Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

TẢN MẠN CHIỀU BA MƯƠI TẾT




Bài hát MÙA XUÂN GỌI 

Lúc này đây, không gian quanh mình thật yên ả. Chỉ còn hơn tiếng đồng hồ nữa
thôi, một năm sẽ mãn và một năm mới sẽ bắt đầu. Tất cả như đang ấp ủ một sắc màu hy vọng... Một sự chờ đợi trong lắng dịu, nó như ẩn chứa một sức sống mãnh liệt! Tất cả có vẻ như sẽ bừng lên sau hơn một giờ đồng hồ nữa thôi!
Mọi thứ trong nhà đã chuẩn bị xong, chẳng phải làm gì, mình lắng nghe mọi người trong gia đình sửa soạn cho cái Tết cổ truyền sắp tới. Nghe cũng chộn rộn lắm! Từ mấy ngày nay, vườn hoa của nhà mình(không phải một thửa vườn rộng lớn bao la, cũng chẳng phải là vườn treo Babylon, mà là một khoảnh của sân thượng ngay phía trên căn phòng nhỏ của mình), mấy cây mai nở hoa lác đác được khiêng từ trên sân thượng xuống dưới nhà, và có cả một chậu sứ đỏ nữa... Những cảnh này làm cho mình nhớ bố ghê lắm! Khoảnh sân thượng này là một khoảnh trời của bố...
Chiều đến, mọi việc trong nhà đã đâu vào đấy, mình đi lễ thì nhà thờ không có thánh lễ. Tất cả các nhà thờ chung quanh đây đều đóng cửa! Chỉ có lễ đêm... Thế là mình được đi dạo một vòng thành phố...
Đây đó, trên khắp các con phố, người ta vẫn còn tất bật mua bán trái cây và hoa kiểng. Có những nhà vườn thật tội nghiệp... phải thuê xe chở hàng loạt cây kiểng về... Cũng có người bán rẻ bán tháo... còn hơn là mất tiền chuyên chở... Ở một ngã tư đèn đỏ, tự dưng có người đàn ông dừng xe trước vạch trắng rồi ngã lăn ra đó. Mình nghe có tiếng người la ó: "Chắc là "xỉn" rồi!" Những người lao động vẫn bán hàng rong... Một số quán nhậu vẫn đông khách... Mình trở về nhà và cùng người bạn "độc nhãn" đi bộ như thường ngày... 75 phút đi bộ tất niên...
Bây giờ đồng hồ điện tử báo thời điểm 10h:58!
Mình còn vài việc lặt vặt phải làm trên computer. Trong đêm nay, mình sẽ nghe một bản nhạc giao hưởng để tiễn biệt một năm đã trôi qua thật thi vị... Đêm nay mình đi ngủ sớm, để ngày mai khỏe khoắn dâng thánh lễ... Mình sẽ cầu nguyện cho cả nhà, cho bạn bè, cho tất cả những ai nghèo khổ bất hạnh và cho tương lai của đất nước mình được một năm mới an khang thịnh vượng
Nguyện xin Thiên Chúa ban bình an cho tất cả mọi người trong suốt năm "CON NGỰA" này!

CON ĐÃ ĐONG BẰNG CÁI ĐẤU NÀO?

Người nói với các ông : "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.”
(Mc: 4, 24)

Con đã đong những cái đấu nào cho người anh em đồng loại?
Một đấu đầy tràn chan chứa tình thương
Một đấu có cả sự hy sinh lẫn nhún nhường
Một đấu có những lời nói chân tình, vui tươi, dịu ngọt...
Hay là cả một đấu đầy những lời nói đầu môi chót lưỡi
Một đấu đầy những nụ cười khích bác mỉa mai
Một đấu đầy những ý tưởng hại nhau và ganh ghét...?

Chúa đã đổ vào vạt áo con đầy tràn chan chứa những ân thiêng
Những cái đấu của Thiên Chúa làm sao con sánh nổi!

Xin cho con một và chỉ một trong những cái đấu của Ngài thôi
Là cái đấu đầy tràn chan chứa tình thương và nhẫn chịu!

Ôi, Chúa ôi! Con phận người yếu đuối
Đấu của con đây, xin Chúa mãi đong đầy
Để con mãi ngập tràn tình thương Chúa
Để con biết trao ban cho tất cả mọi người
Như Lời Chúa đã dạy con trong những phút giây này, Chúa nhé!

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CHÚA RÀY ĐÂY MAI ĐÓ VỚI CON CÁI CỦA NGƯỜI...

“Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau : ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này : Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà.”
(Trích sách Samuel II: 7, 8-11)

Lạy Chúa! Đọc đoạn trích trên đây trong sách của tiên tri Samuel con cảm thấy hơn bao giờ hết, Chúa đang ở với con! Quả vậy, qua những gì ngôn sứ Samuel viết, con nghiệm thấy vua Đa-vít đã được Chúa đi theo trong suốt cuộc đời của ông, và cho dù đôi lúc ông đã phạm tội nặng nề, Chúa vẫn ở với ông và còn làm cho dòng dõi của ông nổi trội qua con trai của ông là Sa-lô-môn…
Phần con, chính Chúa đã cất nhắc con lên, từ một kẻ mù lòa chẳng thiết tha gì đến Lời Chúa, trở thành một người biết làm thơ ca tụng Chúa, và còn ban cho con biết bao ơn thiêng để con có thể vui sống như hiện nay. Con đã có những trải nghiệm rằng Chúa ở bên con trong những lúc con sầu khổ và gặp gian truân, giờ thì con tin chắc rằng Chúa vẫn luôn ở kề bên, cho dù bất cứ điều gì xảy ra với con: vui, buồn, sướng, khổ.
Lạy Chúa! Con biết rằng, vua Đa-vít là một người hết lòng tin cậy và thờ kính Chúa, ông là một vị vua thánh thiện, và đã viết rất nhiều bài Thánh Vịnh ca tụng Chúa; Trong khi đó, con lại là một kẻ bướng bỉnh thích sống tự do theo ý riêng mình, chỉ những khi con gặp những sự gian nan khốn khó, con mới biết chạy đến với Chúa... con làm sao xứng đáng được Chúa thương như vua Đa-vít? Chỉ có tình yêu thương vô biên của Chúa, chỉ có lòng xót thương vô bờ của Chúa mới chấp nhận tính đỏng đảnh thất thường của con mà thôi! Con như nghe thấy Chúa đang nói với mình: “Thủy ơi! Tại sao con lại quên Ta, mỗi khi con gặp sự vui mừng và hạnh phúc, bỏ mặc Ta trong nỗi xót xa?”
Ôi lạy Chúa! Con đã nhiều khi cảm thấy chua chat khi bị người đời đối xử vong ân, mà thật ra những gì con làm cho người ta cũng chỉ bé cỏn con như hạt cát, thế mà con đã vội thất vọng về họ. Ngẫm lại điều này, con biết mình đã làm cho Chúa buồn sầu biết bao! Dẫu rằng Chúa không trách cứ con, nhưng con biết mình thật đáng tội, vì con đã từng bao lần tuyên xưng mình là người tin Chúa, và được ơn Chúa rất nhiều...
con chẳng xứng đáng, Chúa ơi!
Lạy Chúa! Chúa đã cùng con rày đây mai đó trên mọi nẻo đường đời... Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, không chỉ trong những lúc buồn sầu gian khổ mà cả trong những khi con gặp sự vui mừng và hạnh phúc nữa, để con luôn có tâm tình chúc tụng Chúa, để con luôn biết chia sẻ niềm vui với Chúa, để con không rời xa Chúa mà trở nên bất chính, và để cho Chúa bớt đi những cảm giác chua xót và thất vọng vì con, Chúa nhé!

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

THEO NGƯỜI CHẲNG NGẠI LÊN NON!

“Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông : "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.”
(Mt: 4, 18-22)

Lạy Chúa! Để đi theo Chúa đến cùng, con biết mình phải từ bỏ chính con người của mình, và ngoài ra còn phải từ bỏ nhiều thứ khác nữa! Thời gian gần đây, con đã từ bỏ con người cũ của mình để đi theo Chúa, hẳn Chúa đã biết. Thế nhưng, Chúa cũng rõ, con vẫn còn vướng bận thế gian nhiều lắm! Con biết mình không được theo Chúa một cách nước đôi như thế; song có biết bao thói quen đã làm thành quán tính ù lỳ trong con, khiến cho con cứ thế trôi xuôi dòng đời. Đôi lúc, con cảm thấy việc theo Chúa trở nên như một vật gì đó đã bị hỏng hóc, và đôi khi cảm thấy muốn buông xuôi. Hôm nay Lời Chúa đã chỉ ra cho con thấy rằng, các môn đệ đi theo Chúa nhẹ tênh, và đó không phải là do tự sức các ngài, mà là do ơn Chúa ban, tất cả đều nằm trong chương trình cứu độ của Chúa. Lòng con chợt thấy nhẹ tênh và con hiểu rằng Chúa sẽ luôn ở bên con trên mọi nẻo đường đời. Xin Chúa hãy ban cho con một lòng quyết tâm theo Chúa đến cùng, Chúa nhé!

Thật là đơn giản như chơi
Bốn ông môn đệ đến thời gặp duyên
Bỏ chài lưới, bỏ con thuyền
Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ niềm ước mơ
Chuyện đâu như thể tình cờ
Chuyện đâu như thể bâng quơ giữa đàng...

Con nghe tiếng Chúa nhẹ nhàng
Gọi con từ bỏ thiên đàng trần gian
Bao lần con đã từ nan
Lòng còn vướng bận trăm ngàn mối lo
Lo rằng sẽ mất tự do
Lo rằng sẽ phải qua đò đắng cay...

