Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

LỜI TRI ÂN GỞI NGƯỜI


  Vũ Thủy đã trải qua 54 năm tròn với biết bao hỷ nộ ái ố của cuộc đời; với biết bao yêu thương của gia đình và người thân bạn hữu; với biết bao biến cố muộn phiền nhưng trong đó cũng có cả những điều kỳ thú! Ngồi điểm lại đời mình, một cuốn phim đã lưu ký trong hồi ức vụt chạy qua rất nhanh, lòng chợt nhói lên những nỗi đau khiến những giọt cay cay ứa ra bên khóe mắt, rồi chợt vỡ òa chảy thành dòng trên hai gò má, mình tự hỏi: Điều gì đã khiến mình khóc? Vì quá khổ đau ư? Không, đó là vì quá hạnh phúc!
  Thượng đế đã tạo nên một Vũ Thủy với tâm hồn nhạy cảm và với một Vũ Thủy có cá tính thích phiêu lưu mạo hiểm, Ngài cũng tạo cho nó những cơ hội thử thách để nó nỗ lực phấn đấu mà với đến được những điều nó mong muốn. Những biến cố đau thương đã không nhấn chìm được nó, chặng đường gian khổ truân chuyên của một người đi tìm kho báu đã khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn, thấu hiểu lòng người lòng đời hơn... Và nó nhận ra quãng đời phiêu lưu của nó luôn có sự đồng hành của Thiên Chúa qua sự bảo bọc thương yêu của người thân bạn hữu, kể cả sự giúp đỡ của những người mà nó chưa từng quen biết!
  Vũ Thủy chỉ còn biết dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa, tri ân tất cả những người đã bước vào cuộc đời của Vũ Thủy.
    Once more time, thank You, my God!
            Đêm 16/12/2019

