng tha thiết hơn mà gọi:
  -Bác ơi! Bác không được khỏe sao! Bác có cần chúng cháu giúp gì không?
Người đàn bà vẫn im lặng. Tôi cứ đứng đó, nói những lời rất dịu dàng, hy vọng bà sẽ nghe mà tiếp tôi chăng! Song, bà vẫn ngồi bất động. Người ta không thể nhìn thấy gương mặt của bà, để có thể đoán biết bà đang suy nghĩ gì! Tôi đứng đó, lắng nghe tiếng trò chuyện râm ran từ các phòng bệnh khác. Tôi có cảm tưởng như tiếng trò chuyện đó đang phát ra từ các xà lim. Lòng tôi quặn thắt! Ôi, sao con người lại phải khổ đến như vậy! Các Soeur ở đây chắc hẳn đau lòng lắm, nhưng vì an toàn của mọi người mới phải làm thế này thôi!
Người bệnh trong xà lim trước mặt tôi vẫn im lặng. Phải, tôi không sao xóa cái hình ảnh xà lim ra khỏi đầu mình, vì trí tưởng tượng của tôi quá phong phú, và vì hai tay tôi vẫn đang chạm vào những song sắt của căn phòng, chờ đợi phản ứng của con người đang ngồi trong đó. Những bệnh nhân ở các phòng bên đã thân thiện hơn, đối với mấy người bạn của tôi. Tôi nghe rõ tiếng các bạn tôi đang dạy cho bệnh nhân ở phòng bên cạnh tập đếm “One! Two! Three! Four...”, và tiếng người đó bập bẹ phát âm bắt chước theo họ. Mỗi lần anh ta phát âm đúng, lại được các bạn tôi khen rối rít. Ở căn phòng phía bên kia, người phụ nữ ca vọng cổ có vẻ hứng chí, vì nhiều người khen chị hát hay. Những tràng pháo tay liên tục vang lên tán thưởng chị, khiến giọng hát của chị càng lúc càng hưng phấn. Trong khi mọi người vui vẻ, tôi vẫn đứng trầm ngâm tại chỗ, hy vọng người đàn bà câm nín sẽ quay ra phía tôi. Nhưng bà ta vẫn ngồi đó, không hề suy suyển! Người bạn độc nhãn hối tôi sang thăm bệnh nhân khác, song tôi cảm thấy bất nhẫn nên cứ đứng ỳ ra đó... Rồi cũng đến lúc chúng tôi phải quay về nhà khách, để chuẩn bị cho thánh lễ.
Hình ảnh mà tôi được mô tả về người đàn bà ngồi bất động trong phòng bệnh theo đuổi tôi suốt trong buổi lễ. Tôi cố tập trung vào thánh lễ, hát rõ to những bài ca Giáng Sinh mà trong lòng cứ thấy buồn buồn làm sao ấy! Có một lúc tôi chợt nghĩ, chỗ tôi đang ngồi đã từng có nhiều người bệnh cùi ngồi ở đây. Tôi sợ hãi vì e rằng mình có thể bị lây bệnh chăng? Liền sau đó, tôi tự trách mình thậm tệ: “Mi mà còn sợ hãi như thế, thì thử hỏi làm sao những người bệnh kia không đau khổ đến phát điên lên chứ!”. Tôi khép chặt mi mắt, dâng lên Chúa lời nguyện xin tha thứ và mong sao những bệnh nhân đó được Chúa ủi an thương xót...

    Lời Chúa hôm nay cho tôi thấy được lòng từ bi thương xót của Chúa, Chúa đã chạm tay vào người cùi để chữa cho anh này khỏi bệnh. Còn tôi, tôi chưa đủ can đảm để chạm vào họ, dù là một bệnh nhân cùi đã lành vết thương.
  Xin Chúa cho con lòng trắc ẩn đủ lớn, để con có thể gần gũi với những con người khổ đau ở quanh con như Chúa đã gần gũi họ. Amen!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét