Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

CHÚA GIÊ-SU ĐÃ MỈM CƯỜI VỚI TÔI TRONG LÚC ẤY

4/12/2011
Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng rằng : "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần." (MC: 1,8)

Mỗi năm, cứ đến mùa Vọng, ta lại bắt gặp hình ảnh ông Gio-an Tẩy-giả, một ngôn sứ đặc biệt khác người vì ăn châu chấu và mật ong rừng, vị ngôn sứ đã trở nên quen thuộc với “tiếng kêu trong hoang địa”. Tại sao thế? Sao Chúa lại sai một ngôn sứ đi vào trong hoang địa để kêu gọi lòng người? Có lẽ vì các ngôn sứ đã kêu gọi đến khản cả cổ ở thành thị đông đúc, nhưng chẳng mấy người nghe, và vì vậy đến lượt ông Gio-an Tẩy-giả, ông phải đi vào hoang địa chăng?

Trước kia, tôi thường tự hỏi: “Chúa đã đến với mình chưa?” Tự hỏi xong rồi thì, cũng chính tôi tự trả lời cho mình bằng cái lắc đầu nhè nhẹ. Đó là vì lúc ấy tôi chẳng hề cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Sau này, nhờ vào niềm tin và sự biết ơn mà tôi đặt vào Thiên Chúa, tôi đã nhận ra những lần Chúa đến với mình: Khi thì nhẹ nhàng như có ai đó rón rén đến sau lưng, khi thì như một cơn gió ùa vào giữa trái tim mình, thổi bùng lên bao nhiêu cảm xúc. Chúa đến với tôi qua những con người bình dị mà tôi gặp gỡ trong đời. Lần gần đây nhất là vào dịp lễ thánh Giê-ra-đô vừa rồi, Chúa đến với tôi mới thật là hồng hào và ấm áp làm sao! Lúc ấy, tôi đang ở trong nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp,, Chúa đến với tôi thật bất ngờ ! Tôi cảm thấy Chúa đang ở rất gần tôi, bên cạnh tôi và cả trong tôi nữa. Tôi hết sức mong muốn chia sẻ với ai đó về điều mình vừa cảm nhận, nhưng vì đang trong thánh lễ nên tôi phải giữ lại những cảm xúc ấy cho riêng mình. Giờ đây, tôi có dịp viết ra để chia sẻ với các bạn về cảm nghiệm tôi đã trải qua trong giờ phút ấy .

Đó là lúc tôi nhận ra Chúa đang ở giữa một cộng đoàn gồm những người khuyết tật.
« Hôm ấy là ngày 13/10/2011, các cha dòng Chúa Cứu Thế tổ chức mừng lễ thánh Giê-ra-đô cho người khuyết tật tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vì có ý định tham dự buổi lễ này từ mấy ngày trước, nên mới sáng sớm tôi đã phone cho một người bạn để nhờ anh ta làm tài xế, chúng tôi sẽ khởi hành vào lúc 8g30. Khoảng 8g00 tôi bắt đầu đau bụng dữ dội, tôi biết mình không ổn rồi ! Chứng bệnh này đã đeo đuổi tôi từ 20 năm nay, bác sĩ bảo là vì nhu động ruột của tôi co thắt thất thường. kinh nghiệm bản thân cho biết tôi không nên dùng thuốc, vì sau khi dùng thuốc hậu quả còn tồi tệ hơn. Tôi cứ phân vân giữa hai lựa chọn : đi hay không đi ; đi thì sợ nhỡ có chuyện gì, không đi thì tiếc. Mọi người trong gia đình và cả anh bạn đến làm tài xế cho tôi đều khuyên tôi nên ở nhà, nhưng tôi quyết định cứ đi, giao phó mọi sự cho Chúa. Nói thế chứ trên đường đi tôi bối rối lắm, nhiều lúc đã định bảo người bạn chở tôi về nhà, nhưng rồi lại thôi. Cuối cùng, tôi cũng có mặt trong nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đúng vào lúc thánh lễ được bắt đầu. Tôi dâng lễ mà đầu óc phải đối phó với cơn bệnh, nên cảm thấy rất căng thẳng, có lúc tôi chẳng biết linh mục chủ tế đang nói gì nữa. Có lúc tôi đã định bỏ về, nhưng lại tiếc vì trong thánh lễ sẽ có phần xức dầu cho bệnh nhân, nên đã nán lại. Sau cùng, tôi cũng được anh bạn dắt lên gần cung thánh để nhận nghi thức xức dầu.
Tôi còn nhớ như in, sau khi xức dầu cho tôi, vị linh mục nói khẽ « cafe trắng ». Tôi nhận ra ngay vị linh mục đó chính là chah Lê Quang Uy, vì chỉ có cha Uy mới gọi tôi bằng biệt danh đó. Dọc theo lối về chỗ ngồi chỉ khoảng hơn chục mét, tôi bắt gặp nhiều bàn tay chìa ra với mình. Tôi nghe những lời chúc, lời hỏi thăm thật ân tình, và biết rằng đó là những người bạn khuyết tật vận động. Họ phải ngồi trên xe lăn, nhưng qua cái bắt tay của họ, tôi biết họ đang cố nhoài người ra để nắm được bàn tay của tôi. Những bàn tay to lớn sù sì vì phải lăn xe lăn và chống nạng, khiến tôi xúc động và yêu mến họ biết bao. Họ đã dành cho tôi bao tình cảm chân thành. Tôi biết, họ hiểu rằng tôi không nhìn thấy họ, và chỉ bằng cách nhoài người ra bắt tay tôi thì tôi mới nhận biết sự có mặt của họ. Tôi nắm lấy mỗi bàn tay, xiết chặt và mỉm cười với chủ nhân của nó. Dù rất muốn dừng lại thật lâu với mỗi bàn tay đang chìa ra đó, song tôi không thể, vì sợ làm mất trật tự trong buổi lễ.
Về đến chỗ ngồi, đầu óc tôi choáng ngợp bởi một cảm giác ngọt ngào của hạnh phúc. Chợt lóe lên trong tôi như một ánh chớp, Chúa Giê-su mỉm cười với tôi, khuôn mặt Chúa hồng hào, còn lòng tôi thì ấm áp. Run lên vì sung sướng, tôi chợt nhận ra : Chúa đã gọi mình bằng biệt danh « cafe trắng », Chúa bắt tay mình qua những bàn tay của anh chị em xe lăn... Và, Chúa đã theo tôi về đến tận nhà. Chẳng còn chút nào của sự nhăn nhó cho cái cơn đau ban sáng, tôi trở về nhà với nụ cười và những câu nói tươi vui. »

Chúa đã đến với tôi như thế đó ! Chúa ở lại với tôi trong những tình cảm tôi dành cho anh chị em khuyết tật, Chúa ở lại với tôi qua những gì tôi mong muốn cho những người bất hạnh... Nhưng rồi cuộc sống hỗn độn chung quanh đã làm mờ đi hình ảnh Chúa hồng hào và ấm áp trong tôi. Những sự dữ thế gian và những thú vui êm ái của nó khiến tôi rời xa Chúa. Những phong ba bão táp của cuộc đời đã làm cho thuyền đời tôi chòng chành, tôi không biết níu kéo vào đâu mới nhớ đến Chúa và lại đi tìm Ngài.
Chúa đã đến và vẫn ở bên con người. Nhưng con người chẳng nhận ra Chúa... Cho đến khi con người gặp phải tai ương quẫn bách, khi con người ở giữa những sự nghèo hèn bất hạnh, khi con người cô đơn lẻ loi như ở trong hoang địa... con người mới nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đã đến, nhưng ta có tỉnh táo để nhận ra và quyết giữ cho được Chúa ở lại với mình hay không? Ta cần có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, khi Chúa đến, “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần". thánh Gio-an Tẩy Giả đã rao giảng những lời này, để hướng dẫn chúng ta tìm gặp Chúa và có Chúa ở Cùng.

Nguyện xin Thánh Thần Chúa ban ơn trợ giúp con trong mùa Vọng này, biết dọn đường cho Chúa đến và ở lại trong con. Xin Chúa hướng dẫn con biết đem « niềm vui có Chúa ở cùng » đến với anh chị em của con, Chúa nhé !

TRÔNG ĐỢI
Nhạc và lời: Didier Rimaud – Thể hiện : Lê Anh – Hòa âm: Nguyên Dũng

HY VỌNG SẼ CÓ “NGÀY CÂY GẬY TRẮNG” Ở VIỆT NAM

Theo ước đoán, cho đến nay cộng đồng người khiếm thị tại Việt Nam đã lên tới con số hơn một triệu người. Với mật độ giao thông như hiện nay, vấn đề quảng bá một tín hiệu an toàn giao thông cho người khiếm thị đến toàn dân Việt là hết sức cần thiết. Vì vậy, một số người có tâm huyết trong cộng đồng người khiếm thị đang tìm cách, để quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng một biểu tượng của người mù, đó là “Cây gậy trắng”. Cây gậy trắng không chỉ giúp người khiếm thị dò đường đi , mà còn biểu thị cho thấy rằng, người đang sử dụng nó là một người khiếm thị. Điều này sẽ khiến người mắt sáng dễ dàng nhận biết, và sẵn sàng nhường đường cho người khiếm thị đó, góp phần giúp cho cả hai được an toàn trong khi giao thông.