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

QUYẾT TÂM CỦA TÊRÊSA NHỎ


Têrêsa Nhỏ hôm nay tròn 5 tuổi. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên lẫm chẫm tìm cách kết nối bốn người trên đường dây điện thoại Bee-line: tôi, anh Trường(khiếm thị & Thien Phu, Vân Đỗ(khuyết tật vận động). Sóng điện thoại chập chờn và chúng tôi cứ thay phiên nhau “mất mạng” như chơi như giỡn! Nhưng lòng quyết tâm của chúng tôi còn cao hơn sóng! Chúng tôi lại gọi điện thoại cho nhau để được chung với nhau trong lời kinh nguyện. Và từ bốn người quân số của chúng tôi đã tăng lên hai mươi, những ơn ích mà mỗi người đã lãnh nhận thì chỉ có chính họ mới có thể cảm nhận được một cách sâu sa... nhưng tôi cũng có thể nắm bắt được sự nhiệm mầu ấy; bởi vì, tôi thường nghe được những lời cảm tạ tri ân Lòng Chúa Thương Xót ở phần đầu của mỗi buổi cầu nguyện... cũng có nhiều khi tôi nghe từ những người đã nhờ nhóm chúng tôi cầu nguyện bày tỏ sự cảm kích vì họ đã được Chúa đoái thương nhận lời...  Đấy chẳng phải là những bó lúa vàng nặng trĩu bông mà tôi đã gánh về nhà hay sao?
Tiếc rằng, trong những ngày này, nhiều người trong nhóm chúng tôi đã chẳng thể cùng tôi cầu nguyện, vì sóng Bee-line tại khu vực họ cư ngụ đã tắt lịm! Họ than thở với tôi:
-“Chị Thủy ơi, Bee-line của tôi không hoạt động, chị có cách nào khác cho tôi cùng đọc kinh với anh em?
Hoặc:
Mấy tháng nay em không thể kết nối Bee-line, đọc kinh một mình em buồn quá, chị ơi!
Tôi an ủi và động viên anh chị em, rồi tìm cách giúp họ kết nối trên messenger. Nhưng không phải dễ, nó đòi hỏi người sử dụng phải có một chiếc phone loại cảm ứng và đường truyền internet, cái này mắc à nghen! Tuy nhiên, khi tôi nhờ thằng bạn chuyên sửa phone mua giùm mấy chiếc phone secondhand và còn đang lo lo trong bụng rằng lấy tiền nào để mua, thì thằng bạn nói dễ thương chưa từng thấy:
-Thì chị cho em làm từ thiện đi!
Àhá! Dại gì mà không OK, đúng không các bạn?
Chuyện từ thiện của thằng bạn tôi có lẽ còn dài tập... Thật vui khi chiều nay, ngày sinh nhật của Têrêsa Nhỏ , trên messenger đã vang tiếng cầu kinh của chúng tôi. Tôi cảm nhận được nỗi vui của mấy người chị em bạn mình qua giọng nói đầy vẻ hân hoan của họ!
Nhưng mà vẫn còn mấy thành viên khác vẫn chưa thể nhập cuộc, vì là người mù xài điện thoại cảm ứng sẽ cực kỳ khó khăn... Một người mù 100% và liệt hai chân cộng thêm một tay, cánh tay còn lại của anh cử động cũng rất hạn chế... Một người mù cộng thêm não đã từng bị tổn thương làm cho nhớ nhớ quên quên... mấy anh chị khiếm thị lớn tuổi... Tôi chưa tìm ra cách giúp họ có thể sử dụng phone để kết nối với chúng tôi trên messenger...
Lòng tôi cũng vẫn hy vọng mọi sự sẽ tốt lên, vì Bee-line vẫn còn hoạt động... tôi bắc chước chị Têrêsa, vị quan thầy của chúng tôi đã luôn ngả vào lòng Chúa như một trẻ thơ mà thầm thì nói với Chúa:
-Con không biết đâu đấy! Chúa phải làm sao để anh chị em chúng con dễ dàng thuận lợi trong việc đọc kinh! Tụi con đọc kinh chứ có ham mê chơi bời gì đâu mà Chúa không cho, hở Chúa?
Tôi cảm thấy như ngón tay trỏ của Chúa Giêsu đang gí gí vào cái trán bướng bỉnh của tôi với dáng vẻ Ngài chịu thua tôi luôn rồi! Ngài chỉ còn có một con đường chấp nhận mà thôi!


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

MỘT LẦN NỮA, EM TÔI THOÁT CỬA TỬ!