Chúa ơi, lời Chúa hôm nay
Nhẹ tênh như thể áng mây trên trời
Con xin theo Chúa một đời
Quyết tâm bỏ hết lỗ lời thế gian
Theo Ngài xuống biển lên ngàn
Mở mang Nước Chúa rỡ ràng vinh quang!

Chúa ơi, con đã sẵn sàng
Thân con chấp nhận đa mang khổ sầu
Hồn con chẳng chút lo âu
Vì con tin Chúa giãi dầu cùng con
Theo Người chẳng ngại lên non
Chỉ xin mãi được sắt son lời thề!

Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON NÊN MỘT!

“Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?”
(1 Cr: 1, 13)

Con thấy Chúa oằn mình trong đau đớn
Từ trên cao thập giá, Chúa nhìn con
Ánh mắt Chúa chờ đợi con an ủi.
Hai nghìn năm sao Chúa mãi ngậm ngùi?

Buổi tiệc ly, trước ngày lên núi Sọ
Gió hắt hiu nghe tiếng Chúa nguyện cầu
Ánh trăng sầu lặng im trong vườn Giệt
Lời Người Con: Xin hiệp nhất, Cha ơi!...

Chúa ơi, Chúa! Con đã quá hững hờ
Ít bao giờ con quan tâm tình Chúa
Con tìm kiếm những chuyện ở đâu đâu
Bỏ mặc Chúa đớn đau từng chi thể!!!

Buổi chiều nay nghe tiếng Chúa trong lòng
Lời vang vọng hai nghìn năm còn đó
Gió thổi vào làm nóng hổi buồng tim
Con tìm về dâng tâm tình tạ lỗi.

Ôi, ngọt ngào vì Chúa ở cùng con
Xin cho con sống mãi phút giây này
Được cùng Ngài chia sẻ nỗi lo toan
Để xứng đáng là phần chi thể Chúa!

Con thương Chúa vẫn hoài mang đau đớn
Bởi thế gian nhiều ý kiến bất đồng
Bởi Giáo Hội còn chia năm xẻ bảy
Trái tim Cha tuôn chảy những muộn phiền...

Vâng, Chúa ơi! Con là chi thể Chúa
Xin giúp con luôn kết hiệp với Ngài
Xin cùng Ngài chết đi trong tội lỗi
Như cành nho được người trồng cắt tỉa!

Chúa ơi, Chúa! Con từ nơi đất thấp
Nhấp chén sầu cùng Chúa, chẳng từ nan!
Xin Cha ban ơn hiệp nhất tràn đầy!
Cho Giáo Hội nên một trong Nước Chúa!

Cảm tạ Chúa lắng nghe con cầu khẩn!!!

21/1/2014
Viết sau buổi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu do Ban Mục vụ Liên tôn tổ chức, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Sài-gòn.

Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

XIN LÀM THÂN TẦM GỞI!

Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”
(Trích sách Do-thái: 5, 7-10)

Chúa ơi, Chúa đã từng mặc lấy kiếp phàm nhân như con, Chúa đã từng nếm trải những nỗi oan khiên và khổ đau của một kiếp người, nên con hoàn toàn tin rằng Chúa thông hiểu mọi nỗi khổ đau sầu não của con, Chúa ạ! Chúa đã không giáng trần ở vào một gia đình quyền thế, Chúa lại sinh ra trong một hoàn cảnh thật sự nghèo hèn... Chúa đã làm những việc Chúa Cha giao phó với một tinh thần vâng phục và hiếu thảo, Chúa chẳng hề dùng quyền phép của Thiên Chúa mà né tránh khổ đau... Chúa đã từng phải khóc lóc kêu xin với Chúa Cha, nài xin Ngài cứu Chúa khỏi chết... nhưng Chúa vẫn một mực làm vuông tròn ý của Chúa Cha, cho dù đó là một ý định hết sức thiệt thòi cho Chúa! Đâu phải Chúa đã không gặp những thử thách! Đâu phải Chúa đã không gặp gian truân và phản bội! Chúa đã gặp rồi, và quyết định cuối cùng vẫn là để ý Cha được thể hiện...
Nghiền ngẫm về những gì Chúa đã phải trải qua khi còn sống trong kiếp phàm nhân, Chúa đâu có dùng những phép lạ cho bản thân. Những phép lạ Chúa đã thực hiện cho các bệnh nhân trong khi đi rao giảng khắp nơi, chỉ để tỏ quyền uy của Thiên Chúa và cũng vì Chúa đã quá thương những con người đau khổ đó mà thôi... Con nhận ra rằng, đối với những gian truân và đau khổ của bản thân, Chúa đã không hề né tránh, mà một mực bám víu vào sự quan phòng yêu thương của Chúa Cha. Chúa đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha,
để đi đến đích cuối cùng là hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng của ơn cứu độ mà Chúa Cha giao phó... Đó chính là lúc Chúa đã đạt đến mức hoàn hảo của sự vâng phục, và đã phải trả bằng giá máu, máu của Chiên Thiên Chúa, máu của Đấng xóa tội trần gian! Vâng, Chúa ơi, con hiểu, có thế Chúa mới dạy chúng con “Phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta!” chứ! Con tin Chúa yêu thương chúng con, Chúa đâu muốn chúng con phải đau khổ, Chúa luôn muốn chúng con được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc mà Chúa muốn chúng con vui hưởng phải là hạnh phúc vĩnh cửu, mà hạnh phúc đó phải trải qua con đường thập giá thì mới trường tồn, vì thế, Chúa đã dấn thân vào con đường thập giá đó để làm gương mẫu cho chúng con noi theo, con hoàn toàn hiểu như thế, Chúa ơi!

Lạy Chúa, Chúa đã dạy con bài học quý giá về sự vâng phục! Xin cho con luôn biết sống bám vào Chúa, để có thể vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày suốt đời con, Chúa nhé!

Xin là thân tầm gởi
Con cởi bỏ ý riêng mình,
quấn quanh đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa!

Nhìn lên Núi Chúa,
con thấy mình chỉ là một nụ tầm xuân bé nhỏ
Tình thương Chúa rỏ xuống đời con như cơn gió mát giữa những buổi trưa hè
Dây tầm gởi có Chúa rồi, chẳng e dè bước vào đời gian khó
Và ngọn gió Thánh Linh nhè nhẹ thổi vào tim con mỗi sáng sáng chiều chiều
Cho cánh diều căng giữa tim con một khoảng trời rộng mở...
Nụ tầm xuân hân hoan nở hoa mùa hy vọng!

Gió lộng trời xuân
Thân tầm gởi con hân hoan đón gió.
Tầm gởi này dám vươn mình quấn quanh thập giá Chúa Ki-tô
Những lỗ đinh ngày xưa vẫn còn loang vết máu
Rực rỡ sắc màu của một tình yêu vâng phục
Chúa đã chết gục đầu nhìn xuống nụ tầm xuân
Cho hôm nay nụ tầm xuân thơm lay giữa cuộc đời!

Chúa ơi!
Tầm gởi con quyết bám vào thập giá
Xin giúp con trổ hoa, trổ lá giữa đời thường!

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

CON CHIÊN BỊ SÁT TẾ

‘Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”’
(Ga: 1, 29-30)

Người theo đạo Do-thái xưa mỗi khi muốn được tha tội thì họ phải thú tội với một con chiên; sau đó, thầy tư tế sẽ sát tế con chiên ấy và đặt lên bàn thờ tế lễ với Thiên Chúa, để người thú tội được Thiên Chúa tha cho hết mọi tội lỗi đã phạm. Vì vậy, con chiên bị sát tế trở thành con chiên gánh tội cho con người. Chắc chắn, ông Gio-an Tẩy Giả đã được Thiên Chúa mạc khải cho biết, và ông đã mượn hình ảnh con chiên bị sát tế đó, để nói về vai trò cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô. Ông Gio-an đã tiên báo trước cho thiên hạ về cái chết của Người, Đấng sẽ chết để gánh tội cho nhân loại, khi nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.”
Hình ảnh con chiên vô tội trở thành một vật sát tế, và với cái chết của nó con người được tha tội, thật là một hình ảnh cao đẹp về sự hy sinh. Con chiên với bộ lông trắng toát và vẻ hiền lành câm nín của nó, quả là một hình ảnh tuyệt vời để tượng trưng cho sự hy sinh cứu độ nhân loại của Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng con chiên khi bị sát tế nó chỉ đau đớn về thể xác, còn Con Chiên Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô, không chỉ đau đớn về thể xác Ngài phải xiết bao đau đớn vì tội lỗi của nhân loại... Những con chiên vô tội kia đâu có biết gì khi chúng bị bắt đi làm vật tế lễ, Con Chiên Thiên Chúa thì hoàn toàn biết rõ mọi sự, biết rõ những gì Ngài phải gánh chịu... nhưng Ngài vẫn sẵn sàng đón nhận tất cả, chẳng phải Ngài đã vì tình yêu dành cho nhân loại hay sao?

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót con!
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con!
Lạy Chúa, Chúa đã yêu con như thế! Xin cho con biết hy sinh chịu đựng và chấp nhận tất cả những gì sẽ xảy đến trong cuộc đời con, để con được trở nên nhẫn chịu như con chiên khi bị đem đi xén lông, ngõ hầu thánh ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời con mỗi ngày, Chúa nhé!

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

"BẮT" ĐƯỢC CHÚA RỒI... NHƯNG CÓ "GIỮ" ĐƯỢC KHÔNG...