Từ giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, MỘT SỐ TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI mù ở châu Âu và Hoa-kỳ đã làm những cuộc khảo sát, họ rút ra kết luận rằng: Một cây gậy màu trắng sẽ giúp người khiếm thị được người mắt sáng dễ dàng nhận biết trong khi giao thông. Cho đến đầu thập niên 60, cây gậy trắng đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của người khiếm thị trên đất Mỹ, nó được mọi công dân Mỹ tôn trọng. Và vì thế, người mù ở Hoa kỳ ít gặp rắc rối hơn chúng tôi trong vấn đề giao thông. Nhiều người mù ở Mỹ đã khẳng định rằng, họ cảm thấy tự tin hơn khi đi lại một mình ngoài đường với “Cây gậy trắng”. Họ đã chọn ngày 15/10 hằng năm là ngày “White-Cane Safety Day”, để nhắc nhở mọi công dân Mỹ tôn trọng biểu tượng này của người mù.

Từ những kinh nghiệm của các nước bạn, chúng tôi cũng mong muốn có được “Ngày cây gậy trắng” ở Việt Nam, nhằm mục đích tuyên truyền đến mọi người dân một biểu tượng để nhận biết người khiếm thị trên đường phố.
Thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản, nhưng đi sâu vào tìm hiểu mới biết, bản thân rất nhiều người mù ở ngay TP.Hồ Chí Minh vẫn còn xa lạ với “Cây gậy trắng”. Khi được hỏi “Bạn đang sử dụng gậy đi đường, bạn có biết gậy của bạn màu gì không?”, hầu hết những người mù đi bán dạo ngoài đường phố đều trả lời là không biết. Khi chúng tôi nói về tín hiệu “Cây gậy trắng” và ý nghĩa của nó, những người mắt sáng cũng thừa nhận rằng, đây là lần đầu tiên họ nghe nói.

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có được sự ủng hộ từ phía các cơ quan truyền thông trong nước, nơi có thể giúp chúng tôi quảng bá biểu tượng này đến mọi người dân một cách nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ tích cực giúp đỡ cộng đồng người khiếm thị Việt Nam, chẳng hạn như việc công nhận một ngày đặc biệt, “Ngày Cây gậy trắng để nhắc nhở mọi người dân cùng hợp tác. Trước hết, phải xây dựng ý thức tự bảo vệ mình trong khi đi lại cho người khiếm thị. Song song đó là sự kêu gọi hợp tác của người mắt sáng đối với cộng đồng người khiếm thị. Việc này tuy khó, nhưng nếu được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của mọi thành phần trong xã hội, nó sẽ góp phần xóa bỏ mặc cảm tự ty cho người khiếm thị và nâng cao tính tự lập cho họ.

Với mục đích ấy, chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông đại chúng, hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, biểu tượng “Cây gậy trắng” sẽ được nhiều người biết đến. Chúng tôi cũng mong ước xa hơn, mong sao các giới chức hữu trách sẽ quan tâm giúp người mù Việt Nam, mỗi năm cũng có được “Ngày Cây gậy trắng” như các công dân Hoa-kỳ đã có. “White-cane Safety Day” xuất hiện ở Hoa-kỳ đã 50 năm, hy vọng trong một ngày gần đây, “Ngày Cây gậy trắng” sẽ đi vào lịch sử của người khiếm thị Việt Nam.

Vũ Thủy
Mái Ấm Thiên Ân

Lạy Chúa! Ngày 14/10 sắp tới đây, sẽ có một cuộc họp báo ngay tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu, thầy Phong và một số người có tâm huyết sẽ giới thiệu đến giới truyền thông biểu tượng “CÂY GẬY TRẮNG” của người mù. Xin Chúa giúp cho công việc được thuận lợi, để cộng đồng người khiếm thị Việt Nam có được cái nhìn tôn trọng hơn ngoài xã hội, hầu cuộc sống của họ được thăng tiến, Chúa nhé!

THƯ GỞI CHỊ TÊ-RÊ-SA

1/10/2011
Chị Tê-rê-sa quý mến;

Em viết thư này cho chị, để giãi bày những điều em vẫn trăn trở trong lòng từ bấy lâu nay.

Chị ơi ! Chị đã trải qua những năm tháng sống ở trần gian, hẳn chị cũng biết trần gian là như thế nào rồi? Có lúc em đã nhìn ngắm chị qua phút chiêm niệm, và thấy rằng làm thánh theo đường lối của chị thì thật là đơn giản. Song, đối với em, bản tính vốn ương ngạnh lại chảnh chọe nữa, việc đi theo đường lối của chị cho đến cùng thì cực kỳ khó khăn ! Em cũng có thử mấy lần rồi đấy chứ, nhưng lại bỏ cuộc...
Em rất muốn có được tâm hồn trẻ thơ và tín thác mọi sự hoàn toàn trong tay Chúa. Em muốn lúc nào cũng nép mình trong vòng tay nhân từ của Chúa. Nhưng chị biết không, em khó mà có tâm hồn nhỏ bé như chị được lắm ! Có lẽ vì từ bé, em đã sân si tính toán nên em đã bị già trước tuổi. Em có 7 anh chị em tất cả, em là đứa con thứ tư trong gia đình, thế mà có người vào nhà tưởng em là chị Hai cơ đấy! Lúc mới học lớp Hai, em đã làm kinh doanh rồi. Hồi ấy, em lục lọi đọc sách tập đọc lớp Bốn, lớp Năm, thấy có những chuyện hay hay, liền để bụng copy... Sau đó, em đã làm những cuốn tập nhỏ bằng nửa bàn tay của mình, rồi viết vào đó những câu chuyện bằng bút chì, thế là em đã có một tủ sách tí hon để cho mướn. Mỗi lượt mướn sách truyện của em, mấy đứa bạn phải trả cho em 2 sợi cao su xanh đỏ. Những sợi cao su ấy em đã đan thành dây để chơi nhảy dây mà không phải xin tiền mẹ mua... Nói tóm lại, tuổi em lớn dần, thì sự tính toán kinh doanh của em cũng lớn dần. Em lười đọc sách giáo lý và Kinh Thánh lắm. Cũng may sao em lại được đọc những tác phẩm có giá trị như Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử... những cuốn sách đó em đã đọc khi mới 11, 12 tuổi... Chính nhờ vậy em đã học được các chữ lễ, nghĩa, tín, dũng... Và cũng là Chúa đã thương em mà xô đẩy em vào học ngành Sư phạm. Chứ em đã thi vào trường Tài Chính Kế Toán rồi đấy. Nhưng có cô bạn rủ đi học Sư phạm, đi cho vui vì chiều lòng người bạn. Sự đời lại diễn ra cũng không như em nghĩ, em sau đó đi dạy học còn người bạn ấy thì lại không...

Chị ơi, em lại lan man mất rồi!
Mục đích em viết thư này là để kể cho chị về cái tật kén ăn của mình. Từ nhỏ em đã khó khăn trong việc ăn uống. Em tuy không đòi hỏi ăn những thức ăn ngon và mắc tiền, nhưng lại hay cằn nhằn vì món này sao lại bỏ hành... món kia có mùi mước mắm... món nọ có nhiều mỡ... Món này ăn phải thật nóng, món kia không được hâm lại, cứ để nguội... chắc vua Càn Long cũng không khó tính, khó nết trong ăn uống như em chị ạ! Đã mấy lần em bắt chước chị, cố gắng im lặng nuốt những món ăn đó như uống thuốc độc, nhưng rồi cuối cùng cũng phải cằn nhằn vài 3 câu mới xong! Chị bảo em phải làm sao đây?
Em thấy chị đã vượt thắng được bản thân vì chị đã hết lòng yêu mến Chúa, còn em nói yêu Chúa mà chẳng hết lòng. Em vẫn cứ chiều theo sở thích của mình, để mặc cho Chúa buồn chị ạ!
Chị ơi! Chị là Thánh Quan Thầy của các bệnh nhân, chị cũng biết em là một bệnh nhân mãn tính... Đã ba mươi năm nay, em nhờ bám vào Thập Tự Chúa Ki-tô mà chịu đựng được những cơn đau của bệnh tật, nhưng cứ khỏe lên lại quên mất Chúa! Em thấy chị đã dâng hết những đau đớn bệnh tật của chị lên cho Chúa, để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo và cho mọi người. Chị đã dâng những đau khổ, oan ức của mình vì lòng yêu mến Chúa... Còn em đã chẳng biết tận dụng những cơ hội ấy, thật là đáng tiếc chị nhỉ!
Em thấy chị đã để tâm làm những việc nhỏ nhặt, tầm thường vì lòng yêu mến Chúa... Còn em lại chê việc nhỏ không làm, để rồi cũng chưa bao giờ làm nổi việc gì lớn... Bây giờ em sẽ bắt chước chị làm những việc nhỏ nhặt vì yêu mến Chúa... chắc là em sẽ làm được chị ạ! Nhưng còn việc bắt chước chị hãm mình hy sinh, không cằn nhằn về việc ăn uống thì em thấy khó quá, chị giúp em với nhé!