Ăn trưa xong, tôi lên phòng riêng ở lầu 2 ngồi vào bàn computer làm chút chuyện trên trang gmail.com. Chợt nghe như có tiếng ai than khóc, mẹ tôi đang xem truyền hình ở lầu 1, bà bị lãng tai nên mở volume thật lớn, ngỡ là tiếng than khóc gầm gừ đó phát ra từ TV của bà nên tôi lại chăm chú vào công việc của mình. Lát sau tôi lại nghe thấy tiếng ai đó kêu than tôi đi ra phía cầu thang nhóng tai nghe, thì ra tiếng than đó phát ra ở phòng khách dưới tầng trệt, tôi cảm thấy không yên tim đập loạn nhịp bần thần cả người mà run rẩy đi xuống nhà. Ngang qua phòng mẹ tôi, tôi định gọi báo cho bà biết có lẽ em trai tôi bị sao đó; nhưng rồi, chợt nhớ lúc ăn trưa mẹ tôi than mệt vì suốt buổi sáng phải đi kiểm tra tim phổi ở bệnh viện khiến cho bà mệt rã rời, tôi không dám kinh động tới bà... Tôi xuống phòng khách, lần mò một lúc thì rờ trúng cái đầu gối của cậu em tôi, tôi gọi tên cậu em nhiều lần nhưng cậu ấy chỉ kêu la mệt mỏi chứ không trả lời. Vì tôi và cậu em tôi đã từng bị hạ đường huyết nhiều lần, nên tôi biết là cậu ta đang nói mê sảng chứ chẳng còn biết gì nữa. Tôi vội gọi đứa cháu và bảo nó đi pha nước đường để cấp cứu cho bố nó, con bé còn cứ nói rằng bố` con có làm sao đâu... Tôi bảo nó:
-Bố con bị hạ đường huyết, chẳng còn ý thức, bác đã từng trải qua như thế rồi nên bác biết, con đi pha nước đường cho bố uống lẹ lên không thôi bố con sẽ chết!
May mà trước đây tôi đã kể cho cháu nghe về trường hợp của một người quen đã bị chết vì hạ đường huyết nên nó cũng hiểu được tình thế nguy ngập, nó vội đi pha nước đường, chứ con bé này thường khi rất chậm chạp. Trong khi đó, tôi vẫn liên tục lay tỉnh cậu em và lặp đi lặp lại bên tai cậu ta: Uống nước đường đi, hạ đường huyết rồi, nguy hiểm! Bây giờ nhà chỉ có con bé và một người mù, không còn ai đâu, lo cứu mình đi, uống nước đường đi, hạ đường huyết rồi, nhanh lên!
Có lẽ trong tiềm thức của cậu em tôi cũng cảm thấy nguy hiểm nên cậu ta đã uống nước đường, chứ mọi khi người nhà phải vất vả lắm mới cho cậu ta uống được. Độ hơn nửa tiếng đồng hồ sau cậu em tôi tỉnh lại, khi check lại một số câu hỏi mà tôi học được từ một vị bác sĩ khi cấp cứu cho cậu ta vào một lần cách đây đã hơn 5 năm, cậu ta đã có vẻ tỉnh táo trở lại, tôi mới trở về phòng mình, trong khi tim tôi vẫn còn loạn nhịp, tôi tạ ơn Chúa vì Người đã cứu em tôi thoát chết. Đây là lần đầu tiên, tôi phát hiện ra em tôi bị hạ đường huyết, khi mà chỉ có một mình cậu ta nằm ở salom phòng khách, không một ai bên cạnh. Nếu như tôi bỏ qua tiếng kêu la vì cho rằng tiếng đó phát ra từ TV và cứ thản nhiên trong phòng riêng của mình, thì có lẽ em tôi sẽ gặp tình huống vô cùng nguy hiểm. Những lần trước, mẹ tôi luôn là người giục giã và nhờ người theo dõi tình trạng của con trai, hôm nay bà quá yếu, thì đến phiên tôi là một người mù mà sức khỏe còn đang yếu hơn bà...
  Tạ ơn Chúa đã dẫn em trai của con qua cửa tử!


Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

NGHE KỂ ĐÃ THẤY VUI


Thằng bạn độc nhãn của tôi mới đi Vũng Tàu về, giọng hắn khàn như con vịt, vẫn háo hức kể:
-Chuyến đi này tui ấn tượng nhất là cảnh hai vợ chồng Quân-Hiền cõng nhau, tiếc là lúc đó trong tay tui không có máy ảnh để chụp lại làm kỷ niệm!
Tôi có chút ngạc nhiên, hỏi:
-Sao thằng Quân cõng được vợ nó, nó cũng là người khuyết tật vận động mà? Với lại, chuyến đi này của Huynh đoàn mình có đông tình nguyện viên cơ mà?
Bạn tôi đáp:
-Quân tật nhẹ hơn cô vợ, cũng có thể họ thấy các bạn tình nguyện viên quá bận rộn, nên hai vợ chồng họ cảm thấy làm được gì cho nhau thì họ gắng sức làm, tui nghĩ vậy!
Tôi trầm ngâm hình dung trong đầu cảnh tượng hai vợ chồng người khuyết tật vận động cõng nhau, thấy lòng rung động và thấy vui vui. Người vợ tật nặng hơn thì đã có người chồng cõng, còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh ấy?
Huynh đoàn khuyết tật Kitô Vua có chuyến đi dã ngoại ở Vũng Tàu hai ngày, tôi đã không thể đi với mọi người vì sức khỏe của tôi quá tệ. Tuy ở nhà, nhưng lòng tôi vẫn hướng về chuyến đi, mong cho anh chị em khuyết tật quên hết ưu phiền mà vui chơi thoải mái, và tôi cũng cầu xin Chúa ban cho mọi người được bình an.
Lúc này, tôi ước gì thằng bạn độc nhãn của tôi có thể chụp được tấm ảnh tuyệt đẹp mà tôi đang nhìn thấy!!!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