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi !" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh : "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.”
(Mc: 1, 40-45)

Chiều qua, tôi đi lễ ở một giáo họ nhỏ, thường thì thánh lễ vào các ngày trong tuần không có đông người dâng lễ. Vậy nhưng, khi tôi vừa mới bước vào cổng nhà nguyện thì đã nghe có tiếng người ồn ào, khác hẳn không khí mọi hôm. Hỏi ra mới biết, sau thánh lễ này sẽ có một thánh lễ tiếp theo, và đặc biệt có cha M. đến chữa bệnh. Chưa bắt đầu lễ trước, mà người đi tham dự lễ sau đã đến rồi, thật là một chuyện không phải bình thường! Trong số đó có mấy người quen biết tôi, họ tưởng tôi cũng đi lễ để xin chữa bệnh. Khi tôi cho họ biết rằng, tôi thường đi lễ ở đây, vào giờ này, và lát nữa tôi sẽ không ở lại được vì bận việc. Họ ngạc nhiên hỏi: Sao chị không ở lại xin ơn khỏi bệnh?. Tôi không muốn bày tỏ ý nghĩ của mình cho họ biết, nên chỉ nói với họ rằng tôi bận nên không thể ở lại. Thật ra, tôi nghĩ đến đám đông người đang ngồi đợi đó, tôi tự hỏi: Nếu như họ không được khỏi bệnh, thì họ có thất vọng không?
Đã từ lâu, tôi quen chấp nhận những bệnh tật của mình, mặc dù danh sách các thứ bệnh ngày càng tăng lên, nhưng tôi không bị những điều đó đánh gục. Bởi chỗ cậy dựa của tôi là Chúa Giê-su, Đấng đã chữa cho tôi khỏi sự mù lòa về đức tin, điều đó mới thực sự đem lại bình an cho tôi! Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đãđảm nhận vai trò thầy thuốc của tôi! Cho dẫu những cơn đau và nỗi khổ của bệnh tật vẫn còn đó, nhưng cách chữa lành của Chúa là nghe tôi phó thác cho Ngài những căn bệnh khó trị của mình, và rồi tự nhiên tôi chẳng còn nhớ đến những thứ bệnh mà bác sĩ đã từng nói với tôi rằng: “No medicine!” Tôi biết, có một số người nghe tin cha X. ở nhà dòng này, hoặc cha Y. ở nhà thờ nọ chữa cho nhiều người khỏi bệnh, thế là họ đồn nhau kéo đến la liệt... Khá nhiều người được ơn thì rất hân hoan, họ ra sức quảng bá về việc cha X. hoặc cha Y. đã làm... đôi khi họ còn thêm mắm thêm muối vào cho câu chuyện của họ ly kỳ hấp dẫn, khiến những việc làm tốt đẹp đó trở nên có màu sắc của sự mê tín dị đoan, thật là một tác hại cho đạo thánh Chúa. Cũng có một số ít người sau một thời gian xin không được ơn thì bỏ cuộc. Thay vì tiếp tục cầu nguyện, họ lại bỏ không đi nhà thờ, không tin Chúa nữa mới chết!
Cho dù được khỏi bệnh phong rồi thì sao? Đoạn Tin Mừng hôm nay tường thuật lại sự việc anh phong hủi được Chúa Giê-su chữa cho khỏi bệnh, nhưng lại không chịu làm theo những gì Chúa yêu cầu, lại đi loan báo tưng bừng về sự vụ anh ta đã được Chúa chữa cho khỏi bệnh. Hậu quả là anh ta đã làm trở ngại cho việc rao giảng của Chúa. Đoạn Tin Mừng cho ta thấy Chúa Giê-su chú trọng vào việc rao giảng Tin Mừng nhiều hơn là việc chữa bệnh cho dân. Mặc dù con người đau khổ vì bệnh tật, Chúa cũng thương và Chúa muốn cứu, nhưng Ngài chú trọng vào việc cứu chữa linh hồn chứ không phải thể xác.

Lạy Chúa! Con bắt được Chúa rồi, nhưng liệu con có giữ được Chúa mãi không? Hay con cũng giống như anh chàng phong hủi, vì quá hân hoan với sự việc Chúa đã làm cho mình, mà chẳng còn chú trọng đến những gì Chúa yêu cầu và đòi hỏi?
Xin cho con luôn biết lắng nghe và làm theo những gì Chúa dạy. Đồng thời, xin cho con biết “sống” chứ không phải chỉ “nói” về những gì mình đã tin. Xin Chúa hãy chạnh lòng thương cứu chữa biết bao bệnh nhân đang kêu van danh thánh Chúa, Ngài ơi!


Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

NHỮNG GIÂY PHÚT TUYỆT ĐẸP CỦA TÌNH NGƯỜI

Những ngày cuối năm bao giờ cũng mang lại một không khí chộn rộn háo hức cho mọi người. Trong cái không khí chộn rộn đó còn ẩn nấp biết bao nỗi lo ngày mai, nỗi lo về cơm áo gạo tiền của những người lao động thu nhập thấp. Theo guồng quay đó, anh chị em khuyết tật Ki-tô Vua cũng có những nỗi lo của mỗi người, nỗi lo về bệnh tật thuốc men, nỗi lo về miếng cơm manh áo, nỗi lo tiền nhà trọ... họ mong chờ điều gì ở những ngày cuối năm? Tất nhiên, những người khuyết tật chúng tôi không phải là những kẻ chuyên ngồi khoanh tay bó gối, chúng tôi đã và đang cố gắng vươn lên để vui sống và sống dồi dào như những gì chúng tôi đã được lãnh nhận.
Các bạn sẽ có phản ứng nào khi nghe nói rằng: Người mù đi sở thú xem voi; hay: Người què đi dạo trong Thảo cầm viên? Thế mà có đấy! Buổi sinh hoạt thường kỳ hôm nay của Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, 12/1/2014, thay vì những hoạt động tại chỗ ở một phòng họp nhỏ của tu viện Mai Khôi, là một buổi tham quan dã ngoại ở Thảo cầm viên. Đó là sáng kiến táo bạo và là tình thương lớn lao mà Cha Giu-se Trần Văn Việt(O.P.), Cha linh hướng của nhóm sinh viên Nhịp bước Đa-minh, đã dành cho Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô chúng tôi nhân dịp tất niên này. Vâng! Cha thì táo bạo, “con” thì “number one” các bạn ạ! Tôi muốn nói “con” đây là chỉ số nhiều, một tập thể, các bạn sinh viên Nhịp bước Đa-minh thật là “number one” đối với cảm nhận của chúng tôi, những người khuyết tật đã nhận được từ họ những nghĩa cử cao đẹp và sự chăm sóc hết sức tận tình.
Để có được cuộc tham quan dã ngoại này, thầy đồng hành của chúng tôi, thầy Giu-se Đinh Văn Hán đã phải tất bật lo lắng chuẩn bị trước cả tháng trời. Và, đằng sau đó là cả một sự lo toan chu đáo của Cha Việt cùng với sự hy sinh đóng góp của các bạn SV Nhịp bước Đa-minh và một số vị ân nhân tốt bụng. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi sự hỗ trợ góp sức từ phía nhóm SV Dốc Mơ và SV Lửa Mến, tiên liệu đáp ứng cho một hành trình cam go. Tại sao tôi nói sáng kiến của Cha Việt là táo bạo? Bởi vì, Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô là một tập thể đông người, và lại bao gồm nhiều dạng người khuyết tật, chính vì thế công tác tổ chức cho buổi dã ngoại này không hề đơn giản. Chưa kể đến phần đông trong số chúng tôi đa mang những chứng bệnh hiểm nghèo, nếu như ngài không có một lòng tin vững mạnh vào Thiên Chúa quan phòng, thì khó có thể bắt tay vào việc. Và tôi cho rằng việc ngài làm đã góp phần mang lại sự bình đẳng cho những người khuyết tật chúng tôi, cũng như ngài đãđọc được những khao khát của anh chị em khuyết tật chúng tôi vậy.
9giờ30, sau khi dâng thánh lễ tại tu viện Mai Khôi, chúng tôi khởi hành để đến Thảo cầm viên, nơi sẽ diễn ra toàn bộ sinh hoạt của buổi dã ngoại. Các bạn SV nhiệt tình bồng bế những anh chị em khuyết tật nặng và dắt dìu những người mù lên xe buýt, những anh chị em khuyết tật nhẹ tự di chuyển bằng xe ba bánh của họ, cả đoàn kéo nhau đi trông thật rôm rả! Những mẩu đối thoại trên xe buýt cho thấy những cố gắng của Cha Việt và các bạn SV quả là không uổng phí! Một phụ nữ mù ngoài sáu mươi bảo với người bên cạnh: “Tôi đã hơn ba mươi năm, nay mới được quay lại Thảo cầm viên!”. Một anh chàng khuyết tật vận động thì nói: “Em được đi Sở thú lần đầu tiên vào năm 3 tuổi, đây là lần thứ hai em đi Sở thú, khi mình đã ở tuổi 40, em cảm thấy rất xúc động!”... còn một số anh chị em khác thì bày tỏ rằng từ bé đến lớn chưa đi Sở thú bao giờ... Đối với họ, đi chơi là phải có tiền, và khoản chi phí đó không hề có trong “ngân sách” của họ!
10giờ, chúng tôi quây quần bên nhau trong khuôn viên của một ngôi nhà chòi, nơi mà Ban giám đốc của Thảo cầm viên đã dành sẵn cho nhóm chúng tôi ở một góc biệt lập. Các bạn SV nhanh chóng triển khai công tác của họ, chuẩn bị mọi thứ để phục vụ chúng tôi theo từng tổ một cách rất khoa học.
Trước bữa cơm trưa, chúng tôi cùng nhau ca hát giao lưu, một chương trình văn nghệ dã chiến ngay tại nhà chòi. Người điều phối cho chương trình văn nghệ này là một cô gái dáng vóc nhỏ bé, nhưng ăn nói rất duyên dáng, đó là bạn Châu, thủ lãnh của nhóm SV Nhịp bước Đa-minh hiện nay. Với sự khích lệ của Châu, và hai tay đàn ghi-ta, anh chị em khuyết tật chúng tôi đã mạnh dạn lên “sân khấu”, cho dẫu tuổi đời đã nhuốm phong sương hay phải chống nạng tập tễnh. Sau đó, mọi người ăn cơm trưa thật ngon miệng, chúng tôi ngon miệng không chỉ vì thức ăn ngon, mà còn vì được phục vụ rất nhiệt tình nữa.
12giờ15, chúng tôi chia thành 8 nhóm, xuất phát cuộc tham quan hứa hẹn nhiều điều bổ ích. Các bạn SV chia nhau dẫn dắt người mù, mỗi đoàn đều có mang theo loa phóng thanh và bản đồ Thảo cầm viên. Chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. các bạn SV rất tận tình mô tả cảnh vật hai bên tả hữu cho bọn người mù chúng tôi nghe. Đến mỗi nơi, chúng tôi đều dừng chân lại, không phải để ngắm, mà để được lắng nghe và cảm nhận những gì đang diễn ra chung quanh. Nhóm khuyết tật vận động thì có người ngồi xe lăn, người thì chạy xe ba bánh, nhưng tất cả đều đi theo một trật tự rất gọn gàng. Họ chạy ngang qua nhóm tôi, tiếng gọi í ới, đó là cách các bạn khuyết tật xe lăn báo cho tôi biết là họ đang ở gần tôi. Tôi nghĩ đến cuộc đi ngắm cảnh bằng xe ba bánh của họ mà lòng cảm thấy đầy thú vị. Tôi đùa: “Chị phải trả tiền ô nhiễm môi trường đó!” Chị bạn cười vọng lại: “Chứ biết làm sao bây giờ, ở đây không còn xe lăn!”...
2giờ00, đúng theo lịch trình, chúng tôi đã quần tụ đầy đủ trở lại ngôi nhà chòi, ai nấy thấm mệt nhưng có vẻ hào hứng và thân thiện hơn. Trong thời gian tạm nghỉ sau một cuộc đi bộ dài, chúng tôi lại tiếp tục ca hát. Lúc này tôi mới biết Cha Việt còn có biệt tài chơi đàn ghi-ta, tiếng đàn của ngài nghe thật sôi nổi. Các bạn SV thì rộng rãi khích lệ anh chị em khuyết tật ca hát bằng những tiếng huýt gió điệu nghệ và những tràng pháo tay giòn giã. Cha linh hướng của họ không những là một lãnh đạo làm việc có tổ chức, ngài còn là một người quản trò đầy kinh nghiệm, đã tạo cho chúng tôi những trận cười thoải mái.
Rồi cũng đến lúc phải chia tay, cho dù giữa những người khuyết tật Ki-tô Vua và các bạn SV đã có sự gắn kết đầy thân thiện, chúng tôi vẫn phải nói những lời tạm biệt. Ngoài sự chăm sóc tận tình, mỗi người chúng tôi còn nhận được một túi quà Tết, và một bao lì xì mừng xuân. Tất cả những gì chúng tôi nhận được trong ngày hôm nay đã đem lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc ngập tràn, và tôi nghĩ các bạn tôi cũng có cùng cảm giác như mình vậy. Một ngày trôi qua thật đẹp!
Trong không khí rộn rã của một ngày cuối năm. Chúng tôi rời khỏi Thảo cầm viên vào lúc hơn 3giờ chiều, nắng vàng còn nhẹ rơi từng hạt trên má trên vai chúng tôi, và có cả những giọt nắng reo vui nhảy múa trong ánh mắt của các bạn SV trẻ khỏe. Chuyến đi chơi dã ngoại này sẽ mãi là một trong những kỷ niệm ấm áp đối với Huynh đoàn Khuyết tật Ki-tô, và tôi chắc rằng nó cũng sẽ đọng lại chút suy tư nào đó trong lòng các bạn trẻ, tôi thầm cầu chúc cho họ được thăng tiến và thành công trong cuộc sống, cũng như thầm tạ ơn Chúa đã ban cho tôi và các bạn tôi những giây phút tuyệt đẹp của tình người!