Thư đã dài rồi, em đi ngủ đây! Ngày mai, em có nhiều việc phải đi và có nhiều người phải gặp gỡ... Em xin chị nhắc nhở em luôn nở nụ cười tươi vui để đem niềm vui có Chúa đến cho mọi người, chị nhé!

See you later,
Em gái của chị,
Thuy

BÉN RỄ VÀ ĐẶT NỀN TẢNG ĐỜI MÌNH NƠI ĐỨC KI-TÔ

21/8/2011
Video MINH TƯỜNG: “LẠY ĐỨC KI-TÔ” -nhạc và lời: LM PHẠM LIÊN HÙNG



Đức Giê-su lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Si-môn Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông : "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi...”
(MT: 16, 15-18)

Lạy Chúa! Con tin Chúa là Đấng Cứu Độ con, Chúa là Đấng Hằng Sống. Con tin rằng quyền lực quỷ thần sẽ không làm gì nổi chúng con, nếu chúng con quyết tâm đi theo con đường của Chúa. Xin cho con giữ mãi được niềm tin này, Chúa nhé!
Tôi vừa viết đến đây thì nhận được cú điện thoại của một bạn trẻ từ giáo xứ Vườn Chuối, bạn trẻ này đang làm MC cho buổi đại hội của giới trẻ Vườn Chuối hướng về ĐHGT Ma-đrit. Lẽ ra tôi cũng có mặt trong đại hội này, nhưng vì sức khỏe không cho phép, đành ngồi nhà cầu nguyện cho các bạn. Bạn Hưng cho tôi nghe tiếng các bạn trẻ hò reo và chào tôi bằng một tràng vỗ tay qua điện thoại. Tôi mỉm cười, nghĩ đến cha Bảo Lộc, cha đã có sáng kiến thật độc đáo. Khi biết tôi không thể tham dự buổi đại hội với giới trẻ Vườn Chuối như đã dự tính, cha đã hỏi tôi có thể nói chuyện một chút với các bạn qua điện thoại được không, và cha đã hẹn tôi ít phút nữa sẽ liên lạc lại...

Bạn Hưng đã phỏng vấn về đức tin của tôi trước và sau khi bị mù. Để kết thúc, bạn Hưng hỏi:
-Chị có lời khuyên gì cho những người trẻ chúng em?
Tôi đáp:
-Nhân nói về đại hội của giới trẻ, với chủ đề “BÉN RỄ VÀ ĐẶT NỀN TẢNG ĐỜI MÌNH NƠI ĐỨC KI-TÔ, VỮNG MẠNH TRONG ĐỨC TIN”, tôi đã có một sự so sánh đối với bản thân mình.
Khi tôi còn trẻ như các bạn, tôi đã từng tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc và sự thành đạt ở đời như bao nhiêu người khác. Tôi cũng đã tìm được vài sự thành đạt, nhưng những cái đó đều chóng qua, rồi lại buồn chán, lại thất vọng... một chuỗi những ngày như thế, tôi chẳng đạt được niềm vui và bình an viên mãn. Cho đến khi tôi bị mù hoàn toàn, những ngày tháng đó, tôi giống như một cái cây con được trồng vào đất, nhưng chưa bén rễ. Cái cây đó chẳng hút được chất dinh dưỡng gì... Rồi tôi được bố tôi đọc cho nghe những bài Tin Mừng, những bài suy niệm Lời Chúa, những cuốn sách viết về tâm linh tôn giáo của các linh mục... Tôi dần dần bén rễ và đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn. Mỗi khi tôi đau khổ và thất vọng, mỗi khi chán nản vì sa ngã, tôi thường nhìn lên thập giá Chúa Ki-tô. Thật là kỳ diệu! Với mỗi tâm trạng khác nhau tôi lại bắt gặp ánh mắt của Chúa Giê-su như an ủi, khích lệ, cảm thông... Tôi học được ở thập giá Chúa Ki-tô sự nhẫn nhịn, khiêm nhường và chịu đựng khổ đau. Mỗi khi tôi đau đớn, tôi thường nghĩ về những dấu đinh của Chúa và phó thác đời mình cho Chúa Ki-tô trên thập giá. Kỳ diệu thay! Tôi cảm thấy như bàn tay Chúa chạm vào tôi, và tôi cảm thấy sự êm ái dịu dàng len vào nỗi đau của mình cho đến khi cơn đau dịu hẳn.
Mỗi khi các bạn gặp khó khăn, vấp ngã, thất bại trong cuộc đời, các bạn hãy nhìn lên thập giá Chúa Ki-tô, các bạn sẽ được an ủi, cảm thông và nâng đỡ. Hãy nhìn lên cây thập giá mỗi khi bạn cảm thấy khổ đau và thất vọng!
Xin chúc cho Đại Hội thu lượm được nhiều hoa trái!

Lạy Đấng Hằng Sống! Xin cho các bạn trẻ luôn biết đặt nền tảng đời mình nơi Đức Ki-tô, con của Ngài, để họ được sống dồi dào và sung mãn trong Ngài luôn mãi!

TIẾNG KÊU CỦA CHIM HẠC

Chiều nay, Cha Hiền, vị linh mục phụ trách lớp Viết Blog tại Trung Tâm Mục Vụ Truyền Thông Công Giáo, đã mời tôi đến chia sẻ tại lớp Giáo Lý Viên về quá trình viết blog của mình. Khi điểm lại quá trình viết blog này, tôi đã nói với mọi người rằng đây hoàn toàn do Chúa muốn tôi làm thế. Quả vậy, trước khi tôi vào học Lớp viết tin tại Trung Tâm Mục Vụ ba ngày, một người bạn khuyên tôi nên viết blog để dạy Toán cấp II cho học sinh qua mạng internet, nhưng tôi đã nói với cô ấy rằng tôi không đủ khả năng làm việc đó và còn bảo “Chị sẽ chẳng bao giờ mở một blog đâu, vì làm sao chị làm nổi!”

Khi còn là một cô bé 15 tuổi, tôi đã từng mơ ước trở thành một phóng viên, và sẽ chuyên phanh phui những chuyện tiêu cực của xã hội. Nhưng nhiều điều kiện và hoàn cảnh đã không cho phép tôi thực hiện ước mơ đó, nên Vừa nghe nói ở Trung Tâm Mục Vụ có những lớp dạy về viết tin và phóng sự, tôi liền đăng ký vào học. Vào học rồi thì mới biết người ta đã bắt đầu sang khóa II. Tôi học lớp viết tin để thỏa mãn cái ước mơ hồi còn bé, chứ một người như tôi làm sao có thể làm phóng viên được. Tôi tự an ủi mình “Học để biết một phóng viên sẽ làm những gì, may ra mình sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích!”

Ngày đầu tiên nghe cha Hiền giảng dạy về viết blog, tôi như vịt nghe sấm, vì cha giảng dạy theo các bước trên monitor. Tôi là một người mù, sử dụng computer phải có chương trình đọc màn hình cho người mù. Thế nhưng tôi cũng không nản chí, tôi nghĩ rằng cái đó mình có thể học hỏi sau, Điều tôi lo lắng là cha yêu cầu phải làm bài tập mỗi ngày. Bài tập mỗi ngày là phải chọn một câu trong Thánh Kinh, sau đó viết hoặc minh họa bằng hình ảnh, video, âm nhạc... Viết bài thì tôi có thể, chứ còn việc chọn lựa hình ảnh và video rồi post lên blog lúc đó là một khái niệm hoàn toàn mù mờ đối với tôi.

Sau buổi học đầu tiên ấy, tôi trở về nhà hí hửng mở computer định bắt tay ngay vào việc. Nào ngờ computer của tôi bị trục trặc và phải đem đi sửa mất hơn một tuần lễ. Trong thời gian đó, vì quá sốt ruột tôi phải mượn máy của người khác để làm blog. Người mù mà phải sử dụng một computer lạ là một điều rất bất tiện, nhưng cuối cùng tôi cũng thiết lập được một blog cho riêng mình.