CẢNH NGHÈO

Sáng nay gặp lại người quen cũ, một tài xế honda ôm trước đây thường chở tôi đi học chữ nổi và học sử dụng vi tính, những ngày đầu tôi tập tễnh bước vào thế giới của người khiếm thị, tôi hỏi:
-Gia đình anh dạo này ra sao? Thằng con út của anh học đến đâu rồi?
Anh đáp: “Cũng bình thường thôi, thằng út thì năm nay đã học xong lớp 9”
-Vậy anh tính cho nó vào học trường nào?
Anh trả lời nhát gừng: “Chắc nó nghỉ học... nó không muốn học nữa!”
Tôi bảo:
-Không được, để vậy rồi nó la cà gặp bạn xấu lỡ đâu lại sa vào con đường ma túy, nếu nó không muốn học văn hóa nữa, thì anh cho nó vào trường nghề đi!
Anh ngại ngùng nói: “Cũng muốn lắm chứ! Ngặt nỗi tụi tui còn thiếu tiền đóng học phí nửa năm, nhà trường không cho rút học bạ của thằng nhỏ, nên không thể xin vào trường nào! Bữa hổm mẹ nó đã vay được tiền để đóng tiền học mà lấy học bạ về, nào dè chủ nhà trọ đòi tiền nhà rát quá, bả đem tiền đó đưa cho chủ nhà luôn rồi, bây giờ tụi tui không biết làm sao! Mỗi tháng, quay đi quay lại phải có mấy triệu đóng tiền nhà, lương làm tạp vụ tui được chừng 2 triệu, chạy xe thêm cũng chỉ đủ đóng tiền nhà. Bả bán vé số ế ẩm, bao nhiêu thứ tiền phải trả, nợ nần chồng chất, nên đành vậy!”
Mắt đã nhắm sẵn, tôi chỉ cần tưởng tượng là nhìn thấy hết cả một cảnh nghèo. Đứa con anh lẽ nào sẽ lại có một cuộc đời giống như anh? Anh từng kể cho tôi nghe: Mẹ anh mất sớm, cha tục huyền, anh ở với mẹ kế. Chỉ có hai anh em, mà bây giờ anh cũng không biết em gái mình ở đâu. Ngày cha mất, mẹ kế đưa cho hai anh em, mỗi đứa 2 chỉ vàng rồi bảo mỗi đứa phải ra đi, bà coi như căn nhà của mẹ cha anh để lại là của bà. Anh mua một chiếc xích-lô đạp để kiếm sống, và nó cũng là nhà của anh. Khi nào không có khách đi xe, thì anh ngồi tựa lưng vào xích-lô, đậy chiếc nón lá trên mặt mà ngủ...Rồi anh lấy vợ, vợ là người khiếm thị, hai vợ chồng thuê nhà trọ lúc đó là 500.000 đồng... Hơn 20 năm đã trôi qua, bây giờ tiền nhà là 4.000.000 đồng... Tôi nhanh chóng quyết định mà nói với anh:
-Chắc chắn là Chúa đã dẫn anh đến gặp em, mới hôm qua có một bà giáo đưa cho em một số tiền, bà giáo bảo em thấy con của người khuyết tật nào khó khăn không có tiền đi học thì em thay mặt bà mà giúp. Bà giáo chỉ giúp cho việc học hành thôi, anh ạ! Vậy em sẽ đưa số tiền đó cho anh để anh đi rút học bạ, và anh phải chắc chắn với em là anh sẽ tìm trường cho con anh học nghề. Emtin ở anh!
Tôi trở lên lầu, lòng buồn như lá rụng. Sao đời có nhiều người khổ quá vậy, hở Chúa?