Các bạn thân mến!
Những gì tôi viết trên đây đều xuất phát từ tấm lòng tri ân của một người khuyết tật, mong được gởi đến Cha Việt, các bạn sinh viên Nhịp bước Đa-minh, nhóm SV Dốc Mơ, nhóm Sinh viên Lửa mến, cùng các vị ân nhân đã góp phần tạo nên chuyến đi chơi dã ngoại bổ ích này. Tôi cũng mong muốn gởi đến bạn đọc những thông điệp của một tình yêu thương vô vị lợi: Một sự trao ban sẽ giúp cho cả hai bên trao và nhận những suy nghĩ tốt đẹp về mối quan hệ giữa con người với con người. Chắc chắn một điều rằng: “Cho đi” là hạnh phúc, và “được cảm thông” cũng rất hạnh phúc, bạn ạ!

SỐNG KHIÊM NHU VÀ HIỀN HẬU NHƯ CHÚA


“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,
Ta cho thần khí Ta ngự trên nó;
nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.
Nó sẽ không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.
Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
Nó không yếu hèn, không chịu phục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.”
(Trích sách I-sai-a: 42, 1-4)

Lời Chúa trên đây, những lời đã được ngôn sứ I-sai-a ghi chép lại từ hàng trăm năm, trước khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, và cho đến khi Người chịu đóng đinh, chịu chết khổ hình trên thập giá rồi sống lại vinh quang, thì từng câu từng chữ đã được sáng tỏ. Vâng, người tôi trung đó chính là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Người đã sống một đời vâng phục để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Vậy nhưng, Chúa ơi, hai nghìn năm đã qua rồi, và mặc dầu người tôi trung đã chứng tỏ tình yêu của Chúa Cha qua cái chết trần truồng trên thập giá, nhân loại vẫn còn biết bao nhiêu người phải sống trong đau khổ vì chính những tội lỗi của họ.
Lạy Chúa! Con không loại trừ mình ra khỏi khối nhân loại đó, con tuy đã biết và tin vào sự phục sinh của Chúa, mà con vẫn chưa lột bỏ được cái bản tính con người đầy tự mãn tự tôn trong con. Chúa đã chẳng nỡ bẻ gẫy cây lau đã bị dập, Chúa đã chẳng nỡ tắt tim đèn còn leo lét... Còn con đây, đôi khi con đã cố tình bẻ gẫy cả đến cây lau đã bị dập, khi mà con hành động theo cái kiểu “lấy thịt đè người”... Đôi khi con đã dập tắt những hy vọng mong manh của một ai đó chỉ vì thích nói thẳng ra một sự thật nghiệt ngã nào đó, chẳng khác gì con đã dập tắt cái tim đèn còn leo lét chút ánh sáng của họ! Có lắm lúc con chẳng biết tại sao mình hăng lên ăn to nói lớn giữa đám đông người, như muốn khoe ra một cái uy quyền nhỏ nhoi nào đó của mình cho cả thiên hạ cùng biết, rồi sau đó mới cảm thấy mình lố bịch, thì sự việc đã quá đà... Đã bao lần lòng dặn lòng mình phải control cái mồm cái miệng, để cho cái đầu không bị “bốc hỏa thành tinh”... Vậy nhưng, lâu lâu cái cố tật ấy lại nổi lên làm con quên mất những gì Chúa dạy. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở con nhìn lại con người xấu xa của mình, con thấy mình đã bỏ phí hoang những điều quý báu Chúa chỉ dạy cho con. Thật sự, con ước mong mình được làm một người tôi trung của Chúa, học theo gương Chúa sống một đời vâng phục theo thánh ý Cha, để có thể sống khiêm nhu và hiền hậu như Chúa đã nêu gương, Chúa ạ!
Xin cho con luôn biết kiểm soát mọi lời ăn tiếng nói của mình, để con có thể giữ mình sống đời khiêm hạ giữa những người chung quanh. Xin cho con luôn biết tận tụy sống như một người tôi trung của Chúa vậy. A-men

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

LUỒNG SÁNG HUY HOÀNG

Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.”
(Mt: 4, 16)

Vâng, lạy Chúa! Con đã từng bao năm tháng phải ngồi trong bóng tối của tử thần, đó là những năm tháng con chưa nhìn thấy luồng sáng của Chúa chiếu dọi trên con. Hay nói khác hơn là bởi tại con không chịu nhận biết ánh sáng đó, bởi tại con mải đi tìm chút ánh sáng của trần gian đầy màu sắc sặc sỡ, và đầy phù vinh... Đặc biệt, trong suốt hơn tám năm đầu tiên làm quen với cuộc sống của một người mù, qua những ngày tháng ngồi trong bóng tối của sự mù lòa, con đã nghiền ngẫm nhiều thứ chuyện trên đời, để rồi chính trong vùng u tối lúc đó, ánh sáng Chúa đã bừng lên trong con! Ánh sáng của Chúa đã giải thoát con khỏi những ngày tháng muộn phiền tăm tối vì bệnh tật, tuy bệnh tật ngày càng chồng chất, nhưng con không còn phải lo âu và sợ hãi như trước kia nữa, Chúa ạ!
Lạy Chúa! Chúa đã thương ban cho con ánh sáng kỳ diệu của Chúa, và nhờ vậy con đã được giải thoát khỏi bóng tối của tử thần, nhưng có đôi khi con giống như những nhà chiêm tinh đi tìm Chúa... có những lúc ánh sao dẫn đường chợt biến mất, để con phải rơi vào tình trạng hỗn độn của lầm lạc... Con biết đó là bởi tại con còn vương vấn chuyện phù phiếm hư không! Xin Chúa hãy gìn giữ con trong tình yêu bao dung của Chúa, xin ban cho con sức mạnh vượt thắng thế gian để con quyết một lòng ở lại trong vùng ánh sáng của Chúa. Con cũng thiết tha nài xin Chúa ban cho những người thân yêu của con biết từ bỏ những hư vinh giả tạo, để mắt họ có thể nhận ra ánh sáng của Chúa chính là ánh sáng chẳng bao giờ bị dập tắt. Đặc biệt, xin cho con trở nên như một ngọn nến nhỏ, và xin Chúa hãy thắp lửa cho ngọn nến đó được lan tỏa ánh sáng đến mọi người chung quanh, Chúa nhé!