Để có được blog Tiếng Hạc Kêu Sương này, tôi đã nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh chị em trong nhóm Viết Cho Nhau, nhóm mà chúng tôi quen biết nhau qua việc chia sẻ Lời Chúa vào mùa chay năm 2010. tất cả đều liên lạc qua email... tôi nghĩ, đây cũng là một bước trong kế hoạch của Chúa để tôi viết blog này. Các anh chị em trong nhóm, người thì chỉ cách để post bài, người thì tìm hình minh họa, người góp ý về màu sắc và khổ chữ... Hình con chim hạc trên trang chính của blog là do Sr. Hoàng Yến, một thành viên trong nhóm, đã vẽ giúp tôi. Sau khoảng ba tháng thì blog đã được ổn định, tôi có thể tự làm lấy một mình, trừ việc chọn hình ảnh minh họa là vẫn phải nhờ một anh trong nhóm Viết Cho Nhau. Anh ấy bảo nhờ giúp Thủy việc này mà anh có dịp đọc Thánh Kinh nhiều hơn trước.

Về phần tôi, khi ngồi viết blog, có lúc tôi cảm thấy mình đang đối thoại với Chúa, có lúc tôi cảm thấy mình đang đối thoại với một ai đó mà tôi tưởng tượng là đang theo dõi blog của mình... và có lúc tôi có cảm giác như mình đang nói với chính mình, rồi có lúc bật lên những lời cầu nguyện với Chúa. Tôi không biết khả năng mình có thể theo đuổi blog này đến bao lâu, một năm... hai năm hay ba năm... có lúc tôi không biết viết gì và cảm thấy blog của mình đơn điệu... nhưng chính những lúc ấy chẳng hiểu Chúa thánh Thần đã làm việc ra sao mà tay tôi lại có thể gõ liên tục trên bàn phím... Niềm tin và sức mạnh lại trào dâng trong tôi để tôi viết tiếp... Tôi biết Chúa muốn tôi làm điều này, Chúa khuyến khích tôi viết blog để nói lên những suy tư của mình về những Lời của Chúa!

Một thành viên trong Lớp Giáo Lý Viên đã tiến đến hỏi tôi rằng “Tại sao chị lại chọn cho blog của chị cái tên là Tiếng Hạc Kêu Sương?”. Tôi trả lời bạn trẻ ấy rằng:

Vì blog của Thủy chủ đích viết về Lời Chúa, nên Thủy phải tìm một cái tên có ý nghĩa nghiêm túc một chút. Thủy nghĩ về lời của bài hát “lời con như trầm hương, bay lên tới thiên đình...”, nghĩ tới tiếng vạc kêu sương... Nhưng khi search trên mạng để tìm hiểu về loại chim này, thì lại thấy một tài liệu nói về chim hạc. Chim hạc có cấu tạo thanh quản rất dài, nên tiếng kêu của nó vào những buổi sương sớm rất lớn. Thủy tham lam muốn cho tiếng kêu của mình thật lớn để Thiên Chúa nghe rõ hơn nên đã chọn cái tên này.

Rời khỏi Trung Tâm Mục Vụ, tôi cùng người bạn đi bộ mất hơn 40 phút mới ra tới trạm xe bus. Chúng tôi đón chuyến xe bus Sài Gòn-Củ Chi cuối cùng trong ngày, xuống trạm Ngã Tư Bảy Hiền cả hai chúng tôi còn phải đi bộ thêm 15 phút nữa mới về tới nhà, nhưng chúng tôi đã quen đi như thế rồi. Đầu óc tôi lan man nghĩ về chuyện viết blog, không phải cha Hiền đã bảo tôi viết, mà chính là Chúa đã muốn tôi viết đấy chứ!



22/7/2011

LỄ TRAO GIẢI “NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI”



CẢM NGHĨ CỦA MỘT NGƯỜI THỢ THỦ CÔNG

30/6/2011

Trước khi buổi lễ trao giải thưởng cho những người đoạt giải cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời diễn ra, tôi cứ nghĩ, buổi lễ này rồi sẽ tương tự như bao nhiêu buổi lễ khác. Nghĩa là, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các thành phần tham dự, tổng kết lại cuộc thi, rồi mời những người đoạt giải lên lãnh giải thưởng... xen kẽ sẽ là những bài phát biểu cảm tưởng, vài tiết mục văn nghệ, rồi chia tay nhau trong vui vẻ. Thế nhưng, lời phát biểu của các bậc tiền bối trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật Công Giáo Việt Nam, những người đặc biệt dành tâm huyết cho thơ văn Công giáo đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ.

Dù không thể hiện diện, nhưng sự chuẩn thuận và khích lệ của Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, đã cho tôi cảm giác người cầm bút Công Giáo có một vị chủ chăn hẳn hòi , những lời nhắn gởi của hai nhà thơ linh mục Xuân Ly Băng và Trăng Thập Tự như gói trọn tâm huyết dành cho văn học công giáo. Còn nữa, những lời nhận xét, những tâm sự của các vị tiền bối, cho tôi thấy Chúa có cách làm việc mà con người ta không thể ngờ. Qua phát biểu của các vị, tôi cảm nhận được rằng, Chúa không để cho những người có xu hướng làm nghệ thuật công giáo phải chống chỏi đơn phương. Các vị ấy đang nỗ lực bảo vệ và nhắm tới phát triển nền thi ca Công giáo của Việt Nam.
Nhà thơ Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm chuyên trang Đồng Xanh Thơ, đã thay mặt Ban tổ chức tổng kết toàn bộ cuộc thi. Bản tổng kết dành phần lớn để nói về những việc làm của Cố Linh mục An-rê Trần Cao Tường, người đã cổ võ và đóng góp rất nhiều cho cuộc thi này cả về tinh thần lẫn vật chất. Linh mục Trần Cao Tường đã qua đời vì bạo bệnh, khi cuộc thi vừa được tiến hành hơn 3 tháng. Chính vị Linh mục này đã sáng lập ra Mạng Lưới Dũng Lạc, đã quy tụ được nhiều thành phần cho nền văn hóa nghệ thuật Công Giáo Việt Nam. Mặc dù đã sống lâu năm ở Mỹ, nhưng Cha An-rê vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ, Cha đã để lại cho người Công giáo nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt. Từ điểm này, nhà thơ Cao Huy Hoàng đã giúp mọi người trong khán phòng nhớ lại sự ra đời của chữ quốc ngữ, khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam. Rõ ràng, mục đích hàng đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ là để phục vụ sứ mạng rao giảng Lời Chúa cho người dân Việt. Tôi thiết nghĩ, chữ quốc ngữ ra đời trong một hoàn cảnh như thế không thể không có bàn tay của Thiên Chúa quan phòng. Tôi thoáng nhớ lại những kinh nguyện và hạnh tích các thánh được truyền khẩu mà tôi từng nghe và đọc khi còn rất nhỏ, những bài thơ lục bát... Như vậy, có thể nói thơ ca cũng đã góp phần vào công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. 

Nhà thơ Lê Đình Bảng, một cây đại thụ trong làng thơ Công giáo, đã điểm qua vài nét về một số thi đàn từng xuất hiện ở Việt Nam trước đây. Ông đã đưa ra sự so sánh giữa thi đàn của Công giáo với thi đàn của vài tôn giáo khác. Nhận xét của ông tuy có hơi buồn, song tôi cho rằng theo con đường của Chúa là vậy, luôn có thách thức và trở ngại. Chẳng phải xưa kia Chúa đã từng đơn phương chống chỏi với biết bao sự chỉ trích của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục trên đường rao giảng về Nước Trời sao? Tâm sự của vị tiền bối này khiến tôi cảm thấy mình có phần chưa tròn trách nhiệm trước Chúa.

Một tấm gương nữa cho tôi nhìn vào là nhà thơ Hàn Mặc Tử, một nhà thơ đã viết lên những bài thơ thần sầu, vì đã có những trải nghiệm đau đớn trong cuộc đời. Tôi giả sử rằng, nếu Hàn Mặc Tử không rơi vào những tình huống cô đơn, bi thống như ngày ấy, thì chắc hẳn thi ca Công Giáo Việt Nam đã không có được những vần thơ tuyệt mỹ của ông.

Cha Giu-se Tiến Lộc thì nói rằng “Hiện nay đã có cả hàng chục nghìn ca viên, hàng ngàn nhạc sĩ... có lớp dạy đóng kịch và có người đóng kịch..., nhưng truyện ngắn và kịch bản thì rất hiếm hoi...”. Cha mong muốn sẽ có nhiều kịch bản chất lượng giúp chuyển tải Lời Chúa đến cho các Ki-tô hữu qua lãnh vực kịch nghệ. Điều mong mỏi của Cha chắc hẳn cũng là điều mong mỏi của nhiều vị hữu trách Công giáo khác.