5/6/2019
Vũ Thủy

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

CHỈ MẤT MỘT CÁI RĂNG!


Rất đỗi bình thường, tôi đi ra hành lang và tiến về phía cầu thang để suống nhà ăn sáng, không hề có gì báo trước, khi tay tôi vừa chạm vào tay vịn cầu thang thì tôi cảm thấy choáng váng như có một luồng điện lóe lên trong óc. Toàn thân tôi rung lắc dữ dội, hai tay tôi bám chặt vào lan can cầu thang, hai chân run lẩy bẩy cố trụ cho thân mình khỏi đổ, nhưng rồi có lẽ tay chân tôi quá yếu nên tôi sụp xuống, cằm tôi đập mạnh vào thanh chắn cầu thang. Toàn thân tôi vẫn tiếp tục rung lắc mạnh đến nỗi cái cằm nẩy lên đập xuống thanh chắn mấy lần mới dừng lại; sau đó, chân tôi trượt ra khỏi sàn và bị thanh chắn ở dưới cảm lại, cũng vì vậy mà thân mình tôi ngã ngửa, đầu và mấy đốt sống cổ đập mạnh vào bức tường phía sau một cú đau điếng, lúc đó sự rung lắc mới dừng lại. May quá, em gái tôi vẫn chưa đi làm, chạy vội lên để giúp tôi đứng dậy, nếu không thì chẳng có ai, mẹ tôi có leo lên được 2 tầng lầu thì bà cũng chẳng thể giúp gì được cho tôi vì đã già yếu. Thế nhưng, khi cô em choàng 2 tay ôm lấy thân mình tôi để đợ tôi dậy, thì tôi cảm giác như chân mình sắp gẫy. Tôi bảo với em gái: “Không được, không được, coi chừng gẫy chân!” Lúc đó, em tôi nhìn lại mới thấy cẳng chân của tôi bị chẹt cứng dưới thanh chắn cầu thang và tôi biết cô em gái đang rất sốt ruột vì đã trễ giờ đến công sở; nhưng rồi nó cũng cẩn thận lựa chiều gỡ được chân tôi ra khỏi thanh chắn và dìu tôi về giường, sau đó đem sữa lên cho tôi uống và khi đã chắc chắn là những chỗ va đập của tôi không có gì nghiêm trọng ngoại trừ bị gẫy một cái răng, em gái tôi mới rời khỏi nhà. Tuy đầu óc và toàn thân vẫn còn ê ẩm, nhưng tôi đã hoàn hồn trở lại và thấy mình thật may mắn. Tôi nghĩ, nếu như lúc nãy tay tôi chưa chạm vào tay vịn cầu thang mà cơn choáng đã xảy ra thì không hiểu tôi đã rơi lăn lóc xuống bao nhiêu bậc cầu thang? Cần nói thêm, nếu như chuyện xảy ra với một người mắt sáng thì sẽ khác, vì phản xạ tự nhiên sẽ giúp người ấy tìm thấy điểm tựa ngay lập tức, và tình thế sẽ bớt nguy hiểm hơn so với một người mù như tôi.
Chiều đến, để đáp lại sự quan tâm lo lắng của nhiều người, tôi đã tới bệnh viện để kiểm tra lại cột sống. Sau khi xem kết quả X quang, bác sĩ nói: “Kết quả chụp X quang cho thấy cột sống của chị bị thoái hóa nặng, nhưng không bị gẫy, tôi sẽ cho chị uống thuốc để bớt đau!” Tôi hỏi: “Bác sĩ có thuốc gì giúp cho tình trạng những cơn choáng này sẽ không xảy ra?” Bác sĩ nói, người bị tiểu đường trên 20 năm thường bị tổn thương những mạch máu trong não và gây ra những cơn choáng đó, và chúng ta chẳng thể làm gì hơn, nhất là tôi đã bị bệnh tiểu đường gần bốn mươi năm!”
Tôi nghĩ, Chúa đã thương tôi và luôn quan phòng cho tôi mọi chuyện tốt đẹp, chẳng thế mà sau biết bao lần té ngã nghiêm trọng, cột sống và cơ thể tôi bị bầm dập chỗ này chỗ nọ, nhưng đã không có gì nguy hiểm đến tính mạng. Lần này cũng vậy, giả như lúc đó tay tôi chưa chạm vào lan can cầu thang mà cơn choáng đã xảy ra, thì không hiểu tôi sẽ rơi xuống bao nhiêu bậc cầu thang, và liệu tôi có thể ngồi đây để viết lại chuyện đời mình?