Chúa là ánh sáng huy hoàng
Chúa là bó đuốc dẫn đàng con đi
Con đâu còn sợ điều chi
Vì được ánh sáng dẫn soi mỗi ngày!

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

KIÊN TRÌ ĐI THEO ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG...


“Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi : "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời : "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 'Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời."
(Mt: 2, 1-6)

Đọc đoạn Tin Mừng trên đây, tôi thấy thái độ của dân Israel thật là hời hợt! Tuy rằng họ cũng xôn xao khi nghe tin vua dân Do Thái ra đời, nhưng xôn xao vậy thôi, chứ chẳng nghe nói ai đã lặn lội đi tìm đến miền Bê-lem hẻo lánh đó để mà thờ lạy Người, trong khi mấy nhà chiêm tinh đã từ một xứ sở xa xôi lặn lội đi tìm Chúa... Ngay cả thái độ của mấy ông thượng tế và kinh sư cũng vậy, họ còn biết trích dẫn cả những lời ngôn sứ được ghi chép trong Kinh thánh ra để mà chứng minh cho thấy họ đã thuộc làu Kinh Thánh như thế nào... Nhưng cũng chẳng nghe nói có ai trong số họ đã cất công đi tìm để thờ lạy Người!
Lạy Chúa! Con nhận ra đó cũng là thái độ của con! Thái độ hợt hời và ích kỷ! Con đã nhận ra ánh sao dẫn đường trong đêm tối của đời mình chính là ánh sáng từ Chúa, ánh sáng từ những lời được ghi chép trong Kinh Thánh, con tuy chẳng thuộc nằm lòng, song cũng đã được thần Khí Chúa ban cho biết bao ân sủng từ việc đọc và hiểu Lời Chúa... Thế nhưng, đôi khi con chỉ mải mê làm những gì mình thích... đôi khi con tưởng rằng đó là việc tốt, nhưng thật ra nó chẳng mang lại ơn ích gì cho bản thân con cũng như cho một ai đó... Trong khi đuổi theo những việc đọc sách, viết lách hoặc nói về Kinh thánh cho ai đó, cũng lại là lúc con dần quên đi Chúa là trung tâm điểm của đời sống con... Đó là lúc con không còn nhìn thấy ánh sao dẫn đường, đó là lúc con lạc lối rơi vào mê trận của thế gian!
Xin cho con luôn biết hướng cái nhìn về phía ánh sao của đời mình là Thiên Chúa, và kiên trì đi theo ánh sao dẫn đường của đời mình. Xin cho con luôn biết sống bám vào Lời Chúa, để con sẽ không phải rơi vào tình trạng xôn xao của lòng người đầy hư ảo.
Lạy Chúa Hài đồng giê-su! Xin giúp con trở nên như một ngôi sao nhỏ, để con có thể đưa ánh sáng mà con đã đón nhận từ Chúa đến cho những ai mà con tiếp xúc mỗi ngày trong đời mình, Chúa nhé!

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

TẠI SAO CHÚA LẠI CHỌN HANG ĐÁ BÊ-LEM?

Đêm nay trời lạnh cóng, gió thổi ù ù ngoài kia đập xầm xập lên mái tôn của nhà ai, trời như sắp có bão. Các khớp xương của tôi lạnh buốt, đã nhiều năm nay tôi không chịu được lạnh như một cụ già gần đất xa trời. Tôi co người cuộc tròn trong chăn ấm nệm êm, thế mà vẫn không sao ngủ được. Tôi nghĩ đến những người bất hạnh đang sống ngoài vỉa hè, những người sống trong những căn nhà hở hang gió lạnh mà không đủ áo ấm...
Cái lạnh buốt thấm vào da thịt, trời đã vào đông, chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến lễ Giáng Sinh rồi. Dòng suy tưởng của tôi hướng về Chúa Giê-su Hài Đồng, một baby nằm trong máng cỏ lạnh lẽo. Bỗng nhiên, những câu hỏi lóe lên trong óc tôi “Tại sao Chúa lại sinh ra trong thân phận một người nghèo khổ? Nếu cho Người chọn lại, thì Người có còn chọn hang đá Bê-lem lạnh lẽo để chào đời không?” Tôi bật cười vì cảm giác như Chúa Giê-su trách yêu mình “Cái con nhỏ này! Thiệt là lí lắc!” Nhưng rồi tôi như nghe thấy Chúa hỏi:
“Nếu ta cho con chọn lại, con có dám chọn lại con đường mà mình đã đi hay không?”

Tôi nhắm nghiền mắt lại, hình dung ra cả một chặng đường dài đã vượt qua. Những mốc thời gian chạy vùn vụt trong đầu... tôi nhớ lại những ngày còn bé học ở trường mẫu giáo với souer Kính, nhớ cái bàn học có những ô vuông màu xanh màu đỏ... Nhớ những ngày cùng bố ngắm giàn mướp đơm hoa, nhớ những ngày cùng cả nhà gặt lúa dưới ánh trăng non... những tháng ngày niên thiếu trên nương rẫy xiết bao cực khổ, nhưng ngập tràn hạnh phúc. Cô bé mười ba tuổi trong tôi đã cảm nghiệm được biết bao điều quý giá của cuộc sống!
Mùa xuân 1982, khi vừa bước vào tuổi mười bảy, một bước ngoặt trong cuộc đời, tôi bị bệnh tiểu đường type I, phải phụ thuộc vào insulin suốt đời. Thời điểm ấy, đã mấy tháng liền, tôi không nhìn thấy chữ mà lại nhìn thấy một tương lai đen ngòm trước mắt. Sau mấy tháng điều trị, tôi có thể tiếp tục việc học, và với câu thần chú “XIN CHO CON ĐỦ SỨC CHỊU ĐỰNG”, tôi đã sống như một người không có bệnh. Tôi chẳng hề nói với ai về việc mình lo sợ sẽ bị mù, ngay cả bố mẹ tôi cũng không biết rằng tôi đang chuẩn bị cho mình cái ngày sẽ bước vào bóng tối. Tôi nghĩ ngày ấy chắc cũng còn xa...
Tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu, tôi đã năng nổ sống như ngày mai mình sẽ phải chết. Tôi hạnh phúc với một thời sinh viên sôi nổi... những lần làm MC cho chương trình văn nghệ của nhà trường, những đêm đốt lửa trại hò hát cùng lũ bạn... Tôi nhớ những ngày làm cô giáo dạy Toán cho lũ học trò cấp II... Có lần lũ nhóc rủ tôi cùng đi chơi với chúng, thấy mấy cặp tình nhân ngồi lấp ló dưới các lùm cây, tôi ngứa ngáy muốn nghịch ngợm như cái thời “nhất quỷ, nhì ma” lắm! Nhưng chẳng lẽ cô giáo mà lại đi trêu ghẹo người ta, tôi nháy mắt ra hiệu cho lũ học trò đi chọc phá họ. Lũ nhóc khoái chí thực hiện mệnh lệnh của cô giáo mà miệng đứa nào cũng tủm tỉm...
Tôi nhớ ngày mình viết đơn xin nghỉ dạy ở cái tuổi hai mươi sáu, cái nghề bị người ta gán cho là “bạc bẽo như vôi” thế mà phải chia tay với nó đã khiến lòng tôi đau như cắt. Nhưng thiên hạ lại bảo tôi bỏ nghề đi buôn để làm giàu! Họ đâu biết rằng tôi phải bỏ nghề vì không còn nhìn rõ chữ để chấm bài cho học trò nữa!
Tôi nhớ ngày nhập viện vì bị xuất huyết trong đáy mắt, chỉ một buổi sáng hôm ấy, tôi phải nghe hơn mười bác sĩ kết luận “Bệnh này phải chịu... case này thế giới cũng bó tay!” Những ngày nằm trong bệnh viện tôi không cho mẹ tôi vào, bảo “Cả nhà cứ lo làm ăn, con bệnh đã tốn tiền của mẹ rồi! Con còn tự lo liệu cho mình được, mẹ cứ yên tâm!” Kỳ thực, tôi không muốn người nhà thấy mình khóc vì buồn. Người để tôi tâm sự trong những ngày đó chính là Mẹ Maria, những tràng chuỗi Mân Côi đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi và đau buồn.

Sau 5 ngày nằm viện, tôi trở về nhà với một tia hy vọng le lói, một bà bác sĩ hứa sẽ dùng phương pháp chiếu tia Laser vào đáy mắt, giúp tôi ngăn chặn căn bệnh phát triển. Dù sao cũng còn hơn là không có cách nào như lời mười mấy vị bác sĩ trước đó đã nói. Tôi ngồi nhà chờ phone của bà bác sĩ tốt bụng, bà bảo tôi chờ vì hiện máy chiếu tia Laser trong bệnh viện St. Paul đã bị hư. Đó là chiếc máy chiếu Laser duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm đó. Chờ phone mãi sốt ruột, tôi tìm đến bệnh viện, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được câu trả lời “Phụ kiện để sửa máy phải mua ở Pháp, Đoàn công tác của bệnh viện chưa về!” . Trong hai tháng chờ đợi, mắt phải của tôi bị bong võng mạc hoàn toàn, không còn nhìn thấy gì nữa. Cũng thời gian đó, mẹ tôi đã hoàn tất thủ tục để mở một pharmacy, niềm mơ ước đã ấp ủ từ lâu của bà. Bà giao cho tôi trông coi, tôi học những nguyên tắc cơ bản để bán thuốc Tây từ người dược sĩ đứng tên cho cửa tiệm. Để có thể nắm vững các công dụng của mỗi loại thuốc, tôi mua một cuốn “Từ điển thuốc” và đọc nó Với một con mắt chỉ còn thị lực 1/10. Từng chữ, từng chữ một tôi dùng kính lúp say mê nghiên cứu “Từ điển thuốc” trong những lúc ế ẩm. Sau một tháng, tôi trở thành nhân viên chính thức của cửa tiệm. Vì khách hàng bảo tôi mát tay, uống thuốc do tôi bán mau khỏi, họ không thích mua từ cô dược sĩ. Tôi thì cho rằng, họ khỏi bệnh nhờ ơn Chúa, vì mỗi sáng trước khi bắt tay vào việc tôi đều nói thầm “Xin Chúa chữa những bệnh nhân mà con bán thuốc cho họ đều mau khỏi bệnh!”