Phần mình, tôi cảm thấy những bài hát, những vần thơ, những tranh ảnh và nhiều tác phẩm khác trong lãnh vực nghệ thuật giúp tôi nâng tâm hồn lên gần với Thiên Chúa hơn. Phân tích những điều trên, tôi nhận ra được vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong đời sống người Ki-tô hữu. Nó giúp các Ki-tô hữu có thể thấy được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, và từ đó giúp biến đổi đời sống tâm linh của họ theo một chiều hướng tích cực. Với những suy nghĩ ấy, tôi cảm thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bằng chút khả năng kém cỏi của mình, tôi sẽ viết lên những điều Chúa linh hứng. Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự trong vũ trụ, mọi ý tưởng tốt đẹp xuất hiện trong đầu ta cũng là do Thiên Chúa sai Thần Khí của Ngài đến làm việc trong ta, ta chỉ làm mỗi một việc là đưa những ý tưởng ấy thành những sản phẩm... Những dòng suy nghĩ này khiến tôi rất vững tâm, vì những gì tôi viết thì đã có Chúa chủ trương rồi. Tôi sung sướng biết bao, khi mình đang được làm một người thợ thủ công của Thiên Chúa!



Lạy Chúa, xin hãy dùng con như một khí cụ bình an của Ngài!

FATHERS’ DAY NĂM 2011

Tôi không thể nào quên giàn mướp của bố, vì nó khiến tôi nhớ lại nụ cười thật tươi trên khuôn mặt sạm nắng của bố khi cùng tôi ngắm những trái mướp non trên giàn. Một quãng đời niên thiếu với một cuộc sống khó khăn thiếu thốn, nhưng đó là quãng đời đẹp nhất của tôi... Những ngày tháng ấy tôi được sống trong môi trường thiên nhiên thật tuyệt, và cuộc sống tuy khổ cực nhưng ấm đượm tình người, tất cả những gì mà tôi trải nghiệm đã trở thành vốn sống cho tôi tự tin bước vào đời...

GIÀN MƯỚP CỦA BỐ

Giàn mướp nhỏ ngang tầm em với
Lá loăn xoăn hoe nắng ngọt ngào
Đủ che nắng một khoảnh sân chập chõm
Bé nhảy dây chơi góc cuối vườn
Mướp vươn mình đùa vui trong nắng
Những nụ hoa xinh xắn bướm liệng bay
Hoa mướp vàng, bướm vàng bay lúng liếng
Góc vườn quê hớn hở lá reo vui. . .

Một buổi sáng, trái mướp dài thon thả
Trả cho đời hương vị của cần lao
Bao công khó bố vun trồng chăm sóc
Em hái lấy những ngọt ngào trong trẻo
Vị đồng quê thơm mát bát canh ngon
Trái mướp non trên giàn đung đưa khẽ
Lẽ ở đời em học sẽ không phai
Khi ăn quả nhớ kẻ dầm sương dãi nắng.

Tôi viết câu kết cho bài thơ : “Khi ăn quả nhớ kẻ dầm sương dãi nắng”, đó là đạo lý ở đời mà bố tôi đã dạy cho tôi khi tôi còn rất nhỏ. Mặc dù năm nay tôi đã 46 tuổi, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in trong trí hình ảnh giàn mướp mà bố tôi trồng khi tôi còn là cô bé 10 tuổi. Mỗi khi nhớ về giàn mướp này, tôi nhớ lại khuôn mặt sạm ĐEN vì dầm sương dãi nắng của bố mình. Tôi nhớ những buổi sáng hai cha con đứng ngắm những nụ hoa mướp kết trái, rồi những trái mướp non lớn dần lên...
Tôi cảm thấy anh chị em tôi như những trái mướp non trên giàn mướp của bố, được bố chăm sóc vun trồng... Những trái mướp non đã chắt lọc những tinh hoa của đất, nhờ vào công sức lao động của người nông dân để rồi trả lại cho đời những hương vị thơm ngon của nó. Anh chị em tôi đã nhờ vào những giọt mồ hôi khó nhọc của bố mà lớn làm người.
Thời gian ấy gia đình tôi nghèo lắm! Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, bố tôi phải dậy thật sớm đạp xe đạp hàng mấy chục cây số từ Trảng bơm, huyện Thống Nhất lên Hàng Xanh Sài Gòn, để làm công nhân. Chiều thứ bảy cuối tuần lại đạp xe về nhà làm rẫy. Bố tôi bảo đạp xe đạp thì tiết kiệm tiền đủ mua được 1 lít gạo cho các con...
Những ngày tháng ấy đã in sâu vào tiềm thức tôi, cho đến tận bây giờ. Mỗi khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc trào dâng. Tôi nhớ những buổi sáng ra thăm vườn, tôi chỉ là cô bé 10 tuổi, kiễng chân lên vuốt ve những trái mướp non, trong lòng cảm thấy sự sống hết sức kỳ diệu. Bố tôi bảo đó là do Chúa ban cho con người, để nuôi sống con người... “Phải biết cảm tạ Thiên Chúa vì những gì Chúa ban cho chúng ta, con ạ!”Tôi biết ơn Thiên Chúa vì Ngài đã tạo ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống, và thật sự biết ơn bố vì tất cả những gì bố đã làm cho tôi. Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, tôi đã viết bài thơ này để cản tạ tình cha, người cha của tôi ởdưới thế và cả Người Cha ở trên trời nữa.

VIDEO CLIP “TÌNH CHA” của MINH TƯỜNG: nhạc PHẠM TRUNG, thơ LM. NGUYỄN TẦM THƯỜNG

DUYÊN KỲ NGỘ ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI THI CA CÔNG GIÁO

Mời các bạn xem Video Clip của Minh Tường:



Trước kia, tuy tôi hay làm thơ, nhưng chỉ mình đọc thơ của mình chẳng dám gởi cho ai vì nghĩ chẳng có ai thèm đọc. Vào đầu năm 2007, với sự khuyến khích của nhà thơ Cao Huy Hoàng, tôi đã gởi đăng bài thơ “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG” lên web site Dũng Lạc. Sau đó ít lâu, cũng chính anh Cao Huy Hoàng phone cho tôi, nói rằng nhạc sĩ Phạm Trung ở Toronto đã phổ nhạc bài thơ này. Như một sự dẫn dắt của Chúa, sau đó tôi và anh Phạm Trung còn nhiều cái duyên kỳ ngộ, chúng tôi cùng là thành viên của nhóm Viết Cho Nhau, và cứ thế anh Phạm Trung đã phổ nhạc được 10 bài thơ của tôi. Tôi biết, anh Phạm Trung vì lòng nhiệt huyết với người khuyết tật, đã khích lệ tôi... chứ phổ nhạc những bài thơ của tôi thì vất vả lắm, vì đa số tôi viết theo thể thơ tự do.

Cái duyên kỳ ngộ còn cho chúng tôi gặp nhau tại Việt Nam. Vào dịp lễ bế mạc Năm Thánh vừa rồi, anh chị Trung-Quý đã về thăm Việt Nam, và anh chị đã đưa tôi đến đền thánh Martin ở HỐ Nai để cầu nguyện. Ở đó, tôi đã chia sẻ với một số đông bệnh nhân của cha Tuyền , tôi nói với họ về những bài thơ ca tụng tình yêu Thiên Chúa của một cô gái mù. Tại phòng khám bệnh của cha Tuyền (đền thánh Martin), chúng tôi đã bàn về việc ấn hành đĩa CD “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG”, cha Tuyền gợi ý bảo tôi đọc lời dẫn cho các bài hát... Thế rồi cũng với sự giới thiệu của anh Cao Huy Hoàng, nhạc sĩ Trần Anh Vũ đã giúp tôi thâu âm cho các lời dẫn đó. Những files âm thanh này được gởi qua Thụy Sĩ cho anh Minh Tường (tác giả của Video Clip CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG). Anh Minh Tường là người làm công đoạn cuối cùng, anh giúp chúng tôi mix các lời dẫn vào bài hát. Sau đó, anh Tường lại cảm hứng bảo tôi gởi cho anh một số hình ảnh sinh hoạt của người mù để làm video clip. Tôi liền xin một số hình ảnh của mái ấm Thiên Ân, nơi tôi đã từng học tập và gởi cho anh. Video Clip “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG” đã được hoàn tất như các bạn đã theo dõi ở trên...

Điểm lại tất cả những sự việc trên đây, tôi thấy có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt chúng tôi, Người đã liên kết chúng tôi bằng tình yêu thương và sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Từ bài thơ “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG”, tôi đã có thêm nhiều người bạn tốt, và những mối liên hệ mới mở ra cho tôi một thế giới đầy ắp tình thương... Tôi còn nhớ một lần tôi dự lễ ở nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, khi trao mình thánh cho tôi, vị linh mục gọi khẽ “café trắng”... Tuy không nhìn thấy gì, song tôi nhận ra đó là cha Lê Quang Uy, vì mỗi lần gặp tôi cha thường hay gọi tôi như vậy.