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

MỘT NGÀY NGAO DU TRÊN ĐỒNG CỎ


Một ngày với nhiều sự kiện khiến tôi mệt rã rời, nhưng nhiều niềm vui và cảm xúc. Trời đã dần vào đêm, tôi mới có được khoảng không gian yên tĩnh để hồi tưởng lại tất cả Buổi sáng mở mắt ra, uống vội một ly café với bạn, ăn một chút điểm tâm xong thì tất tả chạy lên lầu nhờ em gái trang điểm cho gương mặt đã tàn phai nhan sắc vì uống quá nhiều thuốc, rồi lẽo đẽo theo người bạn độc nhãn đến nhà nguyện Carmelite để tham dự Thánh lễ Chúa nhật, cũng là lễ cưới của một người bạn khuyết tật. Tiệc cưới đơn sơ nhưng rất vui, vui vì tôi được gặp lại nhiều bạn khuyết tật mà lâu lắm rồi tôi đã không gặp. Người này bắt tay, bên kia gọi, phía sau kéo, đằng trước chào hỏi khiến tôi cảm động vì biết mình được yêu thương... Bàn tiệc nơi tôi ngồi, có mấy thầy Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, các thầy theo cha Chí đến đây để chia sẻ niềm vui của cô dâu chú rể Hai-Linh và cũng là để phục vụ người khuyết tật. Chuyện trò đơn sơ của các thầy, khiến tôi chợt nhớ đến một người bạn ở Canada, anh sắp sửa sang định cư ở Mỹ và sẽ lãnh nhận chức Phó tế vĩnh viễn tại nhà dòng bên đó... Những ca từ của bài hát và những lời giảng của cha Chí hồi nãy chợt trở về trong suy nghĩ của tôi: ngày hôm nay lễ Chúa Chiên Lành, Cha kêu gọi chúng tôi cầu nguyện cho ơn thiên triệu và cho các mục tử... bỗng dưng làm tôi nhớ lại lời lẽ tha thiết trong một email: Thủy cầu nguyện cho anh nhé, anh rất cần những lời cầu nguyện để được bền đỗ đến cùng, các tu sĩ như anh rất cần đến những lời cầu nguyện của giáo dân!...
Khi khách dự tiệc cưới đã về gần hết, tôi tìm gặp cô dâu, nói với em ấy những lời chúc mừng và chạm vào áo của em, tôi cảm thấy thương em với ý nghĩ xót xa rằng: Nếu như em đứng được trên đôi chân thì em sẽ mặc một áo cưới như bao nhiêu người con gái khác... Dù sao tôi cũng vui lây với em, vì em đã có được một người đàn ông để yêu để thương trong cuộc đời...