Rồi tôi cũng nhận được phone của bác sĩ, bà gọi lên để chiếu tia Laser cho con mắt còn lại của tôi. Lên tới nơi, người ta bảo máy hư vì bộ phận lọc nước trong máy không hoạt động. Lại những ngày chờ đợi... Cuối cùng, tôi cũng được chiếu tia Laser. Nhưng chẳng bao lâu sau con mắt đó bị xuất huyết trở lại. Bác sĩ điều trị mắt cho tôi bảo “Em về đợi chừng nào đáy mắt quang trở lại thì lên đây! Đáy mắt quang tôi mới làm cho em được!” Cái “chừng nào” ấy sẽ không bao giờ xảy ra nữa!
Tôi nhớ... buổi sáng hôm đó, tôi cầm lấy toa tuốc của một khách hàng, mặc dù tôi sử dụng kính lúp để đọc nhưng toa thuốc trống trơn. Chẳng có chữ nào hết, một cảm giác chết lặng trong tôi! Hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá vụt thoáng qua trong đầu; phải, mặc dù tôi đang đứng đó nói cười với khách hàng và tay chân tôi vẫn đang cử động, nhưng sâu thẳm trong tôi có cảm giác mình bị đóng đinh chân tay vào thập giá! Thế là hết! Từ nay tôi sẽ chẳng còn nhìn thấy chữ nữa! Song, trước mặt tôi lúc ấy là 5, 6 người khách đang chờ mua thuốc. Tôi cố kìm những giọt nước mắt đang dần ứa ra hai bên khóe mắt, may mà tôi đeo kính đậm màu. Tôi cố mỉm cười duyên dáng với khách, xin lỗi họ vì mắt tôi quá kém, rồi gọi với vào phía trong để nhờ bố tôi đọc toa thuốc giùm. Tôi tự nhủ “Để lát nữa hãy khóc!”, bây giờ phải tiếp xong mấy người khách này đã. Những người khách đi rồi tôi lại ứa nước mắt, lần này thì như suối chảy... Nhưng trước mặt tôi là dòng người đi chợ qua lại không dứt, tôi lại nhủ “Để đến tối hãy khóc!”. Đêm hôm ấy, tôi chẳng khóc được nhiều, vì phải tính toán cho những bước đi trong tương lai... Những ngày sau đó, tôi tiếp tục bán thuốc với sự trợ giúp của người nhà. Cũng may, Chúa đã ban cho tôi có trí nhớ tốt và cung cách làm việc khoa học, nên khách hàng thấy tôi đọc tên thuốc, chỉ chỗ và mô tả màu sắc một cách chính xác, họ vẫn tin tưởng vào tôi. Nhưng rồi gia đình tôi phải chuyển chỗ ở, tôi không còn bán thuốc Tây nữa, quay sang trông nom con nhỏ cho mấy anh chị em trong nhà...

Sức khỏe tôi yếu dần, những biến chứng của bệnh tiểu đường đã dồn dập kéo đến, có lẽ vì tôi ít hoạt động hơn trước. Tôi nhớ... những ngày tháng nằm dài trên giường và những cơn đau... có khi tôi ói mửa liên tục suốt mấy ngày ròng. Tôi trải qua những cơn đau thần kinh ngoại biên và nhiều đêm thức trắng. Những ngày tháng đó thật là ảm đạm, tôi nằm bẹp trên giường như một cái mền rách. Người nhà đưa tôi đến bệnh viện rồi đưa tôi về với những bọc thuốc to đùng. Nhưng càng uống thuốc thì tôi lại càng bị ói nhiều hơn! Cuối cùng tôi vứt hết thuốc đi và phó mặc bệnh tình cho Chúa!Ban đêm, khi những cơn đau đã vắt kiệt sức, tôi nghĩ đến Chúa Giê-su trên thập tự. Tôi nghĩ đến cái đau của người bị đóng đinh, và cảm thấy cái đau của mình không là gì cả. Cảm giác đau đớn dần dần dịu êm đưa tôi chìm vào giấc ngủ... Cứ mỗi sáng, tôi lại thầm mong Chúa sẽ gởi đến cho tôi điều gì đó mới mẻ. Và có những niềm vui tuy bé nhỏ nhưng đã đem lại hạnh phúc cho tôi suốt ngày hôm đó! Cứ như thế, tôi nhích đi từng giây phút một giữa đời. Tám năm, tám năm như thế trôi qua!

Noel năm 2001 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Một người bại liệt gọi phone khuyến khích tôi đi lễ dành cho người khuyết tật ở Nhà thờ Đức Bà. Tôi không muốn đi, nhưng vì sợ phụ lòng tốt của anh, nên cuối cùng tôi cũng nhờ em gái chở đến Nhà thờ Đức Bà vào sáng ngày 25/12/2001. Buổi sáng đó, khi nghe một cô gái đọc Thánh thư với giọng rất diễn cảm và lưu loát, tôi hết sức ngạc nhiên vì em gái tôi bảo đấy là giọng của một cô gái mù. Sau đó, tôi biết cô gái ấy tên là Oanh sống ở Mái ấm Thiên Ân. Thế là tôi tìm đến mái ấm Thiên Ân, xin học chữ nổi và học sử dụng computer. Tôi nhớ những ngày say mê luyện tập trên máy vi tính và tập đọc, tập viết chữ Braille... nhớ mình đã suýt khóc vì ngón tay trỏ bên phải của tôi không sao nhận biết được các chấm nổi. Cũng may, tôi vẫn có thể đọc được chữ nổi bằng ngón trỏ trái! Những ngày háo hức tập viết chữ nổi phải bỏ dở, chứng thoái hóa đốt sống cổ khiến tôi đau phát ói khi phải ngồi và phải cử động hai cánh tay. Căn bệnh này chính là nguyên nhân bắt tôi nằm trên giường suốt bao ngày tháng. Một bác sĩ ở Trung tâm Chấn Thương Chỉnh hình đã tặng tôi một cái “gông” đỡ cần cổ cho bớt đau. Nhờ nó tôi có thể ngồi lâu tập đọc tập viết, có hôm tôi ngồi miệt mài suốt 6 tiếng đồng hồ liền. Cuối cùng, tuy chậm hơn so với bạn bè, song bằng cách riêng của mình, tôi vẫn có thể viết chữ Braille những khi cần. Tôi cảm thấy Chúa đang mở ra cho tôi một chân trời mới! Giống như trong những câu chuyện cổ tích, tôi phải trải qua nhiều chặng thử thách cam go, để rồi cuối cùng tôi được bước vào một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ!

Không phải là bà tiên hay một ông bụt nào đó đã hiện ra, dắt tôi vào khu rừng cổ tích. Chính Chúa Giê-su đã làm việc đó! Bởi vì, tôi biết, không có tình yêu của Thiên Chúa thông qua những người thân bạn hữu, tôi đã không thể vượt qua được những thử thách chông gai của đời mình!
Qua những bàn tay nhân ái đó, tôi cảm nhận được một điều hết sức quan trọng: Chúa đang đồng hành với tôi! Người dắt tôi đi trong miền thung lũng tối... Từ mái ấm Thiên Ân... đến Hội người mù quận Tân Bình... Qua những anh chị em đồng cảnh ngộ, tôi học được sự nhẫn nhịn và nhận ra rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người! Tôi tìm hiểu cách thức người mù đi chợ, nấu ăn, ủi đồ... tôi theo một chị bán vé số để coi người mù buôn bán ra sao... cũng có lần tôi theo mấy người mù đi ăn cơm Chùa để xem họ ăn uống ở bên ngoài thế nào... Chỉ mấy tháng sau tôi đã có thể hòa nhập với họ, và cảm thấy mình tự tin trở lại.
Tôi nhớ những ngày cùng người bạn mắt kém tập đi xe bus và đi bộ tập thể dục... những buổi chiều hai đứa chúng tôi đi dạo trong công viên, xem hoa nở và nghe tiếng chim hót. Một người mù vẫn có thể ngắm những bông hồng bằng cảm giác của đôi bàn tay mình!
Và làm sao tôi có thể quên được cái lần đầu mình đã thực sự biết nói lời cảm tạ Thiên Chúa! Đó là khi tôi viết hai câu kết cho bài thơ “Cô gái mù với ly café trắng”:
Cô giơ tay hướng về Thượng đế:
“Xin cảm ơn Người, người mãi ở bên con!”