Tôi đã nói lời cảm tạ Thiên Chúa ở cuối bài thơ “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG”, và cho đến cuối đời, tôi sẽ còn nói biết bao nhiêu lời cảm tạ nữa đối với Ngài. “CÔ GÁI MÙ VỚI LY CAFÉ TRẮNG” cũng chính là cái duyên kỳ ngộ dẫn tôi đến với thi ca Công Giáo, nó đã mở ra cho tôi một lối đi mới trong cuộc đời. Qua những ý thơ, những hình ảnh và những nốt nhạc của chúng tôi, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ cảm nhận được tình yêu và sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người, để cùng nhau dâng những lời cảm tạ lên Thiên Chúa, vị Cha chung của chúng ta ở trên trời. A-men

CÂU CHUYỆN VỀ ÔNG CHA MÙ




Trong một lần nói chuyện với bác Xuân Phúc, một người quen biết của tôi,  tôi đã thấy bác ấy gọi Cha Phao-lô Nguyễn Thực bằng cụm từ “ông cha mù”. Lúc ấy, tôi đã khựng lại, hỏi bác: “Sao bác lại gọi Cha là ông cha mù?”. Bác cười hiền lành: “Chả là Cha Thực chuyên môn giúp đỡ cho người mù mà lỵ!”. Hỏi nữa thì bác cũng chỉ biết rằng hàng tháng Cha Thực cùng giáo dân Hà Đông phát gạo cho cả ngàn người mù,  bác không biết gì nhiều hơn về “ông cha mù” này.

Chẳng phải Cha có vấn đề gì về mắt, sau khi tới giáo xứ Hà Đông để tìm hiểu tôi đi đến kết luận, người ta gọi Cha như thếlà vì lòng yêu mến và cảm phục Cha đấy thôi. Khi tôi hỏi nguyên cớ nào khiến Cha đeo đuổi thương giúp người mù nhiều đến như vậy, Cha Phao-lô như trở lại thời còn là một cậu bé cắp sách đến trường, Cha kể:
  -“Hồi tôi còn bé, mẹ tôi thường cho năm cắc, một đồng để đem đi học có cần thì uống nước. Nhưng cụ lại dặn: ‘Con phải biết thương yêu giúp đỡ người nghèo khổ, nhất là người mù đấy!’ Tôi thường uống nước ở nhà, rồi dùng số tiền mẹ cho để giup những người mù ngồi ăn xin ở gần trường học. Cứ như thế nó thành một thói quen, từ khi tôi học tiểu học, rồi lên trung học, lời dạy của mẹ tôi đã in sâu vào tâm trí. Sau này lớn lên, tôi nhận thấy trong Tin Mừng Chúa Giê-su yêu thương những người nghèo khổ, đặc biệt Chúa thương người mù. Hình ảnh anh chàng mù vứt áo choàng để chạy đến với Chúa Giê-su thể hiện một niềm tin mạnh mẽ vào Chúa. Tất cả những  điều đó đã khiến tôi quyết tâm làm theo lời Chúa dạy là thương giúp người nghèo, đặc biệt tôi thương những người mù chị ạ!”

Tôi hỏi: “Thưa Cha, con được biết mỗi tháng Cha phát gạo và mì cho hàng ngàn người trong các Hội người mù ở thành phố này, vậy Cha đã khởi đầu công việc như thế nào?” Cha cười vui vẻ:
  -“Việc Chúa làm kỳ diệu lắm chị ạ! Vào năm 1999, Cha đang phụ trách xứ Bình An Thượng ở quận Tám, một buổi sáng Cha nghe tiếng người huyên náo ngoài đường, ra xem thì mới biết có một người mù đi bán vé số bị hai thằng sì-ke lừa lấy mất 200 tờ vé số. Ông ta tên là Tiên, thuộc Hội người mù quận Tám. Thấy tình cảnh đó, Cha cho ông ta 100.000đồng rồi kêu gọi mấy người chung quanh nữa giúp ông ta cho đủ số tiền 200 tấm vé số, coi như hùn nhau mua vé số giúp ông ta vậy. Trong vòng một tháng sau đó, hầu như ngày nào cũng có vài ba người mù đến gặp Cha, kêu than bị lừa mất vé số và xin Cha giúp đỡ. Cha nghĩ, cứ một mình Cha thì không thể làm xuể, mà không giúp họ thì thật là khổ cho họ. Thế là Cha kêu gọi giáo dân trong xứ mỗi người góp một chút... Ông Tiên, người bị mất vé số Cha gặp hôm trước đã nói sao đó, nên ông hội trưởng Hội người mù quận Tám mời Cha đến thăm Hội người mù. Cha đến thăm và biết Hội có hơn 80 hội viên. Cha nhẩm tính mình và giáo dân góp nhau vào mỗi tháng phát cho họ 10kg gạo để ít nhất họ không bị đói. Cha đã tìm hiểu và biết hầu như người mù chỉ có hai nghề là bán vé số  và ăn xin... Ăn xin mà có khi có mấy đồng trong nón, đứa nào đi ngang qua lấy mất thì cũng đói... Rồi đến lượt Hội người mù quận Tân Bình, quận 10, quận 11... người ta kháo nhau đến xin Cha phát gạo.”

Qua lời kể của Cha Phao-lô, tôi được biết Cha rời giáo xứ Bình An Thượng về nhậm chức tại giáo xứ Hà Đông vào năm 2001. Khi còn ở giáo xứ Bình An Thượng, số người mù được Cha và giáo dân tại đó cấp phát gạo là 730 người. Cha về giáo xứ Hà Đông thì công cuộc từ thiện này cũng theo Cha về với giáo xứ mới của Cha. Hiện nay, số người mù nhận quà của Cha và giáo dân Hà Đông lên tới 2.600 người, mỗi tháng một người được 10kg gạo và 10 gói mì trị giá khoảng 110.000đồng, tổng chi phí mỗi tháng lên tới hơn 270.000.000đồng. Con số khiến tôi giật mình, mỗi tháng phải chi với ngân sách hơn 270.000.000đồng, địa danh Hà Đông (Gò vấp) không phải là khu dân cư giàu có của Thành phố. Cũng theo lời Cha nói, sở dĩ công việc từ thiện này phát triển là vì Cha đã khơi dậy nguồn nội lực từ hàng ngàn giáo dân và hướng họ vào việc thực thi Lời Chúa Giê-su đã dạy. Tôi hỏi “Cha làm sao có thể quyên góp được nhiều như vậy?”. Cha bảo Cha chỉ kêu gọi mỗi hộ gia đình giúp nuôi một người mù, và mọi giáo dân đều được biết rõ từng bước đi của công việc từ thiện này. Cha còn nói với tôi rằng, là một linh mục Cha có vị thế để làm những chuyện này. Khi giáo dân được kêu gọi làm theo Lời Chúa một cách thiết thực, thì họ sẽ hưởng ứng mạnh mẽ. Dĩ nhiên là giáo xứ Hà Đông cũng có người nghèo, những gia đình nghèo không thể đóng góp thì đã có gia đình khá hơn bù qua xớt lại. Cũng có những gia đình tuy nghèo nhưng lại đóng góp với tinh thần “Lá rách đùm lá nát”. Tôi cũng được biết, tất cả hầu bao của Cha, từ tiền lễ đến tiền bạn bè và người thân của Cha tặng, Cha đều bỏ vào quỹ dự phòng. Quỹ này thường xuyên phải dùng đến, khi giáo dân chưa quyên góp đủ để đi mua gạo và mì cho người mù.

Trên bàn làm việc của Cha có một tấm lịch công tác từ thiện, Cha vừa chỉ cho tôi vừa đọc lên các địa danh nơi có Hội người mù và mái ấm nhận quà của Cha. Các Hội người mù thuộc Sài Gòn, trừ Quận hội quận 1 và quận 2 là không có. Tỉnh Đồng Nai thì có Hội người mù ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Trảng Bơm, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và TP. Biên Hòa . Tỉnh Long An thì Cha giúp cho Hội người mù Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức và Phước Thạnh. Tỉnh Bình Phước thì Cha chỉ mới giúp được Hội người mù ở Bù Đốp. Ngoài ra, còn có các mái ấm nuôi dạy trẻ mù như: Nhật Hồng, Thiên Ân, Thành Đạt, Như Nghĩa, Suối Mơ, Đà lạt; và đặc biệt có một mái ấm nuôi dạy trẻ mồ côi là Truyền tin. Cha phân chia công tác cho các Đoàn thể trong giáo xứ, mỗi đoàn thể phụ trách phát gạo ở vài ba nơi. Cứ đến tháng đến ngày, những người chịu trách nhiệm tới gặp Cha nhận tiền để chi trả.  Cha bảo, những người đi công tác về thường chia sẻ những cảm xúc khi được phục vụ người mù, họ rất hạnh phúc.
Chúng tôi đang nói chuyện thì có một người đàn ông trung niên bước vào, anh ta xin Cha giúp tiền để mua thuốc cho vợ đang bị bệnh. Cha bảo mua thuốc nhiều tiền như vậy thì Cha không có, Cha khuyên anh ra Trạm y tế Phường xin, miệng nói thế nhưng Cha cũng móc túi lấy tiền giúi vào tay anh ta. Quay vào với tôi, Cha nói, một ngày trung bình có khoảng 20 người đến đây như vậy.
Tôi tỏ vẻ thông cảm với Cha: “Thưa Cha, trong suốt mười mấy năm thực hiện việc này, đã có bao giờ Cha phải khốn đốn vì không đủ tiền mua gạo cho người mù chưa?” Cha bảo đã có một lần Cha phải bán xe Honda mới có tiền, đó là giai đoạn Cha vừa thôi chức ở Bình An Thượng nhưng chưa nhậm chức tại Hà Đông. Lúc khốn đốn ấy, vừa may có một người em của Cha tặng cho Cha chiếc xe Honda, Cha bán được 8 triệu để mua gạo. Cha nói thêm: “Việc Chúa làm chị ạ!”