Tôi về nhà thay một chiếc sơ mi trắng rồi vội vã lên xe đi thăm viếng đám tang, mẹ một thành viên trong Huynh đoàn Kitô Vua vừa qua đời. Tôi thật bất ngờ khi được các thành viên trong tang quyến đón tiếp hết sức chu đáo, nhẹ nhàng dắt tôi vào thắp nhang cho người quá cố... Trong khi chờ đợi bạn tôi đóng nẹp sắt cho đôi chân và mặc lại tang phục, tôi hỏi thăm các chị của Bích Lan về cuộc sống của bạn ấy, thì mới biết là Bích Lam trước đây sống rất khép kín, từ ngày đi đây đó sinh hoạt với người khuyết tật đã thấy bớt mặc cảm. Tôi hỏi về cuộc sống hàng ngày của Bích Lan thì chị chia sẻ: “Hồi nhỏ, em có được đi học, nhưng đến trường bị bạn bè trêu chọc gọi là ‘con què’, em mặc cảm không dám đi học nữa, nên em không có trình độ...” Tôi an ủi chị: “Nhưng em nghe nói chị thêu rất giỏi mà, mình không được học trường học thì mình vẫn có thể học trường đời!” Ngoài mặt nói vậy mà trong lòng tôi cảm thấy thật xót xa! Dù sao, tôi vẫn rất vui, vì đến với gia đình chị, tôi nhận ra chị rất được tôn trọng và yêu thương...
4 giờ chiều về đến nhà, inbox của tôi ngập thư từ đợi tôi trả lời; và lại thêm một niềm vui. Một người anh con bác của tôi gởi email kết bạn với tôi trên facebook, tôi vui vì đã nhiều năm chẳng có liên lạc gì của anh, nay cảm thấy như đã được gặp lại... tôi nhớ đến những ngày xưa tôi hay nhõng nhẽo bắt anh đi hái quả rừng cho tôi chơi... lừa để chọc phá anh nhiều cú hiểm độc mà anh chẳng hề la mắng, tôi cảm thấy mình được yêu thương...
Buổi tối, gian phòng khách của gia đình tôi tràn ngập tiếng cười tiếng nói, các chị em của tôi đem con cái, cháu nội cháu ngoại về thăm mẹ tôi. Mẹ tôi không có ngày sinh nhật chính xác, giấy tờ của bà đã bị cháy từ thời tiêu thổ kháng chiến, nên chúng tôi chọn Mothers’ Day hằng năm tổ chức sinh nhật cho bà. Mỗi lần ăn món gì bố tôi thích, bà lại nhắc đến bố tôi, cho dẫu ông đã khuất núi... tự nhiên tôi ước gì tình cảm vợ chồng của các anh chị em của tôi sẽ giống như tình cảm của bà: chung thủy và bất diệt!
Tôi cũng rất vui vì một chuyện chẳng lớn lao gì, khi tôi hỏi chuyện Tom, một đứa cháu kêu tôi bằng bà: “Con có ăn theo chế độ giảm cân như bác sĩ đã dặn không?” Tom ngập ngừng rất lâu, mẹ nó đứng bên cạnh giục giã nó trả lời mà nó vẫn không dám nói, tôi bảo Tom: “Con cứ nói mạnh dạn lên, bà thích con nói thật!” Tom gượng gạo cười: “Con không nghe lời bác sĩ!”
Tôi xoa đầu Tom khen nó can đảm, rồi bảo: “Lỡ rồi, cho qua heng! Ăn tiệc mừng sinh nhật bà cố xong, ngày mai bắt đầu ăn giảm cân và tập bơi lội nhiều heng!” Tôi cảm thấy tom nhẹ nhõm vì nó đã không phải nói dối...
  Một ngày trôi qua để lại trong tôi những điều mới mẻ. Tôi đã ngao du cả ngày đến nỗi bỏ lỡ 2 buổi đọc kinh với nhóm Têrêsa Nhỏ trên đường dây điện thoại. Tôi thấy mình có chút hư hỏng, chợt một ánh sáng vụt lên trong tôi khiến tôi cười khúc khích một mình: Hôm nay tôi đã bỏ lỡ 2 buổi đọc kinh vì mải ngao du đây đó, phải chăng cuộc ngao du này chính Chúa Chiên Lành đã dắt tôi đi?
Tôi thì thầm với Chúa”Ai bảo Chúa đã dắt con đi lang thang cả ngày như thế!”