Đó là lúc biết bao cảm xúc dâng trào, khiến tôi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình là rất cụ thể, Thiên Chúa ở bên tôi qua những con người trần thế.
Bài thơ “Cô gái mù với ly café trắng” đã bắc cầu nối cho tôi đến được với biết bao người! Từ bài thơ này, tôi quen biết với Thanks God. Thanks god là bút danh của một người bị teo cơ cả tứ chi. Người bạn của tôi cho biết, anh lấy bút danh này để tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa; vì trong sự bất toàn của anh, Chúa vẫn thương ban cho anh khả năng vẽ tranh để có thể gởi gấm vào đó biết bao tâm tình. Chính Thanks God đã vẽ tặng cho tôi bức tranh “Bình yên của cỏ” vào Noel năm 2004. Tôi nhớ... câu nói của bố mình “Ai lại đi tặng tranh cho người mù bao giờ!” Lúc đó, tôi đã phản biện: “Ồ! Con vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh này bố ạ!” Thanks God vẽ bức tranh theo bài thơ “Bình yên của cỏ” mà tôi đã viết sau chuyến đi Đà lạt vào hè 2004. Tôi quý bức tranh của Thanks God lắm! Qua câu chuyện của chị P., một người khuyết tật vận động, tôi mới biết, thì ra... Trong cuộc hội chợ dành cho người khuyết tật ở Đầm Sen trước đó, Thanks God có triển lãm bốn bức tranh do anh sáng tác. Một khách thập phương đã rất muốn mua bức tranh “Bình yên của cỏ”, nhưng Thanks God từ chối, không bán. Chị P. tỏ ý ngạc nhiên hỏi, “Người ta trả giá cao thế sao không bán?”. Thanks God bảo với chị rằng anh ta vẽ bức tranh này để tặng tôi. Chị P. khuyên Thanks God cứ bán đi, rồi vẽ bức khác tặng cho Thủy sau cũng được. Nhưng Thanks God nói “Không được! Em đã định vẽ để tặng cho chị Thủy thì sẽ không bán với bất cứ giá nào!” Nghe vậy, tôi hết sức cảm động, và càng quý bức tranh ấy hơn. Thỉnh thoảng nhớ đến nó, tôi lại tới gần rờ nhè nhẹ lên lớp sơn dầu như một người đang ngắm tranh vậy.
Tôi nhớ về cả quá trình Chúa đã dắt tôi vào lối thơ của Ngài... Thực sự, tôi đâu phải là thi sĩ, mà làm thơ nói về Chúa thì tôi lại càng không có năng khiếu! Như một sự tình cờ và cũng có thể nói là gượng ép, tôi đã phải học “Elements of Poetry” of Hadley School for the Blind. Lý do là tiếng Anh của tôi thì quá kém, nhưng người giáo viên trước đó giúp tôi hoàn thành “English Skills” vì biết tôi thích làm thơ nên đã đăng ký giùm tôi “course” này mà không chờ ý kiến của tôi. Để khỏi phụ lòng người giáo viên tốt bụng, tôi đành phải học Poetry. Không ngờ sau khi học xong, tôi có thể viết những bài thơ nói về tình yêu của Chúa một cách ngon lành. Chính con đường vào lối thơ ca tụng Chúa đã mở ra cho tôi một chân trời mới. Tôi như một con chiên lạc được Chúa đưa về sống giữa đồng cỏ xanh, hằng ngày tôi được uống nước suối trong của vị Chúa chiên lành... Sức khỏe tôi dần dần tăng tiến, chứng thoái hóa cột sống đã giảm bớt dẫu chẳng uống viên thuốc nào, tôi không còn phải đeo “gông” để đỡ cần cổ nữa!

Cũng từ người bại liệt đã rủ tôi đi nhà thờ Đức Bà trong dịp lễ Noel đó, tôi đến với anh chị em khuyết tật vận động... Qua họ, tôi học được rất nhiều điều và nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa rõ hơn. Ánh mắt chịu đựng của họ trước vẻ khinh mạn của đồng loại chính là ánh mắt của Chúa Giê-su trên Thánh giá.
Sống giữa cộng đồng người khuyết tật, tôi cảm thấy chúng tôi dễ hiểu nhau, dễ chia sẻ, dễ gắn bó và dễ yêu thương nhau hơn! Chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn, những hạn chế, những thiệt thòi, những trăn trở của nhau! Người này thấy nỗi đau của mình không là gì so với người kia, người kia thì lại thấy nỗi đau của mình thật là nhỏ bé so với người nọ... chúng tôi thương nhau hơn là vì vậy! Có lần tôi đã nói với mẹ: “Mẹ ơi! Nếu con không bị mù thì con không thể nào yêu thương những người khuyết tật như Chúa đã dạy, có chăng chỉ là thương hại mà thôi! Bây giờ con mới thực sự đồng cảm với họ, để mà yêu thương họ như Chúa đã dạy mẹ ạ!”
Tôi nhớ đến chị T., một người khuyết tật vận động bán vé số, nổi tiếng là đanh đá đến nỗi ít ai dám gần gũi với chị. Chị đã không được người nhà yêu thương như lẽ ra chị phải được thế. Người ta ai cũng cho là chị đanh đá dữ dằn, nhưng đâu phải như mọi người nghĩ. Đôi lần có dịp nói chuyện với chị, tôi tỏ vẻ tôn trọng và sẵn sàng nghe chị, thì ra chị T. cũng dễ thương lắm! Tôi đọc được những khát vọng của chị qua những tâm tình chia sẻ, muốn học hỏi và ngay cả cái đanh đá của chị nữa! Chị T. khát khao được học hành tử tế, được người ta tôn trọng, được làm việc từ thiện như bao nhiêu người khác. Nếu tôi sinh ra trong hoàn cảnh như chị, chắc có lẽ tôi cũng sẽ đanh đá như chị!
Tôi đã có rất nhiều thứ mà chị T. đã không có! Sự yêu thương, tôn trọng, và cảm thông của bố mẹ, anh chị em, bạn bè và người quen. Còn nhiều thứ nữa mà càng kể ra thì tôi lại càng thấy chị T. đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Nghĩ đến đây tôi thấy hạnh phúc trong tôi như muốn vỡ ra, và nó vỡ ra thật! Những giọt nước mắt tự nhiên lăn tròn trên má tôi rồi chảy tràn xuống gối... Tôi khóc vì thương chị T., thương những số phận con người không đi bằng hai chân mà phải đi bằng hai bàn tay bò trên mặt đất. Chúa ơi! Sao lại có nhiều người khổ quá vậy hở Chúa?
Tôi như nghe được tiếng Chúa nói “Nếu con không bị mù thì con có thấu hiểu cho những con người thống khổ đó hay không? Nếu Ta cho con chọn lại, con có dám chọn con đường mà mình đã đi hay không?” Bây giờ thì tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi “TẠI SAO CHÚA LẠI CHỌN HANG ĐÁ BÊ-LEM?” rồi!

Tôi đã mặc lấy thân phận mù lòa để rồi nhận ra rằng chính Chúa Ki-tô mới đích thực là ánh sáng của đời mình. Nhãn quan này đã khai mở cho tôi biết bao điều kỳ diệu, sự mù lòa về thể lý chẳng làm tôi xao xuyến! Chính trong thân phận mù lòa, tôi mới cảm thông và gần gũi được với những anh chị em khuyết tật khác. Từ đó tôi hiểu ra rằng, Chúa Giê-su đã chọn được sinh ra trong hang đá Bê-lem là để gần gũi và cảm thông với những người nghèo khổ, cơ hàn.
Nếu tôi không phải là một người mù, có thể lúc này đây tôi đang làm MC cho một chương trình văn nghệ nào đó, có thể tôi đang mải mê kiếm tiền để sắm cho mình một chiếc xe hơi đời mới... Những điều đó đối với tôi giờ đây đều trở nên xa lạ. Tôi sẵn sàng chọn lại con đường mà Chúa đã dắt tôi đi. Chúa cùng tôi đi qua thung lũng tối mà vẫn nhìn thấy hoa thơm cỏ lạ. Hoa thơm cỏ lạ chúng tôi nhìn thấy như những bông hoa xương rồng, bất chấp sỏi đá khô cằn hoa vẫn nở những sắc màu rực rỡ và hình dáng kỳ lạ của hoa...
...Để giờ đây, tôi ngồi viết về những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho tôi, một cô gái mù đã nhìn thấy ánh sáng niềm tin từ Thiên Chúa. Ánh sáng mà tôi nhìn thấy đó là ánh sáng tỏa ra từ thập giá Đức Ki-tô. Ánh sáng đó đã và đang dẫn dắt tôi đi qua miền thung lũng tối...!
Noel 2011

NỖI LÒNG CỦA KẺ ĐI LÀM CHỨNG NHÂN CHO CHÚA


“Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : "Ông là ai ?" Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : "Tôi không phải là Đấng Ki-tô." Họ lại hỏi ông : "Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?" Ông nói : "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?" Ông đáp: "Không." Họ liền nói với ông : "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?" Ông nói : Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” (Ga, 1, 19-23)

Tại sao ông Gio-an lại nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”?
Vâng, ông Gio-an đã làm chứng rằng chính Đức Giê-su là Đấng Mê-xi-a, Đấng phải đến thế gian để cứu chuộc nhân loại thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi. Ông Gio-an đã làm một nhân chứng cho Đức Giê-su, mặc dầu ông biết rằng cuộc đời của một nhân chứng cho Đức Giê-su sẽ gặp trắc trở và ghẻ lạnh, thế mà ông vẫn đi theo con đường đó. “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa” nghe có vẻ chua xót làm sao, thế nhưng, kẻ làm nhân chứng vẫn cứ bước đi trên con đường đó!
Lạy Chúa! Đôi lúc con cảm thấy mình rất lẻ loi và chua xót trong những khi con đứng ra để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, lại gặp phải sự chống đối của những người chung quanh... những lúc ấy con cảm thấy nản chí và muốn bỏ cuộc... nhưng rồi mọi việc cũng êm xuôi, vì thời gian đã chứng minh cho người ta thấy rằng sự thật thì luôn là sự thật, và công lý vẫn còn trên mặt đất... Con tin rằng chính Chúa đã chứng minh điều đó thay cho con. Hôm nay, đọc lại đoạn Tin Mừng này, con ấn tượng nhất là câu nói: “tôi là tiếng người hô trong hoang địa...” của ông Gio-an tẩy giả. Ông biết rằng sẽ chẳng có mấy ai đáp lại tiếng hô đó, vậy mà ông cứ hô... hô cho mọi người biết phải ăn năn sám hối... để dọn lòng đón Chúa!
Lạy Chúa! Con đã đón Chúa rồi, nhưng liệu con có giữ được Chúa mãi trong lòng con không? Con biết mình thỉnh thoảng vẫn còn cái tật bỏ lờ Chúa đi, để chạy theo những thú vui trần thế. Xin cho con biết kiên trung tận tụy làm một nhân chứng cho Chúa. Xin cho con trở nên như một “tiếng người hô trong hoang địa”, để con vững lòng bước đi giữa hoang địa cuộc đời này, Chúa nhé!