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Cha, quả là việc Chúa làm, nhưng vẫn thắc mắc: “Cha có nghĩ đến một ngày nào đó  Cha không có tiền để mua gạo và mì cho từng ấy người mù không, và nếu điều đó xảy ra thì Cha làm thế nào?” Cha bảo lúc đó Cha sẽ tuyên bố là Cha ngưng nghỉ công việc. Nhưng Cha hy vọng sẽ có những linh mục, hoặc là có ai đó làm tiếp công việc này.” Ngừng một lát, Cha lại nói tiếp: “Chỉ thương cho những người mù, họ rất khó khăn trong cuộc sống, họ là những người không may mắn! Cha làm việc này vì thương họ, Cha vui vì biết rằng mỗi tháng họ có dịp gặp nhau ở trụ sở của họ để lãnh gạo, để có thể chia sẻ với nhau về cuộc sống.” Rồi giọng Cha trầm xuống: “Hội người mù  ở Bù Đăng tỉnh Bình Phước và Hội người mù Buôn Hồ tỉnh Đắc Lắc đã đến xin Cha giúp cho hội viên của họ, nhưng Cha chưa dám nhận vì sợ quá sức của giáo dân. Cha cũng muốn giúp họ lắm nhưng chưa dám!”

Mặc dù đồng cảm với những trăn trở của vị linh mục, song tôi vẫn vừa cười vừa hỏi: “Cha chỉ giúp người mù thôi sao? Còn những người nghèo khổ thì thế nào?” Lúc này Cha mới nói cho tôi biết, Cha có tổ chức một mái ấm tình thương cho con em thuộc gia đình khó khăn trong giáo xứ Hà Đông. Một lần nữa, Cha lại nói về nội lực, sức mạnh của giáo dân. Chỉ trong vòng 10 ngày đầu năm hồi Tết năm Hợi vừa rồi, Cha đã quyên góp từ giáo dân được 500.000.000đồng để xây dựng mái ấm này. Mái ấm dành cho khoảng 40 em có hoàn cảnh khó khăn, vì phải phụ giúp cha mẹ kiếm ăn, việc học trễ nải, hoặc không có điều kiện để ăn học. Mỗi sáng, các em tụ họp tại sân nhà thờ, Cha thuê xe lam chở các em này tới trường. Trưa đến, xe lam lại đón các em về  mái ấm. Tại đây có hai souer phụ trách việc học tập và ăn uống cho các em. Tối đến, các em trở về nhà sống với cha mẹ.

Cha Phao-lô còn cho biết, đã mấy kỳ hè liên tiếp, các phòng học giáo lý và hội họp của giáo xứ được trưng dụng vào cuộc “Tiếp sức mùa thi” cho những em thí sinh nghèo. Được biết, mỗi vòng thi vào Cao đẳng và Đại học diễn ra, ở đây có thể chứa khoảng 80 thí sinh nghèo từ tỉnh lỵ lên thành phố dự thi.
Các hội đoàn của giáo xứ được chia công tác giúp đỡ các em thí sinh này, họ thay phiên nhau nhận trách nhiệm lo cho các em được ăn ở miễn phí trong suốt mấy ngày thi. Nghe đến đây, tôi tự nhủ làm sao Cha có thể quán xuyến nhiều công việc đến thế? Những công việc không những đòi hỏi phải có tâm huyết, sức lực mà còn tốn kém tiền bạc nữa. Tôi biết Cha không được khỏe, bệnh tiểu đường đã đeo đuổi Cha cả mười mấy năm rồi. Chợt liên tưởng đến Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta, tôi cảm thấy Cha Phao-lô có phần nào đang đi theo con đường phục vụ như Mẹ. Có chăng là những đối tượng phục vụ của họ khác nhau mà thôi.

Khi tôi tỏ ý khâm phục những công việc Cha đang làm, Cha Phao-lô tâm sự:
  -“Mình làm cái gì cũng phải xuất phát từ cái tâm con ạ! Xuất phát từ tình thương thì mới có sức mạnh để dám hy sinh mà cho đi. Cha làm linh mục cả đời, Cha cũng có thể tích cóp được một số tiền, 100.000.000đồng chẳng hạn. Cha cũng thoáng có lần suy nghĩ cho tuổi xế chiều của mình. Nhưng nghĩ đến những con người nghèo khổ, họ đang cần đến tiền để chữa bệnh, để qua cơn đói, nghĩ đến những trẻ em cần có điều kiện để học hành...  Cha mới dám cho đi con ạ! Con biết không! Công việc của Cha không phải lúc nào cũng thuận lợi cả đâu! Phải có ơn Chúa thánh Thần chúng ta mới có thể làm được những công việc như thế. Phải khiêm nhường con ạ! Chúa thánh Thần sẽ làm việc thay cho chúng ta. Chúng ta là những con người nhỏ bé, mỗi người chúng ta nỗ lực vì yêu thương, thì vì nỗ lực đó chúng ta sẽ thắp lên được một ngọn nến trong bóng tối. Nhiều ngọn nến sẽ là cả một vùng ánh sáng... Cũng như con, con dùng ngòi bút của mình để viết lên những điều tốt đẹp là con đã thắp lên một ngọn nến. Và những ngọn nến ở nơi này, nơi kia sẽ góp phần làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn!”

Tôi ra khỏi phòng khách của Cha, thì đã có 3 người phụ nữ đợi Cha ở ngoài hiên. Vừa thấy chúng tôi bước ra, mấy người phụ nữ ấy đã xúm vào kể lể với Cha về chuyện túng thiếu của họ. Tôi phải vộ vã tạm biệt Cha để Cha còn giải quyết những công chuyện đó. Ra đến cổng nhà thờ, tôi như còn nghe thấy tiếng Cha nói với họ: “Tôi chỉ còn có ngần ấy thôi, các chị bằng lòng vậy nhé!” Tôi thầm thương cho Cha Phao-lô, vì Cha phải giải quyết quá nhiều công việc. Nhưng nhớ đến lời Cha nói về sức mạnh của nội lực, của giáo dân, tôi không cảm thấy lo nữa, vì đứng sau lưng Cha là cả 2.000 giáo dân đầy nhiệt huyết.

                                                                        13/5/2011
                                                                        Vũ Thủy 

TIẾNG KÊU TRONG ĐÊM



Chị D là một phụ nữ đáng thương, mỗi lần tôi gặp chị lại được nghe chị kể những chuyện không vui của gia đình chị!
Trước đây chị là một cô gái xinh đẹp, chị lấy chồng sinh con và cũng hạnh phúc như bao phụ nữ khác. Kể từ ngày chị bị mù, chị bị chồng hành hạ đủ thứ... chuyện chồng chị đi đêm về hôm chị cũng đành chấp nhận để tránh khỏi một cuộc ly dị... Nhưng anh ta chẳng để cho chị yên thân, kiếm chuyện để bắt chị phải ly dị, gia đình chị là một gia đình công giáo, chị không thể làm vậy, vả lại chị còn hai đứa con gái đang tuổi ăn học... chính chị là người phải bươn chải để lo cho ba mẹ con vì anh chồng đã nói thẳng vào mặt chị: “Bà phải biết tôi là một thằng chồng vô trách nhiệm!” Cũng chính vì cái người chồng “vô trách nhiệm” ấy mà chị đã từng phá thai, giết hại một trong những đứa con của mình...