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

VIẾT TẶNG "SEN GIỮA LẦY"


Vũ Thủy là kẻ chẳng rành lắm về thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng sau khi đọc SEN GIỮA LẦY của Cha trăng Thập Tự cứ bị thôi thúc để phân tích cái hay cái đẹp của bài thơ này. Vậy Vũ Thủy mạnh dạn viết lên những suy tư của mình về Sen Giữa Lầy mà không sợ rằng có ai đó sẽ bảo mình “múa rìu qua mắt thợ”.

-Hai câu đề:
Về thăm vườn cũ thuở Êđen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen.
Với hai câu này TTT đã giới thiệu hoa sen một cách rất tuyệt, TTT đã lãng mạn dựa vào truyền thuyết vườn Ê-đen xưa để tưởng tượng rằng ở đó có một đóa sen thanh thoát.
-Hai câu thực:
Trong trắng giữa lầy trong trắng gọi
Lặng thầm trên sóng lặng thầm khen.

Mô tả nơi sinh trưởng của hoa sen là ở giữa lầy, đồng thời mô tả đặc tính mà người ta thường gán cho nó là trong trắng. Nhưng chúng ta đều hiểu TTT đã mô tả những đức tính của Mẹ Maria là trinh khiết và thầm lặng.
Trong cặp câu này có các cặp từ đối nhau như:
“Trong trắng” đối với “lặng thầm”
“Giữa lầy” đối với “trên sóng”
“Gọi” đối với “khen”
TTT đã chơi chữ một cách độc đáo không kém Bà Huyện Thanh Quan trong bài QUA ĐÈO NGANG:
“trong trắng” mà trong trắng ở giữa lầy, rồi cái trong trắng ấy gọi, gọi cái gì? Chúng ta hiểu rằng đóa hoa sen gọi mời chúng ta sống khiết tịnh. . .
“lặng thầm” mà lặng thầm “trên sóng”, lặng thầm trên một sự việc mà ai cũng biết là ồn ào chứ không lặng thầm. Rồi “lặng thầm” lại khen, khen điều gì? Chúng ta hiểu rằng khen ngợi sự trong trắng. Đồng thời cũng hiểu rằng có một người, “người về thăm vườn Ê-đen”, đang đứng ở đâu đó ngắm sen mà rung động trong lòng về sự trong trắng giữa lầy của đóa hoa sen, để rồi lặng thầm khen nó. Vậy thì lặng thầm mà rất không lặng thầm càng khiến cái sự khen ấy là khen nhiều chứ không phải khen ít.
-Hai câu luận:
Gọi mời ai giữ gìn cao quý
Khen ngợi Ai thương đoái mọn hèn.
Sau khi đã mô tả rất tuyệt về hoa sen, TTT luận rằng hoa sen đã khiến người ta ngưỡng mộ về sự “trong trắng giữa lầy” của nó, nó đã gọi mời người ta giữ gìn cái mà bất cứ ai cũng cho là cao quý, đó là đức khiết tịnh. TTT cũng luận rằng cái sự khen ở trên là khen người đã đoái thương những kẻ hèn mọn, chính từ đây TTT lại một lần nữa cho thấy hoa sen đã được ví với Mẹ Maria vì sự trong trắng của nó. Vì vậy khen hoa sen trong trắng là khen Mẹ Maria khiết trinh của Giáo Hội, một người mẹ luôn đoái thương đến Giáo hội con cái của Người.

-Hai câu kết:
Hướng tạ ơn Trời chưa nháy mắt
Ngoảnh nhìn sen đã nở đua chen.
TTT kết thúc bài thơ của mình bằng sự cảm tạ, tạ ơn trời đã ban cho con người đóa hoa sen cao quý. Nhưng cũng chính là tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho loài người Đức trinh nữ Maria như một mẫu gương về đức khiết tịnh. Và có lẽ TTT đã cho ta cái cảm nghiệm về sự biết ơn của con người không xứng với lòng độ lượng của thiên Chúa khi mà “tạ ơn trời chưa nháy mắt” thì Ngài đã ban cho biết bao hồng ân qua Mẹ Maria “sen đã nở đua chen”. Và có lẽ TTT cũng cho chúng ta một bài học rằng phải biết ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã ban tặng nhưng không cho con người biết bao mẫu gương sống động, từ những sinh vật bé nhỏ như hoa sen cho đến Người Mẹ tuyệt vời của Thiên Chúa là Đức Maria khiết trinh.
Đến đây, ta hãy quay lại cái tuyệt vời của hai câu đề. Tại sao như thế? Bởi vì Vũ Thủy muốn để người đọc thấy được cái lãng mạn của TTT và cũng là cái lãng mạn của Đấng Tạo Hóa sau khi đã phân tích toàn bộ bài thơ này.
Về thăm vườn cũ thuở Ê-đen
Thanh thoát ô kìa một đóa sen
TTT đã nhắc đến truyền thuyết vườn Ê-đen làm ta liên tưởng đến câu chuyện A-đam nghe lời Eva ăn trái cấm. Từ thuở ấy, Chúa đã hứa ban cho loài người một phụ nữ, người phụ nữ ấy sẽ đạp lên đầu con rắn xảo quyệt. . . Và có lẽ vì thế TTT đã có ngẫu hứng để viết “Thanh thoát ô kìa một đóa sen” chăng? Đóa sen này TTT đã ngụ ý ngay từ phần giới thiệu của bài thơ về một Đức Khiết Trinh, một mẫu gương tuyệt vời cho tất cả chúng ta noi theo. . .
Cảm ơn Cha Trăng Thập Tự vì đã viết cho đời một bài thơ tuyệt đẹp. Vũ Thủy chắc chắn rằng SEN GIỮA LẦY hoàn toàn là sản phẩm của thi hứng trong nhà thơ linh mục trăng Thập Tự qua sự soi chiếu của Chúa Thánh Thần. Có thể nói SEN GIỮA LẦY đã trở thành một hiện tượng trong nghệ thuật thi ca Công Giáo Việt Nam. Như một sự thúc đẩy của Chúa thánh Linh, đã khởi lên một phong trào rất đáng trân trọng trong thời đại hiện sinh, đó là phong trào ĐOAN HỨA KHIẾT TỊNH. Ước mong sao ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia phong trào này và hy vọng SEN GIỮA LẦY còn mở ra nhiều hướng đi khác cho nghệ thuật Công Giáo Việt Nam.

20/7/2010
Vài thiển ý, Vũ Thủy

TÂM SỰ GIỮA ĐÊM GIAO THỪA


Chỉ còn ít phút nữa thôi, kim đồng hồ sẽ chuyển sang một niên lịch mới. Con ngồi đây viết những dòng tâm sự với Chúa. Vâng, Chúa ơi, một năm đã sắp trôi qua, một năm có biết bao chuyện vui buồn phiền muộn lo âu sướng khổ... nhưng lúc nào Chúa cũng ở bên con như thể bóng với hình, cho dẫu nhiều khi con đã quên mất sự hiện diện của Chúa!
Tạ ơn Chúa, vì Chúa đã luôn cảm thông với con trong những khi con bồn chồn nóng nảy. Tạ ơn Chúa, vì Chúa đã luôn lắng nghe con những khi con kêu than cùng Chúa. Tạ ơn Chúa, vì Chúa chẳng lìa bỏ con trong những khi con đã toan xa lìa Chúa. Và, tạ ơn Chúa, vì biết baoân thiêng Chúa đã ban xuống giữa đời con!
Bây giờ thì đồng hồ đã chuyển sang ngày mới rồi, Chúa ạ! Người ta đang bắn pháo bông ở những khu vực đông người trong thành phố... Những chùm pháo bông rực rỡ đó có lẽ sẽ làm vui lòng những kẻ giàu sang phú quý, nhưng lại làm tủi buồn biết bao người nghèo khổ cơ hàn. Ánh sáng đẹp đẽ của nó có thể làm cho một góc trời thành phố sáng bừng lên trong chốc lát, nhưng rồi sẽ phơi bày biết bao cảnh nhếch nhác của đường phố sài Gòn dưới những con mắt của người đời! tiếng pháo bông nổ giòn từ xa vang lại khiến lòng con không chút vui, vì nghĩ tới biết bao người sống lang thang trên đường phố Sài Gòn...
Chúa ơi, nhưng lòng con luôn hy vọng vào ngày mai. Ngày mai, ánh mặt trời sẽ xua tan đi màn đêm u tối. Ngày mai, ánh mặt trời sẽ lại hào phóng chiếu những tia nắng ấm trên tất cả muôn loài muôn vật.

Lạy Chúa! Chúa chính là ánh sáng và là niềm hy vọng của con. Xin Chúa hãy thắp lên một tia hy vọng tràn trề giữa tâm hồn của những người đang phải sống trong lầm than u tối. Xin cho mọi người đều có được cảm nhận rằng, chính Chúa mới là những tia pháo bông cho một mùa xuân vĩnh cửu. A-men!