Sáng nay, tâm sự với tôi, chị chợt hỏi “Cầu nguyện cho các linh hồn bị chết vì phá thai, thì cầu nguyện làm sao hả Thủy?” Tôi bảo chị cứ cầu chung cho các linh hồn là được. Chợt chị bảo tôi: “Mình nghe thấy tiếng đi trên cầu thang, tưởng có ai gọi cửa lúc đêm khuya, rồi mình nghe tiếng nó gọi ‘Mẹ ơi! Mẹ ơi!’ Tiếng nó khoảng ba tuổi, tại mình mù không nhìn thấy nó, giá mình nhìn được, mình sẽ biết mặt nó ra sao!” Tôi ngắt lời chị: “Chị đang nói về điều gì vậy?” Chị D ngập ngừng rồi nói: “Mình đã từng phá thai, Thủy ơi! Bây giờ con mình nó cứ về gọi ‘Mẹ ơi! Mẹ ơi!’, hồi đó mình mang thai hơn hai tháng rưỡi, một ông thầy lang bắt mạch cho mình bảo nó là con trai. Giá mình sanh nó ra thì bây giờ mình cũng có con trai... Hồi đó ông xã mình đánh đập mình dữ lắm, đến nỗi tưởng gẫy xương, trong lúc mình đang mang thai. Ông ấy bảo “Bà phải biết tôi là thằng chồng vô trách nhiệm” bà sanh nó ra thì bà nuôi, tôi không biết đến... Mà hủy thấy mình mù lòa làm sao đây! Thế là... ”

Tôi hỏi chị d: “Chị đã trình bày chuyện này với cha giải tội chưa?” Chị bảo chị đã xưng tội với cha, cha khuyên chị nên cầu nguyện cho các linh hồn bị chết vì nạn phá thai. Rồi chị lại kể cho tôi nghe về những tiếng kêu trong đêm. Tôi trấn an chị: “Có lẽ vì lương tâm chị cắn rứt, nên chị bị những ảo giác đó thôi!” tôi cố giải thích cho chị D nghe về những ảo giác mà con người ta vì sợ hãi, áy náy lương tâm mà cảm thấy... Chị bảo chị chẳng biết làm sao, nhưng kể cho tôi nghe rồi chị cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi khuyên chị nên đọc kinh Mân côi cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ sẽ nâng đỡ chị và ban bình an cho chị. Tôi cũng hứa với chị là sẽ nhớ đến chị trong khi cầu nguyện.

  Mẹ Maria ơi! Mẹ hãy đoái thương đến những phụ nữ có số phận đau khổ như chị D. Xin Mẹ nâng đỡ những người mẹ mang thai trong hoàn cảnh như chị D có đủ can đảm, để bảo vệ đứa con đang còn trong cung lòng của mình, Mẹ nhé!

RỬA CHÂN CHO ANH EM



21/4/2011
“Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’.  Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
(GA: 13, 13-15)

Chiều nay, trong lúc dự chầu Thánh Thể, tôi cảm thấy thương Chúa vô hạn. Tiếng đàn chơi đoạn nhạc dạo cho ca đoàn hát chầu Thánh Thể càng da diết, càng khiến tôi buồn sầu, vì tôi thấy mình tệ bạc chưa đáp lại tình yêu của Chúa. Lúc đó chung quanh tôi đông nghẹt người, nhà thờ không có đủ chỗ ngồi, người ta ngồi chật kín cả sân, nhưng tôi lại hình dung ra cảnh Chúa nằm lẻ loi trong nhà chầu Thánh Thể vào những ngày thường. . . những ngày đó nhà thờ rất vắng người, Mình Thánh Chúa cứ nằm chờ đó, tôi thì thầm: “Chúa ơi! Chúa đã chờ con mà con nỡ hững hờ, Chúa đã buồn tủi vì con viện nhiều lý do để không đến với Chúa!”

Trước đó, Cha chủ tế đã giảng về ý nghĩa của hai việc quan trọng Chúa Giê-su đã làm trong bữa tiệc ly. Năm xưa, Chúa Giê-su vì yêu nhân loại, đã lập ra bí tích Thánh Thể để được ở mãi với nhân loại. Chúa Giê-su cũng đã để lại cho nhân loại một giới luật rất quan trọng: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em!”, và Người đã làm gương cho mọi người qua việc rửa chân cho các môn đệ. Tôi kiểm điểm lại mình, thấy mình sao tệ quá! Tôi đã có khi nào khao khát Chúa Giê-su Thánh Thể chưa?  tôi có thực sự yêu thương anh em như Chúa giê-su đã nêu gương chưa?
Một kỷ niệm đã lâu bỗng trở về với tôi trong chiều nay, khiến tôi cảm thấy vui trở lại. Trong không khí Giáo hội toàn cầu đang cử hành những nghi thức tưởng niệm Chúa giê-su chịu thương khó như thế này, mà tôi vui thì Chúa có buồn không? Và tôi tự trả lời cho câu hỏi của mình: “Chúa không buồn đâu nhỉ? Vì ít nhất con đã một lần phục vụ anh em như Chúa năm xưa! Điều đó đã làm cho con hạnh phúc như được phục vụ chính Chúa vậy!”
Tôi nhớ lại câu chuyện mình đã rửa chân cho một người đàn ông xa lạ, anh ta bị một vết thương rất nặng ở bàn chân. Lúc đó tôi đang bán thuốc tây tại nhà của mình, anh ta đến hỏi mua mấy viên Am-pi. Trong khi chờ tôi lấy thuốc, anh hỏi tôi: “Bị vết thương uống Am-pi có khỏi không cô?”. Tôi đề nghị anh đưa cho tôi xem vết thương, anh chìa một bàn chân ra trước mặt tôi, bàn chân đầy đất cát và đỏ mọng. qua tìm hiểu, tôi biết anh đã cuốc phạm vào chân từ chiều hôm trước, vết thương đã viêm tấy mà anh ta chẳng chịu chăm sóc gì cả. Tôi bảo anh rằng: “Anh chỉ uống Am-pi mà không chịu chăm sóc vết thương thì không khỏi được đâu!”. Tôi đưa thêm cho anh một chai oxygene và bông băng, rồi hướng dẫn cho anh cách chăm sóc vết thương. Nhưng nhìn vẻ mặt của anh, tôi biết anh chẳng thèm nghe, dường như anh nghĩ là tôi bày vẽ ra để bán được hàng.
  Tôi nói:
  -Anh không chịu rửa sạch vết thương này thì coi chừng anh sẽ phải bị cưa chân đấy!”
Có lẽ tôi đã lo sợ cho anh ta còn hơn là anh ta đã lo sợ cho vết thương của mình. Tôi cảm thấy ái ngại cho anh ta, nên quyết định rửa vết thương giùm anh. Tôi bảo anh vào đợi tôi đi lấy nước. Tôi đặt trước mặt anh một thau nước lớn, rồi đi vào nhà trong chuẩn bị một thau nước nhỏ. Khi quay ra tôi vẫn thấy anh ngồi im, hai bàn chân lấm lem với một vết thương sâu hoắm. Tôi tưởng anh sẽ rửa sạch bàn chân trước khi tôi chăm sóc vết thương giùm, ngờ đâu anh cứ trơ mắt nhìn mình. Tôi miễn cưỡng bảo anh thả bàn chân đau vào nước, rồi ngồi xuống kỳ cọ đất cát cho anh ta. Lần đầu tiên trong đời, tôi gặp phải tình huống này, chậu nước càng đen tôi càng cảm thấy gớm ghiếc. Tôi định bỏ cuộc, nhưng lại sợ anh ta không biết chăm sóc vết thương thì đến phải cưa chân mất. Tôi chợt nhớ đến việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, Chúa là “Chúa” mà còn rửa chân cho các môn đệ, Chúa muốn tôi cũng phải phục vụ người khác như Chúa đã phục vụ. . .
Tự nhiên tôi thấy mình phấn chấn hẳn lên, không còn thấy gớm ghiếc nữa. Tôi đã kỳ cọ cái chân đau của anh ta một cách gượng nhẹ, và thay nước mấy lần, cho đến khi thau nước trắng phau. . . Chưa bao giờ tôi băng bó được một vết thương gọn ghẽ đến thế, tôi làm cẩn thận và nhẹ nhàng như làm cho chính mình vậy. Suốt mấy ngày sau đó tôi vui lắm, tôi cảm thấy Chúa rất hài lòng về mình. . .

Chiều nay nhớ lại việc làm đó, một việc làm hiếm hoi trong cuộc đời, tôi nhận ra mình vẫn chưa chu toàn theo lời trăn trối của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con!” Tôi nhớ đến việc Chúa Thánh Thể vẫn đang khao khát chờ mình, còn tôi thì nhận lãnh Chúa như một sự gì rất bình thường. . . chỉ khi tôi buồn khổ muộn phiền tôi mới thực sự tìm Người, để được Người nâng đỡ. . . Ôi, ước gì tôi luôn nghĩ đến Chúa như trong khi tôi rửa chân cho người đàn ông xa lạ ấy!

  Lạy Chúa! Con là đứa con gái tệ bạc! Sao Chúa vẫn mãi thương con! Tình yêu của Chúa chẳng thể nào con đền đáp nổi, Chúa ơi!